Total Pageviews

Popular Posts

Search This Blog

Followers

Pages

Monday, July 30, 2007

PHAP XAM LUOC VIET NAM (1858-1896)

PHÁP XÂM LƯỢC VÀ THIẾT LẬP CHẾ ĐỘ CAI TRỊ THỰC DÂN
Ở VIỆT NAM (1858 - 1896)

I. THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC VIỆT NAM
1. Âm mưu xâm lược Việt Nam của Pháp
Bước vào thế kỷ thứ XIX, với sự phát triển mạnh của cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã đem đến những thay đổi to lớn cho các nước Phương Tây, mà trước tiên là trên lĩnh vực kinh tế. Cuộc cách mạng này đã nhanh chóng cổ vũ và khuyến khích cho sự tăng tốc của những nền kinh tế tư bản. Và cũng từ đây, làn sóng xâm lược đến các nước Phương Đông vốn đã trỗi dậy từ cuối thế kỷ thứ XV càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhu cầu tìm nguồn nguyên liệu cũng như thị trường tiêu thụ của các nước tư bản phương Tây là nguyên nhân khiến cho hàng loạt các nước ở vùng Đông và Nam châu Á đều bị các nước tư bản Phương Tây xâm lược. Ở Trung Quốc, chiến tranh Nha phiến (1839-1842) với nước Anh đã mở màn cho hàng hoạt các nước đế quốc khác như Pháp, Hà Lan… theo chân vào xâm lược Trung Quốc.
Trên thực tế, ở những thập niên đầu thế kỷ XIX, ý đồ can thiệp, xâm lược của các nước tư bản thực dân phương Tây đã trở thành nguy cơ chung của hàng loạt nước phương Đông và các nước khu vực Đông Nam Á nói riêng.
Bấy giờ thực dân Anh đã chú ý sử dụng Xiêm vào kế hoạch xâm lược. Năm 1822, Anh ký hiệp ước thông thương với Xiêm. Hai năm sau (1824), Anh tấn công Miến Điện và xúi giục vua Xiêm đánh vào biên giới Miến - Xiêm, tạo thuận lợi cho Anh tấn công Miến Điện. Năm 1827, Anh lại ký một hiệp ước buộc Xiêm phải cho người Anh đến buôn bán tự do ở một số bang. Ngót 80 năm sau, Anh chiếm luôn những bang này của Xiêm và sáp nhập vào Mã Lai.
Đối với Mã Lai, từ đầu thế kỷ XIX, Công ty Đông-Ấn của Anh đã chiếm dần những cứ điểm quan trọng trên bán đảo này nhằm giành ưu thế thương mại và quân sự ở Viễn Đông. Năm 1819, công ty này giành được ưu thế chiếm đóng Singapore có vị trí chiến lược trọng yếu trên đường hàng hải từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Năm 1824, Anh mua toàn bộ Singapore với giá 6 vạn đồng Tây Ban Nha và liên tiếp vừa mua vừa chiếm nhiều vùng khác (Pénang, Kuala-Lumpur…). Đồng thời, Anh thương lượng với Hà Lan đổi nhượng Malacca, một trung tâm kinh tế chính trị quan trọng của Mã Lai. Năm 1826, thực dân Anh gộp Singapore, Pénang, Wellesley thành một khối, gọi là “Đất thực dân eo biển”, dưới quyền quản trị của Công ty Đông-Ấn, đặt thủ phủ tại Kuala-Lumpur.
Cho đến đầu thế kỷ XIX Miến Điện là một nước quân chủ mạnh trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng từ cuối thế kỷ XVIII, sau khi nắm được Ấn Độ, Công ty Đông-Ấn của Anh bành trướng sang vùng Bengale tiếp giáp Miến Điện. Đặt xong một số thương điếm ở gần thủ đô Rangoun (Miến Điện), năm 1792 thực dân Anh yêu cầu triều đình Miến Điện chấp nhận Công ty Đông-Ấn hưởng đặc quyền buôn bán và đặt cơ quan thường trú. Bị vua Miến Điện khước từ, thực dân Anh quyết định thực hiện yêu sách trên bằng vũ lực vào đầu thế kỷ XIX.
Hai nước láng giềng sát cạnh Việt Nam là Campuchia và Lào cũng chịu chung thử thách như các nước khác trong khu vực. Bước sang thế kỷ XIX, kẻ thù đáng gờm nhất của Campuchia là triều đình Xiêm. Thực hiện ý đồ bành trướng và nô dịch Miên, vua Xiêm gây ra nhiều cuộc đảo chính ở Campuchia, đem quân sang chiếm đóng Ou-Dong, Phnom-Pênh và cử quan chức sang kiểm soát nội trị, ngoại giao, tiếp tục khống chế Campuchia cho đến khi thực dân Pháp bắt đầu kế hoạch xâm lược nước này vào giữa thế kỷ XIX đồng thời với việc lần lượt đánh chiếm các tỉnh Nam Kỳ của Việt Nam.
Trong vài thập niên đầu thế XIX, Lào cũng đang bị áp lực nặng nề của triều đình Xiêm. Quân Xiêm đóng ở Hạ Lào (Champassak) và cũng áp dụng những chính sách như đối với Miên. Ở Trung Lào, quân Xiêm tàn phá và sáp nhập phần lớn đất đai của vương quốc Vientiane, chiếm đóng phần còn lại, đồng thời uy hiếp Luang-Prabang ở Thượng Lào. Toàn bộ nước Lào coi như chịu sự khống chế của Xiêm trước khi bị cắt phần đất phía đông cho thực dân Pháp.
Nhà Nguyễn ở thế kỷ XIX vừa phải đáp ứng những yêu cầu hồi sinh đất nước vừa phải đối phó với những bất trắc có thể xuất phát từ những nước láng giềng, nhưng nguy hiểm hơn vẫn là ý đồ can thiệp, xâm lược của các nước tư bản thực dân phương Tây, chủ yếu là thực dân Pháp.
Trong hoàn cảnh như vậy, Việt Nam, một đất nước giàu tài nguyên cũng sớm được các nước tư bản phương Tây chú ý đến.
Ngay từ năm 1645, sau 21 năm làm công việc truyền giáo ở Việt Nam, khi về Pháp Alexan de Rhodes đã đưa ra lời nhận xét cío ý cổ vũ cho một cuộc xâm chiếm thuộc địa: “Đây là một vị trí cần phải chiếm lấy; chiếm được vị trí này thì thương nhân châu Âu sẽ tìm được một nguồn lợi nhuận và tài nguyên dồi dào”…
Để thăm dò tình hình, từng bước chuẩn bị cho việc xâm chiếm nước ta, Pháp dựa vào 2 lực lượng cơ bản: hoạt động truyền giáo của các giáo sĩ thừa sai và những hoạt động buôn bán của các phái đoàn trong Công ty Đông Ấn ở Việt Nam. Đặc biệt là từ sau năm 1664, khi Hội truyền giáo nước ngoài Paris thành lập, các giáo sĩ thừa sai càng có thêm cơ sở và điều kiện để gia tăng hoạt động truyền giáo tại Việt Nam và cung cấp thêm cho nước Pháp nhiều thông tin hơn.
Napoléon Ponaparte đã đặt nhiều tin tưởng vào vai trò của các giáo sĩ và cho rằng: “Hội truyền giáo nước ngoài sẽ rất có ích cho tôi ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Tôi sẽ cử các giáo sĩ đi điều tra tình hình ở các xứ. Tấm áo choàng sẽ che chở cho họ và sẽ dùng để che giấu những mưu đồ chính trị và thương nghiệp”
Ngay từ buổi đầu nhòm ngó Việt Nam, các giáo sĩ và thương nhân Pháp đã hợp tác chặt chẽ với nhau. Giáo sĩ mở đường đi trước, thương nhân theo sau, rồi cùng nhau đẩy mạnh hoạt động.
Kế hoạch xâm lược nước ta còn được thúc đẩy hơn nữa bởi cuộc chiến tranh giành thuộc địa nổ ra giữa Anh và Pháp (1756 - 1763) đã đem lại những thất bại nặng nề cho tư bản Pháp - hầu hết những thuộc địa của người Pháp ở châu Á và châu Mỹ đã phải nhường lại cho thực dân Anh.
Trong một bản báo cáo gửi về Pháp, giáo sĩ Huc báo cáo: “Dường như chỉ còn sót lại Nam Kỳ là xứ mà người Anh chưa để ý đến. Nhưng có thể nào tin rằng họ sẽ không gấp rút dòm ngó đến chăng? Nếu họ quyết định điều đó trước chúng ta thì chúng ta sẽ vĩnh viễn bị loại khỏi vùng này, chúng ta sẽ mất một căn cứ quan trọng ở vùng châu Á…”. Trước nguy cơ mất hết thuộc địa tại châu Á này, thực dân Pháp gấp rút tìm mọi cơ hội để sớm can thiệp vào Việt Nam. Trong hoàn cảnh đó, cuộc chiến tranh giành quyền lực của Nguyễn Ánh với Tây Sơn đã tạo cho thực dân Pháp một dịp tốt để thực hiện âm mưu nói trên.
Sau khi 5 vạn quân Xiêm can thiệp đã bị quân Tây Sơn đánh tan trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút thì Nguyễn Ánh lại quay sang cầu viện thực dân Phương Tây. Trước cơ hội hiếm hoi này, tất cả thực dân Anh, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đều phái nhân viên đến bắt liên lạc với Nguyễn Ánh. Đã có lúc Nguyễn Ánh định sang Indonesia cầu viện Hà Lan, hoặc sang Goa cầu viện Bồ Đào Nha. Nhưng cuối cùng xu hướng cầu viện tư bản Pháp của Nguyễn Ánh ngày càng rõ rệt. Điều này cũng xuất phát từ một nguyên nhân sâu xa, đó là từ lâu các giáo sỹ Pháp đã hoạt động nhiều trên đất nước ta và họ đã có những ảnh hưởng nhất định trong các tầng lớp xã hội. Hơn thế nữa, Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau De Béhaine) đã chủ động đến với Nguyễn Ánh đúng lúc, và ngay lập tức ông ta được Nguyễn Ánh tin tưởng, giao cho ấn và hoàng tử Cảnh (làm con tin) để Bá Đa Lộc đưa sang Pháp cầu viện vua Louis XVI vào năm 1784.
Trong việc giao kết này cả hai bên đều muốn dựa vào nhau để có lợi. Bá Đa Lộc thì muốn giúp đỡ để Nguyễn Ánh thành công, sau đó sẽ trở thành người có vai trò quan trọng, dùng nó để phục vụ cho công việc mở rộng truyền đạo và có thể phục vụ tốt cho quyền lợi của “nước mẹ” Pháp ở vùng Viễn Đông. Còn Nguyễn Ánh vì thế lực yếu muốn thông qua Bá Đa Lộc với hy vọng nhận được nguồn vật lực và vũ khí từ sự giúp đỡ của nước Pháp để đánh bại Tây Sơn.
Ngày 28/11/1787, tại cung điện Versailles (Pháp) một hiệp ước gọi là “Hiệp ước Liên minh tấn công và phòng thủ” được ký kết giữa đại diện của Nguyễn Ánh là Bá Đa Lộc và đại diện của vua Pháp Louis XVI là bá tước De Mont Morin.
Nội dung chính của hiệp ước Versailles là Pháp cam đoan sẽ gửi quân đội và vũ khí sang trợ giúp Nguyễn Ánh; đổi lại Pháp được quyền sở hữu hoàn toàn cảng Hội An và đảo Côn Lôn cùng với việc mở cửa buôn bán dành riêng cho Pháp.
Hiệp ước Versailles là một cơ sở pháp lý mà sau này Pháp có thể dựa vào đó tạo cơ hội đánh Việt Nam.
Được sự vận động tích cực của giám mục Bá Đa Lộc, từ mùa thu năm 1788, một số người Pháp và người Âu lần lượt đến Gia Định giúp Nguyễn Ánh huấn luyện binh lính, chỉ huy đội thủy quân… Thông quan Bá Đa Lộc, Nguyễn Ánh còn được mua về hàng vạn khẩu súng tay và hàng ngàn cỗ đại bác. Cùng với vũ khí và những người Pháp và người Âu đến giúp, quân Nguyễn Ánh được huấn luyện bài bản, sử dụng vũ khí hiện đại, có thêm nhiều tài chiến… nên quân đội Nguyễn Ánh trở nên mạnh hơn trước rất nhiều.
Nhưng Cách mạng tư sản Pháp bùng nổ (1789), chính quyền phong kiến ký hiệp ước với Nguyễn Ánh bị lật đổ. Tiếp đó là chiến tranh kéo dài hơn 20 năm trên lục địa châu Âu (1792 - 1815) đã cản trở việc thi hành hiệp ước Versailles. Kế hoạch can thiệp sâu hơn vào Việt Nam của thực dân Pháp do vậy bị chậm lại một thời gian.
Năm 1891, một người Pháp nhắc lại tình hình này và cho rằng: “Giá như bấy giờ chính phủ Pháp sẵn sàng giúp Bá Đa Lộc thì có lẽ ông ta đã thiết lập xong cho nước Pháp nền bảo hộ An Nam ngay từ cuối thế kỷ XVIII”.
Nhưng cũng trong thời gian này, vua Quang Trung đột ngột qua đời (tháng 9-1792), triều Tây Sơn nhanh chóng rơi vào suy yếu do lục đục và tranh chấp nội bộ. Nguyễn Ánh nhân cơ hội đó đã giành được chính quyền từ Tây Sơn, năm 1802 lên ngôi hoàng đế (niên hiệu Gia Long).
Sau khi lên cầm quyền, Gia Long đã “trả ơn” cho những người Pháp có công giúp mình trong cuộc chiến vừa qua bằng cách giữ lại một số người làm quan trong triều (Jean Baptiste Chaigneau, Philippe Vannier, de Forsans…) và đãi ngộ rất hậu (được miễn việc quỳ lạy khi vào chầu).
Ở giai đoạn đầu thời Gia Long, những hoạt động của người Pháp ở Việt Nam không bị ngăn cấm, thậm chí được tạo điều kiện hoạt động dễ dàng cả về thương mại và truyền giáo.
Năm 1812, giáo sĩ Labartette nhận xét: “… chúng tôi toàn quyền tự do truyền đạo, không ai dám ngăn cản và tự do đi lại khắp nơi. Chừng nào nhà vua [Gia Long] còn trị vì, chúng tôi vẫn có cơ sở để hy vọng được tự do hành đạo”.
Nhưng do được hoàng đế Việt Nam quá ưu ái, các giáo sĩ và quan lại người Pháp hoạt động ngày càng mang tính chất thái quá, thể hiện ý đồ can thiệp vào chính trị và đe dọa đến vương quyền nhà Nguyễn nên họ bị ngăn cản dẫn đến quan hệ giữa họ và triều đình nhà Nguyễn ngày càng mâu thuẫn và xung đột.
Tiêu biểu nhất là khi một số giáo sĩ ngấm ngầm hoặc chính thức phản đối về việc Gia Long chọn Minh Mạng nối ngôi mà không chọn con của hoàng tử Cảnh.
Sau khi cuộc chiến ở châu Âu kết thúc, chính quyền phong kiến Pháp lại cho xúc tiến ý đồ dở dang trước kia. Lợi dụng hiệp ước Versailles làm cơ sở pháp lý, từ Napoléon Bonaparte đến Louis XVIII, Pháp liên tục thúc ép các vua Gia Long và Minh Mạng thi hành những điều khoản trong hiệp ước Versailles, nhằm nhanh chóng giành vị trí ưu thế ở Việt Nam.
Từ thực tế đó, Gia Long càng nhận thấy rõ hơn dã tâm sâu xa của người Pháp nên bắt đầu thể hiện thái độ ly khai. Thậm chí, Gia Long còn căn dặn với Minh Mạng “đừng để người Pháp bước vào triều đình của con”.
Điều này có thể thấy qua việc từ năm 1817, nhiều chiếc tàu Pháp cập các bến cảng của Việt Nam (mang theo cả lái buôn và võ quan) đến xin được yết kiến vua Gia Long nhằm xin “nối lại mối quan hệ bị gián đoạn từ thời cách mạng tư sản Pháp” nhưng đều không được vua nhà Nguyễn tiếp đón.
Trước những hoạt động bằng con đường ngoại giao không đem lại những kết quả như ý muốn, Pháp quyết tâm dùng những biện pháp mạnh hơn. Năm 1840 - 1841, nhiều chiến hạm của Pháp kéo sang đóng tại vùng biển Trung Hoa, uy hiếp cả hai triều đình nhà Thanh và nhà Nguyễn.
Năm 1843, thủ tướng Guizot nói rõ: “Chúng ta cần có hai bảo đảm ở Viễn Đông: một căn cứ hải quân thường trực trong vùng biển Trung Hoa và một thuộc địa vững chắc nằm kề Trung Hoa(…) Nước Pháp không thể nào vắng mặt trong một khu vực rộng lớn như vậy của thế giới, trong lúc các nước châu Âu khác đều đã có căn cứ ở đó”.
Từ năm 1843 trở đi, hải thuyền của Pháp đến Việt Nam ngày một nhiều hơn. Trong các năm 1843 - 1847, chiến hạm Pháp ba lần vào thị uy ở cửa biển Đà Nẵng.
Cách mạng Pháp năm 1848 nổ ra lại một lần nữa làm chậm trễ kế hoạch, nhưng với cuộc cách mạng chính trị này, cách mạng công nghệ ở Pháp tiến triển nhanh chóng, càng thôi thúc giới tư bản xúc tiến việc mở rộng thị trường và xâm chiếm thuộc địa.
Cuối năm 1852, Napoléon III quyết định đẩy mạnh kế hoạch xâm lược nước ta. Tháng 8-1852, một đại diện ngoại giao của Pháp ở Trung Quốc sang Việt Nam đòi quyền sử dụng cảng Đà Nẵng để buôn bán.
