Total Pageviews

Popular Posts

Search This Blog

Followers

Pages

Wednesday, April 20, 2011

VAN HOA SONG NUOC O VIET NAM

I. GIỚI THIỆU SÔNG NƯỚC VIỆT NAM

Đất nước Việt Nam có một nguồn tài nguyên thiên vô cùng phong phú: rừng vàng, biển bạc, ruộng lúa phì nhiêu, cây cối xanh tươi bốn mùa đơm hoa kết trái. Con người Việt Nam có một lòng yêu quê hương đất nước thật nồng nàn tha thiết; chính từ tình yêu quê hương tha thiết ấy đã hình thành trong tâm hồn người dân Việt một tình cảm gắn bó sâu đậm với thiên nhiên, sống hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp muôn màu muôn vẻ.

Nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết nắng ẩm mưa nhiều nên đất nước Việt Nam có một hệ thống sông ngòi đa dạng, chằng chịt, được phân bố rải rác khắp nơi. Hầu như miền nào, vùng nào cũng có sông nước, kênh rạch. Những con sông thơ mộng, hiền hòa vẫn hàng ngày, hàng giờ gắn liền với cuộc sống bình dị của người dân, mang dòng nước tắm mát cho đời. Những con sông mà tên tuổi đã theo người Việt Nam vào những trang sử thắng giặc ngoại xâm hào hùng và oanh liệt. Những con sông đã tạo nên nguồn cảm hứng cho những áng thơ văn bất hủ trong nền văn thơ nước nhà.

Hình ảnh sông nước hiện diện ở khắp mọi nơi trên mảnh đất Việt Nam. Mãi tận vùng đồi núi phía Bắc là con sông Kỳ Cùng, con sông bắt nguồn từ miền Đông Bắc nước ta, chảy ngược lên phía Bắc đổ vào sông Tây Giang ở Trung Quốc; con sông Lục Nam bắt nguồn từ Trung Quốc là con sông lớn nhất khu vực này. Tuy nhiên, ở vùng đồng bằng Bắc bộ, con sông lớn nhất là sông Hồng, nó bắt nguồn từ dãy núi Ngụy Sơn, gần hồ Đại Lý (Vân Nam - Trung Quốc) chảy vào nước ta ở vùng Hà Khẩu (Lào Cai), lưu lượng sông rất lớn (từ 700m³/s đến 28.000 m³/s), hàng năm chuyển tải một khối lượng phù sa lớn (130 triệu tấn) lấp dần vịnh Biển Đông để tạo nên một đồng bằng rộng lớn, màu mỡ (hơn 15.000km²). Cùng với sông Hồng, sông Thái Bình cũng là một con sông lớn, bù đắp phù sa cho miền đồng bằng Bắc Bộ. Sông Đà, thường vẫn được coi là nhánh của sông Hồng, nhưng trong thực tế, hằng năm sông này cung cấp đến gần một nửa tổng lượng nước của hệ thống sông Hồng hợp lại. Khả năng cung cấp năng lượng thủy điện cho nhiều vùng rộng lớn ở miền Bắc do trữ năng lý thuyết của toàn bộ khu vực có thể đạt đến 59,30 tỷ Kwh. Ngoài ra, còn một số con sông là phụ lưu của sông Hồng như sông Lô, sông Gâm, sông Chảy, sông Thao, sông Đáy.

Sông Bạch Đằng hiểm yếu mà hùng vĩ, chảy giữa hai huyện Hưng Yên (Quảng Ninh) và Thủy Nguyên (Hải Phòng), cách Vịnh Hạ Long khoảng 40km.

Xuôi một chút về miền Bắc Trung Bộ, con sông Mã bắt nguồn từ Tuần Giáo và Pu Sam chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và đổ ra Biển Đông. Cùng với sông Chu, phù sa của sông Mã đã tạo nên đồng bằng Thanh Hóa.

Sông Cả (hay sông Lam) cũng góp phần tạo nên những đồng bằng nhỏ ở Nghệ An.

Chảy hiền hòa trong thành phố Huế, vùng đất kinh kỳ xưa, là con sông Hương thơ mộng. Sông Hương với các phụ lưu của nó là sông Bồ, Hữu Trạch và Tả Trạch uốn khúc qua đồng bằng Huế để chảy ra phá Thuận An, đồng bằng này nằm kéo dài dọc theo một dãy đầm và phá dài hơn 70km, rộng hơn 10km và sâu chừng 10m.

Đà Nẵng có con sông Hàn, sông Thu Bồn; Quảng Ngãi có con sông Trà Khúc, Trà Bồng; Phú Yên có sông Đà Rằng; sông Cái ở Nha Trang, sông Trà Dục chảy xuống Ba Ngòi (Cam Ranh), sông Lũy ở Phan Rí… Tất cả các con sông ở miền Trung đều ngắn, rất khó khăn cho việc lưu thông.

