Total Pageviews

Popular Posts

Search This Blog

Followers

Pages

Monday, July 30, 2007

VIET NAM GIAI DOAN 1919 - 1930

VIỆT NAM TỪ SAU CHIẾN TRANH THẾ GIỚI LẦN THỨ NHẤT ĐẾN NĂM 1930

I. CHƯƠNG TRÌNH KHAI THÁC THUỘC ĐỊA LẦN THỨ II CỦA THỰC DÂN PHÁP VÀ NHỮNG CHUYỂN BIẾN CỦA XÃ HỘI VIỆT NAM
1. Thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ II
Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất thực dân Pháp đổ xô sang các thuộc địa để khai thác vơ vét, bóc lột nhằm phục vụ cho khôi phục kinh tế chính quốc và tiếp tục phát triển tư bản. Ở Đông Dương, Toàn quyền Pháp là Albert Sarraut trước khi hết nhiệm kỳ lần thứ hai, đã hứa hẹn trên báo chí về những cải cách mới rộng rãi ở thuộc địa, theo đó cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp được triển khai trên quy mô ngày càng lớn.
Đông Dương trong chiến tranh đã tỏ ra là một thuộc địa quan trọng và béo bở nên sau chiến tranh, trong chương trình khai thác thuộc địa mới, tư bản Pháp đẩy mạnh đầu tư vào Đông Dương. Từ năm 1924 đến 1929 riêng tư bản tư nhân đã đầu tư trên 3 tỉ france (từ năm 1888 - 1918 tư bản tư nhân đầu tư vào Đông Dương 492 triệu france).
Một số ngành thu hút đầu tư lớn những năm 1924 - 1929 là: nông nghiệp (1.272,6 triệu france), mỏ (653,7 triệu france), công nghệ chế biến (606,2 triệu france), thương mại (363,6 triệu france), giao thông vận tải (104,2 triệu france)…
Nông nghiệp là ngành xếp thứ tư trong cuộc khai thác lần trước, lần này nông nghiệp đứng hàng đầu với tốc độ đầu tư tăng vọt từ 52 triệu france (năm 1924) lên 400 triệu france (năm 1927). Cây lúa, cây cao su là hai loại cây trồng chính trong nông nghiệp Việt Nam sau chiến tranh. Diện tích trồng cao su tăng nhanh từ 31.200 ha (1924) lên 99.678 ha (1930), chủ yếu là ở Nam Kỳ (94.804 ha), sản lượng thu hoạch được cũng tăng nhanh: 200 tấn nhựa năm 1913, 6.796 tấn nhựa năm 1924, 10.308 tấn nhựa năm 1929, từ 1924 - 1929 đã xuất cảng 70.417 tấn nhựa chủ yếu sang Pháp (74%). Tuy thế cao su chỉ đem lại 1/80 giá trị sản lượng nông nghiệp thuộc địa, lúa mới là nguồn lợi nhuận chính bởi vì ít vốn, thu lợi nhanh và chắc chắn.
Đồn điền lúa ở Việt Nam đến năm 1929 - 1930 là 285.000 ha nhưng diện tích trồng lúa ngoài các đồn điền còn lớn hơn gấp bội và phương thức phát canh thu tô vẫn là chủ yếu để phát triển nghề lúa. Lượng lúa gạo xuất cảng ở Việt Nam sau chiến tranh tiếp tục tăng lên, năm 1919 là 967.000 tấn, năm 1924 là 1.230.000 tấn, năm 1928 là 1.798.000 tấn…
Ngoài ra cơ cấu trồng trọt cũng đã được thay đổi từ trước, vì thế sau chiến tranh càng mở rộng, nhất là các cây trồng mang lại nguồn sản phẩm nhanh để xuất khẩu như cà phê, chè, mía, bông, dừa, hồ tiêu…
Về công nghiệp, tư bản Pháp đầu tư vốn đứng hàng thứ hai, nhưng kinh doanh trong công nghiệp vẫn làm bùng nổ những cơn sốt mỏ cùng sự đẩy mạnh những ngành công nghệ nhẹ, công nghệ chế biến… Lợi nhuận từ mỏ đã có sức hút lớn nhất, nếu năm 1920 chỉ có 673 giấy phép thăm dò mỏ thì năm 1929 có tới 17.685 giấy. Từ đó ngành khai khoáng tiếp tục vị trí hàng đầu trong công nghiệp thuộc địa, nó đem lại giá trị hàng năm ngày một lớn: 4.600.000 đồng Đông Dương (1919) lên 11.400.000 đồng (1929).
Cùng với khai khoáng phát triển ồ ạt là sự mở rộng quy mô các cơ sở công nghiệp khác và sự ra đời thêm hàng loạt công ty công nghiệp mới, nhất là từ năm 1924 trở đi. Công ty than Bắc Kỳ tăng đầu tư từ 4.000.000 france (1888) lên 38.400.000 france (1928), công ty cao su Đông Dương tăng vốn từ 1.500.000 france (1910) lên 15.000.000 france (1929), công ty bông vải sợi Bắc Kỳ vừa tăng thêm vốn đầu tư, vừa mở rộng quy mô từ Hà Nội xuống Nam Định, Hải Phòng, sang Phnôm - Pênh… Các công ty than Hạ Long, công ty than và kim khí Đông Dương, công ty thiếc Chợ Đồn và nhiều cơ sở khai thác mỏ sắt, kẽm, crôm, kền… lần lượt ra đời. Các ngành xay xát, ấn loát, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm và các cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng đua nhau mở rộng hoặc mọc lên loang nhanh trên các đô thị.
Giao thông vận tải cũng kịp thời phát triển phục vụ cho công cuộc khai thác. Đến năm 1931 Việt Nam đã có 24.000km đường quốc lộ, trong đó 15.000km được rải đá nhựa, nối liền các địa phương trong cả nước. Tuyến đường xuyên Việt tiếp tục được hình thành gồm cả đường bộ và đường sắt. Xe ôtô và xe lửa dần dần trở thành phương tiện vận tải phổ biến, chỉ riêng ôtô ở toàn Đông Dương (chủ yếu là Việt Nam) năm 1921 có 250 xí nghiệp với 700 chiếc, đến năm 1932 có 3.400 xí nghiệp với 4.300 chiếc.
Thương mại ở Việt Nam sau chiến tranh trở lại tình trạng như trước chiến tranh, thực dân Pháp độc quyền hoạt động xuất nhập khẩu. Quy mô công cuộc khai thác thuộc địa ngày càng lớn, nên không những xuất nhập khẩu tiếp tục tăng nhanh, mà việc buôn bán trao đổi nội địa cũng không ngừng mở rộng. Gạo, than, cao su là 3 mặt hàng xuất khẩu chính của Việ Nam (chiếm 74,5% tổng kim ngạch xuất khẩu) chủ yếu sang Pháp. Hàng nhập khẩu cũng chủ yếu từ Pháp với các loại xa xỉ phẩm, hàng tiêu dùng, một ít máy công cụ… Thị trường trong nước đã có sự thống nhất giữa các xứ với các lực lượng thương nhân ngày càng đông đảo.