Tháng 12 năm 1856, triều đình Pháp cử Montigny sang Việt Nam với danh nghĩa thương thuyết về việc truyền đạo và buôn bán, nhưng thực ra đó chỉ là những cớ để che đậy dã tâm chuẩn bị một cuộc can thiệp vũ trang vào nước ta ngay sau khi đánh xong Trung Quốc. Trong khi Montigny còn phải ghé qua Xiêm, một chiếc tàu chiến của Pháp (tàu Catinat) đã được phái đến Đà Nẵng đưa quốc thư trước cho Tự Đức. Nhưng Tự Đức không tiếp sứ và không nhận quốc thư. Chiếc tàu này đã nổ súng bắn vào các pháo đài phòng thủ của quân nhà Nguyễn và đổ bộ lên bờ khóa các đại bác lại rồi bỏ đi.
Đầu năm 1857, Montigny đến Đà Nẵng để mở cuộc đàm phán chính thức, nhưng Tự Đức vẫn cự tuyệt, không chịu tiếp. Lần này, Montigny cũng định giở trò uy hiếp bằng vũ lực, nhưng vì lực lượng trong tay không có là bao nên đành phải trở về. Trước khi rút, Montigny đe dọa triều đình Huế phải đình chỉ ngay việc cấm đạo, nếu không thì sẽ dùng vũ lực.
Tháng 12-1857, Pháp cho thành lập ra “Ủy ban nghiên cứu về vấn đề Nam kỳ”. Ủy ban này tập hợp thành viên hiểu biết về Việt Nam, trong đó có sự tham gia của các giáo sĩ thừa sai - những người luôn mong muốn Pháp can thiệp vũ trang vào Việt Nam.
Những báo cáo liên tiếp của các giáo sỹ từ Việt Nam báo về tình hình cấm đạo ở Việt Nam cùng với tình hình suy đốn cực độ của triều đình Huế càng làm cho chính phủ Pháp mạnh bạo hơn nữa trong việc thực hiện kế hoạch xâm lược nước ta.
Sau khi đánh xong Quảng Châu - Trung Quốc (ngày 5/1/1858) và tiến lên phía Bắc buộc nhà Mãn Thanh ký Điều ước Thiên Tân ngày 27/6/1858, viên chỉ huy hạm đội Pháp ở Viễn Đông là Rigault de Genouilly được lệnh của Bộ trưởng Hải quân Pháp phải tìm cách kéo quân vào chiếm Đà Nẵng và củng cố lực lượng ở đó trong khi chờ đợi chỉ thị mới. Genouilly bèn phối hợp với đội quân Tây Ban Nha do đại tá Palanca chỉ huy, cùng kéo thẳng đến Đà Nẵng.
Những ngày cuối tháng 8/1858, các chiến thuyền của liên quân Pháp - Tây Ban Nha từ Quảng Châu - Trung Quốc đã có mặt tại cửa biển Đà Nẵng để chuẩn bị cho việc xâm lược Việt Nam.
2. Tình hình đất nước trước họa ngoại xâm
Sau hơn 50 năm cầm quyền (tính đến trước ngày thực dân Pháp nổ súng xâm lược), nhà Nguyễn đã không những phát triển được đất nước đi lên hùng mạnh mà ngược lại làm cho tình hình đất nước thêm bi đát hơn. Triều Nguyễn không thiết lập được mối quan hệ gắn bó với nhân dân, chỉ lo trung chủ yếu vào việc giữ vững vương quyền, củng cố quyền lợi giai cấp thống trị. Hơn nữa, nhà Nguyễn lại dựa vào một hệ tư tưởng lạc hậu cùng với mô hình kinh tế xã hội không còn thích hợp nên đã ngăn cản sự phát triển của đất nước.
Đối diện với cuộc xâm lược của Pháp, chế độ phong kiến Việt Nam lại càng lâm vào tình trạng lúng túng vì tiềm lực dân tộc đã bị suy giảm nghiêm trọng, tình trạng đất nước đến thời điểm này đã gần như kiệt quệ, khủng hoảng trầm trọng về nhiều mặt.
+ Về kinh tế
Ngay sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã nghĩ đến việc phát triển kinh tế cho đất nước sau một thời gian dài chiến tranh. Trước tiên là việc khai hoang, nhưng việc khai hoang dưới thời Gia Long kết quả chưa đáng kể. Công cuộc khai hoang thực sự được đẩy mạnh dưới triều vua Minh Mạng. Nhà vua cho phép các hào mục, quan lại mộ dân lưu vong đi khai hoang lập làng và đồn điền cho nhà nước. Chính sách khai hoang vẫn được tiếp tục qua các đời Thiệu Trị, Tự Đức. Tuy khai hoang được chú trọng, đất đai canh tác ngày càng mở rộng nhưng ruộng đất phần lớn tập trung vào tay quan lại, địa chủ. Đại đa số nông dân thiếu đất canh tác. Tình hình của ngành kinh tế chính (nông nghiệp) của đất nước ngày càng sa sút.
Thiên tai, hạn hán diễn ra thường xuyên làm cho nông dân trong cả nước mất mùa liên miên. Nông dân phải rời bỏ quê hương đi phiêu tán để kiếm việc làm nuôi thân.
Về công nghiệp, nhà Nguyễn cho lập nhiều “tượng cục”, quan trọng nhất là các xưởng đúc tiền, đúc súng, đóng tàu, tập trung ở kinh đô Huế, Hà Nội, Gia Định và một số tỉnh. Tại các tượng cục, thợ giỏi từ các địa phương được trưng tập về, tổ chức theo đội ngũ (chế độ công tượng) sản xuất dưới sự kiểm soát của quan lại.
Một bộ phận công nghiệp quan trọng do nhà nước quản lý là việc khai mỏ. Trong các thế kỷ trước, ngành khai mỏ ở nước ta cũng đã phát triển. Dưới triều Nguyễn, cả nước có ngót 140 mỏ được khai thác (39 mỏ vàng, 32 mỏ sắt, 15 mỏ bạc, 9 mỏ đồng, 22 mỏ diêm tiêu, 10 mỏ kẽm, 4 mỏ chì, 4 mỏ gang…).
Có thể phân biệt 4 loại mỏ ở thời Nguyễn:
- Loại mỏ do nhà nước trực tiếp quản lý, như mỏ vàng Chiên Đàn (Quảng Nam), mỏ bạc Tống Linh, Ngân Sơn, mỏ kẽm Lũng Sơn, mỏ chì Quán Triều (đều thuộc Thái Nguyên). Loại mỏ này có quy mô lớn, tập trung hàng ngàn nhân công gồm binh lính. công tượng và dân phu, nhưng sản xuất theo chế độ nửa lao dịch nên năng suất có hạn chế. Ví như ở mỏ vàng Hội Nguyên (Nghệ An) 100 nhân công làm việc 5 ngày chỉ được 6 phân vàng sống, trong khi 4 người thợ tự do cũng thời gian đó sản được 1 đồng cân vàng. Thêm nữa, nếu xét thấy mỏ nào kém sinh lợi thì nhà nước đình chỉ khai thác, nên loại mỏ này thường chỉ hoạt động một số năm, cuối cùng lại giao cho tư nhân lãnh trưng.
- Loại mỏ do thương nhân Hoa kiều lãnh trưng, hàng năm gộp thuế, chỉ chịu sự kiểm soát của chính quyền địa phương hoặc phái viên của triều đình. Những mỏ loại này chiếm một số lượng khá lớn, như vua Minh Mạng đã thừa nhận: “trẫm xét thấy các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Hưng Hóa có nhiều mỏ vàng và mỏ bạc, từ trước tới nay đều do người nước Thanh lĩnh trưng”. Nhân công làm thuê phần lớn là người Hoa kiều, có kỹ thuật khai mỏ thành thạo, cách tổ chức khai thác cũng tiến bộ hơn.
- Loại mỏ do thổ tù thiểu số lĩnh trưng cũng chiếm một tỉ lệ đáng kể, qui mô sản xuất khá lớn, như mỏ kẽm của Ma Doãn Điền, mỏ đồng của Hoàng Phong Bút (đều ở Tuyên Quang), mỏ vàng của Cầm Nguyên Nhân (ở Hưng Hóa).
- Loại mỏ thứ tư do những chủ mỏ người Việt lĩnh trưng, nhưng chỉ mới xuất hiện lẻ tẻ, đáng chú ý là mỏ kẽm của Chu Danh Hổ (một nhà giàu ở Bắc Ninh) bắt đầu kinh doanh từ năm 1835. Năm 1839, vua Minh Mạng xuống dụ cho phép bất cứ ai có vốn và được chính quyền địa phương bảo lãnh đều có thể lĩnh trưng các mỏ vàng bạc ở Bắc Kỳ.
Ngoài ra, dân địa phương cũng có thể tự khai thác mỏ, họp thành từng hộ (hộ vàng, hộ sắt, hộ diêm tiêu…), nộp thuế theo đầu người, được miễn binh dịch và lao dịch.
Nhìn chung, công nghiệp khai mỏ ở thời Nguyễn có những bước phát triển mới cả về số lượng và qui mô, nhưng nhịp độ phát triển chậm, cách khai thác còn mang tính thủ công, quy chế nhà nước chặc chẽ nên mọi hoạt động của các mỏ diễn biến thất thường, có lúc sa sút. Một lý do là thuế mỏ hơi nặng, buộc một số chủ mỏ phải ngưng khai thác.
Các làng nghề thủ công có nhiều nhưng hoạt động còn rất phân tán. Hơn nữa, do phải chịu nhiều ràng buộc về quy cách sản xuất và thể lệ đóng thuế, cho nên các làng, phường thủ công chưa phát huy hết tiềm năng để có đóng góp quan trọng hơn vào nền kinh tế hàng hóa đương thời.
Nhằm đảm bảo việc thu thuế hoặc cung cấp những sản phẩm cần thiết, nhà Nguyễn định rõ qui chế thành lập một số phường thủ công (gọi là “ty” hay “cục”), có nhiệm vụ sản xuất những vật phẩm do nhà nước giao đặt. Mỗi cục có cục trưởng đại diện, làm trung gian giữa cục thợ và chính quyền, thu thuế, nhận đơn đặt hàng của nhà nước, nghĩa là có vai trò gần như viên lý trưởng trong làng xã. Ở các tỉnh lớn (Hà Nội, Huế, Gia Định…), nhà Nguyễn đặt thêm một chức quan võ (hàm bát phẩm) gọi là “chư cục trưởng” hay “chính ty sứ” nhằm quản lý các cục thủ công trong tỉnh, trực tiếp đặt hàng của nhà nước cho các cục trưởng.
Nhìn chung, tình hình kinh tế của cả nước (từ nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp và cả thương mại…) đều lụn bại vì những chính sách không hợp lý của triều đình nhà Nguyễn (nhất là dưới thời Thiệu Trị và Tự Đức). Các công trường sản xuất, những thợ giỏi… đều do triều đình nắm giữ sử dụng vào việc xây dựng cung điện, thành quách, lăng tẩm của hoàng tộc. Mỏ có nhiều nhưng triều đình cũng độc quyền và khai thác theo kiểu thủ công nên năng suất thấp, thương mại què quặt vì chịu cảnh “bế quan tỏa cảng”…
Có thể nói, đến giữa thế kỷ XIX nền kinh tế Việt Nam sa sút nghiêm trọng.
+ Về quốc phòng
Quân đội Việt Nam dưới thời Nguyễn là một quân đội đông đảo. Ngay từ đầu, các vua nhà Nguyễn đã đặt phép giản binh, tùy từng vùng mà lấy lính theo tỷ lệ khác nhau.
- Từ Quảng Bình đến Bình Thuận: 3 đinh lấy một lính.
- Từ Biên Hòa trở vào: 5 đinh lấy mộ lính.
- Từ Hà Tĩnh trở ra 5 nội trấn Bắc thành: 7 đinh lấy một lính.
- 6 ngoại trấn Bắc thành: 10 đinh lấy một lính.
Kinh đô có thân binh, cấm binh và tinh binh. Các trấn có lính cơ, lính mộ. Lại đặt thêm biền binh (chia 3 phiên, luân lưu 2 phiên về quê, một phiên tại ngũ). Ngoài ra có 6 vệ thủy binh đóng tại kinh thành và các cơ thủy binh đóng ở các hải khẩu. Sang thời Minh Mạng, tổ chức binh chế được hoàn thiện gồm đủ các binh chủnh: bộ binh, thủy binh, tượng binh, kỵ binh và pháo binh.
Ngoài bộ binh gồm kinh binh đóng giữ kinh thành và cơ binh của từng tỉnh, tượng binh thực sự trở thành một binh chủng mạnh từ thời Minh Mạng.
Tượng được phân bố như sau:
- Bắc thành: 3 cơ, mỗi cơ 10 đội, 750 lính, 110 thớt voi.
- Gia Định thành: 10 đội, 500 lính, 75 thớt voi.
- Bình Định: 4 đội, 200 lính, 30 thớt voi.
- Nghệ An: 3 đội, 150 lính, 21 thớt voi.
- Quảng Bình, Quảng Ngãi, Thanh Hóa: mỗi tỉnh 2 đội, 100 lính, 15 thớt voi.
- Quảng Trị, Phú Yên, Bình Hòa, Bình Thuận, Ninh Bình: mỗi tỉnh 1 đội, 50 lính, 7 thớt voi.
- Kinh đô: 3 vệ, mỗi vệ 10 đội, 15.000 lính, 150 thớt voi.
Như vậy, số voi chiến thời Minh Mạng ước khoảng 450 thớt.
Đầu thời Tự Đức, bộ binh có khoảng 113.000 người. Lúc thời bình có khoảng 80.000 quân thường trực, nhưng khi có chiến sự thì bộ binh có thể lên tới 200.000 người. Thủy binh có khoảng 26.800 người với khoảng 700 chiến thuyền lớn nhỏ gắn đại bác và súng bắn đá.
Ngựa trong thời Nguyễn chỉ dùng chính trong việc chạy trạm. Ngay từ thời Gia Long, một hệ thống trạm thiết lập để kịp thời liên lạc tin tức, điều động binh lính. Từ ải Nam Quan đến Bình Thuận, cứ 4.000 trượng (16km) lập một nhà trạm, tất cả 98 trạm, đến thời Tự Đức tăng lên 135 trạm.
Lính trạm - một chế độ “nửa binh dịch” - không được cấp lương, chỉ được miễn thuế thân và các tạp dịch khác, tuy vẫn phiên chế theo đội ngũ như binh lính. Qui định này được áp dụng cho đến thời vua Tự Đức, được bổ sung bằng lệ thưởng tùy theo mức độ khẩn cấp: trạm nhiều việc nhất được thưởng10 phương gạo, trạm ít việc nhất được thưởng 4, 5 phương gạo và chỉ thi hành trong vòng một năm (qui định năm 1854). Tổng số lính trạm thời Gia Long khoảng 6.300 người.
Thời Tự Đức còn cho đặt thêm ngạch hương dũng, dân dũng, thổ dũng ở các tỉnh, huyện, xã, nhất là các tỉnh miền núi. Thực ra, từ năm 1812 (triều Gia Long), khi cần thiết triều đình đã có lệnh trưng hương binh, nhưng đến thời Tự Đức thì trở thành quy chế chung, áp dụng thường xuyên cho cả nước.
Nói tóm lại, quân đội thời Nguyễn rất đông, hùng hậu nhưng lại chỉ chủ yếu được huấn luyện để đi trấn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân, dập tắt những phong trào đấu tranh của dân chúng chứ không huấn luyện nhiều để chiến đấu trên chiến trường chính quy. Thêm vào đó, tàu chiến ít, lực lượng lính thủy lại không chuyên nghiệp, hầu hết là tay ngang, không chịu được sóng gió trên biển. Binh khí thì thô sơ, chủ yếu là dao, gươm, đại bác và súng trường có ít và lại rất lạc hậu.
+ Về chính trị - xã hội
Các vua nhà Nguyễn từ Gia Long đến Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức chỉ ra sức tăng cường chế độ quân chủ chuyên chế nhằm duy trì quyền thống trị lâu dài của dòng họ. Nhà nước phong kiến thời Nguyễn mang nặng tính bảo thủ, lo ngại đổi mới, gạt bỏ nhiều đề nghị cải cách của một số quan lại và sỹ phu.
Nổi bật nhất trong xã hội lúc này là nạn chiếm đoạt và tập trung ruộng đất của địa chủ, nạn tham nhũng của quan lại, cường hào. Thêm vào đó là các chế độ tô thuế và lao dịch nhiều khi trở thành gánh nặng khắc nghiệt đối với thần dân
Nông dân thời Nguyễn vẫn nộp tô thuế ruộng đất bằng hiện vật, nhưng gặp năm mất mùa không đủ lúa đóng thuế thì nhà nước muốn tránh thất thu đã cho nộp thay bằng tiền (gọi là “đại nạp”), và thực tế đã đẩy nông dân vào cảnh bần cùng.
Lê Văn Duyệt đã từng than: “Lệ thuế hơi nặng, dân lấy làm khổ”; một thừa sai người Pháp (Guérard) nhận xét: “Vua Gia Long bóp nặn dân chúng bằng đủ mọi cách, sự bất công và lộng hành làm cho người ta rên xiết hơn cả ở thời Tây Sơn; thuế má và lao dịch thì tăng lên gấp ba”v.v…
Riêng về chế độ lao dịch một số người nước ngoài chứng kiến tận mắt cảnh tượng xây thành đắp lũy, đào kênh.. ở thời Nguyễn - đặc biệt việc xây thành Phú Xuân và đào kênh Vĩnh Tế - đều tỏ ra ngạc nhiên trước cường độ lao động căng thẳng của hàng ngàn hàng vạn dân phu.