Tây Nguyên có sông Aydun và sông Ba, sông Sêrêbôc…

Miền Đông Nam bộ có hệ thống sông Đồng Nai, có một mạng lưới sông nhánh khá rậm rạp, trong đó các nhánh chính là sông La Ngà ở tả ngạn, sông Bé, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ ở hữu ngạn. Do bắt nguồn từ những hướng khác nhau nên tạo cho hệ thống sông một lưu vực rộng lớn. Bản thân sông Đồng Nai lại bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên sau chỗ hợp lưu của hai sông Đa Đưng và Đa Nhim. Tổng lượng nước mặt lên đến 30 tỷ m³/năm.

Đồng bằng Tây Nam Bộ là vùng đồng bằng rộng lớn nhất nước ta được bồi đắp bởi phù sa của con sông Cửu Long (sông Mê Kông). Bắt nguồn từ Campuchia, sông Cửu Long chia ra làm hai nhánh chính: sông Tiền và sông Hậu tạo nên những vùng đất đai màu mỡ và trù phú.

Trên đây chỉ mới liệt kê ra tên của một số con sông nổi tiếng và quan trọng trong hệ thống sông ngòi có đến 2.860 con sông có chiều dài từ 10km trở lên ở Việt Nam.

Hệ thống sông ngòi chằng chịt với nhiều sông lớn này đã góp phần tạo nên cho Việt Nam một nguồn sống, một nguồn kinh tế dồi dào. Hơn thế nữa, hệ thống sông ngòi trải đều trên khắp miền đất nước đã tạo nên một bản sắc văn hóa rất riêng cho Việt Nam, bản sắc văn hóa của cư dân văn minh lúa nước, của trong lịch sử.

II. TÁC ĐỘNG CỦA SÔNG NƯỚC TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN VIỆT NAM

Đối với người dân Việt Nam, sông nước có những lợi ích vô cùng quan trọng trong đời sống hàng ngày cũng như trong sự phát triển văn hóa, kinh tế.

Nhiều dòng sông là nguồn cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt và đời sống hàng ngày của người dân.

Ở các công trình thủy lợi, các con sông là nguồn nước tưới tiêu quan trọng cho cây cối, ruộng đồng, bảo đảm lương thực cho đời sống của người dân.

Sông nước là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho các công trình thủy điện.

Sông nước còn là nơi cung cấp nguồn thủy hải sản phong phú. Hàng năm, các con sông, các vùng biển ở Việt Nam cung cấp hàng vạn tấn cá tôm phục vụ cho xuất khẩu ra nước ngoài và cho nhu cầu thực phẩm của người dân.

Sông nước còn là huyết mạch giao thông quan trọng cho nhu cầu đi lại của người dân. Sông nước còn là đầu mối thông thương trong nước cũng như ngoài nước. Các cảng sông, cảng biển được thiết lập để phục vụ cho nhu cầu giao lưu, buôn bán giữa các vùng, là nơi giao thương với các quốc gia khác.

Việt Nam có bờ biển chạy dọc theo suốt chiều dài của đất nước, là nguồn cung cấp muối, nguồn cung cấp khoáng sản phục vụ cho phát triển kinh tế, phục vụ cho nhu cầu thiết yếu trong đời sống của người dân.

Sự hình thành của các vùng đồng bằng châu thổ là do phù sa của các dòng sông bồi đắp, là “món quà của các dòng sông”. Hàng năm phù sa các con sông Hồng và sông Cửu Long đã bồi đắp để hình thành thêm các vùng châu thổ rộng lớn. (Mỗi năm, phù sa sông Cửu Long bồi đắp thêm ra hàng trăm mét).

Bên cạnh việc mang lại những lợi ích thiết thực trong đời sống như trên, hàng năm, vào mùa mưa bão, các con sông dâng nước gây lũ lụt làm thiệt hại rất nhiều về người và của.

III. CÁCH THỨC ỨNG XỬ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM ĐỐI VỚI SÔNG NƯỚC

Con người Việt Nam vốn có tinh thần cần cù, chịu thương, chịu khó và một trí thông minh tuyệt vời. Chính bản chất ưu việt này đã giúp con người Việt Nam có được những phương thức ứng xử rất đa dạng, rất riêng biệt đối với thế giới tự nhiên.

Với trí thông minh của mình, ngay từ thời xa xưa trong lịch sử, ông cha ta đã nắm bắt được các quy luật của giới tự nhiên, dựa trên các quy luật này bắt tự nhiên phục vụ cho cuộc sống của chính mình. Những sáng kiến ấy được áp dụng trong mọi hoàn cảnh và mọi thời gian. Điều này đã được minh chứng một cách hùng hồn trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc qua hai trận chiến thắng lẫy lừng trên sông Bạch Đằng.