Cùng với nền kinh tế chuyển biến ngày một nhanh, nên chính trị ở thuộc địa Việt Nam cũng có những thay đổi theo chiều hướng phục vụ kịp thời cho công cuộc thực dân của người Pháp. Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ mở rộng thêm với số thành viên người Việt tăng từ 6 lên 10 người. Các phòng tư vấn ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ được đổi thành các Viện Dân Biểu (năm 1926), một số cơ quan trung gian được lập thêm như Phòng Thương mại và Canh nông, Hội đồng Kinh tế lý tài Đông Dương. Ở nông thôn thì Hội đồng Tộc biểu được dựng lên thế chỗ cho Hội đồng Kỳ hào. Tại Nam Kỳ còn có sự bổ sung quy chế cho người bản xứ vào làng Tây…
Có thể thấy rõ sau chiến tranh thực dân Pháp không thể cai trị thuộc địa như trước được nữa; còn người dân bản xứ cũng đã hiểu rõ hơn giá trị của dân chủ tự do, rằng muốn có cần phải đấu tranh mới giành lấy được.
Về văn hóa giáo dục, chính sách ngu dân thì không thay đổi nhưng nền giáo dục học thuật cũ thì không còn phù hợp, cần thiết lập nền giáo dục mới kiểu Pháp thay thế vào. Một hệ thống trường sở đào tạo và nghiên cứu đủ để hoàn thiện giáo dục một con người được hình thành. Tuy vậy, đối với đại đa số quần chúng nhân dân thì giáo dục ấy rất xa vời. Cả Việt Nam số người đi học từ vỡ lòng đến đại học chỉ chiến 1,8% dân số. Nam Kỳ năm 1924 chỉ có 12 % số trẻ em đến tuổi được đi học và cả nước số trẻ đến lớp đúng độ tuổi chỉ 6%. Như thế, sự phát triển giáo dục mới chỉ là thứ bánh vẽ và mang tính chất tượng trưng.
Trong lĩnh vực báo chí công khai, Pháp cho phát triển tự do những sách báo có lợi cho chủ nghĩa thực dân. Báo tiếng Pháp và tiếng Việt ở cả Nam - Trung - Bắc đều xuất hiện rầm rộ, nhất là từ năm 1923. Tính theo ấn phẩm có nộp lưu chiểu thì năm 1922 có 96 tờ báo, tạp chí, tập san (trong đó Bắc Kỳ 36 tờ tiếng Pháp, 8 tờ tiếng Việt, Nam Kỳ có 29 tờ tiếng Pháp và 10 tờ tiếng Việt, Trung Kỳ có 2 tờ tiếng Pháp và 1 tờ tiếng Việt). Đến năm 1925 có 121 tờ (trong đó Bắc Kỳ có 69 tờ, Nam Kỳ có 49 tờ), năm 1929 có 153 tờ (trong đó Bắc Kỳ 72 tờ, Nam Kỳ 71 tờ, Trung Kỳ có 10 tờ).
Bên cạnh các tờ báo, tạp chí tiếp tục tuyên truyền cho công cuộc thực dân như Nam Phong, Trung Bắc Tân Văn, Gia Định Báo… các tờ báo, tạp chí mới như Tiếng Chuông Rè, An Nam, Hữu Thanh, Tiếng Dân… lại tuyên truyền cho tư tưởng tiến bộ và cách mạng. Các Thư xã như Nam Đồng Thư Xã, Giác Quần Thư Xã… là nơi tập hợp nhiều tri thức tiến bộ, xuất bản nhiều tác phẩm có tếng vang lớn. Báo chí cách mạng từ giữa năm 1925 trở đi bắt đầu xuất hiện, chủ yếu phát hành bí mật. Tờ “Thanh Niên”, tác phẩm “Đường Cách Mệnh” và nhiều tờ báo, tạp chí các mạng khác những năm 1925 - 1930 đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam.
2. Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam
Trước tác động công khai của công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, xã hội Việt Nam tiếp tục bị phân hóa sâu sắc, trong đó có các giai cấp mới đã kết thúc quá trình ra đời để bước vào đấu trường cách mạng.
+ Giai cấp công nhân sau hơn 30 năm hình thành và phát triển đến năm 1929 đã có lực lượng 220.000 công nhân chuyên nghiệp. Tuy số lượng chỉ chiếm 1,3% dân số nhưng đây cũng là tình trạng chung của các thuộc địa. Mặt khác, giai cấp công nhân quốc tế, lại mang những đặc điểm riêng của một dân tộc đang đấu tranh chống đế quốc phong kiến.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, phong trào công nhân quốc tế chịu ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, đã phát triển mạnh mẽ và tác động đến các thuộc địa giai cấp công nhân Việt Nam đã hòa vào không khí đó để đấu tranh và trưởng thành. Đặc biệt, những năm 20 của thế kỷ này sự truyền bá chủ chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam đã giúp cho giai cấp công nhân rút ngắn thời kỳ phát triển tự phát của mình để chuyển sang thời kỳ tự giác. Đến đầu năm 1930 giai cấp công nhân đã thành lập được Bộ Tham mưu giai cấp của mình là Đảng Cộng Sản Việt Nam.
+ Giai cấp tư sản Việt Nam sau chiến tranh không còn điều kiện thuận lợi như trong thời kỳ chiến tranh, nhưng cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai vẫn lôi cuốn họ tiếp tục phát triển trưởng thành. Lực lượng ngày một đông ở cả 3 kỳ, tư sản Việt Nam có mặt ở hầu hết các ngành Công - Nông - Thương, nhưng vốn liếng của họ chỉ bằng 5% so với vốn tư bản nước ngoài. Trong quá trình làm ăn phát triển, tư sản Việt Nam lại không thể đoạn tuyệt mà còn phải liên hệ thường xuyên với cả đế quốc lẫn phong kiến và tư bản ngoại quốc khác. Tư sản Việt Nam sớm có ý thức đấu tranh giai cấp nhưng không vượt qua được hạn chế yếu đuối của mình để kết hợp đấu tranh giai cấp với đấu tranh dân tộc.