Mô tả việc xây thành Phú Xuân (Huế), một người Pháp là Borel viết năm 1818: “nhà vua sử dụng tất cả nhân lực vào việc xây tòa thành và các công trình công cộng khác. Khi tôi đến Huế, đã có đến 8 vạn người được điều động từ các nơi trong cả nước đang khẩn trương xây dựng một tòa thành rộng lớn bằng gạch. Một người Anh cho biết thêm: “từng đoàn dài dân thợ đang chuyên chở vật liệu… Những đống gạch đá, những xưởng rèn, những lán trại… tất cả tạo thành một cảnh tượng rất khó hình dung nếu không được chứng kiến tận mắt. Tiếng búa đập, tiếng kêu la của cả một đội quân dân phu khổng lồ ấy gây thành một thứ tiếng ồn ào nhức óc; nhưng tất cả vẫn cặm cụi làm việc, chẳng ai dám nghỉ tay”.
“Riêng việc xây bờ thành đã tốn kém những khoản tiền khổng lồ và làm thiệt hàng ngàn nhân mạng vì phải khổ dịch liên tục”. Ở một đoạn khác: “nhà vua [Gia Long] đã vung ra những món tiền lớn và hy sinh tính mạng của hàng ngàn dân chúng vì họ phải làm việc không nghỉ tay trên các tường lũy của kinh thành. Đây quả là một công trình kỳ diệu. Mười vạn người được thường xuyên huy động…”
Cho mãi đến giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp đã thực sự nổ súng xâm lược, triều đình vẫn tiếp tục xây dựng những lăng tẩm nguy nga ở ngoại vi thành Huế, tiêu biểu là việc xây “Vạn niên cơ” (Khiêm lăng) mà trong nhân gian bấy giờ đã chua chát than rằng: Vạn niên là vạn niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân

Tình trạng lao dịch dưới triều các vua Thiệu Trị và Tự Đức cũng tương tự các đời vua trước. Năm 1841 khởi công xây lăng Minh Mạng, “cung điện, đường vào lăng, lầu các, thuyền, xe, voi ngựa, các đồ dùng của tiên đế không thiếu thứ gì”. Dân các tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa, Bắc Ninh vận chuyển vật liệu về kinh chủ yếu là khuân vác bằng đường bộ. Dân phu bị bệnh ngày một nhiều, khi mới phát chỉ có 50, 60 ngươì chết, rồi đến 400, 500 người, rồi lên đến hơn 300 người.
Năm 1845, vua Thiệu Trị ra lệnh tu sửa lăng Thiên Thụ (lăng mẹ nhà vua) ở núi Thuận Sơn. Vua Thiệu Trị vừa qua đời, vua Tự Đức sai xây “Xương Lăng”, khởi công từ đầu năm 1848. Trương Quốc Dụng lo lắng, dâng thư nói: “Tiền của, sức lực của dân gian kém trước 5, 6 phần mười” và “xin giảm công dịch, nhẹ thuế khóa, rộng tài lực cho binh dân”. Tiếp đó, nhà vua lại cho xây “Khiêm Lăng” như đã nói ở trên, quy mô gấp mười lần lăng “Thiên Thụ”.
Đời sống cơ cực xô đẩy hàng vạn gia đình nông dân phải bỏ quê hương làng mạc đi lưu vong phiêu tán. Nạn lưu vong ở thế kỷ XIX đã trở thành một hiện tượng phổ biến, thường xuyên, nhất là ở Bắc và Trung.
Một bài vè lưu hành thời Tự Đức phản ánh phần nào thực trạng này:
“Cơm thì chẳng có
Rau cháo cũng không
Đất trắng xóa ngoài đồng
Nhà giàu niêm kín cổng
Còn một bộ xương sống
Vơ vất đi ăn mày
Ngồi xó chợ lùm cây
Quạ kêu vang bốn phía
Xác đầy nghĩa địa
Thây thối bên cầu
Trời ảm đạm u sầu
Cảnh hoang tàn đói rét…
… Sẵn bút đây ta tả
Để giữ lại vài câu
Cho ngàn vạn năm sau
Biết cảnh tình cơ cực
Là cái thời Tự Đức…”
Chính sách của triều đình nhà Nguyễn như thế nên đã đẩy xã hội đến nhiều mâu thuẫn sâu sắc, nhất là mâu thuẫn của nông dân với quan lại và triều đình.
Cuộc sống cơ cực và tình trạng lưu vong làm cho nông dân và các tầng lớp nghèo khổ bất bình với một số chính sách của nhà nước và căm oán quan lại hào cường. Họ đã được thu hút vào các cuộc nổi dậy và chống đối lớn nhỏ. Những người khởi xướng với những mục đích động cơ khác nhau, xuất thân từ nhiều tầng lớp xã hội: có khi là nông dân, là tổ tù lang đạo miền núi, là dòng dõi nhà Lê cũ, thậm chí cả đến quan lại triều đình.
Từ những năm 1807, 1808 những cuộc nổi dậy ở miền xuôi bùng lên ngày một nhiều hơn, triều đình phải tiến hành hơn 30 cuộc “tiễu phạt”.
Cuối năm 1818, một cuộc nổi dậy lớn nổ ra ở Nghệ An do Lê Hữu Tạo (Hầu Tạo) cầm đầu. Cho đến cuối năm 1824, một số cuộc nổi dậy có tầm cỡ (mà quan trọng hơn cả là cuộc nổi dậy của Vũ Đình Lục và Đặng Trần Siêu) lần lượt bị dập tắt. Nhưng trước đó mấy năm, một cuộc khởi nghĩa mới lại chớm lên ở đồng bằng và ven biển Bắùc Bộ: khởi nghĩa Phan Bá Vành. Khởi nghĩa Phan Bá Vành phát triển mạnh, chấn động cả một vùng Hải Dương, Sơn Nam. Sau hàng chục trận thắng lớn ở Cồn Tiên, Cổ Trai, Liêu Đông, Kiến Xương…, nghĩa quân rút về cố thủ ở căn cứ Trà Lũ và bị quân triều đình khép chặt vòng vây rồi bị thất bại trong trận đánh ác liệt ngày 17.2.1827.
Bước vào những năm 30, nhân dân thượng du Ninh Bình, Thanh Hóa nổi dậy dưới ngọn cờ của Lê Duy Lương đồng thời với khởi nghĩa Ba Nhàn, Tiền Bột trên địa bàn trung du bắc bộ rộng lớn. Tiếp đó là cuộc khởi binh Lê Văn Khôi đập tan bộ máy cai trị của nhà Nguyễn trên lục tỉnh Nam Kỳ, kéo theo cuộc nổi dậy của Nông Văn Vân làm chủ 6 tỉnh Việt Bắc
Từ năm 1841, các thủ lĩnh Ba Nhàn, Tiền Bột lại trỗi dậy ở Sơn Tây phối hợp với một số tướng lĩnh cũ của Nông Văn Vân ở Việt-Bắc. Cũng thời gian này, nhiều cuộc nổi dậy của người Việt, người Khmer và người Hoa đã diễn ra ở Lạc Hóa (Trà Vinh), Ba Xuyên (Sóc Trăng), Thất Sơn (An Giang), Hà Dương, Hà Âm (Kiên Giang).
Năm 1854, ở đồng bằng Bắc Bộ lại bùng lên một cuộc khởi nghĩa lớn - khởi nghĩa Cao Bá Quát. Tuy cuộc khởi nghĩa chỉ tồn tại trong 2 năm (1854 - 1855) và bị đán áp ngay từ đầu, nhưng nỗi bất bình của các tầng lớp nhân dân vẫn tiếp tục biểu hiện khá mãnh liệt ở những năm sau đó (với khởi nghĩa Cai tổng Vàng, khởi nghĩa Chày Vôi…).
Cũng khoảng thời gian nói trên, phong trào chống đối triều đình của các dân tộc vùng núi Thanh, Nghệ diễn ra mạnh hơn và có sự liên hệ với các cuộc nổi dậy ở Bắc Bộ, mà quan trọng hơn cả là cuộc nổi dậy của Quách Tất Thúc. Nghĩa quân lên tới 3000 người, liên kết với các thủ lĩnh Vũ Đình Lục, Đặng Trần Siêu ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ…
Theo thống kê, thời Gia Long có 73 cuộc khởi nghĩa của nông dân; thời Minh Mạng có đến 230 cuộc khởi nghĩa; thời Tự Đức có 103 cuộc.
Chỉ tính trong khoảng 10 năm từ khi Tự Đức lên ngôi (1848) đến khi thực dân Pháp đánh Việt Nam (1858) thì đã đến hơn 10 cuộc nổi dậy của nông dân chống lại triều đình và Tự Đức đã ra lệnh quân đội dìm tất cả các cuộc nổi dậy này trong biển máu.
Rõ ràng, chính sách của triều Nguyễn đã làm cho đất nước suy sụp, làm cho dân chúng phải “sức mòn lực kiệt”, xã hội chia rẽ sâu sắc… đặt dân tộc Việt Nam vào một thế rất bất lợi trước những mưu đồ xâm lược của thực dân phương Tây.
+ Về đối ngoại
Với nhà Thanh, các vua Nguyễn trước sau giữ thái độ “thần phục”.
Ngay sau khi kéo quân vào Thăng Long (1802), chúa Nguyễn Ánh sai sứ sang nhà Thanh cầu phong, nhưng đến năm 1804 vua nhà Thanh mới sang sứ sang tuyên phong cho vua Gia Long tại Thăng Long và định lệ 3 năm nộp cống một lần.
Nhiều chính sách, thiết chế chính trị, tư tưởng, văn hóa xã hội… của nhà Thanh được các vua Nguyễn tiếp thu, vận dụng, coi như những mẫu mực trị nước.
Đối với Pháp, có không ít người cho rằng vua Gia Long rộng rãi với Thiên Chúa giá, chủ trương cấm đạo này chỉ bắt đầu từ thời Minh Mạng. Ý muốn nói vua kế vị đã đi ngược lại ý định tốt đẹp của vua Gia Long trong lĩnh vực này.
Nhưng thực tế cho chúng ta một cái nhìn khác hẳn: Ngay khi còn dựa vào các thừa sai và người Pháp để đánh Tây Sơn, trong thâm tâm chúa Nguyễn Ánh đã bắt đầu nghi ngờ gờm sợ chính những người đang giúp đỡ mình. Vì vậy, sau khi lên ngôi, vua Gia Long dần dần muốn tách xa họ, sau đó muốn cự tuyệt họ. Phương hướng giải quyết của nhà vua là cố gắng giữ gìn mối quan hệ êm thắm với người Pháp và các thừa sai, vì thấy ở địa vị và hoàn cảnh của mình thì chưa thể trở mặt ngay với họ được.
Vua Gia Long muốn kéo dài tình trạng nhùng nhằng đó cho đến hết đời mình để rồi sẽ chuyển giao nhiệm vụ giải quyết vấn đề cho kẻ nối ngôi. Vì vậy, tuy bề ngoài nhà vua vẫn tỏ ra ưu đãi người Pháp và các thừa sai, nhưng thực lòng thì đang chuẩn bị, cân nhắc việc chọn người kế tục ngôi vua, hy vọng kẻ nối ngôi mình sẽ từng bước thận trọng cự tuyệt với người Pháp và thừa sai Thiên Chúa giáo.
Có thể nói vua Gia Long đã tiến hành khá êm đẹp chủ trương hai mặt này, êm đẹp đến mức nhiều người đương thời và cả sau đó tưởng lầm đường lối đối ngoại của vua Gia Long là thân Pháp và rộng rãi với Thiên Chúa giáo. Ngay cả một số tác giả thuộc Hội Truyền giáo cũng có nhận xét tương tự.
Buttinger (tác giả cuốn The Smaller Dragon - New York, 1962) nhận xét: Giữa thái độ thù địch một tiêu cực của Gia Long đối với Thiên Chúa giáo và chính sách của Minh Mạng đặt đạo này ra ngoài vòng pháp luật không có sự khác biệt gì đáng kể. Những chỉ dụ cấm “tà đạo” của Minh Mạng được ban hành sau khi Gia Long chết “về thực chất chỉ là sự thực hiện đường lối chính trị cơ bản của Gia Long mà thôi”.
*
* *
Đối diện với những hành động trắng trợn lấn lướt của thực dân Pháp, nhất là trước những hoạt động ngày càng sâu rộng của giáo sỹ, các vua Nguyễn, nhất là Minh Mạng, không những không tìm ra được những kế sách hợp lý để khắc phục tình hình trên, trái lại, nhà Nguyễn lại thi hành một chính sách cấm đạo và đàn áp quyết liệt giáo sỹ và giáo dân. Những chỉ dụ cấm đạo liên tiếp được ban hành.
Tháng 2 năm 1825, Minh Mạng ban bố đạo dụ thứ nhất với nội dung tăng cường hệ thống canh phòng ở các cửa biển và miền duyên hải, không cho giáo sỹ lọt vào nội địa, đặc biệt là việc kiểm soát các tàu của Pháp vào cửa biển ở vùng Quảng Nam. Cuối năm 1826, Minh Mạng lấy cớ thiếu người dịch sách khoa học nên ra lệnh tập trung tất cả các giáo sỹ ngoại quốc về Huế, thực chất là để giam lỏng các giáo sỹ, không cho họ liên hệ với giáo dân. Tuy vậy, nhiều giáo sỹ vẫn trốn tránh và bí mật hoạt động ở nhiều nơi.
Từ năm 1833, Minh Mạng lại ban bố một chỉ dụ cấm đạo thứ hai gay gắt hơn, buộc tất cả mọi người theo đạo Thiên Chúa, từ quan lại đến dân thường đều phải bỏ đạo và ra lệnh cho các địa phương phải phá hủy nhà thờ và lùng bắt giáo sỹ. Đồng thời Minh Mạng lại ra một bản mật dụ, bắt các quan lại địa phương phải tìm cách “giáo hoá” dân chúng bỏ đạo, phải báo cáo số lượng nhà thờ trong vùng và phá hủy ngay tức khắc, tiếp tục lùng bắt các giáo sỹ giải ngay về Huế.
Đạo dụ nêu rõ: “Các quan phải cẩn thận xem xét bọn theo đạo trong địa phận cai trị của mình của mình có sẵn sàng tuân theo dụ của Trẫm hay không? Các quan phải buộc họ dẫm lên thánh giá rồi khoan hồng cho họ một lần chót. Đối với nhà thờ và nơi cư trú của các đạo trưởng, phải kiểm tra xem đã phá hủy hoàn toàn hay chưa. Từ nay, kẻ nào còn dám truyền giảng tà đạo thì sẽ bị thẳng tay trừng trị, nhằm tiêu diệt tận gốc nghịch đạo Thiên Chúa. Ý Trẫm muốn như vậy, các ngươi hãy thi hành”.
Năm 1836 và 1838 lại ban thêm các chỉ dụ cấm đạo. Tiếp theo các chỉ dụ là những vụ đàn áp giáo sỹ và giáo dân. Theo tinh thần của các chỉ dụ này thì bất cứ giáo sỹ phương Tây nào bị bắt trên tàu ngoại quốc lén vào nội địa đều bị xử tử, bất cứ địa phương nào phát hiện được giáo sỹ hoạt động lén lút thì quan địa phương nơi đó cũng bị xử tử.
Các vua Thiệu Trị, Tự Đức tiếp tục ban hành các chỉ dụ cấm đạo Thiên Chúa. Thừa sai bị bắt, bị giết, nhà thờ bị phá hoại, giáo dân bị tàn sát, nhưng tình hình vẫn không sáng sủa hơn.
Triều đình nhà Nguyễn càng thi hành chính sách cấm đạo thì các giáo sỹ Phương tây càng tỏ ra ngoan cố và hoạt động ráo riết hơn. Ngược lại, các giáo sỹ càng tăng cường hoạt động thì triều đình lại ra sức đàn áp giáo sỹ và giáo dân điên cuồng hơn. Chính sách cấm đạo của triều đình nhà Nguyễn không những không ngăn chặn được những hoạt động truyền đạo và do thám của giáo sỹ, trái lại đã gây nên không khí căng thẳng trong dân chúng và khơi mối oán hận trong giáo dân. Công bằng mà nói, chính sách cấm đạo của nhà Nguyễn bắt nguồn từ nhu cầu tự vệ, nhằm ngăn ngừa và chống lại những hoạt động của bọn gián điệp đội lốt thầy tu, nhưng đó lại là một biện pháp trái đạo lý và thất sách, không phân biệt rõ bạn thù, đẩy giáo dân về phía đối lập với triều đình. Cuối cùng, thực dân Pháp vin vào việc đàn áp đạo để xúc tiến âm mưu xâm lược của chúng.
Kế hoạch xâm lược nước ta của thực dân Pháp dã rõ rệt nhưng triều đình Tự Đức vẫn không thay đổi chính sách của mình. Việc trấn áp giáo sỹ và giáo dân còn diễn ra dữ dội hơn cả thời Minh mạng. Tháng 8 năm 1848, Tự Đức ban chỉ dụ cấm đạo lần thứ nhất, ra lệnh ban thưởng 30 nén bạc cho kẻ nào bắt được một giáo sỹ. Những giáo sỹ phương Tây bị tội nặng thì xử theo hình phạt buộc đá vào cổ và vứt xuống biển. Đối với các giáo sỹ bản xứ nếu không chịu bỏ đạo thì phải khắc chữ vào mặt và đày đi những vùng nước độc.
Tháng 3 năm 1851, Tự Đức ban bố chỉ dụ cấm đạo thứ hai nhắc lại hình phạt đối với giáo sỹ phương Tây như trong chỉ dụ lần trước. Tháng 9 năm 1855 lại ban bố chỉ dụ cấm đạo thứ ba, mở màn một thời kỳ đàn áp mới, càng khốc liệt hơn. Các điều quy định trong chỉ dụ này cụ thể hóa thêm một số chi tiết về hình phạt đối với giáo sỹ phương Tây và việc thưởng tiền cho những người bắt được giáo sỹ.