Lần thứ nhất là vào năm 938, dưới sự chỉ huy tài ba của Ngô Quyền, với sự đồng lòng góp sức của toàn dân, những chiếc cọc nhọn đã được chôn xuống lòng sông Bạch Đằng, nắm bắt được quy luật lên xuống của thủy triều dụ chiến thuyền địch rơi vào thế trận bày sẵn của quân ta làm nên trận chiến thắng lẫy lừng mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ cho dân tộc.

Lần thứ hai là vào năm 1288, khi quân Nguyên Mông thế mạnh như thác lũ, mang vó ngựa trường chinh với mưu đồ chinh phạt toàn thế giới, đang chiến thắng như chẻ tre từ Âu sang Á, mang đạo quân hùng mạnh ấy sang thôn tính nước ta. Ngờ đâu, gặp phải sức kháng cự mãnh liệt của quân và dân ta dưới tài chỉ huy của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, trận Bạch Đằng lần thứ hai đã dìm tinh thần và khí thế của đạo quân Nguyên Mông xuống tận đáy sông sâu. Chiến thắng liệt oanh này đã đưa tên Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn vào hàng ngũ những tướng chỉ huy tài ba nhất thế giới qua mọi thời đại.

Không phải chỉ biết dùng sức nước để đánh giặc, dân tộc Việt Nam còn biết lợi dụng sức mạnh của các sông nước phục vụ cho đời sống sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Những con sông lớn có dòng nước chảy xiết, những dòng thác lớn là nơi thuận tiện để thiết lập các nhà máy thủy điện, cung cấp năng lượng, mang lại nguồn sáng văn minh cho con người. Nhân dân ta đã xây dựng hai nhà máy thủy điện năng suất cao là Nhà máy thủy điện sông Đà trên lưu vực sông Đà và Nhà máy thủy điện Trị An trên sông Đồng Nai cũng chính là từ nắm bắt được quy luật của tự nhiên, nắm bắt được sức mạnh của sông nước. Đã có rất nhiều nhà máy thủy điện tiếp tục được xây dựng để phục vụ cho đời sống của nhân dân và cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà như thủy điện Thác Bà, Thác Mơ, Đa Nhim…

Ở vùng đồi núi phía Bắc, những dòng điện thu được từ dòng suối uốn khúc quanh co như ở ngay đồng bằng, làm thắp cháy những bóng điện không chỉ trong thị trấn nhỏ đẹp mà còn cả trong các làng bản bao quanh, làm hoạt động các máy bơm nước khi hạn hán đe dọa các thửa ruộng nằm trên các bậc thềm cao và các máy nông nghiệp đơn giản khác.

Ở những vùng sông nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, những vùng thường xuyên bị khô hạn, người ta xây dựng những công trình thủy lợi ngăn ngừa lụt ở các con sông lớn, đem nước vào những ruộng cao, tháo nước vào những vùng đồng thấp, thau chua rửa mặn tạo nguồn nước ngọt cung cấp nguồn nước tưới tiêu phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Với địa hình sông nước dày đặc rải rác khắp mọi nơi trên đất nước, người dân Việt Nam phải đối đầu với những hiểm họa do thiên tai gây ra. Hàng năm, thiên tai đã đã gây ra thiệt hại nhiều về người và của, trong đó thiên tai do nước gây ra là lớn nhất. Có đến trên 70% dân số của Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai do nước gây ra. Vào những năm trời mưa bão lớn cộng với sự dâng cao của thủy triều từ các con sông liên tiếp gây ra các trận lũ lụt nặng nề. Lũ lụt cuốn trôi nhà cửa, làm chết người và súc vật, có thể làm tràn nước mặng vào đồng ruộng. Để khắc phục và đối phó với hiểm họa thiên tai do lũ lụt gây ra người dân Việt Nam ở các miền khác nhau lại có những cách đối phó và thích ứng khác nhau.

Ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, nhân dân ta đã tiến hành đắp đê phòng chống lũ lụt. Đê điều là một công trình hết sức công phu, được đắp bằng tay, tốn biết bao công sức, của cải của nhân dân phải trải qua thời gian dài mấy trăm năm mới được như ngày hôm nay.. Với hơn 3000 km đê sông, 1500 km đê biển, sau nhiều lần tu bổ, hệ thống đê đồng bằng sông Hồng có chiều cao từ 6m-8m, nhiều nơi đến 11m và là hệ thống đê điều có quy mô lớn trên thế giới. Đến mùa lũ, toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ nằm dưới mức lũ từ 2m-4m, với các cơn lũ đặc biệt lớn thì từ 4-6m. Sự phát triển kinh tế xã hội của đồng bằng Trung du Bắc Bộ được bảo vệ bởi hệ thống đê điều.

Miền Trung cũng phải đối mặt gay gắt với bão lũ, hạn hán, gây thiệt hại ở cả đất liền và ngoài biển.

Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm lũ lụt cũng gây thiệt hại lớn về người và của.

Hơn 20 năm qua, đồng bằng sông Cửu Long từ chung sống với lũ đến chủ động thích nghi, đi từ khắc phục thiên tai trong mùa khô hạn để chủ động cao hơn trong mùa lũ..

Phương tiện đi lại phổ biến và chủ yếu ở Việt Nam từ ngàn xưa là giao thông đường thủy. Giao thông đường thủy tuy khó khăn phức tạp và nguy hiểm hơn giao thông đường bộ (tục ngữ Việt Nam có những câu như: Ngày đàng không bằng gang nước; Đi mười bước xa hơn ba bước lội….), nhưng nó lại là phương tiện đi lại phổ biến vì Việt Nam có địa hình sông nước. Ngày xưa người ta còn làm những con sông đào nối liền các phà và các sông lớn với nhau. Việt Nam lại có bờ biển rất dài nằm trong khu vực gió mùa, tất cả những nhân tố đó tạo điều kiện thuận tiện cho giao thông đường thủy Việt Nam phát triển.

Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các đô thị Việt Nam trong lịch sử đều là những cảng sông, cảng biển: Việt Trì, Hà Nội trên sông Hồng; Thanh Hóa trên sông Mã; Vinh trên sông Cả; Huế trên sông Hương; Đà Nẵng ở cửa sông Hàn; TP. Hồ Chí Minh trên sông Sài Gòn; Cần Thơ trên sông Hậu; rồi Vân Đồn, Phố Hiến, Hội An xưa và Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phan Rang, Phan Thiết, Vũng Tàu nay đều là những cảng biển.

Trong khi ở Trung Hoa gốc du mục với những bình nguyên rộng lớn, cái sang trọng của vua chúa thể hiện ở những cỗ xe tam mã, tứ mã thì ở phương Nam sông nước, thuyền rồng là biểu tượng của quyền uy. Ở Việt Nam ngay cả khi ông táo bay lên trời cũng cưỡi trên lưng cá chép; con rồng tung hoành ngang dọc bốn bể thì cũng có nguồn gốc là con thuồng luồng dưới biển mà thôi.

Phương tiện giao thông và chuyên chở trên sông nước Việt Nam do vậy mà hết sức phong phú: thuyền, ghe, xuồng, bè, mảng, phà, tàu… Con thuyền gắn bó với sinh hoạt, đời sống, phong tục, lễ hội của người dân vùng sông nước đồng bằng Bắc Bộ từ xưa đến nay. Thuyền rồng để vua dùng được gọi là “thuyền ngự”. Thuyền rồng trong lễ hội dân gian mang ý nghĩa linh thiêng, trang trọng.

Thuyền còn có rất nhiều loại: thuyền thúng, thuyền thoi, thuyền mành, thuyền lươn, thuyền đinh, thuyền cóc, thuyền chài, thuyền rồng, thuyền độc mộc, thuyền tam bản… Từ thời Đông Sơn, người Việt đã đóng những con thuyền có hình dáng đa dạng, sức chở lớn, có loại bọc đồng, vượt biển đi tới các nước Đông Nam Á. Theo sách Tấn Thư thì từ thế kỷ thứ III, ở Giao Chỉ đã có những con thuyền đi trên biển có thể chở từ 600-700 người hoặc một số lượng lớn hàng hóa. Năm 1407, sau khi xâm lược Đại Việt và đánh bại nhà Hồ, quân Minh đã thu về 8865 chiếc thuyền; Trương Phụ cho lùng bắt được 7700 thợ giỏi Việt Nam thuộc nhiều người khác nhau đưa về Trung Hoa, trong đó có nhiều thợ đóng thuyền giỏi, họ đều bị đưa về làm việc trong các xưởng đóng thuyền lớn của nhà Minh. Triều đình lại hạ chiếu sai tướng Hoàng Phúc tìm bắt thêm; Hoàng Phúc đã cho lính đi lùng sục khắp nơi bắt thêm được hàng ngàn thợ đóng thuyền và năm 1413 đã đưa số này về Yên Kinh.

Thời Lê, những con thuyền hạng nặng dài khoảng 26-30m, rộng từ 3m6-5m, có từ 34-50 mái chèo, trọng tải khoảng 35-50 tấn. Hồi ký của Alexandre de Rhodes ghi lại rằng theo sự đánh giá của người Hà Lan thời đó, các thuyền chiến của chúa Trịnh và chúa Nguyễn có thể đánh bại các thuyền lớn của Hà Lan từng được phương Tây coi là “chủ nhân của An Độ Dương”.