+ Tiểu tư sản thành thị tăng trưởng không ngừng từ đầu thế kỷ XX đến sau đại chiến. Năm 1929 các thành thị có khoảng 500.000 dân và theo đà phát triển của các đô thị, các bộ phận tiểu tư sản ở đây sẽ tiếp tục chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong cơ cấu dân cư. Mặt khác sau chiến tranh, các giai cấp tư sản và vô sản đều trường thành nhanh, sự du nhập tư tưởng mới cùng với sự chuyển biến nền kinh tế - xã hội trong nước diễn ra dồn dập, cuộc đấu tranh xã hội trong hoàn cảnh mới này cũng ngày một sổi nổi… Trong điều kiện ấy, tiểu tư sản đã vươn lên về chính trị, trở thành lực lượng đấu tranh yêu nước khá hùng hậu ở các đô thị và có những bộ phận đã dũng cảm giương lên ngọn cờ dân tộc tư sản.
+ Địa chủ phong kiến và nông dân, thợ thủ công ở nông thôn là hai giai cấp có số lượng lớn đông đảo nhất trong xã hội và sự phân hóa của các giai cấp này sau chiến tranh vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng đã có ở đầu thế kỷ XX. Địa chủ phong kiến thống trị thì ngày càng lún sâu vào con đường làm tay sai cho ngoại bang khai thác bóc lột nhân dân; còn nông dân bị trị thì không ngừng bị bần cùng hóa và không lối thoát, đã nổi dậy đấu tranh và sẵn sàng đi theo các giai cấp tiên tiến làm cuộc cách mạng xã hội.
Sự phân hóa thuần thục của xã hội Việt Nam dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa làm cho các giai tầng trong xã hội bộc lộ hết khả năng và bản chất của mình. Mâu thuẫn xã hội giữa toàn thể dân tộc Việt Nam và chủ nghĩa đế quốc, giữa các giai cấp bị trị mà đại biểu đông nhất là nông dân và giai cấp thống trị mà đại biểu đông nhất là địa chủ phong kiến, ngày càng gay gắt, không thể điều hòa. Phong trào đấu tranh cách mạng bùng nổ mạnh mẽ sau chiến tranh, trước hết bắt nguồn từ những mâu thuẫn căn bản đó.
Công cuộc đấu tranh cách mạng giai đoạn này sẽ rất gay go, quyết liệt, phức tạp khi các giai cấp cùng xung trận sau quá trình phát triển trưởng thành. Cách mạng Việt Nam đi đến đâu là tùy thuộc trước hết ở việc giai cấp nào giành được bá quyền lãnh đạo cách mạng. Đó cũng là nội dung chủ yếu của thời kỳ có tính chất bản lề, mười năm sau chiến tranh (1919 - 1929).
II. PHONG TRÀO YÊU NƯỚC VÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM SAU CHIẾN TRANH THẾ GIỚI
1. Phong trào yêu nước
Sau chiến tranh thế giới lần I, dưới ảnh hưởng hoàn cảnh lịch sử mới (cả trong nước và thế giới), phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam có bước phát triển mới, với sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, nhiều hình thức đấu tranh phong phú, nhất là phong trào ở đô thị.
- Giai cấp tư sản dân tộc nhân đà làm ăn thuận lợi từ trong chiến tranh muốn vươn lên giành lấy vị trí khá hơn trong nền kinh tế Việt Nam sau chiến tranh.
Năm 1919, tư sản gây phong trào “chấn hưng hàng nội hóa, bài trừ hàng ngoại hóa”. Thực chất đây là cuộc xung đột quyền lợi của tư sản Việt Nam với các thế lực tư bản nước ngoài. Năm 1923, tư sản dân tộc lại tổ chức đấu tranh chống độc quyền xuất nhập khẩu cảng Sài Gòn và độc quyền xuất khẩu lúa gạo Nam kỳ của tư bản Pháp.
Về chính trị, một số tư sản và địa chủ lớn ở Nam kỳ (đại biểu là Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long…) đứng ra tổ chức Đảng Lập hiến để tập hợp lực lượng, rồi đưa ra một số khẩu hiệu đòi tự do dân chủ để tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, dùng áp lực quần chúng để đòi Pháp nhiều quyền lợi.
Nhưng khi được thực dân Pháp nhượng bộ cho ít quyền lợi như cho tham gia Hội đồng Quản hạt Nam kỳ thì họ sẵn sàng thỏa hiệp với Pháp. Đến đây thì họ bị phong trào quần chúng vượt qua.
Từ năm 1925, khi phong trào quần chúng lên cao, những người theo Đảng Lập hiến chuyển từ chủ nghĩa quốc gia dân tộc cải lương sang lập trường chính trị phản động, gắn bó chặt chẽ với chủ nghĩa thực dân. Đến đây phong trào tư sản xẹp xuống.
- Tiểu tư sản trí thức đã thể hiện lòng yêu nước của mình bằng nhiều cách. Ngoài việc tham gia vào các phong trào yêu nước, dân chủ công khai lúc bấy giờ, họ đã tập hợp nhau lại trong những tổ chức yêu nước mới, tiến hành đấu tranh có tổ chức.
Nhiều tổ chức chính trị yêu nước của trí thức, nhà văn, nhà giáo, nhà báo, thanh niên, sinh viên, học sinh… đã ra đời, như Tâm Tâm Xã (1923), Việt Nam Nghĩa đoàn (1925), Hội Phục Việt (1925), Đảng Thanh Niên (1926)…
Các tổ chức đã cho ra đời những tờ báo tiến bộ, như Chuông Rè, An Nam, Nước Nam trẻ, Người nhà quê… ở Sài Gòn hoặc Hữn Thanh ở Hà Nội… Họ còn lập ra những nhà xuất bản tiến bộ, nhưng Cường học Thư xã (Sài Gòn), Nam Đồng thư xã (Hà Nội)… Họ dùng sách báo làm phương tiện truyền bá tư tưởng yêu nước, tiến bộ, nêu quan điểm, lập trường chính trị của mình.
Các tổ chức cũng đẩy mạnh các hoạt động yêu nước, như tổ chức những cuộc biểu tình, mít tinh…, những cuộc đấu tranh công khai, hợp pháp và cả đấu tranh bất hợp pháp. Hoạt động có tiếng vang mạnh mẽ nhất lúc bấy giờ là vụ Phạm Hồng Thái mưu sát Toàn quyền Méclanh, vụ đòi thả Phan Bội Châu và vụ để tang Phan Châu Trinh.
Tháng 6-1924, Toàn quyền Đông Dương Méclanh sang Nhật và Trung Quốc để câu kết với chính quyền phản động hai nước này phá hoại cách mạng Việt Nam. Tâm Tâm Xã giao cho Phạm Hồng Thái trừ khử Méclanh trong dịp này. Nhân lúc Méclanh nghỉ tại Sa Diện (Quảng Châu - Trung Quốc), Phạm Hồng Thái cải trang thành phóng viên nhiếp ảnh vào khách sạn ném tạc đạn vào bàn tiệc chiêu đãi Méclanh. Kết quả 4 tên thực dân đi cùng chết tại chỗ, 2 tên bị thương nhưng rất tiếc Méclanh thoát chết. Bị vây đuổi ráo riết, Phạm Hồng Thái nhảy xuống sông Châu Giang tự vẫn.