Chính sách đối với Thiên Chúa giáo của nhà Nguyễn tuy bộc lộ “sự ấu trĩ về hiểu biết tôn giáo này” cũng như “sự khắc nghiệt trong biện pháp bạo lực”, nhưng đó là một chính sách bắt nguồn từ những cơ sở nhằm bảo vệ độc lập của Tổ quốc và văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhưng có thể khẳng định rằng “triều đình Huế thiếu sáng suốt đã không phân biệt được lòng yêu nước và đức tin tôn giáo của dân chúng để có những chủ trương đường lối thích hợp (…). Triều đình càng khủng bố tàn bạo bao nhiêu lại (…) tạo thêm điều kiện tốt cho những kẻ xấu hoạt động phá hoại, chia rẽ trong nhân dân ta, dọn đường cho sự xâm lược của ngoại bang”.
Những hành động chống đạo của vua Tự Đức diễn ra giữa lúc những điều kiện xâm lược của thực dân Pháp đã chín muồi. Bởi vậy khi giám mục Pellerin đề xuất việc can thiệp bằng vũ lực vào Việt Nam thì lập tức được hầu hết các tầng lớp trong chính giới và quân đội Pháp ủng hộ. Kết quả là ngày 22/04/1857, Naponéon III quyết định thành lập “Hội đồng Nam Kỳ” nhằm xét lại hiệp ước Versailles năm 1787, với âm mưu dựa vào các văn kiện bán nước đầu tiên của Gia Long mà hợp pháp hóa việc mang quân sang đánh chiếm nước ta, tháng 7/1857, Naponéon III đã thông qua quyết định vũ trang xâm lược nước ta.
3. Tiến trình xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp (1858 - 1884)
a. Pháp đánh chiếm Đà Nẵng (1858 - 1859)
Kế hoạch của Pháp là chớp nhoáng chiếm Đà Nẵng rồi hành binh cấp tốc qua đèo Hải Vân tấn công kinh đô Huế, giải quyết nhanh gọn cuộc xâm lược.
Sáng ngày 1/9/1858, quân xâm lược Pháp gửi tối hậu thư cho Tổng đốc Nam Ngãi đòi quan quân nhà Nguyễn ở đây phải đầu hàng. Liền đó, 2.500 quân Pháp với 13 chiến thuyền, 50 đại bác cùng với 1 chiến thuyền 450 quân Tây Ban Nha nổ những phát súng đầu tiên tấn công bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) mở đầu mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
§ Hành động tư bản Tây Ban Nha hùa theo Pháp trước hết là vì vấn đề tôn giáo, nhưng thực ra cũng là muốn chia xẻ quyền lợi thuộc địa.
Sau khi bắn đại bác tới tấp vào Đà Nẵng, một cánh quân địch gồm 3 tàu chiến tập trung hỏa lực bắn vào các đồn ở Sơn Trà, yểm trợ cho cánh thứ hai tiến vào cửa sông. Quân địch đổ bộ chiếm đồn An Hải và đồn Điện Hải ở bán đảo Sơn Trà rồi tiến sâu vào nội địa đánh tan phòng tuyến của quân triều đình ở xã Mỹ Thị, lan sang chiếm xã Cẩm Lệ.
Trước thế địch ào ạt, nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng lập tức thực hiện “vườn không nhà trống”, cô lập địch giữa bãi cát với mấy đồn vừa chiếm. Khắp nơi trong vùng, những đội dân quân “gồm tất cả những người không đau ốm và bệnh tật” gấp rút được thành lập, sẵn sàng chống trả những đòn tấn công mới của địch. Vua Tự Đức cử Nguyễn Tri Phương vào làm Tổng thống quân thứ Quảng Nam, chỉ huy mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng.
Ngay khi vào đến Đà Nẵng, Nguyễn Tri Phương cho đắp một lũy dài từ Hải Châu (ven biển) vào tới Phúc Ninh, Thạch Giản, đào hố cắm chông trước lũy. Được nhân dân ứng nghĩa ủng hộ, lũy được hoàn thành trong một thời gian rất ngắn. Quân Pháp tấn công lũy từ ba phía nhưng không hiệu quả, kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của địch không thành.
Sau 5 tháng, đến đầu tháng 1-1859, quân Pháp vẫn chỉ dừng lại ở việc chiếm đóng ở Sơn Trà và vùng phía nam sông Đà Nẵng.
Trong báo cáo đề ngày 4.1.1859, đô đốc De Genouilly viết: “chúng ta đang xuống dốc đến kiệt quệ ở Đà Nẵng. Mọi phương tiện để cải thiện tình hình bộ binh và hải quân đều hết sạch và vô hiệu. Hơn 10 ngày sau (15.1.1859), De Genouilly gửi tiếp một báo cáo về Pháp, nói rõ số lính chết lên đến mức đáng sợ, số lính bị bệnh lị quá nhiều. Trong số 800 lính (bộ binh) chỉ còn nhiều nhất là 500 người có thể cầm khí giới, không đủ sức để mở một cuộc hành quân…”.
Kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Pháp tại Đà Nẵng bị phá sản. Kế hoạch “giáng cho Huế một đòn quyết định” của thực dân Pháp coi như thất bại. De Genouilly cho thay đổi kế hoạch, quyết định đem quân vào đánh Gia Định, vì theo sự nghiên cứu của người Pháp thì “Sài Gòn có triển vọng trở thành trung tâm của một nền thương mại rộng lớn (…). Xứ này giàu sản vật, mọi thứ đều đầy rẫy”.
Tấn công Gia Định, thực dân Pháp muốn chiếm một địa bàn thuận lợi, vừa “lập nghiệp và phòng thủ”, vừa “hành binh và lưu thông thương mại dễ dàng”, đồng thời gây sức ép với triều đình Huế bằng cách phong tỏa kinh tế, cắt đường vận chuyển lương thực. Nhìn xa hơn, chiếm được Gia Định, thực dân Pháp sẽ có điều kiện bành trướng nhanh sang Campuchia và xa hơn nữa lên phía Bắc.
b. Pháp đánh chiếm các tỉnh Nam kỳ (1859 - 1867)
+ Đánh chiếm ba tỉnh miền Đông Nam kỳ (1859 - 1862)
Ngày 2-2-1859, sau khi chỉ để lại khoảng một phần ba số quân đóng trụ ở Đà Nẵng, De Genouilly đem 8 tàu chiến với 2.000 quân tiến vào Gia Định.
Sáng ngày 10/2/1859, tàu chiến Pháp - Tây Ban Nha đã có mặt ở Vũng Tàu và bắt đầu tập trung bắn phá các pháo đài phòng thủ ở đây để mở đường ngược sông Cần Giờ tiến vào Gia Định. Trong vòng 6 ngày (từ 10/2 đến 15/2), quân Pháp đã triệt phá 12 đồn trên đường tiến quân và cập được sát đến Nhà Bè.
Ngày 11.2.1859, đoàn tàu chiến Pháp vào sông Cần Giờ. Chiều 15.2, quân địch kéo đến trước đồn Hữu Bình. Cuộc chiến đấu diễn ra dữ dội suốt đêm. Sáng hôm sau (16.2), 7 tàu chiến Pháp dàn trận cách hai pháo đài chừng 800m, bắn phá và tràn lên bờ chiếm đồn Hữu Bình, tiếp đó dàn trận trước thành Gia Định và cho hai tàu nhỏ vào rạch Thị Nghè thám thính.
Ngày 17.2, quân Pháp đổ bộ tấn công thành Gia Định, dùng chất nổ phá thành, đánh thủng cửa Đông, dùng thang cao leo thành. Pháo trên thành bắn xuống tàu địch nhưng không hiệu quả. Địch vào thành hai bên đánh xáp lá cà. Đến trưa, quân ta rút lui, bỏ lại hầu hết súng đạn, thóc gạo và hơn 100 chiến thuyền gỗ trên sông Thị Nghè. Đề đốc Trần Trí, bố chánh Vũ Thực, lãnh binh Tôn Thất Năng lui quân về ụ Tây Thái. Hộ đốc Vũ Duy Ninh và án sát Lê Từ tự vẫn.
Trong thành Gia Định lúc này có hơn 2.000 quân với 200 đại bác bằng sắt, bằng đồng, 1 hải phòng hạm, 7 chiến thuyền, 25.000kg thuốc súng, tiền và bạc trị giá tương đương 130.000francs, thực phẩm đủ nuôi 8000 quân trong một năm.
Nghe tin Gia định thất thủ, triều đình Huế vẫn chủ trương để đại quân phòng ngự Đà Nẵng, chỉ phái Thượng thư Bộ hộ Tôn Thất Hiệp mang 1.500 quân vào đóng ở Biên Hòa. Quân Pháp tuy đã hạ được thành Gia Định nhưng phải đối phó với những đạo quân “ứng nghĩa” hoạt động sôi nổi ở khắp nơi, đêm ngày phục kích, đột kích, bao vây địch. Nhân dân Gia Định tự thiêu hủy nhà cửa, di tản hết, không hợp tác với địch.
Tướng De Genouilly hy vọng ở các thừa sai Thiên Chúa giáo và “nội ứng” của giáo dân, nhưng hình như thực tế đã không diễn ra như vậy: “Xung quanh chúng ta là những làng giáo dân, đáng lẽ họ phải tỏ ra nồng nhiệt đối với chúng ta, nhưng thực ra không làm gì có điều đó (…) Các giáo dân không giúp đỡ chúng ta, họ luôn đứng bên lề, rõ ràng là họ đã có định kiến”.
Trong một báo cáo gửi về chính phủ Pháp, De Genouilly viết: “không thể không thừa nhận rằng cuộc chiến tranh với nước này còn khó hơn cuộc chiến tranh với vương quốc Trung Hoa”.
Lúc này bộ phận quân Pháp đóng ở Đà Nẵng vẫn đang nguy khốn vì thương vong và dịch bệnh. De Genouilly lại quyết định trở ra Đà Nẵng. Trước khi rời Sài Gòn, y ra lệnh dùng mìn phá thành Gia Định (8.3.1859), đốt sạch các kho lúa gạo, chỉ để lại một lực lượng nhỏ đóng tại đồn Hữu Bình.
Tại mặt trận Đà Nẵng, ngày 8.5.1859, bộ binh và thủy binh Pháp tập trung toàn lực đánh vào các đồn Điện Hải, Thạch Giản, Hải Châu và Phúc Minh nhưng cũng không có kết quả, Pháp phải chuyển sang kế hoạch “chinh phục từng gói nhỏ”, thực chất là thú nhận tình trạng sa lầy tại mặt trận này và buộc phải ngừng bắn 3 tháng để thương thuyết.
Ngày 7.9.1859, De Genouilly lại hạ lệnh tấn công phòng tuyến quân ta tại Đà Nẵng. Phòng tuyến vỡ, nhưng quân địch phải trả giá đắt: 10 tên chết, 40 tên bị thương, lại thêm bệnh binh sốt rét chất đầy xe cứu thương. Cuộc thương thuyết chưa kết thúc thì tháng 11.1859 đô đốc Page được cử sang thay De Genouilly.
Giữa lúc đó, cuộc chiến tranh Trung-Pháp lại bùng nổ, buộc Pháp phải rút lực lượng ở Đà Nẵng và Sài Gòn chuyển lên chiến trường Trung Hoa, chỉ để lại khoảng 1.000 quân ở Gia định (600 lính thủy đánh bộ, 100 lính tập, 200 lính Tây Ban Nha và một hạm đội nhỏ). Như vậy, đến giữa năm 1860, tại Đà Nẵng quân Pháp đã rút hết, còn ở Gia Định địch phải dàn mỏng 1.000 lính còn lại trên một chiến tuyến 10 km từ Gò Cây Mai đến Thị Nghè.
Quân Pháp lúc này ở Sài Gòn chỉ khoảng 800 người, đóng quân trong các chùa (“phòng tuyến các chùa”) nối liền Sài Gòn với Chợ Lớn qua các chùa Khai Tường, Hiếu Trung, Kiến Phước vào đến chùa Cây Mai. Một sĩ quan Pháp viết: “Phòng tuyến của ta [Pháp] không được liên tục mà đứt khúc. Địch hoạt động từng toán nhỏ, luồn qua lùm bụi mà đi vào. Hễ gặp quân ta đi lẻ tẻ thì họ tấn công, thành ra lúc nào cũng có báo động. Ban đêm, quân Việt Nam vào tận trung tâm Sài Gòn đế đốt phá (…) Đại úy lính thủy đánh bộ Barbé đi ngựa tuần tra lọt vào ổ phục kích, bị đâm chết và cắt đầu ở gần chùa Hiền Trung”.
Lúc này một cuộc giải phóng đã có thể mở ra, nhưng tướng nhà Nguyễn chỉ huy mặt trận Gia Định là Tôn Thất Hiệp lại chủ trương “án binh bất động” để “làm nản lòng địch”, do vậy thời cơ đánh bật quân xâm lược ra khỏi bờ cõi bị bỏ rơi.
GS. Trần Văn Giàu cho rằng: “Năm 1860 cũng là năm Pháp can thiệp vũ trang vào Syrie, xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế, Page không hy vọng được tăng viện từ Pháp để tồn tại ở Đà Nẵng, vừa ở Sài Gòn (…) Đáng buồn là cái khó khăn nan giải ấy của quân địch, triều đình Huế không hay biết gì ráo, tất nhiên không lợi dụng được tình thế”.
Tháng 3/1860, Nguyễn Tri Phương được điều động từ Đà Nẵng vào chỉ huy mặt trận Gia Định thay Tôn Thất Hiệp. Ông không “chủ hòa” với địch mà chủ trương “công thủ” (vừa đánh vừa giữ), tập trung sức quân dân vào việc xây dựng Đại đồn Chí Hòa. Đại đồn dài 3.000m, ngang 1.000m, chia làm 5 khu, ngăn cách bằng bờ rào gỗ. Thành lũy xây bằng đất sét và đá ong cao 3m50, dày 2m, ngoài thành rào tre, đào hố cắm chông. 150 đại bác các cỡ bắn bằng đạn gang được bố trí trên tường thành.
Nhận xét về hệ thống Đại Đồn, tác giả Trần Văn Giàu viết: “Nếu là chiến tranh thời trung cổ với vũ khí thô sơ thì Đại Đồn có thể xem như khá kiên cố, tuy thiếu cao thừa rộng, mặt thì yếu mặt thì mạnh, địch dễ leo vào đánh xuyên hông, đánh bọc hậu (…) Xem địa đồ toàn cuộc, thấy hình thể Đại Đồn giống như cái thân hình đồ sộ của một lực sĩ giang hai cánh tay [hai chiến lũy tả, hữu] ôm Sài Gòn - Chợ Lớn, quyết ném địch xuống sông. Nguyễn Tri Phương tưởng đâu địch không thể bước qua Đại Đồn nổi, cam chịu co rút trong Sài Gòn cho đến ngày phải rút đi như chúng nó đã rút đi khỏi Đà Nẵng hồi năm trước”.
Ngày 25.10.1860, chiến tranh ở Trung Hoa kết thúc, quân viễn chinh Pháp rảnh tay trở lại Việt Nam. Lúc này vua Pháp (Napoléon III) đã cử đô đốc Charner thống lĩnh toàn bộ quân đội Pháp ở Viễn Đông, quyết hoàn thành nhanh chóng việc đánh chiếm Việt Nam.
Ý định này được chính Charner nhấn mạnh trong một báo cáo: “Nếu chúng ta muốn đứng vững chắc ở Nam Kỳ và tạo ra ở đây một trung tâm buôn bán quan trọng thì ta không thể chỉ chiếm Sài Gòn mà thôi. Quyền lợi của chúng ta đòi hỏi phải bành trướng giao dịch ra toàn Nam Kỳ gồm nhiều tỉnh phì nhiêu nhất và giàu nhất của vương quốc này”.
Sau mấy tuần chuẩn bị, ngày 23.2.1861 quân Pháp công phá đại đồn Chí Hòa. Cuộc chiến đấu của quân dân ta diễn ra vô cùng ác liệt trong hai ngày 24 và 25.2.
Charner ghi nhận: “Quân địch kháng cự kịch liệt (…) Địch ở sau các bờ thành xô nhào các cây thang được áp vào tường (…), dội nước sôi và ném các vật dẫn lửa từ trên thành xuống. Súng bắn ra dữ dội từ các lỗ trên bờ thành. Họ cố thủ cho đến khi quân xung kích của ta tiến sát mép bờ rào; và khi ta trèo lên được mặt tường thành thì họ mới bỏ chạy tán loạn (…) Quân ta tổn thất khá nhiều: 225 người”.
Cuộc giao tranh diễn ra ác liệt. Không trụ nổi trước hỏa lực mạnh hơn của Pháp, Nguyễn Tri Phương phải ra lệnh cho quân lính bỏ đại đồn. Địch chiếm đại đồn, Nguyễn Tri Phương phải cho quân rút về đồn Thuận Kiều. Ngày 28.2, địch tấn công Thuận Kiều, quan quân lại phải rút về Biên Hòa. Ngày 3.3.1861, địch chiếm đóng Trảng Bàng, coi như làm chủ tỉnh thành Gia Định.
Sau thất bại này, triều đình Huế cử Nguyễn Bá Nghi vào chỉ huy cuộc kháng chiến. Theo Nguyễn Bá Nghi tình thế đã đến lúc “đánh giữ đều không được” và tâu về triều đình: “trừ một chước hòa, tôi chỉ còn chịu tội”. Vua Tự Đức động viên quân tướng: “phải gắng sức, khéo dùng lời cảm hóa kẻ địch để họ kiêng nể mà nghe ta”.
Đáp lại yêu cầu “nghị hòa” của Nguyễn Bá Nghi, Charner đề xuất một hiệp ước 12 khoản, đồng thời chuẩn bị tiến đánh Định Tường.