Theo lời của J. Barrow, Hội viên Hội khoa học Hoàng gia Anh, người đã đến Đàng Trong cuối thế kỷ XVIII, thì “có một ngành đặc biệt trong các nghề mà xứ Đàng Trong hiện nay có thể tự hào được, đó là kỹ thuật đóng thuyền biển. Thuyền của họ rất đẹp, thường dài từ 50 - 80pieds (1pieds = 0.3m). Những người chèo mặt nhìn về phía trước chứ không ngoảnh về sau như người phương Tây… Năm 1820, Đại tá hải quân Mỹ White đã nhận xét: “Người Việt Nam quả là những nhà đóng tàu thành thạo. Họ hoàn thành công trình của với một kỹ thuật hết sức chính xác (Viện sử học 1979:214-218. Ghe thuyền được xem như con người, nhiều nơi ở Việt Nam có tục vẽ mắt thuyền, người ta tin rằng con mắt ấy sẽ giúp cho thuyền tránh khỏi sự tấn công của các loài quái vật, thuồng luồng trên biển làm hại, giúp cho ngư dân tìm được những nơi nhiều tôm cá, giúp cho bạn hàng tìm được bến bờ nhiều tài lộc.

Ghe là tất cả những phương tiện di chuyển phổ biến trên các vùng sông nước Nam Bộ, thường có mui, trọng tải trên hai mươi lăm giạ lúa trở lên (từ 500kg đến hàng trăm tấn).

Các loại ghe có thể kể ra như sau: Ghe chài với trọng tải nặng, thường để chở lúa, chở đá; ghe cà dom: lườn ghe thon, mũi ghe nhọn vót lên; ghe tam bản: mũi ghe bầu tròn, bụng ghe bè ra khá vững vàng khi đi trên sông. Có hai loại ghe tam bản: một loại lớn, trọng tải nặng như các loại ghe trên, một loại tam bản nhỏ dùng làm phương tiện di chuyển, đi lại từ nhà ra chợ búa hoặc chuyên dùng để làm đò đưa rước khách sang sông. Đặc biệt loại ghe tam bản nhỏ nay người ta ít làm mui, chỉ khi nào người nông dân dùng nó làm phương tiện đi cắt lúa mướn, hoặc buôn bán lặt vặt mới làm mui bằng dừa nước để che nắng che mưa.

Ngoài ra, ngày xưa những nhà phú hộ, điền chủ thường có những chiếc ghe gọi là ghe hầu, đóng theo hình dáng như ghe tam bản, nhưng có mui làm bằng loại cây thao lao, có cửa sổ như những cánh cửa sổ của căn nhà ở trên đất liền, được sơn phết rất đẹp.

Còn một loại ghe nữa, gọi là ghe lườn, trước đây rất thông dụng, nhưng thời gian sau này vì để tiết kiệm cây gỗ cho nên rất ít khi được dùng đến. Loại ghe này thường làm bằng một cây sao lớn, những người thợ dùng búa đục móc lấy ruột làm thành hình dáng chiếc ghe chứ không ráp các miếng be lại như những loại ghe thường. Ở vùng Sóc Trăng hàng năm có tổ chức đua loại ghe này, người ta thường gọi là đua ghe ngo, không có mui.

Ngoài ra có thể kể tên một số loại ghe thông dụng khác: ghe bầu, ghe cửa, ghe lồng, ghe giàn, ghe be, ghe bè, ghe chài, ghe lưới, ghe đò…

Xuồng là loại phương tiện chở nhẹ, có trọng tải từ năm giạ lúa tới 25 giạ lúa (khoảng từ 100 - 500kg). Đặc biệt, xuồng được thiết kế không có mui. Có thể kể tên một số loại xuồng thông dụng: xuồng cuôi là loại xuồng mình hơi bầu, sức chở khá, di chuyển vững; xuồng câu mình thon dài, mũi xuồng nhọn vót, bơi hoặc chống lướt nhanh trên mặt nước; xuồng ba lá là xuồng đóng có ba lá be: một lá be làm đáy xuồng và hai lá be làm hông. Xuồng tam bản khác xuồng ba lá là đáy xuồng tam bản cong còn xuồng ba lá đáy bằng. Đối với người dân vùng sông nước miền Tây Nam Bộ, chiếc xuồng đã gắn bó với cuộc đời họ từ lúc sinh ra cho đến khi lớn lên, biết đi lại, học hành, lúc se duyên nên vợ nên chồng cho đến lúc tuổi già, răng long đầu bạc. Chiếc xuồng vùng sông nước thủy chung với con người như tấm áo mảnh khăn.

Có thể phân biệt cách thức di chuyển giữa xuồng và ghe như sau: Ghe chài dùng tàu kéo hoặc ủi vì trọng tải quá lớn. Các loại ghe khác thường đặt máy bên trong ghe hoặc bên ngoài ghe để di chuyển. Riêng ghe tam bản nhỏ di chuyển trên sông rạch gần hơn, những người đưa đò thường chèo bằng hai chèo hai bên gần lái ghe. Chèo ghe bắt buộc phải đứng. Có loại chỉ có bánh lái, người chèo ghe dùng chân để lái ghe cho ngay. Có loại ghe không có bánh lái lớn, chỉ có bánh lái nước, nghĩa là bánh lái ngầm khuất dưới nước, người chéo ghe phải dùng chèo vừa chèo vừa lái. Nếu không rành, chèo dễ lủi hoặc cứ quay vòng tròn đi không tới được.