Cuộc mưu sát không thành, nhưng hành động dũng cảm của Phạm Hồng Thái đã gây tiếng vang lớn ở trong và ngoài nước.
Sau chiến tranh thế giới lần I, Phan Bội Châu tiếp tục hoạt động ở Trung Quốc. Giữa năm 1925, ông bị Pháp bắt ở Thượng Hải và bí mật đưa về Việt Nam giam ở Hỏa Lò (Hà Nội). Mặc dù Pháp bưng bít nhưng một phong trào quần chúng đòi thả Phan Bội Châu bùng lên sôi nổi trong cả nước, lan tận sang Pháp. Cuối cùng, thực dân Pháp phải tha bổng Phan Bội Châu, nhưng chúng giam lỏng ông ở Huế cho đến khi qua đời.
Năm 1925, sau một thời gian bị đưa sang Paris, thực dân Pháp đưa Phan Châu Trinh về lại Việt Nam với mục đích lợi dụng tư tưởng cải lương "Pháp - Việt đề huề" của ông để đánh lạc hướng phong trào cách mạng đang lên. Nhưng chỉ sau một năm, ngày 24-3-1926, Phan Châu Trinh qua đời sau một trận ốm nặng. Cái chết đột ngột của Phan Châu Trinh đã khơi dậy mối cảm tình, thương tiếc sâu sắc của nhân dân trong cả nước. Tại Sài Gòn, đám tang đưa Phan Châu Trinh về nơi an nghỉ cuối cùng đã lôi cuốn đến 14 vạn người đủ mọi tầng lớp xã hội, bất chấp sự ngăn cấm của thực dân Pháp.
Trong những năm 1925 - 1926 còn có phong trào của các lực lượng dân tộc dân chủ đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, đón rước Bùi Quang Chiêu…
2. Phong trào công nhân
Sau chiến tranh Thế giới I, phong trào công nhân cũng có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng. Các hình thức đấu tranh như bỏ việc, phá giao kèo, đánh bọn cai ký, biểu tình tập thể đưa yêu sách, đặc biệt nhất là bãi công - một hình thức đấu tranh đặc trưng của công nhân chống lại chủ tư bản - được áp dụng phổ biến trong giai đoạn này.
Trước hết có thể kể đến là các cuộc đấu tranh của công nhân và thủy thủ Pháp tại Việt Nam (1919), tiếp đó là của công nhân va thủy thủ Trung Quốc tại các cảng lớn như Hồng Kông, Thượng Hải (1921)… đã có ảnh hưởng lớn, góp phần cổ vũ, động viên công nhân Việt Nam hăng hái đấu tranh.
Năm 1920, công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn bí mật lập ra Công Hội Đỏ do Tôn Đức Thắng đứng đầu.
Năm 1922, công nhân viên chức các cơ sở công thương của tư nhân ở Bắc kỳ bãi công đòi nghỉ ngày Chủ nhật có lương. Tháng 11-1922, 600 thợ làm tại các lò nhuộm ở Chợ Lớn đấu tranh phản đối chủ cắt bớt lương. Năm 1924 nổ ra nhiều cuộc bãi công của công nhân các nhà máy dệt, rượu, xay gạo ở Nam Định, Hà Nội, Hải Dương…
Đáng chú ý nhất cuộc bãi công của hơn 1.000 công nhân xưởng máy Ba Son (Sài Gòn) vào tháng 8-1925.
Tháng 8/1925, thực dân Pháp đưa đến xưởng Ba Son chiếc tàu chiến Jules Michelet để sửa chữa và sau đó sẽ chở binh lính đi đàn áp cách mạng Trung Quốc. Trước tình hình đó, Tôn Đức Thắng cùng ban chấp hành Công Hội lãnh đạo công nhân Ba Son đấu tranh bãi công và sau đó tìm cách lãn công nhằm kéo dài thời gian sửa tàu Michelet để làm chậm bước đi của quân Pháp, góp phần giúp đỡ cho phong trào cách mạng Trung Quốc.
Cuộc bãi công thắng lợi của công nhân Ba Son đã phản ánh trình độ tổ chức, ý thức giác ngộ cách mạng và tinh thần quốc tế vô sản của đội ngũ công nhân Sài Gòn nói riêng và cho cách mạng Việt Nam nói chung. Cuộc bãi công Ba Son còn đánh dấu bước tiến mới của phong trào công nhân Việt Nam, mở đầu thời kỳ giai cấp công nhân Việt Nam đi vào đấu tranh tự giác.
III. QUÁ TRÌNH TRUYỀN BÁ CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN VÀO VIỆT NAM
1. Hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc
Nằm trong vòng thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, Việt Nam sau chiến tranh cũng sớm thành một bộ phận của cách mạng thế giới. Chịu ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, cơ bão táp cách mạng thế giới những năm 1918 - 1923 tràn đến nhiều quốc gia châu lục, cả các nước tư bản lẫn các nước thuộc địa, phụ thuộc.
Mặc dù thực dân Pháp ra sức phong tỏa, công kích, bao vậy, ngăn chặn bằng nhiều cách để không cho Cách mạng Việt Nam tiếp xúc và đi theo xu hướng cách mạng mới của thời đại, nhưng ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười và tư tưởng Vô sản vẫn đến với những người yêu nước Việt Nam đang bôn ba tìm đường cứu nước. Từ nước ngoài, ngọn cờ cách mạng dân tộc được phất lên không phải ở Nhật hay Trung Quốc mà ngay ở nước Pháp; không phải từ tay các sỹ phu cấp tiến hay giai cấp tư sản mà là từ bộ phận những người lao động yêu nước, trong đó tiêu biểu là Nguyễn Ái Quốc.
Nguyễn Ái Quốc (1890 - 1969) sinh ra trong một gia đình nhà Nho có nguồn gốc nông dân ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thân phụ của Nguyễn Ái Quốc từng đậu Phó bảng (năm 1901) và ra làm quan trong Bộ Lễ triều đình nhà Nguyễn rồi làm Tri huyện, trước khi ông trở lại làm dân thường (1910). Quá trình đó Nguyễn Ái Quốc đã được học chữ Hán rồi vào trường Quốc học Huế, vừa dạy học vừa tham gia hoạt động yêu nước. Ngày 5/6/1911 người thanh niên 21 tuổi Nguyễn Ái Quốc xuống tàu La Touche Treville đi sang Pháp mở đầu cho quá trình 10 năm bôn ba tìm đường cứu nước theo con đường riêng của mình.