Ngày 1.4.1861, quân địch chia làm hai cánh thủy bộ tấn công hệ thống phòng ngự trên sông và tiến về Mỹ Tho. Các quan tỉnh bỏ trốn hoặc rút vào thành. Ngày 12.4, cánh quân bộ của địch tiến sát thành Mỹ Tho, cánh quân thủy theo cửa sông Tiền tiến vào. Quân ta thiêu hủy kho tàng, rút về hướng Cái Bè, một bộ phận khác chạy về Vĩnh Long.
Trên thực tế, cuộc tiến quân đánh chiếm Mỹ Tho (do trung tá Bourdais trực tiếp chỉ huy) diễn ra không đơn giản. Tác giả P.Vial kể: “Chưa có cuộc hành quân nào ở Nam Kỳ lại mệt nhọc và chết chóc nhiều như cuộc hành quân này (…) Số quân lính bị chết vì quá nhọc mệt, vì dịch tả. Viên quan Bourdais rất can đảm bị một quả đạn đại bác làm bay mất đầu”.
Trong khi quân địch đang ì ạch kéo xuống Mỹ Tho vì phải đối phó với lực lượng dân quân trên các bờ sông, kênh thì ngót 5000 quân của Nguyễn Bá Nghi vẫn đóng yên ở Biên Hòa, không ứng viện. Về phía địch, Charner bất lực trước sức đề kháng của nhân dân, phải xin từ chức. Đô đốc Bonard được cử sang thay vào cuối tháng 11.1861, thực hiện lệnh của Bộ trưởng Hải quân Pháp là “giữ vững sự đô hộ của chúng ta ở Sài Gòn (…), ở đó chúng ta có thể ở lại lâu dài”. Rút kinh nghiệm thất bại của Charner, Bonard chủ trương chưa đánh sâu vào các làng xã mà khẩn trương đánh chiếm những tỉnh thành do quân triều đình đóng giữ. Kế hoạch đánh Biên Hòa và Vĩnh Long được thực hiện nhằm mở rộng khả năng càn quét, bao vây tiêu diệt các lực lượng nghĩa quân trên địa bàn rộng lớn từ sông Đồng Nai đến sông Hậu Giang.
Ngày 14.12.1861, quân Pháp tiến đánh Biên Hòa bằng cả hai con đường thủy bộ, liên tiếp chiếm các căn cứ Gò Công, Trao Trảo và Mỹ Hòa. Tuần phủ Nguyễn Đức Hoan và án sát Lê Khai Cẩn bỏ ngỏ thành với 48 đại bác và 15 thuyền chiến. Khâm sai Nguyễn Bá Nghi đem quân theo đường Bà Rịa chạy ra Bình Thuận. Thừa thắng, địch xuôi dòng Đồng Nai chiếm luôn Bà Rịa (7.2.1862).
Tiếp đến, ngày 20.3.1862, quân Pháp tiến đánh thành Vĩnh Long. Hơn 10 chiến thuyền địch áp sát thành Vĩnh Long, các đồn án ngữ bị vỡ. Đêm 23.2.1862, Trương Văn Uyển cho đốt hết kho tàng, dinh thự rồi rút chạy. Sáng hôm sau (24.2.1862) quân Pháp vào thành, thu được 68 cỗ đại bác.
Sau khi cho quân đánh tràn ra nhiều nơi, Pháp đã lần lượt chiếm được 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa).
Đầu tháng 5-1862, vua Tự Đức sai quan thông báo cho phía Pháp đề nghị “giảng hòa” của triều đình. Lập tức đô đốc Bonard sai Simon đáp thuyền máy đến Thuận An đưa ra ba yêu sách “nghị hòa” (quan toàn quyền của triều đình vào Sài Gòn thương nghị, bồi thường chiến phí, đưa trước 10 vạn lạng bạc để làm tin).
§ Trước khi phái bộ Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp lên đường, vua Tự Đức căn dặn: “hãy hành động rất cẩn thận hầu có ngưng chiến càng sớm càng tốt, để làm đầy đủ sứ mệnh Trẫm giao phó”. Khi thương thuyết, “hãy dò lường tình lý, tùy nghi biện bác sao cho họ bình tâm nghĩ lại, giảm được phần nào thì tốt phần ấy, nếu không được thì mới từ ít đến nhiều”.
§ Sứ bộ bắt đầu ra đi từ Huế ngày 28.5.1862, đến Gia Định ngày 3.6.1862. Ngày 5.6, hiệp ước được ký kết, gồm 12 khoản.
Trong năm 1862, khi Pháp xua quân tiến đánh nhiều nơi cũng là lúc phong trào nhân dân chống Pháp dâng cao ở các tỉnh miền Đông Nam kỳ làm cho Pháp hết sức hoang mang lo sợ. Chính lúc đó, triều đình Huế với bản chất hèn nhát của mình đã cử Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp ký với Pháp Điều ước ngày 5/6/1862 (Hiệp ước Nhâm Tuất).
Thực tế trên chiến trường cho thấy những tháng đầu năm 1862 là thời gian khủng hoảng nặng nề nhất của quân viễn chinh Pháp ở chiến trường Việt Nam. Một mặt, phong trào kháng chiến của nhân dân đang phát triển mạnh đặt quân địch trước những khó khăn nam giải, mặt khác là những tác động do thất bại của Pháp ở Syrie, sa lầy ở Mexico và làn sóng phản đối của nhân dân Pháp.
Kể từ đầu tháng 9.1858 đến cuối tháng 3.1862, quân Pháp tuy chiếm được 4 tỉnh thành (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long) nhưng chưa tổ chức được bộ máy cai trị vì luôn phải đối phó với phong trào kháng chiến của nhân dân đang dâng cao, nhất là khoảng cuối năm 1861 đầu năm 1862. Những trung tâm kháng chiến ở Cần Giuộc (do Quản Là chỉ huy), Thủ Dầu Một, Trảng Bàng và Tây Ninh ở phía bắc sông Vàm Cỏ, trung tâm Tháp Mười (do Võ Duy Dương chỉ huy) đã chặn đứng được ý đồ đánh thọc sâu vào vùng nông thôn của địch nhằm bao vây tiêu diệt lực lượng kháng chiến.
Giữa lúc đó, triều đình Huế đã chủ động “nghị hòa” làm cho thực dân Pháp ngạc nhiên: “may mắn thay, đang lúc phải đón đợi một tình thế xấu thì Huế lại yêu cầu ký hòa ước”; “Trung tướng hải quân bắc trở về báo cho quan đô đốc rằng người An Nam muốn điều đình (…) là một tin mừng giữa lúc có nhiều lo âu nghiêm trọng”.
Trước khi đi đến việc cầu hòa, trong một buổi thiết triều bàn kế sách “đối phó với Tây dương”, một số đình thần cho rằng: “Nước Tây dương kia cùng ta không phải là nước liền láng giềng để có thể thôn tính nhau được. Chuyến này chúng đến chẳng qua cầu lợi thôi”. Khâm sai Nguyễn Bá Nghi sau khi rút mấy ngàn quân về Biên Hòa, cho rằng: “bấy lâu nay ta lạnh nhạt với họ [Pháp], họ bị các nước láng giềng chê cười nên đem quân đánh ta để được hòa”. Một số đình thần khác cho rằng: “thuyền tàu, súng đạn đều là cái sở trường của chúng, đánh nhau với chúng mong cho chúng chóng lui, chưa thấy có cơ tất thắng. Mà lỡ ra có sa sẩy lại thêm gió thổi chim kêu cũng sợ hãi” (ý kiến Trương Quốc Dụng, Trần Văn Thung). Hoặc: “người ta có thể tưởng tượng ra nhiều cách phòng ngự, nhưng sự thật là chúng ta không thể chống nổi những cuộc tấn công của Tây dương” (ý kiến Phan Thanh Giản). Lại có ý kiến xin “không đắp đồn lũy, không thu binh lương nữa”, vì “kẻ địch xét thấy ý ta không thực lại thêm chém cắt hơn” và xin “giảm bớt quân thứ, phái người đi cầu viện nước ngoài” (Nguyễn Bá Nghi, Trần Đình Túc).
Vua Tự Đức băn khoăn lực chọn một đối sách thích hợp. Khoảng giữa năm1861, nhà vua phê phán Nguyễn Bá Nghi “chỉ thấy chủ ý giảng hòa để đến nỗi càng thêm khó”, nhưng chỉ một tháng sau đó, vua lại đã “chuẩn cho sai hỏi Nguyễn Bá Nghi tự liệu có thể giảng hòa cho xong công việc (…) thì cứ việc tiến hành cho sớm thành công”. Đã có lúc vua Tự Đức đề xuất những biện pháp cụ thể: “cần phải cùng nhau ra sức, làm giấy tờ đi lại, biện bác vặn bẻ, lấy lòng thành mà cảm hóa, lấy lẽ phải mà bẻ bác đi, cốt cho điều gì họ cũng nghe theo”.
Cũng có những ý kiến “chủ trương đánh giữ”, vì “ý của bọn Phú-lang-sa là muốn chiếm đất chứ không muốn hòa đâu. Ta không còn nói đến việc nghị hòa được nữa, phải chuyên một mặt đánh và giữ mà thôi. Sao lại tin lời nói dối của chúng mà mắc mưu chúng” (Nguyễn Tri Phương, Tô Trân, Phạm Hữu Nghị…). Nhưng theo Viện Cơ Mật, “các ý kiến này phần nhiều không thể lấy dùng được, vua đều bỏ đấy”. Khi Nguyễn Tư Giản “dâng sớ thiết tha xin không nên hòa với Tây dương” thì “Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản nói: viên ấy không so sánh sự lý, cho là chúng tôi gây mối lo ngại cho vua cha. Lũ chúng tôi dẫu rất ngu cũng không đến nỗi như thế”.
Sứ bộ bắt đầu ra đi từ Huế ngày 28.5.1862, đến Gia Định ngày 3.6.1862, và chỉ hai ngày sau (ngày 5-6) hiệp ước được ký kết.
Không có tư liệu phản ánh những chi tiết cụ thể về quá trình đàm phán giữa thực dân Pháp với phái bộ Phan Thanh Giản. Vì vậy cho đến ngày nay người ta vẫn băn khoăn không rõ vì sao chỉ trong hơn một ngày “thương thuyết”, phái bộ nhà Nguyễn đã vội chấp thuận những điều khoản nặng nề như vậy. Có ý kiến cho rằng phía Pháp đã dùng sức mạnh quân sự bức bách đại diện của triều đình Huế. Lại có y kiến cho rằng Phan Thanh Giản “biết rằng cưỡng lại thời thế vẫn đi đến chỗ thất bại mà tổn hại sinh linh nên ký cho xong”.
Trọn hiệp ước gồm 12 khoản, nội dung cơ bản được tập trung vào mấy điều khoản sau:
Điều 3: Trọn ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn nhường đứt cho Pháp. Người Pháp được quyền lưu thông thương mại trên sông Cửu Long và các nhánh sông này bằng tất cả các loại tàu thuyền, kể cả các chiến thuyền tuần tra trên sông.
Điều 10: Tàu ghe ở ba tỉnh miền tây được vào ba tỉnh miền đông buôn bán nếu chịu theo luật lệ của Pháp và phải được báo trước, nếu không sẽ bị bắt, tịch thu và phá hủy.
Điều 11: Thành Vĩnh Long do quân đội Pháp đóng giữ và sẽ được trả lại một khi vua An Nam ra lệnh chấm dứt các cuộc nổi loạn đang diễn ra trong các tỉnh Gia Định, Định Tường và những người cầm đầu các cuộc nổi loạn đi khỏi [các tỉnh trên] để trong xứ có an ninh và qui thuận.
Như vậy, với điều ước Nhâm Tuất này nhà Nguyễn đã chấp nhận giao 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ và đảo Côn Lôn cho Pháp, cùng với những nhượng bộ khác rất nặng nề như: mở cửa biển Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên cho tư bản Pháp tự do buôn bán, bồi thường cho Pháp 4 triệu Phơ-răng chiến phí. Mục đích của triều đình Huế là muốn sớm rảnh tay để đối phó với phong trào đấu tranh của nông dân miền Bắc. Triều đình Huế đã sợ dân hơn sợ giặc ngoại xâm. Hiệp ước Nhâm Tuất là một vết nhơ lịch sử, đánh dấu sự thỏa hiệp và đầu hàng từng bước của triều Nguyễn.
Về phía thực dân Pháp, hiệp ước 1862 là một thắng lợi bất ngờ. Người Pháp thực sự “ngạc nhiên về sự dễ dàng của người An Nam, trước kia đã từng bác bỏ các ý định giảng hòa của chúng ta với bao nhiêu bực tức, đột nhiên lại đến yêu cầu một hiệp ước mà điều kiện hình như đắt giá đối với họ”. Trong báo cáo gửi về Pháp (8.9.1862), đô đốc Bonard viết: “cho đến nay, để thực hiện hòa giải, tất cả mọi việc đều được triều đình Huế thi hành trung thực… phải nói rằng tôi chỉ còn biết hài lòng về chính phủ Tự Đức và những người thay mặt họ đã giúp đỡ tôi tại Nam Kỳ để cho hiệp ước được thi hành sớm chừng nào hay chừng ấy”.
Theo sử triều Nguyễn, nghe xong các điều khoản hiệp ước Nhâm Tuất, vua Tự Đức trách phái bộ: “Hai người [Phan, Lâm] không chỉ là tội nhân của bản triều mà còn là tội nhân của muôn đời nữa”. Trong bài văn khắc trên bia Khiêm Lăng, khi nhắc lại sự việc, nhà vua trách thêm: “bất đắc dĩ cầu hòa với giặc, sai sứ đi định ước, bậc kỳ nho thạc phụ khảng khái xin đi, không biết vì cớ gì mà lập hòa ước được dễ dàng, đem tất cả thổ địa nhân dân của các triều trước mở mang khó nhọc bỗng chốc bỏ cho giặc hết”. Nhưng sau đó, triều đình cử Phan Thanh Giản làm tổng đốc Vĩnh Long là Lâm Duy Hiệp làm tuần phủ Thuận Khánh để tiện giao thiệp với Pháp.
Có ý kiến cho rằng vua Tự Đức trách phái bộ Phan Thanh Giản vì để mất ba tỉnh cũng là để mất luôn đất Gò Công quê ngoại, hy vọng cử cụ Phan vào Vĩnh Long để tiếp tục thương thuyết, may ra chuộc được phần nào. Đã có lúc nhà vua còn định đổi ba tỉnh miền Tây để lấy lại ba tỉnh miền Đông. Và muốn quân Pháp cho chuộc đất (hay cho đổi đất) thì điều trước tiên là triều đình phải ra lệnh bãi binh và khuyên dân không nổi dậy chống Pháp nữa.
Sau khi triều đình ký kết hòa ước với Pháp, phong trào kháng chiến của nhân dân càng khó khăn hơn trước. Từ đây nghĩa quân sẽ phải đơn độc đối phó với địch. Quan trọng hơn, hiệp ước đã tạo cơ sở pháp lý cho địch đàn áp nghĩa quân, trong khi triều đình thì ra lệnh bãi binh theo đúng điều ước đã ký kết.
Và cũng từ sau hiệp ước Nhâm Tuất 1862, ngọn cờ chống thực dân Pháp xâm lược đã chuyển sang tay nhân dân, lần lượt từ ba tỉnh miền đông sang ba tỉnh miền tây rồi từ Nam ra Bắc, tạo thành một nội dung chủ yếu của lịch sử Việt Nam giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX.
*
* *
Sau khi hiệp ước 1862 được phê chuẩn, vua Tự Đức cử một phái bộ sang Pháp, xin vua Pháp (Napoléon III) cho chuộc lại ba tỉnh miền Đông. Sứ bộ gồm Phan Thanh Giản (chánh sứ), Phạm Phú Thứ (phó sứ), Ngụy Khắc Đản (bồi sứ) và hơn 50 tùy tùng. Tháng 11.1863, Napoléon III hứa với phái bộ sẽ cử đại diện (Aubaret) sang Huế để sửa lại hiệp ước 1862.
Sau một tháng điều đình (giữa tháng 6 đến giữa tháng 7.1864) Aubaret và Phan Thanh Giản ký bản tạm ước gồm 21 điều khoản: Pháp trả lại cho Tự Đức ba tỉnh miền Đông nhưng vẫn làm chủ Sài Gòn, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho, đồng thời triều đình Huế thừa nhận sự “bảo hộ” của Pháp trên lục tỉnh. Các điều khoản về thương mại, truyền giáo… vẫn giữ nguyên như điều ước 1862.
Về thực chất, tạm ước Aubaret - Phan Thanh Giản không lợi hơn, thậm chí nghiêm trọng hơn đối với vận mệnh đất nước so với hiệp ước 1862. Thế nhưng ngay khi đề án tạm ước vừa đệ trình vua Pháp, và Aubaret chưa kịp đến Huế thì thực dân Pháp (ở nước Pháp cũng như ở Nam Kỳ) đứng đầu là Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa (Chasseloup Laubat) cực lực phản đối, yêu cầu vua Pháp ra lệnh đình chỉ việc triển khai đề án Aubaret.
Cuối cùng Napoléon quyết định hủy bỏ tạm ước. Về phía triều đình Huế, sau khi ký tạm ước (15-7-1864), vua Tự Đức cử Phan Thanh Giản làm khâm sai đại thần ở ba tỉnh miền Tây, tiếp tục thi hành lệnh giải pháp quân đội và nghiêm trị những người nổi loạn.
+ Đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam kỳ (1867)
Tháng 8/1863, qua một chuyến du ngoạn và “thăm viếng hữu hảo” ở Campuchia, Pháp đã buộc triều đình Nôrôđôm ký “Hiệp ước hữu nghị và thương mại” để đặt ách đô hộ trên đất nước này. Sau đó, với việc đã cô lập phần còn lại của Lục Tỉnh Nam Kỳ, thực dân Pháp tiếp tục lấn lướt và đe dọa triều đình nhà Nguyễn để chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây.