Còn xuồng thì chỉ có thể dùng cây dầm để bơi, chứ không gọi là chèo xuồng được. Bơi xuồng thì tư thế ngồi. Cây dầm hình thức như cây chèo nhưng nhỏ hơn nhiều, vừa tay người cầm. Tất cả dầm hoặc chèo đều làm từ loại cây sao hoặc cây thao lao cho nhẹ nhàng.

Còn có loại xuồng đục hay ghe đục là những chiếc xuồng hoặc ghe này người ta đục những lỗ lù để nước sông ra vô tự nhiên, dùng rộng cá, chở cá đi xa mà không bị chết. Dĩ nhiên người ta phải làm hai cái bửng ở hai đầu để nước không chảy luôn tuồng làm cho ghe dễ bị chìm.

Ở Nam Bộ, ngoài ghe, xuồng, ở các vùng có nhiều mương nhỏ lại có loại phương tiện di chuyển gọi là “chẹt”. Chẹt có kích thước nhỏ gọn dễ di chuyển qua các khúc mương nhỏ. Thường bề ngang mỗi chiếc khoảng 0.5m, có độ dài từ 1m-1.5m. Loại ván gỗ làm chẹt cũng là loại rẻ tiền, thường làm từ gỗ cây mù u có sẵn trong vườn. Cây chèo của chẹt thường làm bằng gỗ sao để có độ chắc, bền và đẩy chẹt đi được nhanh.

Sông ngòi nhiều khiến cho giao thông đường bộ càng thêm khó khăn, bởi vậy trong nhân dân đã hình thành cả một nghệ thuật bắc cầu. Trên đất Việt Nam, đi đến đâu ta cũng có thể bắt gặp những cây cầu bắc qua sông ngòi, kênh rạch làm bằng đủ các loại chất liệu khác nhau: cầu tre, cầu gỗ, cầu đá… Ở những vùng miền núi có loại “cầu mây” bắc qua khe núi, vực thẳm, chơi vơi trên cao như mây bay. “Cầu ngói” có mái che lợp ngói, có thể ung dung đi qua cầu như đi dạo mát, trên cầu có thể có cả ghế để nằm, ngồi. “Cầu chùa” không chỉ có mái che, ghế nghỉ mà còn có cả chùa trên cầu cho người đi qua ghé lại viếng Phật. Ngoài nhũng loại cầu được bắc cố định, người Việt Nam còn biết làm cầu di động bằng tre gỗ (cầu phao), hoặc bằng thuyền ghép lại (cầu thuyền). Nằm vắt ngang trên những dòng sông, các kênh rạch ở vùng Tây Nam Bộ là những chiếc cầu ván, cầu khỉ. Cầu ván là những cây cầu có trụ là những thân cây gỗ, mặt cầu gồm nhiều thanh ván nhỏ đóng đinh để ghép lại với nhau. Cầu khỉ là những cây cầu mà người ta phải đi qua trên một thân cây độc nhất, thân cầu có thể làm bằng cây dừa, cây tre hoặc một thân cây gỗ tràm, bạch đàn… Đi qua cầu người ta có cảm giác chênh vênh, giống như làm xiếc trên dây.

Cầu ván và cầu khỉ đã ăn sâu vào máu thịt của người dân miền sông nước Nam Bộ. Từ khi mới chào đời, những đứa trẻ đã được mẹ ru bằng câu hát:

“Ví dầu cầu ván đóng đinh,

Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi…”

Do điều kiện sống, và những tập quán đã ăn sâu vào máu thịt có thể thấy tính cách sống khác nhau giữa người dân ở hai miền. Miền Bắc thì ăn chắc, mặc bền; miền Nam thì tạm bợ, làm đến đâu ăn đến đó. Điều này cũng đã thể hiện rõ nét qua cấu trúc bắc cầu của người dân ở hai miền.

Những người sống bằng nghề sông nước (chài lưới, chở đò, buôn bán trên sông) thường lấy ngay thuyền bè làm nhà ở: đó là các nhà thuyền, nhà bè; ở những vùng hay bị ngập lụt, quanh năm sống trong sông nước nhiều gia đình quần tụ thành những làng nổi, xóm chài. Những làng nổi gồm hàng trăm nhà bè nuôi cá ở kề nhau trải dài trên cả một khúc sông. Có nhà dài trên 30m, ngang trên 10m, đáy sâu 5m bằng gỗ sao, bọc lưới inox, trần lợp simili hoa văn rất đẹp.