Bằng quá trình lao động, học hỏi, tìm kiếm, khảo sát; bằng thực tế đấu tranh và hoạt động trong phong trào quần chúng ở Paris, năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã tìm gặp chủ nghĩa Mác - Lênin. Tại Đại hội lần thứ 20 của Đảng Xã Hội Pháp ở thành phố Tua (tháng 12/1920), Nguyễn Ái Quốc đã cùng các đồng chí chân chính trong Đảng này bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba - Quốc Tế Cộng Sản. Người tham gia sáng lập Đảng Cộng Sản Pháp và trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam.
Kết quả này kết thúc mười năm tìm đường cứu nước và chuyển biến tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ đó bắt đầu quá trình truyền bá chủ nghĩa yêu nước bậc cao ấy - chủ nghĩa yêu nước cách mạng có nội dung mới của chủ nghĩa Mác - Lênin - vào Việt Nam.
2. Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và sự truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam
Không giống như sự du nhập tư tưởng dân chủ tư sản trước đó và cùng lúc đó, sự du nhập tư tưởng dân chủ vô sản vào Việt Nam lúc kẻ thù của cách mạng đã rất có ý thức đề cao tư tưởng chống cộng trên phạm vi toàn thế giới, còn ở trong nước cái gọi là “tự do dân chủ” đang gây nên những ảo vọng trong khá đông dân chúng, nhất là tầng lớp trí thức. Trong hoàn cảnh ấy, những người yêu nước cũng có những suy nghĩ và hành động thực tế hơn, học đến với tư tưởng mới không phải bằng hình mẫu quá lớn như nước Nhật hùng cường hay Cách mạng Tân Hợi (Trung Quốc), mà bằng thực tế đấu tranh và kiểm nghiệm, trong một quá trình dài khoảng mười năm, dưới tác động của những hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Hoạt động ở Pháp những năm 1921 - 1923, Nguyễn Ái Quốc đã góp phần quan trọng vào việc tập hợp lực lượng những người yêu nước Việt Nam và các thuộc địa nói chung, khơi dậy trong họ lòng yêu nước, chí căm thù, giúp họ phân biệt bạn và thù. Đó cũng là lúc ở trong nước phong trào văn hóa báo chí bùng nổ, các tầng lớp giai cấp đấu tranh mạnh mẽ trên cả lĩnh vực kinh tế chính trị và đạt đến đỉnh cao nhất với sự ra đời và hoạt động của Đảng Lập Hiến.
Một mặt là, sách báo, tài liệu của Nguyễn Ái Quốc bí mật chuyển về trong nước, một mặt là ảnh hưởng của phong trào công nhân quốc tế đến với công nhân, thủy thủ, lính thợ và lính chiến Việt Nam; sự yếu kém của phong trào tư sản dân tộc, cùng sự tự lột mặt nạ của chính sách dân chủ lừa bịp của thực dân Pháp. Tất cả những yếu tố ấy dọn đường cho sự du nhập con đường Cách mạng vô sản vào Việt Nam, bất chấp những bức rào sắt chống cộng của thực dân - đế quốc và phản động bủa vây quanh các thuộc địa.
Hoạt động ở Liên Xô những năm 1923 - 1924, Nguyễn Ái Quốc đã có đóng góp quan trọng nhất vào việc định hình đường lối cách mạng ở Việt Nam. Sự ngưỡng mộ Lênin và đất nước Cách mạng tháng Mười đã thôi thúc Nguyễn Ái Quốc tìm hiểu nhiều vấn đề căn bản của chủ nghĩa Lênin về vấn đề giải phóng dân tộc. Thực tế công cuộc kiến thiết ở Liên bang Xô Viết những năm 1922 - 1924 đang bắt đầu giành những thắng lợi trong chính sách kinh tế mới, để chuẩn bị bước vào xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Lượng thông tin về các thuộc địa sau chiến tranh thật phong phú qua báo chí của nhiều tổ chức đoàn thể quốc tế và Xô Viết xuất bản ở Liên Xô.
Trên những cơ sở ấy, Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên đã trình bày trong các diễn đàn của Quốc Tế Cộng Sản những quan điểm của mình về cách mạng giải phóng dân tộc ở Đông Dương và các thuộc địa nói chung. Nguyễn Ái Quốc trở thành lãnh tụ mới của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ xuất sắc của phong trào giải phóng dân tộc.
Với cương vị Ủy viên phương Đông, trực tiếp phụ trách cục phương Nam của Quốc Tế Cộng Sản, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu có kế hoạch “trở về giúp đồng bào chúng ta” như dự định từ năm 1911 lúc ra đi. Nguyễn Ái Quốc còn tiếp tục tìm hiểu kinh nghiệm của Liên Xô về xây dựng Đảng Cộng Sản và chính quyền Xô Viết, sau đó Nguyễn Ái Quốc rời Matxcơva đi về phương Đông, hướng những hoạt động của mình về gần Tổ quốc.
Tháng 12/1924 Nguyễn Ái Quốc đã đến Trung Quốc trên con đường “trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh học, tổ chức họ, đoàn kết học, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”. Song đó là công việc không chỉ của một người, mà là của cả một thế hệ và phải có tổ chức.
Cuối năm 1924 trong cuộc gặp gỡ những người yêu nước Việt Nam ở Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc chọn một số thanh niên nhiệt tình nhất trong tổ chức Tâm Tâm Xã (như Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Vương Thúc Oánh…) để huấn luyện làm nòng cốt. Đến tháng 6/1925 Nguyễn Ái Quốc lập ra một tổ chức mới là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, gọi tắt là Đảng Thanh Niên.
Hoạt động chủ yếu của Đảng Thanh Niên là mở lớp đào tạo cán bộ, tuyên truyền cách mạng và phát triển tổ chức về trong nước.
Từ năm 1925 đến năm 1927 Đảng Thanh Niên đã đào tạo được khoảng 200 cán bộ đưa về nước hoạt động hoặc gửi đi học ở Luên Xô, Trung Quốc. Đó là những hạt giống đỏ đầu tiên của Cách mạng Việt Nam.
Việc tuyên truyền cách mạng là nhiệm vụ trung tâm của Đảng Thanh Niên. Cơ quan tuyên truyền là tờ báo Thanh Niên, từ tháng 6/1925 đến tháng 4/1927 báo ra được 88 số, sau đó báo ra tiếp tục được 112 số nữa mới chấm dứt, khi đó đã có hàng chục tờ báo cách mạng khác ra đời kế tục sự nghiệp của báo Thanh Niên. Báo Thanh Niên đã góp phần to lớn vào việc truyền bá một tư tưởng mới.
Năm 1927 Hội Liên Hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông cho xuất bản tác phẩm “Đường Cách Mệnh” của Nguyễn Ái Quốc để trang bị cho những người yêu nước những kiến thức cơ bản về Cách mạng vô sản ở Việt Nam, về phương pháp tuyên truyền cách mạng.