Từ tháng 1-1865, được lệnh không thi hành tạm ước Aubaret - Phan Thanh Giản, đô đốc De Lagrandière xúc tiến kế hoạch chiếm nốt ba tỉnh miền Tây. Tháng 10.1866, De Lagrandière cử Vial ra Huế yêu cầu triều đình Huế để cho Pháp cai trị luôn ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, và Pháp sẽ giúp triều đình diệt trừ giặc biển và đình chỉ mọi khoản chiến phí. Tháng 2.1867, một đại diện của De Lagrandière lại ra Huế đòi chiến phí hàng năm theo điều ước 1862 và nhấn mạnh yêu cầu giao quyền cho Pháp ở ba tỉnh miền Tây. Triều đình Huế lúng túng, cuối cùng dành toàn quyền giải quyết vấn đề cho Phan Thanh Giản.
Ngày 20/6/1867, lấy cớ triều đình Huế vi phạm Điều ước 1862, ủng hộ nghĩa quân miền Đông chống Pháp, quân Pháp kéo tới bao vây thành Vĩnh Long, đưa thư đòi nộp thành. Đại diện triều đình ở miền Tây là Phan Thanh Giản đã đồng ý nộp thành Vĩnh Long cho Pháp, sau đó Phan Thanh Giản còn ra lệnh cho các quan cầm đầu 2 tỉnh còn lại là An Giang và Hà Tiên cũng phải làm theo.
Như vậy, chỉ trong vòng 5 ngày (từ 20-6 đến 24-6-1867) quân Pháp chiếm luôn ba tỉnh miền Tây mà không có một sự kháng cự nào của quân đội triều đình đang đóng ở đây nên không tốn một viên đạn nào. Bất lực trước tình thế, Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự tử (5-7-1867).
Những đề nghị canh tân đất nước của một số quan lại triều đình
Triều đình Huế đã mất Nam Kỳ là một sai lầm lớn. Tuy vậy triều đình vẫn không có biện pháp hữu hiệu để giữ 2/3 đất nước còn lại, mà chỉ lo chuộc đất dấy nghiệp ở Gia Định. Triều chính không được sửa sang, chính sách kinh tế - xã hội không hề được thay đổi, việc đối nội đối ngoại cũng chưa có chuyển biến nào đáng kể. Tình hình đất nước nói chung vẫn trì trệ, mâu thuẫn xã hội vẫn ngày càng tăng lên, tổ quốc không có khả năng tự vệ trước họa xâm lăng.
Sau khi thực dân Pháp chiếm trọn sáu tỉnh Nam Kỳ (1867), tình hình kinh tế xã hội nước ta càng khủng hoảng nghiêm trọng. Trước nguy cơ quân Pháp mở rộng xâm lược ra cả nước, nhà Nguyễn càng tỏ ra lúng túng trong việc phòng thủ. Suốt 10 năm đối phó với ngoại xâm (1858 - 1867), việc tổ chức, trang bị, huấn luyện quân đội vẫn không có cải tiến gì. Công bằng mà nói, vua Tự Đức đã cho lập thêm nhiều đơn vị “hương binh” ở một số tỉnh, sửa sang các thành lũy từ Bình Thuận trở ra, cử một số võ quan trấn thủ những nơi xung yếu, bố trí thêm đại bác, súng đồng ở cửa Thuận An…
Ở Bắc Kỳ, đời sống nhân dân khốn đốn vì luôn bị nạn đói, nạn dịch, bão lụt đe dọa, nhất là từ khi Nha Đê chính bị bãi bỏ (1861).
Liên tiếp hai năm 1867, 1868, các tỉnh trung du, đồng bằng và ven biển Bắc Kỳ bị bão lụt lớn, nhân dân xiêu tán. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Quảng Bình, Quảng Trị năm 1870.
Kinh tế nông nghiệp sa sút kéo theo sự đình đốn của công thương nghiệp. Nhiều đô thị suy tàn dần, giao thông thương mại đường biển nằm trong tay Chiêu thương cục của nhà Thanh. Những cố gắng bình ổn giá cả và đo lường không còn hiệu quả. Nha Bình chuẩn thành lập theo sáng kiến của Phan Huy Chú chỉ tồn tại mấy năm, rút cục cũng bị bãi bỏ. Vua Tự Đức và triều thần tiếp tục chủ trương “đóng cửa”, khước từ mọi quan hệ giao thương với nước ngoài.
Bấy giờ có tàu buôn nước Anh đến cửa Thị Nại (Bình Định) xin thông thương, có sứ thần của Tây Ban Nha đến Huế trình quốc thư (4 -1870), có lãnh sự Phổ ở Hồng Kông liên hệ với Nha Thương bạc xin giao hảo…, nhưng đều bị triều đình bỏ qua không xét hoặc không trả lời.
Tình hình tài chính ngày một kiệt quệ do chi phí chiến tranh và bồi thường chiến phí cho thực dân Pháp buộc nhà Nguyễn phải tăng các sắc thuế (1867), bán ruộng công làm ruộng tư (1869), kể cả bán quan mua tước để tăng thu nhập. lại thêm nạn thổ phỉ (từ biên giới phía bắc tràn sang) gây tai họa cho nhân dân Bắc hà.
Những đám “giặc khách” Cờ Trắng, Cờ Vàng cùng cướp biển “tàu ô” mặc sức tung hoành khắp thượng du, trung du và ven biển Bắc Kỳ. Vua Tự Đức phải thu nạp tướng Cờ Đen (Lưu Vĩnh Phúc) và cầu viện quân nhà Thanh ở Quảng Đông (lực lượng Phùng Tử Tài), hy vọng giải quyết rối loạn ở Bắc Kỳ.
Nắm được tình trạng suy nhược cao độ của triều đình Huế, thực dân Pháp càng xúc tiến ý đồ mở rộng xâm lược ra phía bắc, thậm chí biến vua nhà Nguyễn thành lực lượng hỗ trợ nhằm “đặt Bắc kỳ dưới quyền đô hộ của Pháp, mà chính phủ Pháp không phải tốn một người hay một xu nào”, như lời đô đốc Dupré báo cáo về bộ Hải quân và Thuộc địa Pháp.
Không thể bó tay nhìn đất nước lâm nguy, nhiều sáng kiến đổi mới đất nước được đề xuất lẻ tẻ trước kia trở thành một trào lưu canh tân trong những năm 60 của thế kỷ XIX. Nhiều người trong giới quan lại, sĩ phu ở các địa phương, trong đó có những người từng đi ra nước ngoài quan sát, tiếp xúc, học hỏi những thành tựu khoa học kỹ thuật châu Âu, trở về suy ngẫm trăn trở trước tình hình đất nước. họ mạnh dạn đề xuất những biện pháp khá toàn diện nhằm đổi mới nền kinh tế, chính trị, xã hội, mong thoát khỏi nguy cơ mất nước.
Tháng 9-1868, sau khi công cán ở Hồng Kông về, Trần Đình Túc và Nguyễn Huy Tế nêu sáng kiến xây dựng hải cảng để “tìm cách mưu lợi ích lâu dài”. Cuối năm đó (11-1868), Đinh Văn Điền mật trình một số sáng kiến khác có hệ thống hơn, gồm ba điểm chính:
· Nâng cao hiệu quả chiến đấu của binh lính,
· Cho dân gian được học binh thư binh pháp,
· Hạn chế sự lệ thuộc chính quyền các đô đốc ở Nam Kỳ bằng cách đặt quan hệ đối ngoại với nước Anh.
Đinh Văn Điền còn đề nghị các biện pháp mở mang kinh tế như khai thác khoáng sản, tận dụng ruộng đất bỏ hoang, đóng thuyền máy hơi nước, lập thương quán ở các nước, mời chuyên viên kỹ thuật các nước đến giúp, không để Pháp độc quyền…
Năm 1872, Nha Thương bạc (cơ quan đối ngoại của nhà Nguyễn) xin mở các cửa cảng Đà Nẵng, Ba Lạt, Đồ Sơn, áp dụng chính sách “chiêu thương khai cảng”. Triều thần bàn luận sôi nổi, nhưng rút cục đa số đã bác bỏ đề nghị này, cũng như đã bỏ qua các đề nghị canh tân trước đó, cho là “chưa hợp thời thế”.
Tiêu biểu cho phong trào cải cách bấy giờ là hệ thống điều trần nổi tiếng của Nguyễn Trường Tộ (1828 - 1871). Ông quê ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Năm 19 tuổi (1847) ông quyết định đi sâu tìm hiểu những thành tựu khoa học châu Âu, bắt đầu bằng những tri thức thu lượm được tại chủng viện Xã Đoài. Sau đó ông tìm cách đi du lịch Hồng Kông, Singapour rồi sang Pháp (1858) lưu học ở Paris hai năm.
Năm 1861, Nguyễn Trường Tộ về nước, trước sau gửi lên triều đình Huế một hệ thống sáng kiến canh tân bao quát mọi lãnh vực. Quan điểm tư tưởng nổi bật của Nguyễn Trường Tộ là sự lên án mạnh mẽ ý thức hệ Khổng giáo lỗi thời mà nhà Nguyễn đang cố sức duy trì. Xuất phát từ quan điểm này, ông đề xuất những biện pháp cải cách cụ thể về các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, tôn giáo, văn hóa giáo dục ….
Về nông nghiệp, Nguyễn Trường Tộ nêu rõ sự lạc hậu về kỹ thuật nông nghiệp ở nước ta, đề nghị mở trường nông chính để phổ biến khoa học kỹ thuật nông nghiệp, đi sâu cải tiến kỹ thuật canh tác để tiếp cận những thành tựu thế giới. Ông đặc biệt nhấn mạnh vấn đề trị thủy sông Hồng và vấn đề thủy lợi nói chung, theo nguyên tắc “khơi nước chứ không cản nước”.
Nguyễn Trường Tộ đặt niềm tin vào triển vọng công nghiệp hóa đất nước trên cơ sở bốn nguồn lợi lớn (hải lợi, lâm lợi, thổ lợi, nhất là khoáng lợi) một khi được khai thác khoa học bằng những phương tiện cơ giới hiện đại. Muốn vậy, việc đào tạo một đội ngũ nắm vững khoa học kỹ thuật tiên tiến là vấn đề bức xúc. Bản thân ông đã trực tiếp thăm dò và lập bản đồ khoáng sản nước ta. Ông đề nghị học tập kinh nghiệm các nước để phát triển ngành luyện kim, xây dựng các nhà máy để kỹ nghệ hóa mọi nguồn lợi núi rừng, sông biển.
Về thương nghiệp, Nguyễn Trường Tộ nhấn mạnh vị trí ưu việt của nước ta trên thương trường quốc tế, vì vậy phải “mở cửa” để lưu thông trong ngoài nước. Triều đình cần nắm vững hoạt động nội, ngoại thương, muasắm tàu thuyền, khuyến khích tư nhân bỏ vốn kinh doanh. Mặt khác cần đắp đường sá, khơi vét sông ngòi, mở mang đô thị để phát triển lưu thông nội địa. Ông phản đối quan điểm cho rằng “mở cửa biển tức là mở cửa đón kẻ cướp vào”, ông chứng minh nguồn lợi ngoại thương to lớn một khi biết cách khai thông đất nước.
Để cứu vãn tình hình tài chính nguy ngập, Nguyễn Trường Tộ đề nghị điều chỉnh các sắc thuế nông công thương nghiệp, đo đạc lại ruộng đất, điều tra lại dân số, giải quyết nạn chiếm đoạt, bỏ hoang ruộng đất, nghiêm trị quan lại hào cường tham nhũng. Mạnh dạn hơn, ông đề nghị vay tiền ngân hàng nước ngoài để mở mang kỹ nghệ.
Về văn hóa, xã hội, Nguyễn Trường Tộ chủ trương cải cách văn tự trên cơ sở bảo vệ tiếng mẹ đẻ, cấm lưu hành các sách hoang đường, dị đoan, lập viện dục anh, trang trại tế bần, hội từ thiện, cải tạo côn đồ, du đãng, sửa đổi phong tục tập quán, bài trừ tệ nạn xã hội (cờ bạc, rượu chè, thuốc phiện…), xây dựng nếp sống văn minh.
Nguyễn Trường Tộ đặc biệt lưu ý vấn đề giáo dục. Ông đề xuất một chương trình cải cách hoàn chỉnh về giáo dục nhằm xóa bỏ tư tưởng tự mãn và thủ cựu, xây dựng một lối học thiết thực, hiện đại. Bên cạnh tri thức văn học, phải đưa vào nhà trường các môn luật học, y học, sinh ngữ, nông học v.v…, nói chung là những tri thức khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới, phải gắn học với hành nhằm ích quốc lợi dân. Phải kết hợp đào tạo nhân tài cả trong và ngoài nước, cử nhiều người xuất dương du học. Tóm lại, theo ông, giáo dục là quyết định, giáo dục suy đốn thì quốc gia suy đốn.
Tóm lại, đứng trước hiện tình đất nước như vậy, ngay trong triều đình ở Huế cũng có nhiều người đưa ra những bản “điều trần” và sáng kiến để canh tân đất nước, tự cường dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trần Đình Túc, Nguyễn Huy Tế, Đinh Văn Điền, Nguyễn Trường Tộ và cả Viện Thương Bạc, ai ai cũng tâm huyết với vận mệnh đất nước. Điều trần của Nguyễn Trường Tộ gồm 14 tập là một hệ thống những sáng kiến, cải cách trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Song triều Huế và bản thân vua Tự Đức bảo thủ đến mức phản động, khi họ ra các chiếu, dụ khiển trách mọi điều trần và cải cách.
§ Có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về hai mặt tiến bộ và hạn chế trong những điều trần cải cách của Nguyễn Trường Tộ. Tuy nhiên, đã có sự nhất trí cao khi khẳng định toàn bộ điều trần cũng như bản thân cuộc đời Nguyễn Trường Tộ chứng minh tâm huyết của một trí thức yêu nước chân chính, có vốn tri thức sâu rộng, nhận rõ nhu cầu canh tân đất nước, thiết tha tìm lối thoát giải nguy tổ quốc.
§ Thế nhưng tại sao nhà Nguyễn không tiếp nhận những điều trần của Nguyễn Trường Tộ? Có ý kiến cho rằng nguyên nhân thất bại của Nguyễn Trường Tộ nằm trong một loạt những mâu thuẫn (mâu thuẫn trong vị thế của ông, trong tình cảm của ông và ngay cả trong chủ trương cải cách của ông). Lại có ý kiến nhận thấy những điều trần của Nguyễn Trường Tộ không có gì xa vời, ảo tưởng, mà phần lớn nằm trong tầm tay của nước ta bấy giờ. Nhưng nhiệt tình và tài năng Nguyễn Trường Tộ đã bị bỏ qua, chỉ vì “điều không may cho Nguyễn Trường Tộ chính là đã ở vào một thời đại với một ông vua nhu nhược, với những quan lại vô trách nhiệm, với một tầng lớp sĩ phu lỗi thời, lạc hậu”.
c. Pháp đánh chiếm các tỉnh Bắc kỳ (1873 - 1883)
+ Đánh chiếm Bắc kỳ lần thứ nhất (1873 - 1874)
Ngay sau khi chiếm xong ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, thực dân Pháp ở Sài Gòn đã tính đến việc theo đường sông Cửu Long tiến sâu vào lục địa châu Á. Nhưng đợt thăm dò sông Cửu Long năm 1866 của Doudart de Lagrée và Francais Garnier đi đến kết luận: Không thể tiến vào Trung Hoa bằng con đường này. Trái lại, muốn đạt mục đích trên thì phải làm chủ con sông Hồng chảy qua Bắc kỳ đổ ra biển Đông, và phải làm nhanh trước khi thực dân Anh nhúng tay vào. Thống đốc Nam kỳ Dupré trực tiếp thực hiện kế hoạch này.
Tháng 1.1872, lợi dụng việc triều đình Huế nhờ quân đội Pháp dẹp giặc biển ở Bắc Kỳ, Dupré cử viên trung tá hải quân Senez đem chiến hạm “Bourayne” ra Huế báo tin rồi tiến thẳng ra vịnh Bắc Kỳ. Mười tháng sau, cũng dựa vào lý do trên, tướng D’Arbaud (tạm thay Dupré nghỉ phép) lại cử chiến hạm “Bourayne” ra Bắc, tiến sâu vào nội địa, tìm đường lên Hà Nội. Tuy bị các quan địa phương phản đối, viên trung tá Pháp vẫn lên bộ quan sát Hà Nội và các triền sông phụ cận, và đệ trình một kế hoạch đánh chiếm Bắc Kỳ. Tháng 5.1873, Dupré báo cáo về Pháp rằng: “Việc đánh chiếm Bắc Kỳ là một vấn đề sinh tử cho tương lai thống trị của chúng ta ở Viễn Đông”.
Trong việc xâm lược Bắc Kỳ, thực dân pháp ở Sài Gòn liên kết hành động với Jean Dupuis, một lái buôn Pháp đang kinh doanh ở Trung Hoa.
Jean Dupuis đã từng đi lính Pháp trong cuộc chiến với nhà Thanh. Sau năm 1860, Dupuis trở thành một lái súng, có thương điếm trên đất Trung Hoa, cung cấp khí giới cho nhà cầm quyền đàn áp cuộc nổi dậy của người theo đạo Hồi. Từ năm 1867, Dupuis dựa vào thế lực của quan nhà Thanh ở Vân Nam, cùng thực dân Pháp ở Sài Gòn bàn tính kế hoạch xâm nhập Bắc Kỳ bằng con đường sông Hồng. Dupuis nhiều lần gây những vụ khiêu khích ở Hà Nội, bắt giữ thuyền bè của dân, tấn công đồn canh của quân ta ven sông Hồng…
Tháng 7.1873, thống đốc Nam Kỳ Dupré điện về Pháp: “Bắc Kỳ đã được khai phóng do thắng lợi của Dupuis, tạo hiệu quả sâu rộng trong nền thương mại Anh, Đức, Mỹ. Chiếm Bắc Kỳ là tuyệt đối cần thiết để bảo đảm cho nước pháp con đường thông thương duy nhất này. Tôi không cần viện binh gì hết, tôi giải quyết bằng cách của tôi. Bảo đảm thắng lợi”.