Ngay ở Thành phố Hồ Chí Minh, cách đây khoảng 10 năm, dọc theo các kênh rạch là những khu nhà sàn nửa trên cạn, nửa dưới nước, sàn làm bằng ván, các trụ cột bằng bêtông hay những cọc gỗ cắm sâu dưới nước.

Cuộc sống trên sông nước cũng dạy cho con người những sáng kiến để kiếm sống bằng chính những sản vật có trong lòng sông nước như tôm, cá, ếch, nhái, rắn, rùa…; đó là sáng kiến chế tạo ra các loại dụng cụ đánh bắt thủy hải sản rất đa dạng. Lưới đánh cá là loại dụng cụ phổ biến nhất cho dù người dân đó sống ở nơi nào: vùng biển hay sông nước, kênh rạch. Chài là dụng cụ đánh bắt cá, tôm trên những dòng sông, những con kênh nhỏ. Chài có cấu tạo bằng lưới, hình dạng giống như những chiếc ô (dù), phía dưới có những cục chì nặng để khi quăng chài ra lưới phải bung ra tròn, đều và chìm xuống nhanh. Khi kéo chài lên cá tôm sẽ mắc vào lưới. Vó có hình dạng như chài nhưng to hơn nhiều, có cây trụ có thể nâng lên hạ xuống trên mặt sông. Thường người ta hay đặt vó ngay con sông trước cửa nhà, tôm cá bơi ngang sẽ mắc vào lưới vó. Loại dụng cụ đánh bắt đơn giản nhất và cũng thường được sử dùng nhất là những chiếc cần câu. Chỉ với một chiếc cần tre hoặc trúc, một sợi dây cước, một chiếc lưỡi câu, trẻ con vùng sông nước có thể kiếm sống hàng ngày bằng những chiến lợi phẩm thu được là những con cá đồng béo ngậy, những chú ếch da căng bóng. Ngoài ra còn các loại dụng cụ bắt cá thông dụng như: lợp, nò, đó; những cái trúm đặt lươn…

Chợ nổi trên sông là một nét văn hóa đặc trưng của những vùng sông nước Nam Bộ. Các chợ nổi rất nổi tiếng như chợ nổi Cái Răng, Phụng Hiệp ở Cần Thơ; chợ nổi Long Xuyên ở An Giang. Trên chợ nổi, khung cảnh mua bán diễn ra với hàng trăm ghe thuyền tấp nập, ken cứng nhau. Người ta dùng một chiếc sào dài, treo mặt hàng muốn bán lên chiếc sào ấy để làm hiệu. Chợ trên mặt đất có bán thứ gì thì chợ nổi có bán thứ ấy. Cái ồn ào náo nhiệt của chợ nổi không thua gì ở chợ trên mặt đất, cũng những tiếng mời chào trả giá… kèm theo những nụ cười mền sông nước hồn hậu làm mát lòng người mua.

Nếu như ở vùng sông nước Tây Nam Bộ, đi thuyền trên sông nước nghe đờn ca tài tử là một hình thức giải trí trên sông mang đậm chất Nam Bộ thì ở miền Bắc, nét văn hóa đặc trưng của những vùng sông nước là loại hình nghệ thuật múa rối nước.

Múa rối thì hầu như dân tộc nào cũng có, còn múa rối nước thì trên thế giới chỉ có duy nhất Việt Nam có. Nghệ thuật múa rối nước xuất hiện từ thời Lý (1010-1225) Dấu vết múa rối nước còn ghi lại nhiều nơi. Vùng đồng bằng Bắc Bộ có nhiều ao hồ. Mặt nước của những ao hồ đã trở thành sân khấu cho rối nước. Ghế ngồi của khán giả là thảm cỏ xung quanh hồ, ở các làng quê, múa rối nước thường được diễn vào những dịp đón năm mới hoặc trong các lễ hội.

Mỗi con rối là một tác phẩm điêu khắc dân gian. Con rối tạo bằng gỗ, bên ngoài phủ một lớp sơn, ngâm nước không thấm. Nghệ nhân khi biểu diễn phải ngâm mình trong nước để điều khiển con rối. Nhạc đệm là bộ gõ gồm trống, mõ, thanh la… Nhân vật tiêu biển nhất là chú Tễu, thân hình tròn trĩnh, nụ cười hóm hỉnh lạc quan. Mở màn, chú Tễu xuất hiện vui vẻ, nghịch ngợm làm nhiệm vụ giáo đầu dẫn chuyện. Trong kho tàng múa rối nước, có 30 tiết mục cổ truyền và hàng trăm tiết mục mới xây dựng đã làm say lòng khán giả trong nước và quốc tế.