Từ năm 1926 những chi hội của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được thành lập ở trong nước và trong Việt kiều ở hải ngoại. Đến năm 1928 - 1929, Đảng Thanh Niên đã có cơ sở ở khắp 3 kỳ với số hội viên lên tới 1.750 người cùng hàng vạn quần chúng cảm tình.
Để làm tăng thêm các thành phần công nhân trong các hội viên và để rèn luyện các hội viên, cuối năm 1928, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên phát động phong trào “Vô sản hóa”. Mở đầu là Bắc Kỳ sau đó lan ra các nơi khác, phong trào vô sản hóa đã kết hợp được quá trình trí thức hóa người vô sản với quá trình vô sản hóa người trí thức cách mạng.
Từ đó phong trào công nhân ở Việt Nam được phát triển nhanh trên con đường tự giác, không những phong trào công nhân đã hoàn toàn trở thành phong trào độc lập và có sức quy tụ phong trào dân tộc, mà từ phong trào ấy, vấn đề cần phải có sự lãnh đạo của một Đảng Cộng Sản đã dần dần trở nên bức thiết.
Trước yêu cầu mới của phong trào trong nước, do kết quả của quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên từ năm 1929 đã đi vào phân biệt và kết thúc nhiệm vụ lịch sử của mình. Sau đại hội của các kỳ bộ Đảng Thanh Niên ở cả 3 kỳ Bắc - Trung - Nam (đầu năm 1929), xu thế các mạng vô sản trong cả nước tiếp tục phát triển mạnh; chủ nghĩa Mác - Lênin bắt đầu chiến ưu thế trong đời sống tư tưởng của dân tộc, mặc dù tư tưởng dân chủ tư sản lúc ấy vẫn không ngừng được tuyên truyền cổ vũ.
Tháng 5/1929 Đại hội lần thứ nhất của Đảng Thanh Niên được triệu tập tại Hương Cảng, thuộc tô giới của Anh ở Trung Quốc, nhằm củng cố và tăng cường Đảng Thanh Niên, đưa đảng đến chỗ đáp ứng được yêu cầu của Cách mạng Việt Nam đang đặt ra. Song đây cũng là đại hội cuối cùng của tổ chức quá độ này, bởi vì trước, trong và sau đại hội, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã không thể có hoạt động tồn tại nào khác ngoài hoạt động lột xác thành những tổ chức cộng sản trên phạm vi toàn thể bản hội.
Chỉ mười năm sau chiến tranh và trong điều kiện chủ nghĩa chống cộng đã bành trướng đến các thuộc địa, hệ tư tưởng Mác - Lênin vẫn đến được với nhân dân Việt Nam bằng cách thức mới của Nguyễn Ái Quốc. Tư tưởng yêu nước và cách mạng mới ấy đã tìm thấy ở Việt Nam một lực lượng xã hội đông đảo là công nhân, nhân dân và phần lớn tiểu tư sản, những người lao động đang đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Ngược lại quần chúng lao khổ và yêu nước ở thuộc địa này cũng tìm thấy ở chủ nghĩa Lênin con đường cứu nước đúng đắn nhất, con đường Cách mạng vô sản.
IV. CUỘC ĐẤU TRANH GIỮA TƯ SẢN VÀ VÔ SẢN - ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI
1. Tân Việt Cách Mạng Đảng và sự thắng thế của con đường Cách mạng vô sản
Các giai cấp mới ở Việt Nam trưởng thành nhanh chóng sau chiến tranh đã tiếp thu những tư tưởng mới và hình thành những con đường cách mạng mới cho dân tộc đang đấu tranh đòi tự do độc lập. Sự truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin đã làm cho đại đa số các tầng lớp giai cấp dần dần hiểu rằng “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường Cách mạng vô sản”. Song lúc ấy con đường Cách mạng tư sản cũng vẫn còn mới mẻ và khá hấp dẫn đối với một số bộ phận yêu nước khác, nhất là trong tầng lớp tiểu tư sản.
Từ năm 1925, cùng lúc với sự thay đổi toàn quyền mới ở Đông Dương và Varennes, nhiều bộ phận tiểu tư sản yêu nước đã cố gắng dấy lên phong trào ái quốc dân chủ công khai, trong khuôn khổ những cải cách tự do lừa bịp của thực dân ở Đông Dương. Mở đầu là phong trào văn hóa báo chí, sau là các phong trào rầm rộ ở các thành thị trong toàn quốc đòi ân xá Phan Bội Châu, truy điệu Phan Chu Trinh, đặc biệt ở Sài Gòn còn có cuộc biểu dương lực lượng nhân dịp đón Bùi Quang Chiêu ở Pháp về và việc Nguyễn An Ninh bị bắt.
Các phong trào này lôi cuốn nhiều thành phần xã hội tham gia, kể cả quần chúng công - nông, trong đó lực lượng xung kích là bộ phận trí thức yêu nước. Còn về phía những người yêu nước, họ đã trưởng thành nhanh chóng trong cuộc đấu tranh công khai đòi dân chủ và hình thành nên những tổ chức chính trị của mình, trong đó đáng chú ý là hai nhóm hạt nhân phôi thai của hai đảng tiểu tư sản: Tân Việt Cách Mạng Đảng và Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đó là hai đảng tiêu biểu cho quá trình đấu tranh giữa tư sản và vô sản ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Tân Việt Cách Mạng Đảng phôi thai từ nhóm Việt Nam Nghĩa Đoàn của sinh viên Cao đẳng Sư phạm Hà Nội lập ra vào năm 1925. Sau khi sát nhập với các nhóm sỹ phu Trung Kỳ vào mùa hè năm 1925, Việt Nam Nghĩa Đoàn đổi tên thành Phục Việt do Tôn Quang Phiệt phụ trách. Quá trình tồn tại và phát triển của Phục Việt từ năm 1925 - 1928 cũng là quá trình tổ chức này chịu ảnh hưởng ngày một sâu sắc của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đang truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin.
Mặc dù nó có ý định xây dựng thành một đảng tiểu tư sản để giương lên ngọn cờ cách mạng quốc gia tư sản ở Việt Nam, song về cơ bản Phục Việt đến Hưng Nam, Việt Nam Cách Mạng Đảng, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đến Tân Việt Cách Mạng Đảng, lịch sử đảng này là quá trình từng bước thắng thế của con đường yêu nước mới theo chủ nghĩa Mác - Lênin.
Bằng việc nhờ Đảng Thanh Niên đào tạo cán bộ, vạch ra chương trình hợp nhất với Đảng Thanh Niên, mô phỏng hoàn toàn theo các tổ chức và hoạt động của Đảng Thanh Niên, thực chất Đảng Tân Việt cũng đã trở thành một tổ chức quá độ như Đảng Thanh Niên. Đảng Tân Việt từ không tự giác đến tự giác góp phần vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và trở thành một trong những tổ chức tiền thân của Đồng Cộng Sản.