Ngay thời điểm đó, triều đình Huế cử một phái bộ vào Sài Gòn yêu cầu thực dân Pháp giải quyết vụ Dupuis. Chớp cơ hội, ngày 11.10.1873, thiếu tá hải quân Francis Garnier ghé qua Đà Nẵng báo tin, triều đình Huế cử ba võ quan đi theo hạm đội Pháp. Ra đến Hà Nội, F. Garnier phối hợp với lực lượng của Dupuis, liên kết với bọn phản động tuyển mộ ngụy quân, đột nhập thành Hà Nội yêu cầu khai phóng sông Hồng.
Tổng đốc Nguyễn Tri Phương đòi Dupuis phải rời khỏi sông Hồng và ra thông cáo cho dân chúng biết F. Garnier ra Hà Nội chỉ có nhiệm vụ dàn xếp vấn đề Dupuis. Trước thái độ kiên quyết của Nguyễn Tri Phương, F. Garnier quyết định dùng vũ lực. Ngày 19.11.1873, F. Garnier gửi tối hậu thư cho Nguyễn Tri Phương đòi trao thành, đòi cho Dupuis được tự do xuôi ngược sông Hồng và phải trả lời trước 6 giờ chiều cùng ngày. Nguyễn Tri Phương cương quyết cự tuyệt và tăng cường phòng thủ thành Hà Nội.
Mờ sáng ngày 20.11.1873, hơn 200 lính Pháp phối hợp cùng quân của Dupuis đang đóng ở Hà Nội và 11 khẩu đại bác đặt trên hai tàu chiến đang đậu trên sông Hồng, Garnier hạ lệnh nổ súng tấn công thành Hà Nội. Nguyễn Tri Phương lên thành trực tiếp chỉ huy cuộc chiến đấu, không may bị trọng thương. Con trai ông là Nguyễn Lâm tử trận. Quân triều đình tan vỡ, một số bị địch bắt giải vào Sài Gòn, một số chạy ra ngoại thành, rút lên Sơn Tây.
Sau khi Pháp chiếm thành đã bắt giữ Nguyễn Tri Phương rồi cố tình chữa vết thương cho Ông để hòng mua chuộc một tướng tài, có uy tín, nhưng Ông đã nhịn ăn đến chết, Ông mất ngày 20.12.1873.
Sau khi chiếm thành Hà Nội, thừa cơ triều đình Huế tự giam mình trong thế bị động thương thuyết, quân Pháp nhanh chóng đánh chiếm tiếp các tỉnh thành khác như: Hưng Yên, Hải Dương, Phủ Lý, Ninh Bình và Nam Định.
Sáng ngày 21/12/1873, Garnier chỉ huy đoàn quân từ nội thành Hà Nội tiến lên hướng Sơn Tây, khi đến khu vực Cầu Giấy thì bị quân của Hoàng Tá Viêm phối hợp với quân Lưu Vĩnh Phúc chặn đánh. Garnier cùng nhiều binh sĩ Pháp phải bỏ mạng tại Cầu Giấy.
Trận Cầu Giấy làm cho quân Pháp ở Hà Nội và các tỉnh Bắc kỳ hoảng sợ đến nỗi muốn bỏ thành chạy. Quân dân nhiều nơi phấn khởi, sẵn sàng đứng lên đánh Pháp. Nhưng một lần nữa triều đình Huế hèn nhát bỏ lỡ thời cơ, không những không dám hiệu triệu quan quân thừa thắng xông lên mà lại ra lệnh cho Hoàng Tá Viêm lui binh, rút quân cờ đen Lưu Vĩnh Phúc lên mạn ngược nhằm để “tạo không khí thuận lợi trong cuộc thương thuyết với Pháp”.
Ngày 3.1.1874, Philastre và Nguyễn Văn Tường đến Hà Nội, mở đầu cuộc thương thuyết bằng việc phía Pháp lần lượt trả lại các thành đã chiếm: thành Hải Dương được trao trả ngày 2.1.1874, thành Ninh Bình ngày 8.1, thành Nam Định ngày 10.1 và thành Hà Nội ngày 20.1.1874. Quân Pháp rút về Cửa Cấm chờ lệnh mới. Ngày 4.3.1874, Philastre và Nguyễn Văn Tường trở về Huế gặp vua Tự Đức rồi cùng vào Sài Gòn chuẩn bị ký hiệp ước mới. Kết quả là một điều ước phản bội nữa được ký kết vào ngày 15/3/1874 (Hiệp ước Giáp Tuất) tại Sài Gòn.
Ngày 15.3.1874, “Hiệp ước hòa bình và liên minh” được ký kết giữa một bên là Lê Tuấn, Nguyễn Văn Tường (đại diện triều đình) và một bên là Dupré (đại diện chính phủ Pháp)
Hiệp ước gồm 22 điều khoản với những nội dung cơ bản như sau: hiệp ước mới thay thế hiệp ước Nhâm Tuất (1862), thực chất là không bàn việc sửa đổi hiệp ước cũ nữa và hợp thức luôn việc Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây. Từ đây, triều đình Huế chính thức thừa nhận chính quyền của Pháp ở Nam Kỳ, không ký hiệp ước thương mại với các nước khác, giáo sĩ đạo Thiên Chúa được phép đi lại hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt Nam, mở cửa sông Hồng, cửa Thị Nại, Hải Phòng, Hà Nội cho Pháp buôn bán và đặt lãnh sự. Ngoài ra triều Nguyễn phải truy bắt và giải nộp cho Pháp những người nổi loạn ở Nam Kỳ trốn ra phía Bắc. Hiệp ước 1874 đánh dấu bước mới trong quá trình đầu hàng của triều Nguyễn.
Hơn 5 tháng sau, ngày 31.8.1874, thêm một Điều ước Thương mại được ký kết ở Gia Định, gồm 29 khoản, thừa nhận quyền kiểm soát của Pháp trên thị trường Việt Nam: hàng hóa, tàu bè Pháp được bảo đảm đặc quyền, hoạt động xuất nhập cảng (kể cả thu thuế thương chính) do người Pháp chi phối, điều hành…
Tóm lại, với Hiệp ước tháng 3.1874 và Thương ước tháng 8.1874, Nam Kỳ được chính thức thừa nhận là thuộc địa của Pháp, phần còn lại của đất nước thì người Pháp được quyền chi phối ngoại giao, nội trị.
+ Đánh chiếm Bắc kỳ lần thứ hai (1882 - 1883)
Từ sau hiệp ước Giáp Tuất (1874), thực hiện điều khoản “Pháp bảo vệ nhà vua [Nguyễn] chống mọi sự tấn công”, thống đốc Nam kỳ nhiều lần phái sĩ quan, chiến hạm phối hợp với quân triều đình đàn áp các cuộc chống đối, nổi dậy và đánh dẹp cướp biển, lập căn cứ trú quân ở đảo Cát Bà.
Trong những năm từ 1874 - 1884, ngoài các cuộc nổi dậy với mưu đồ khác nhau ở Bắc Hà (như cuộc nổi dậy của Tạ Văn Phụng ở Hải Dương - Quảng Yên), phong trào khởi nghĩa cũng lan vào Hà Tĩnh, Quảng Bình, tác động mạnh tới kinh thành Huế, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa do các văn thân ở Nghệ Tĩnh cầm đầu đã nói ở mục trên. Lực lượng nghĩa quân lên tới 20.000 người, đánh chiếm tỉnh thành Hà Tĩnh, bao vây phủ lỵ Diễn Châu, lập căn cứ ở Vinh. Quân triều đình không dẹp nổi, phải dựa vào giáo sĩ Pháp mới đánh tan được nghĩa quân. Trong việc đánh dẹp “giặc khách” (Cờ Vàng), các quan tỉnh Hà Nội cũng phải nhờ đến lãnh sự Pháp giúp sức tiễu phạt. Giặc “tàu ô” quấy phá vùng ven biển Bắc Kỳ, quan tỉnh Hải Dương cũng được lệnh phối hợp với quân Pháp đi tiễu trừ.
Nắm được sự suy yếu cực độ của chính quyền nhà Nguyễn, chính phủ cộng hòa Pháp (Đệ tam cộng hòa) quyết định đẩy mạnh cuộc xâm lược toàn bộ nước ta. Những đoạn trong thư Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa gửi Bộ Ngoại giao Pháp hồi tháng 4.1875 thể hiện rõ ý đồ này, đại lược như sau: nước Việt Nam đã suy nhược tự thấy không còn đủ sức cai trị dân mình…, tất phải bị một cường quốc đô hộ. Chúng ta đã chiếm được Nam Kỳ, không thể để cho một thế lực nào khác gây sức ép với Tự Đức. Ta phải tiếp tục [xâm chiếm Việt Nam], nhất quyết không thoái lui, không để mất quyền lợi đã giành được….
Và trên thực tế, năm 1879, Pháp chuẩn bị 3.000 lính, 12 tàu chiến đưa sang Việt Nam đánh chiếm Bắc Kỳ, mặt khác nhân triều đình Huế yêu cầu giúp thêm lực lượng trấn áp các cuộc nổi dậy, thực dân Pháp ở Hà Nội, Hải Phòng lại được dịp tăng quân lên gấp hai lần số quân đồn trú được quy định trong hiệp ước.
Tuy “hòa hảo” và dựa vào thực dân Pháp để dẹp loạn, vua Tự Đức vẫn thấy cần thiết nhờ nhà Thanh trợ giúp, ít nhất cũng tạo thế “đối trọng” với Pháp ở Bắc Kỳ. Hơn thế, vua Tự Đức còn cử người đi liên lạc với một số nước châu Âu khác (Tây Ban Nha, Anh, Đức) nhằm kềm chế bớt áp lực của Pháp. Nhưng ý định này không thành, vì đều bị phía Pháp dựa vào các điều khoản trong hiệp ước 1874 để ngăn chặn.
Tháng 3/1882, viện cớ triều đình Huế “vi phạm” Điều ước 1884, Thống đốc Nam kỳ phái đại tá Henri Rivière mang 400 quân cùng 2 pháo thuyền ra Bắc.
Ngày 26.3.1882, Henri Rivière đem 200 lính cùng hai pháo thuyền tiến ra Bắc Kỳ, lên Hà Nội (2.4.1882), lợi dụng việc tiếp kiến tổng đốc Hoàng Diệu, vào thành quan sát và yêu cầu phá hủy các công trình phòng thủ trong thành. Hoàng Diệu không nao núng, củng cố thành lũy, công sự, xây ụ cản… kiên quyết kháng chiến. Đồng thời ông cấp báo về Huế xin cho lực lượng Hoàng Tá Viêm ở Sơn Tây về phối hợp và liên lạc với các tỉnh viện trợ thêm quân và vũ khí.
Nhưng vua Tự Đức lo ngại “thổ phỉ” phương Bắc lại tụ tập nếu cho rút quân Hoàng Tá Viêm về bảo vệ Hà Nội, mặt khác làm như thế sẽ làm cho người Pháp “ngờ vực”. Nhà vua khuyên Hoàng Diệu, Hoàng Tá Viêm đừng làm việc “không phải lúc”, nên bình tĩnh, đừng “rối rít”. Tại Huế, vua Tự Đức sai Nha Thương bạc chất vấn lãnh sự Pháp tại sao kéo quân ra Bắc, và được trả lời: “Hà Nội muốn được yên thì phải giải binh và phá bỏ các công trình phòng ngự”.
Giữa tháng 4.1882, Henri Rivière điều động 7 tàu chiến và 2 xuồng máy ở Hải Phòng về Hà Nội. Mờ sáng ngày 25.4.1882, Rivie gửi tối hậu thư cho Hoàng Diệu đòi nộp thành và trình diện. 8 giờ sáng tàu chiến Pháp dàn trận trên sông Hồng nhất loạt bắn vào thành Hà Nội, công phá Cửa Bắc. Đang chiến đấu thì kho thuốc đạn trong thành bốc cháy làm cho quan quân Hoàng Diệu rối loạn. Thừa cơ đó quân Pháp đột nhập thành. Các quan đề đốc, bố chánh, lãnh binh tụt thành bỏ trốn, quân ta tan vỡ. Hoàng Diệu vào Hành cung thảo Di chiếu gửi triều đình rồi dùng khăn lụa treo cổ tự vẫn trong vườn Võ Miếu (dưới chân cột cờ Hà Nội ngày nay).
Nhận được chỉ thị từ Paris, Henri Rivière báo cho vua Tự Đức rằng: thành Hà Nội sẽ được trả lại và quân Pháp sẽ cùng triều đình cộng tác giữ thành, chuẩn bị cho cuộc thương thuyết mới.
Hoàng Tá Viêm tâu báo về âm mưu của địch “không chiếm hết toàn hạt Bắc Kỳ thì họ không thôi” và xin nhà vua không nên “cứ sa mãi vào thuật của họ”, nhưng ông đã bị vua khiển trách. Giữa lúc đó, sứ thần nhà Thanh (Lý Hồng Chương) đến Huế, ý tưởng cầu cứu nhà Thanh để đối phó với thực dân Pháp bắt đầu biểu hiện mạnh trong một bộ phận triều thần.
Nhưng nhà Thanh chỉ muốn nhân cơ hội tìm cách chia phần với Pháp ở Bắc Kỳ. Sau khi quân Pháp hạ thành Hà Nội, các quan chức nhà Thanh ở Lưỡng Quảng, ở cơ quan đối ngoại đều lên tiếng: “Người Pháp đã chú ý sông Hồng, việc Bắc Kỳ Thanh triều cần phải tham dự…, không thể trì hoãn, phải có âm mưu gì ở Việt Nam…”. Trên thực tế, tổng đốc Lưỡng Quảng đã được lệnh cho quân vượt biên giới, đóng ở Bắc Ninh, Hưng Hóa, Quảng Yên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang. Đến cuối năm 1882, số quân Thanh kéo sang Bắc kỳ lên đến 2 vạn người. Tạm ước Thiên Tân (2.12.1883) giữa Pháp và nhà Thanh đã được ký kết trong bối cảnh đó. Tạm ước Thiên Tân xác nhận việc chia Bắc Kỳ làm hai khu vực: nhà Thanh kiểm soát phía tả ngạn sông Hồng và Pháp kiểm soát phía hữu ngạn. Nhưng nội các Pháp đã bác bỏ tạm ước này, vì thực hiện theo đó thì nguồn khoáng sản Bắc Kỳ - trước hết là khu mỏ Hồng Gai - có nguy cơ lọt vào tay thực dân Anh đứng sau các quan chức nhà Thanh.
Ngày 12.3.1883, Henri Rivière cho quân chiếm Hồng Gai, đóng quân ở Bãi Cháy để khống chế vùng mỏ và Vịnh Hạ Long. Mấy ngày sau, chiến thuyền Pháp chiếm luôn Quảng Yên và chuẩn bị đánh thành Nam Định. Ngày 26.3.1883, Henri Rivière gửi tối hậu thư cho tổng đốc Nam Định Võ Trọng Bình đòi phá hủy công trình phòng ngự và trình diện. Sáng hôm sau (27.3) chiến thuyền Pháp dàn trên sông Vị Hoàng bắn vào thành, lập lại bài bản đánh thành Hà Nội trước đó ngót một năm.
Chiếm xong Nam Định, Henri Rivière trở về Hà Nội giữa lúc hai cánh quân Sơn Tây (của Hoàng Tá Viêm) và Bắc Ninh (của Trương Quang Đản) đã kéo về bao vây. Ngày 19 tháng 5, hơn 500 quân Pháp do Henri Rivière trực tiếp chỉ huy tiến về hướng Hoài Đức. Quân ta mai phục sẵn bên kia Cầu Giấy bố trí trận địa cản địch.
Cánh quân địch đi đầu vượt qua Cầu Giấy bị chống trả quyết liệt từ nhiều phía. Cánh quân của Henri Rivière đánh thẳng vào Tiền Thôn hòng tiêu diệt chủ lực của ta cũng bị chặn lại, mấy sĩ quan bị thương. 500 lính Pháp lúng túng tháo lui chen chúc nhau qua cầu, định dùng hỏa lực mạnh (đại bác) giành lại thế chủ động. Lập tức quân ta nổi hiệu xung phong. Ngót 100 lính Pháp chết và bị thương, trong đó có 5 sĩ quan bỏ mạng, kể cả Henri Rivière.
d. Đánh chiếm kinh thành Huế (1883 - 1884)
Thời gian H. Rivière đang mở rộng địa bàn chiếm đóng ở Bắc Kỳ thì tại Pháp, Nội các Ferry bàn kế hoạch nhanh chóng khuất phục triều đình Huế và ngăn chặn ý đồ của nhà Thanh đối với Bắc Kỳ. Trước mắt, Ferry quyết định tăng quân số và ngân sách cho vấn đề Bắc Kỳ, đồng thời bác bỏ tạm ước Thiên Tân ký với nhà Thanh. Thất bại ở Cầu Giấy cùng cái chết của H. Rivière càng thúc giục chính phủ Pháp thực hiện kế hoạch trên, mở đầu bằng quyết định đánh thẳng vào Huế buộc triều đình Tự Đức đầu hàng, đồng thời cũng là đặt nhà Thanh trước “việc đã rồi”.