IV. KẾT LUẬN

Không chỉ giữ một vị trí hết sức quan trọng về khía cạnh giá trị kinh tế, vật chất hay trong những thói quen sinh hoạt hàng ngày mà sông nước còn đóng một vai trò to lớn về mặt văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam từ bao nhiêu đời nay.

Hình ảnh sông nước ăn sâu và tâm khảm đến mức mọi mặt sinh hoạt của đời sống con người đều lấy con thuyền và sông nước làm chuẩn mực và đối tượng so sánh trong hàng loạt cách nói dân gian (ca dao, thành ngữ, tục ngữ).

Chẳng hạn như khi bàn về ý chí và nghị lực trong cuộc sống thì có các câu: “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”; “Chết trong hơn sống đục”…

Khi nói về những kinh nghiệm trong làm ăn thì ông cha ta có những câu như:

Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”; “Bồi ở, lở đi”; “Bắc cầu mà noi, không ai bắc cầu mà lội”; “Chết sông chết suối, không ai chết đuối đọi đèn”…

Khi nói đến tiết kiệm thì: “Buôn tầu buôn bè không bằng ăn dè hà tiện…

Về việc chọn nơi cư trú thuận lợi: “Nhất cận thị, nhị cận lân, tam cận giang, tứ cận lộ, ngũ cận điền”.

Để nhắc đến việc sinh nở khó nhọc của người phụ nữ:

Đàn ông đi biển có đôi,

đàn bà vượt cạn mồ côi một mình”…

Nói về sự khôn ngoan, nham hiểm của con người thì:

Đố ai ăn xuống vực sâu,

mà đo miệng cá uốn câu cho vừa”

Hay:

- “Dò sông dò biển dễ dò

đố ai lấy thước mà đo lòng người”

- “Chắp tay vái lạy con sào,

nông sâu đã biết, thấp cao đã từng”…

Trong quan hệ vợ chồng và tình yêu nam nữ thì có những câu như:

- “Thuyền theo lái, gái theo chồng;

- “Thuyền về có nhớ bến chăng,

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”

- “ Thuyền anh mắc cạn lên đây,

mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền”

- “Chiếc thuyền kia nói có,

Chiếc ghe nọ nói không,

Phải chi miếu ở gần sông,

em thề một tiếng kẻo lòng anh nghi”…

Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người Việt Nam cũng thường dùng những lời nói: “Nhìn nhau đắm đuối”, “chìm đắm trong suy tư”, “bơi trong khó khăn”, “thời gian trôi nhanh”,”ăn nói trôi chảy”, “Hồ sơ bị ngâm lâu”, “thân phận bọt bèo”, “trông sạch nước cản”, “suối tóc”, “mặt trời lặn”, “làn sóng đấu tranh”, “nước sơn”, “nước thép”…

Đo thời gian, người Việt thường nói: “đã bao nhiêu nước chảy, bèo trôi… Nói về sự vất vả của đường xá xa xôi: “lặn lội đến thăm nhau”, Đi nhờ xe của ai một đoạn gọi là “quá giang”; Loại xe khách liên tỉnh, người Nam Bộ gọi là xe đò - tức là ngay cả đi trên bộ hẳn hoi, người Việt vẫn luôn nghĩ và nói theo cách của người đi trên sông nước.

Người Việt Nam từ ăn, nói, đi lại đều ít nhiều có liên quan đến sông nước; thậm chí ngay cả quan tài để chôn người chết thời Đông Sơn cũng được làm theo hình con thuyền (mộ cổ Việt Kê - Hải Phòng). Rồi đến khi chết về “thế giới bên kia” cũng được người Việt Nam hình dung là nằm ở một vùng sông nước (về nơi chín suối) và linh hồn của người chết phải đi đến đó bằng thuyền (tục chèo đò đưa linh)…

Trên đây là những minh chứng cho thấy sự gắn bó keo sơn giữa người dân Việt Nam đối với sông nước. Con người Việt Nam với bản chất cần cù, chịu thương, chịu khó, với trí tuệ sẵn có của mình đã thích ứng hòa nhập tuyệt vời với thiên nhiên của đất nước mình, bắt thiên nhiên phục vụ cho cuộc sống của chính mình, biến cái không thể thành cái có thể, biến cái vô hình thành cái hữu hình chứng minh cho toàn thể nhân loại thấy được những nét văn hóa hay, đẹp, rất phong phú mà cũng rất đa dạng, rất riêng và rất Việt Nam.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2001.

2. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Hội nhà văn, 2000.

3. Chu Xuân Diên, Cơ sở văn hóa Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1999.

4. Phạm Bá Nhiễu, “Nhớ xuồng ghe lũ miền Tây”, tạp chí Quê Hương, 2002.

About Me

Hochiminh-City, Mien Nam, Vietnam
Tiến sĩ Sử học, giảng viên Truong Dai hoc Khoa hoc xa hoi va nhan van - Đại học Quốc gia TP.HCM