Trong quá trình ấy, Đảng Tân Việt đã loại bỏ ra khỏi đội ngũ của mình những bộ phận cánh hữu, dù đó là bộ phận cao cấp trong cơ quan Tổng bộ. Các đảng viên Tân Việt đã gội rửa dần tính chất tiêu cực trong suy nghĩ và hành động của một đảng viên tiểu tư sản của mình. Như thế Đảng Tân Việt cũng đồng thời tách ra khỏi xu hướng tư sản và tiến gần với xu hướng vô sản. Cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng Tân Việt là cuộc đấu tranh giữa hai xu hướng ấy, cuối cùng xu hướng cách mạng quốc gia tư sản đã hoàn toàn thất bại bằng sự tan vở của tổ chức này vào đầu năm 1930, thay thế vào đó là sự ra đời của một tổ chức cộng sản.
Sự chuyển hóa của Đảng Tân Việt thành tổ chức cộng sản khẳng định một thực tế là, chủ nghĩa Mác - Lênin đã bắt đầu chiếm ưu thế trong phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX. Điều này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu khách quan của lịch sử, ai thực sự thiết tha với dân tộc thì cần phải đi theo con đường cách mạng vô sản. Hiện tượng một đảng tiểu tư sản chuyển đại bộ phận thành một đảng cộng sản là điều rất đặc biệt, độc đáo ở xứ thuộc địa, song cũng là tất yếu. Trong quá trình đó, uy tín và công lao của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, định hình con đường Cách mạng vô sản là vô cùng quan trọng.
2. Việt Nam Quốc Dân Đảng và sự thất bại của con đường cách mạng tư sản
Việt Nam Quốc Dân Đảng là tổ chức cách mạng tiêu biểu cho xu hướng quốc gia tư sản. Giống như các đảng phái yêu nước ra đời trong giai đoạn này, Việt Nam Quốc Dân Đảng phôi thai trong phong trào ái quốc dân chủ công khai, hạt nhân là Nam Đồng Thư Xã - một nhà xuất bản tiến bộ xuất bản nhiều sách báo ái quốc và là nơi tập hơp nhiều trí thức, công chức, nhân sỹ yêu nước như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Phạm Tuấn Tài, Trúc Khê, Hồ Văn Mịch… Sau khi quyết định phải quyết tâm đi vào con đường cách mạng, ngày 25/12/1927 những yếu nhân của Nam Đồng Thư Xã, bí mật thành lập một tổ chức là Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Là một đảng tiểu tư sản, Việt Nam Quốc Dân Đảng mau chóng phát triển trong các bộ phận giáo chức, học sinh sinh viên, những người làm nghề tự do, một bộ phận thân hòa thân sỹ ở nông thôn, một số sĩ quan binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp và cả lực lượng khởi nghĩa của Xứ Nhu. Đến đầu năm 1929 ở Bắc Kỳ Việt Nam Quốc Dân Đảng chỉ có kỳ bộ Bắc Kỳ kiêm cơ quan Tổng bộ, cơ quan Tỉnh bộ không tổ chức được, ở Trung Kỳ, Nam Kỳ chỉ có một số chi bộ được thành lập. Đảng cũng có chủ trương thành lập một tổ chức một số hội quần chúng để tranh thủ lực lượng, nhưng đối tượng chủ yếu là binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp.
Việt Nam Quốc Dân Đảng thể hiện rõ tính tiểu tư sản của mình qua việc chọn lựa đường lối chính trị. Điều lệ đảng luôn luôn thay đổi từ cách mạng vô sản sang cách mạng tư sản, cuối cùng tư tưởng của hai cuộc cách mạng tư sản Đông - Tây đã được kết hợp lại thành ngọn cờ cách mạng tư sản Việt Nam. Lần đầu tiên ngọn cờ cách mạng ấy được giương lên ở thuộc địa này bởi những người tiểu tư sản yêu nước. Về phía mình, những người yêu nước trong đảng tiểu tư sản này đã có những nỗ lực lớn nhất để đảm đương sứ mệnh lịch sử của giai cấp tư sản, họ còn trực tiếp tổ chức lãnh đạo thực hiện cuộc cách mạng cho đến lúc nó bộc lộ hết thực lực và khả năng của nó.
Từ đầu năm 1929 Việt Nam Quốc Dân Đảng buộc phải bước vào thời kỳ chuẩn bị trực tiếp cho một cuộc tổng bạo động, mặc dù chưa qua được thời kỳ phôi thai và thời kỳ dự bị, sau hơn một năm để ra chương trình hành động ba bước (phôi thai, dự bị, tổng khởi nghĩa). Cuộc truy nã dồn dập của Pháp sau vụ ám sát tên trùm mộ phu Bazin, cùng những hoạt động tống tiền của Đảng càng làm thực dân Pháp điên cuồng đánh phá Đảng.
Các lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng chọn lối thoát cho đảng là khẩn trương tiến hành chuẩn bị cuộc bạo động. Tại hội nghị Lạc Đạo ngày 17/9/1929, Đảng đã thông qua bản “Tổng công kích kế hoạch” và sau đó tại hội nghị Võng La cuối tháng 9/1929, Đảng còn xúc tiến nhanh đến một cuộc khởi nghĩa vũ trang. Quyết tâm của đảng như lãnh tụ Nguyễn Thái Học có nói: “Không thành công cũng thành nhân”. Như vậy từ bị động đến phiêu lưu, cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng ngay từ đầu đã thiếu nhiều nhân tố căn bản bảo đảm thắng lợi.
Do nội bộ đảng không được thống nhất và do tổ chức lỏng lẻo, Việt Nam Quốc Dân Đảng dễ bị Pháp đưa người của chúng vào phá hoại Đảng. Những mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa các phe phái trong đảng cũng góp phần làm cho Đảng ngày một suy yếu đi. Tất cả những điều đó làm cho Việt Nam Quốc Dân Đảng đứng trước nguy cơ tan vỡ.
Tuy thế đại đa số đảng viên và cảm tình của Đảng rất nóng lòng hành động. Mặc dù kế hoạch sớ bị bại lộ, thực dân Pháp đã đề phòng, nhật kỳ khởi nghĩa thay đổi liên tục, nhưng cuối cùng cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra ở một số nơi. Tại Yên Bái, nơi cuộc khởi nghĩa nổ ra mạnh nhất, đêm mồng 9 rạng ngày 10/2/1930, binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp nổi dậy chiếm đồn và làm chủ một số khu vực trong thị xã Yên Bái. Liền đó những người lãnh đạo khởi nghĩa hô hào quần chúng nổi dậy.