Giữa lúc đó, vua Tự Đức mất (17.7.1883), triều thần phân hóa thành hai phe “chủ chiến” và “chủ hòa”. Về phía Pháp, đồng thời với những trận đánh quy mô ở Bắc Kỳ sau khi được tăng viện, giữa tháng 8.1883, cao ủy Pháp Harmand ra lệnh cho đô đốc Courbet đưa một hạm đội với 600 quân từ Đà Nẵng kéo ra cửa Thuận An.
Ngày 18.8.1883, Courbet gửi tối hậu thư cho vua Hiệp Hòa, đòi giao các pháo đài ở Thuận An trong vòng 2 giờ đồng hồ. Trong lúc vua Hiệp Hòa đang xin đình chiến thì đại bác của thực dân Pháp tới tấp công phá hệ thống pháo đài Thuận An. Sau 3 ngày cầm cự, đêm 20.8.1883, vua Hiệp Hòa cử sứ giả đi gặp Harmand xin “nghị hòa” và chấp nhận những điều kiện do phía Pháp đưa ra (phá hủy toàn bộ hệ thống phòng ngự, giao các chiến thuyền cho Pháp…, thực chất là để ngỏ kinh thành đón Pháp).
Một bản hiệp ước chuẩn bị sẵn gồm 27 điều khoản được trao cho triều đình Huế và chỉ được trả lời “thuận” hay “không thuận” trong vòng 24 giờ đồng hồ. Ngày 25.8.1883, đại diện triều đình Huế đã đồng ý ký Hiệp ước (thường gọi là hiệp ước Harmand hay hòa ước Quý Mùi)
Nội dung chính của Hiệp ước Harmand:
§ Về nội trị: từ nay Việt Nam đặt dưới sự bảo hộ của Pháp. Nam kỳ thuộc địa từ 1874 nay thêm vào 1 tỉnh mới là Bình Thuận; Bắc kỳ là đất nửa bảo hộ; Trung kỳ do triều đình quản lý, nhưng có một Khâm sứ của Pháp đóng tại Huế trực tiếp điều khiển.
§ Về đối ngoại: mọi việc giao thiệp của Việt Nam với nước ngoài (kể cả với Trung Quốc) đều do Pháp nắm.
§ Về quân sự: Pháp được quyền đóng quân ở bất cứ nơi nào xét thấy cần thiết, quân đội phải do các sĩ quan người Pháp chỉ huy.
§ Về kinh tế: toàn bộ các nguồn lợi trong nước đều do Pháp quản lý và chi phối.
Chấp nhận 27 điều khoản do Pháp đưa ra, hiệp ước Harmand đã tước hẳn quyền độc lập của nước ta, thừa nhận quyền “bảo hộ” của nước Pháp, dành cho nhà Nguyễn phần đất từ Đèo Ngang vào giáp Bình Thuận “để cai trị như cũ” dưới quyền điều khiển của một khâm sứ Pháp đóng tại Huế. Các nguồn lợi kinh tế trong cả nước (thuế quan, tài nguyên…) đều do người Pháp nắm. Về quân sự, vua Nguyễn phải triệt hồi binh lính ở Bắc Kỳ; quân đội Pháp sẽ có mặt và đóng đồn “ở bất cứ nơi nào xét thấy cần thiết” để bảo vệ “vua Việt Nam chống lại hết thảy các cuộc ngoại xâm, nội loạn”. Điều ước Harmand là sự phản bội tệ hại nhất của triều đình Huế đối với nhân dân nên bị nhân dân cả nước lên án và chống đối quyết liệt.
Đầu tháng 12/1883, khi đã nhận được thêm viện binh từ chính quốc, Pháp đẩy mạnh các cuộc hành quân đánh chiếm nhiều nơi ở Bắc kỳ. Pháp dùng áp lực buộc triều đình Mãn Thanh ký Điều ước ngày 11/5/1884 tại Thiên Tân (Trung Quốc).
§ Theo Điều ước Thiên Tân 1884, quân Mãn Thanh thừa nhận chủ quyền của Pháp ở Việt Nam và cam kết rút hết số quân đã tràn sang Việt Nam từ 1882 theo yêu cầu của triều đình Huế.
Với Hiệp ước Harmand (8.1883) thực dân Pháp đã khẳng định quyền thống trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nhưng cao trào kháng chiến của nhân dân bùng lên ngay sau đó buộc chính phủ Pháp thấy cần thiết tận dụng chính quyền cũ của nhà Nguyễn để hoàn tất cuộc xâm lược, hay nói đúng hơn, để “bình định” xứ này ít tốn kém nhất cả về người và của. Thủ tướng Ferry nói rõ: “Khôn ngoan hơn là chỉ nên nghĩ đến một cuộc bảo hộ… Muốn giúp cho công cuộc kinh doanh của nước Pháp ở Đông Dương đạt hiệu quả tốt thì nước Đại Nam [ý nói chính quyền nhà Nguyễn] không thể là một cái hư không được.”.
Do vậy, vấn đề “sửa đổi hiệp ước Harmand” được đặt ra. Một bản hiệp ước sửa đổi được thảo xong ở Paris, do Patenôtre mang sang buộc triều đình nhà Nguyễn ký vào (nhân chuyến đi Trung Hoa nhận chức đại sứ của y), thường gọi là hiệp ước Patenôtre.
Hiệp ước Patenôtre ký ngày 6.6.1884 gồm 19 điều khoản, xác định rõ thêm vai trò “bảo hộ” của nước Pháp đối với Việt Nam. Vùng đất “cai quản” của nhà Nguyễn được nới rộng ở hai đầu Trung Kỳ (từ Thanh Hóa đến Đèo Ngang ở phía bắc và tỉnh Bình Thuận ở phía nam), phân biệt hai chế độ cai trị khác nhau ở bắc Kỳ và Trung Kỳ. Như vậy, Việt Nam trên thực tế bị chia cắt làm ba: Nam Kỳ thuộc địa, Bắc Kỳ “bảo hộ” (thực chất do các công sứ Pháp trực trị) và Trung Kỳ của Nam triều do khâm sứ Pháp điều khiển.
Như vậy, hiệp ước Patenôtre đã hoàn thiện việc biến nước ta thành thuộc địa của Pháp, đồng thời xác định rõ “vị thế mới” của nhà Nguyễn bên cạnh chính quyền thực dân Pháp, cả về đối nội lẫn đối ngoại.
§ Điều ước Patenôtre 1884 đã xác lập quyền đô hộ lâu dài và chủ yếu của Pháp ở Việt Nam. Đến đây Nhà nước phong kiến Nguyễn đã đầu hàng hoàn toàn thực dân Pháp xâm lược.
Như vậy là sau 26 năm tiến hành chiến tranh xâm lược (1858 - 1884), thực dân Pháp đã cơ bản hoàn thành được ý đồ xâm lược - đã chiếm được hầu hết lãnh thổ Việt Nam.


II. PHÁP THIẾT LẬP CHẾ ĐỘ CAI TRỊ THỰC DÂN (1885 - 1896)
Sau khi hoàn thành việc bình định: Sau hiệp ước Nhâm Tuất (1862) 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ thuộc Pháp; đến năm 1867 cả 6 tỉnh Nam kỳ được đặt tên là Cochinchine Francaise. Sau Điều ước Giáp Tuất (1874) Bắc kỳ được đặt dưới chế độ bảo hộ và từ hiệp ước 1884 thì Trung kỳ trên danh nghĩa trở thành xứ nửa bảo hộ nhưng thực tế là một xứ được bảo hộ hoàn toàn như Bắc kỳ.
1. Ở Nam kỳ
a. Về chính trị - quân sự
Từ năm 1859 đến 1879, Nam kỳ được cai trị bằng chế độ võ quan (thời kỳ các đô đốc) và áp dụng chế độ cai trị bằng luật lệ quân sự.
Năm 1875, Pháp xóa bỏ tên gọi 6 tỉnh Nam kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) để chia toàn bộ vùng này thành 4 khu vực hành chính với 20 hạt trực thuộc. Đứng đầu mỗi hạt là quan Tham biện người Pháp, còn các cấp chính quyền dưới tỉnh thì được giữ nguyên thiết chế và vẫn nằm trong sự kiểm soát của những phần tử cường hào cũ để tạo nên cái chiêu bài “Tôn trọng phong tục, luật lệ, tập quán của người An Nam”.
Đến năm 1879, chế độ võ quan cai trị được bãi bỏ và các chính khách dân sự (thường xuất thân trong ngành tài chính) được cử sang làm Thống đốc Nam kỳ. Ở bên dưới, hệ thống chính quyền vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, để giúp thêm sự cai trị, Pháp cho thành lập “Hội đồng Thuộc địa Nam kỳ” với 20 thành viên, trong đó có 6 người Việt (xuất thân từ thành phần Đại địa chủ). “Hội đồng Thuộc địa Nam kỳ” có nhiệm vụ bỏ phiếu quyết toán hàng năm cho toàn Nam kỳ.
Hỗ trợ cho bộ máy cai trị này là một lực lượng quân sự hùng hậu, gồm lính viễn chinh Pháp và ngụy binh. Để có lực lượng ngụy quân n ày, Pháp đã cưỡng bức thanh niên Nam kỳ đi quân dịch.
Tháng 3.1861, 4 trung đội lính người Việt đầu tiên được thành lập; đến năm 1879 số quân tăng lên đến 1 trung đoàn. Ngoài lực lượng ngụy binh chủ lực còn có lĩnh mã tà đồn trú ở các địa phương và lính kín chuyên để đàn áp các cuộc khởi nghĩa. Bên cạnh đó là một hệ thống tòa án quân sự được xây dựng ở mỗi tỉnh nhằm mục đích khủng bố và đàn áp những người khởi nghĩa với những hình phạt hết sức dã man và tàn bạo.
b. Về kinh tế - tài chính
Nhằm mục đích vơ vét tối đa tiền bạc, lương thực để phục vụ công cuộc chinh phục Bắc kỳ và Trung kỳ, các biện pháp xuyên suốt kinh tế ở Nam kỳ là tăng thuế cũ lên nhiều lần và đặt ra nhiều loại thuế mới.
Trong vòng 20 năm đầu chế độ thực dân (1859 - 1879) số thuế đã tăng lên đến 5 lần.
Trước năm 1862 : 4,5 triệu frăng/năm
1867 : 5,4 triệu frăng
1871 : > 10 triệu frăng
1879 : > 19 triệu frăng
Lúa gạo bị thu gom để xuất khẩu kiếm lời cũng tăng rất nhanh. Trong vòng hơn 10 năm đã tăng gấp 4 lần:
1860 : <> 230 ngàn tấn
1877 : > 300 ngàn tấn
Ruộng đất nông dân bị chiếm đoạt, tập trung vào ta thực dân và địa chủ thân Pháp. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu mở mang thành phố, thị xã cũng như để khai thác tài nguyên, một số công xưởng, nhà máy và một số đường sắt được xây dựng: Xưởng đóng tàu Ba Son (1863), hệ thống đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho (1861)…
Một đặc điểm đáng lưu ý là Pháp câu kết chặt chẽ với thương nhân Hoa kiều để làm chỗ dựa. Cho lực lượng này lãnh thầu, xây cất, thu mua lúa gạo, mở sòng bạc, tiệm hút, nhà chứa…
c. Về xã hội
Dưới tác động của những chính sách chính trị, kinh tế trên đây, xã hội Nam kỳ bắt đầu thay đổi. Giai cấp địa chủ từng bước biến mình thành chỗ dựa, thành bạn đồng minh với thực dân Pháp. Thậm chí có một bộ phận địa chủ đã trở thành công cụ của chính quyền thuộc địa trong việc khai thác tài nguyên và bóc lột nhân dân. Tầng lớp viên chức và trí thức người Việt ngày càng tăng lên do nhu cầu đào tạo người giúp việc cho Pháp. Tầng lớp này phần đông đều xuất thân từ gia đình lớp trên (địa chủ, quan lại).
* Tóm lại:
Trong suốt thời gian từ 1858 - 1896, hoạt động trung tâm của Pháp ở Nam kỳ chính là nhằm ổn định về chính trị, củng cố hệ thống cai trị và bóc lột kinh tế. Nhằm mục đích biến Nam kỳ thành bàn đạp để tấn công ra Bắc và Trung kỳ. Và vì chính là mảnh đất đầu tiên của Việt Nam chịu ách cai trị thực dân nên chính sách thuộc địa nửa phong kiến ở Nam kỳ thể hiện đậm nét nhất so với các địa phương khác trong cả nước.
2. Ở Bắc và Trung kỳ
Sau khi chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất và ký hiệp ước 1874, Pháp đặt chức Đại biện (đặc phái viên) ở Huế để giám sát việc thi hành Hiệp ước. Chức Đại biện này trực thuộc sự chỉ đạo của Thống đốc Nam kỳ và tồn tại đến tháng 4-1883. Tháng 5-1883, Pháp lại đặt ra một chức vụ khác là Tổng ủy viên của Cộng hòa Pháp tại Bắc kỳ do Harmand đảm nhiệm. Thực chất viên Tổng ủy viên này là người quyết định mọi hoạt động đối ngoại của triều đình Huế. Dưới quyền Tổng ủy viên này là hệ thống quan đầu tỉnh Bắc kỳ (Công sứ). Tại Huế, Pháp lập một chức Trú sứ - thay mặt cho chính phủ bảo hộ Pháp ở Trung kỳ.
Sau Hiệp ước Patenôtre (1884), hệ thống chính quyền ở Bắc và Trung kỳ được chia thành 3 cấp:
- Cấp cao nhất là Trung ương: đứng đầu là viên Tổng sứ, phụ trách chung cả Bắc kỳ và Trung kỳ (Chức vụ này vào tháng 5-1889 bị bãi bỏ để tập trung quyền hành vào tay Toàn quyền Đông Dương).
- Cấp thứ hai là cấp Kỳ: ở Bắc kỳ đứng đầu là Thống sứ và ở Trung kỳ đứng đầu Khâm sứ Trung kỳ (cả hai trực thuộc Tổng sứ Bắc Trung kỳ). Thống sứ Bắc kỳ có nhiệm vụ quản lý, khống chế mọi hoạt động của quan lại người Việt trong xứ. Khâm sứ Trung kỳ thì quản lý và khống chế mọi hoạt động của triều đình Huế. Đồng thời, để tách Bắc kỳ ra khỏi sự quản lý triều đình Huế, từ năm 1886 Pháp đặt ra chức quan Kinh lược sứ Bắc kỳ. Viên Kinh lược sứ này có quyền thay mặt triều đình Huế để giải quyết mọ việc ở Bắc kỳ (Trong thực tế lịch sử, các viên quan đại thần giữ chức vụ này đều là những phần tử phản động thân Pháp: Hoàng Cao Khải, Nguyễn Hữu Độ…)
- Cấp thứ 3 là cấp Tỉnh: đứng đầu mỗi tỉnh Bắc kỳ là Công sứ Pháp có toàn quyền hành chính, tài chính và tư pháp, điều hành mọi việc thông qua hệ thống quan lại người Việt. Còn Công sứ ở Trung kỳ có quyền hạn thấp hơn, chỉ trong lĩnh vực thương chính và công chính.
Đông Dương trở thành một Liên bang được thành lập theo sắc lệnh ngày 17/10/1887 gồm 4 xứ: Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Camboge. Năm 1899 thêm Lào, năm 1900 thêm lãnh địa Quảng Châu Loan. Lúc đầu trực thuộc Bộ Hải quân và Thuộc địa Pháp, sau năm 1894 Liên bang Đông Dương trực thuộc Bộ Thuộc địa (được tách ra từ Bộ Hải quân và Thuộc địa trước đây). Đứng đầu Liên bang là toàn quyền Đông Dương, có quyền lực như một tổng thống Liên Bang. Toàn quyền Đông Dương đầu tiên là Constant (1887), Richaud (1888) sau đó cứ 2 - 3 năm thay đổi một nhiệm kỳ, nhưng có khi chỉ 1 năm và đôi khi có người đã 2 lần làm Toàn quyền Đông Dương. Bộ máy công chức cao cấp của Pháp ở Đông Dương mỗi ngày một đông thêm (năm 1897 có 2.860 người, năm 1911 có 5.683 người). Dưới Phủ toàn quyền là Hội đồng Quản hạt (ở Nam Kỳ), Phòng tư vấn (ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ) và các Hội đồng hàng tỉnh, các cơ quan Viện, Phòng chuyên trách…
Tất cả hệ thống cai trị trực tiếp này đều do người Pháp điều hành. Người bản xứ chỉ được đưa dần vào bộ máy ấy và để đảm bảo hình thức “dân chủ” mà thôi. Nhưng lực lượng tay sai bản xứ lại giữ vị trí quan trọng ở hệ thống cai trị từ Phủ, Quận, Tổng đến làng xã. Nhà nước thực dân như thế không phải là nhà nước Pháp quyền, mà chỉ là sự phối hợp lẫn nhau giữa nửa trên là giới tư bản tài chính ở nước ngoài, với nửa dưới là lực lượng tay sai người bản xứ.
Chế độ cai trị này tồn tại mãi đến năm 1945.
Còn về kinh tế - tài chính ở Bắc kỳ và Trung kỳ, từ 1874 - 1884 Pháp chưa thể rảnh tay để thực hiện chính sách bóc lột thực dân, các hoạt động thương nghiệp, công nghiệp hầu như không đáng kể, nguồn khai thác chủ yếu vẫn dựa vào các loại thuế đã có từ thời trước đó. Một điểm đặc biệt là Pháp tăng cường hoạt động cướp đoạt ruộng đất ở Bắc và Trung kỳ. Đến năm 1896 ở Trung kỳ có 3.967ha ruộng đất bị cướp, Bắc kỳ là 33.497ha đất bị cướp.

No comments:

About Me

Hochiminh-City, Mien Nam, Vietnam
Tiến sĩ Sử học, giảng viên Truong Dai hoc Khoa hoc xa hoi va nhan van - Đại học Quốc gia TP.HCM