Tại Phú Thọ nghĩa quân đánh chiếm đồn Hưng Hóa và phủ Lâm Thao. Tại Hải Dương quân khởi nghĩa đánh chiếm huyện lỵ Vĩnh Bảo. Tại Hà Nội nhiều vụ ném bom vào sở Mật thám, sở Sen đầm, bót Cảnh sát… Song từ những nơi còn chiếm đóng, địch đã phản công. Chúng tức khắc huy động lực lượng quân sự lớn và nhanh chóng đàn áp, bắt bớ, dập tắt ngọn lửa khởi nghĩa vừa nhóm lên. Hàng loạt lãnh tụ và quân khởi nghĩa bị bắt, giết, giam cầm. Nhiều đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng bị đưa lên đoạn đầu đài, nhưng họ vẫn giữ vững khí tiết của người yêu nước.
Khởi nghĩa Yên Bái là nỗ lực cao nhất của Việt Nam Quốc Dân Đảng và cũng là bước phấn đấu tích cực nhất của giai cấp tiểu tư sản Việt Nam trên con đường dân tộc cách mạng theo đường lối quốc gia tư sản.
Thất bại của khởi nghĩa Yên Bái kéo theo sự tan rã và thất bại hoàn toàn của chính đảng tổ chức ra nó, báo hiệu sự thất bại hoàn toàn của ngọn cờ cách mạng tư sản kiểu cũ ở Việt Nam. Ngọn cờ dân tộc phản đế phản phong từ đây chuyển hẳn về tay giai cấp tư sản và quần chúng công nông, lúc mà Bộ tham mưu giai cấp của họ - Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chín muồi cho sự ra đời.
3. Sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam
Chịu ảnh hưởng của tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin do Nguyễn Ái Quốc và Việt Nam Thanh niên Cách Mạng Đồng Chí Hội truyền bá, bằng thực tế của phong trào vô sản hóa, những người tiên tiến nhất của Đảng Thanh Niên đã thấy rõ nhu cầu bức thiết phải cải tổ và lập ra một chính đảng vô sản ở Việt Nam. Song những nhận thức ấy diễn ra không đều trong đội ngũ của họ, nên việc kết thúc vai trò lịch sử của Đảng Thanh Niên phải kéo dài, đồng thời với quá trình hình thành những tổ chức cộng sản trên phạm vi toàn quốc.
Tháng 3/1929 chi bộ cộng sản đầu tiên ra đời ở Hà Nội. Sau đó ngày 17/6/1929 Đông Dương Cộng Sản Đảng được thành lập ở Bắc Kỳ. Tháng 10/1929 An Nam Cộng Sản Đảng ra đời ở Nam Kỳ. Đầu tháng 1/1930 những người còn lại của Tân Việt Cách Mạng Đảng. Lực lượng đông nhất là ở Trung Kỳ cũng ra tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn. Ba tổ chức cộng sản xuất hiện trong vòng hơn nửa năm ở cả 3 kỳ có nhiều cố gắng hoạt động và gây ảnh hưởng trong phong trào công - nông trên toàn quốc. Trong quá trình đó mỗi Đảng đều tự nhận mình là chính Đảng của giai cấp công nhân, phê phán các đảng phái khác, ra sức tranh giành quần chúng… Hoạt động công kích lẫn nhau giữa các tổ chức cộng sản đã làm ảnh hưởng đến tính thống nhất về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho phong trào dân tộc.
Trước tình hình ấy, ngày 27/10/1929 Quốc Tế Cộng Sản đã gửi thư cho những người cộng sản Đông Dương, yêu cầu phải thống nhất các tổ chức cộng sản lại thành một Đảng Cộng Sản duy nhất. Để thực hiện chủ trương ấy, Quốc Tế Cộng Sản ủy nhiệm Nguyễn Ái Quốc đứng ra giải quyết sự bất đồng giữa các tổ chức cộng sản Đông Dương để thống nhất chúng lại.
Ngày 3/2/1930 vào dịp tết Canh Ngọ, hội nghị các tổ chức Cộng Sản Đông Dương đã được triệu tập ở Hương Cảng. Bằng tư cách và uy tín của mình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phân tích ưu khuyết điểm của phong trào cộng sản Đông Dương, giải quyết những bất đồng của những người cộng sản trong cùng một quốc gia dân tộc.
Do đã có những yếu tố căn bản được thống nhất nên các tổ chức cộng sản đã nhanh chóng nhất trí với các ý kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Kết quả là các tổ chức cộng sản đã thống nhất hợp nhất thành một đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng Sản Việt Nam. Hội nghị hợp nhất còn thông qua chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt, điều lệ vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng ra lời kêu gọi nhân dịp Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời.
Sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam là một bước ngoặt lịch sử vô cùng quan trọng. Cách mạng Việt Nam từ đây có đường lối chính trị đúng đắn để phát triển đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Giai cấp công nhân Việt Nam sau vài thập kỷ ra đời và phát triển, chủ yếu là 10 năm sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đã đủ sức lãnh đạo Cách mạng Việt Nam. Phong trào dân tộc chấm dứt tình trạng khủng hoảng lãnh đạo và bước vào thời kỳ đấu tranh mới đầy sôi động, tiến lên giành những thắng lợi mới.
*
* *
Mặc dù ngay từ đầu thế kỷ XX xã hội Việt Nam đã có nhiều chuyển biến lớn lao, nhưng phải sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Việt Nam mới thực sự có đủ những điều kiện mới để phát triển. Trong hoàn cảnh thế giới sau Cách mạng tháng Mười Nga 1917, khi thực dân Pháp triển khai cuộc khai thác thuộc địa trên quy mô lớn nhất, những nhân tố thuận lợi cho phong trào dân tộc đã xuất hiện và nhanh chóng phát triển trưởng thành ngoài ý muốn của những kẻ đang áp bức dân tộc. Chính trong quá trình đó lại diễn ra một quá trình cùng du nhập vào Việt Nam hai hệ tư tưởng mới nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lịch sử của dân tộc đang đặt ra. Cuộc đấu tranh giữa hai luồng tư tưởng cùng song song tồn tại được tập trung vào việc giải quyết một vấn đề bức thiết là quyền lãnh đạo Cách mạng Việt Nam - một cuộc cách mạng phải bắt đầu việc giải phóng dân tộc, giành độc lập cho dân tộc, tự do dân chủ cho nhân dân.
Sự ngã ngũ của cuộc đấu tranh giữa hai con đường cách mạng đã kết thúc bằng sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Đó cũng là kết quả tất yếu, hợp quy luật của quá trình phát triển của lịch sử dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

No comments:

About Me

Hochiminh-City, Mien Nam, Vietnam
Tiến sĩ Sử học, giảng viên Truong Dai hoc Khoa hoc xa hoi va nhan van - Đại học Quốc gia TP.HCM