Total Pageviews

Popular Posts

Search This Blog

Followers

Pages

Saturday, March 24, 2007

ON TAP THI DAI HOC MON SU - PHAN 3 (1945-1954)


VIỆT NAM SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945 - 1954)

BÀI I: XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ CỘNG HÒA TỪ SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (1945 - 1946)

1. Những thuận lợi và khó khăn sau Cách mạng tháng Tám

- Sau Cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa cùng lúc phải đối phó với muôn vàn khó khăn phức tạp (đồng ruộng hoang hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bị đình đốn, tài chính trống rỗng, cả nước có hơn 90% dân số mù chữ).
- Thù trong giặc ngoài lại đang có mặt khắp nơi trên đất nước. Ở phía Bắc, 20 vạn quân Tưởng tràn sang với danh nghĩa quân đồng minh vào giải giáp phát xít Nhật, nhưng chúng nuôi dã tâm lật đổ chính phủ Hồ Chí Minh. Ở phía Nam, quân Anh cũng bộc lộ ý đồ giúp Pháp lập lại chế độ thuộc địa trên bán đảo Đông Dương.
- Thù trong giặc ngoài đều có chung mục tiêu là bóp chết chính quyền cách mạng còn non trẻ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
- Vận mệnh của dân tộc đang đứng trước thử thách nghiêm trọng như “ngàn cân treo sợi tóc”.
- Ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị thực hiện 6 biện pháp cấp bách như: phát động phong trào tăng gia sản xuất, mở phong trào chống nạn mù chữ, tổ chức ngay cuộc Tổng tuyển cử tự do dân chủ, mở phong trào giáo dục cần kiệm liêm chính…
- Việc chống giặc đói và giặc dốt, phục hồi nền kinh tế đất nước đã thu được những kết qủa ban đầu khả quan: đồng tiền Việt Nam (tiền Cụ Hồ) được phát hành, phong trào “Bình dân học vụ” được phát động, cuộc vận động xây dựng nếp sống mới, đời sống văn hóa mới đã dấy lên ở cả thành thị và nông thôn…
- Ngày 6/1/1946 cuộc Tổng tuyển cử tự do đầu tiên trong lịch sử dân tộc được tiến hành trên phạm vi cả nước, Hồ Chủ tịch trúng cử ở Hà Nội với số phiếu bầu cao nhất (98,4%).
- Ngày 2/3/1946 Quốc hội khóa I họp phiên đầu tiên. Quốc hội đã giao cho Cụ Hồ Chí Minh lập chính phủ mới.
- Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được thông qua tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I (từ ngày 28/10 đến 8/11/1946).
- Trong năm 1946, nhiều hoạt động chính trị xã hội được tiến hành để tăng cường thực lực cách mạng. Các Hội Cứu quốc, thành viên của Mặt trận Việt Minh được phát triển nhanh chóng.
- Như vậy, chỉ trong vòng một năm sau cách mạng tháng Tám thành công, các tổ chức đảng phái yêu nước, các đoàn thể quần chúng nhân dân đã được tập hợp thống nhất dưới ngọn cờ cách mạng của Đảng Cộng sản và Chính phủ Hồ Chí Minh.

2. Vừa chống thù trong giặc ngoài, vừa chuẩn bị cho cuộc chiến tranh với Pháp
- Để chống thù trong giặc ngoài, hàng loạt các đối sách vừa linh hoạt, mềm dẻo, vừa cương quyết, cứng rắn, đã được chính phủ áp dụng từ.
- Đối với quân Nhật, trước khi chúng ra khỏi Đông Dương, ta nhanh chóng giành lấy chính quyền từ tay chúng.
- Đối với quân Anh, lúc đầu ta đón tiếp thân thiện, nhưng khi họ giúp Pháp đánh chiếm Nam bộ thì ta cực lực phản đối và có hành động kiên quyết.
- Đối với quân Tưởng ta vừa thực hiện nhân nhượng có nguyên tắc với chúng, vừa có hành động kiên quyết với bọn tay sai của chúng.
- Đối với bọn tay sai thân đế quốc, ta vừa tranh thủ phân hóa cô lập chúng, vừa có những hành động kiên quyết, vạch mặt chúng, trấn áp chúng.
- Ngày 23/9/1945, trước hành động xâm lược của thực dân Pháp ở Nam bộ, Xứ ủy Nam bộ đã phát động cuộc kháng chiến.
- Dựa vào sự ủng hộ của nhân dân, bằng nhạy bén chính trị và tài mưu lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chọn việc tạm hòa hoãn với Pháp, nhằm tranh thủ hòa bình để chuẩn bị thêm cho một cuộc chiến tranh khó tránh khỏi.
- Ngày 6/3/1946 bản Hiệp định Sơ bộ giữa Việt Nam và Pháp được ký kết.
- Hiệp định có nội dung chủ yếu là: Việt Nam đồng ý cho 15.000 quân Pháp ra Bắc thay quân Tưởng, Pháp phải ngưng chiến ở miền Nam.
- Từ ngày 17/6 đến 14/9/1946 đàm phán chính thức Việt - Pháp được tiến hành ở Fontainebleau.
- Ngày 16/4/1946 phái đoàn Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm Quốc hội Pháp.
- Ngày 31/5/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách Thượng khách của nước Pháp sang thăm Pháp.
- Những hoạt động ngoại giao của phái đoàn Quốc hội Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp cùng với việc ký bản Tạm ước Pháp - Việt 14/9/1946, có ý nghĩa to lớn về chính trị. Nó góp phần cho dư luận thấy rõ thiện chí hòa bình của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
- Nhưng với âm mưu kiên quyết đánh chiếm Việt Nam, thực dân Pháp tìm mọi cách trì hoãn cuộc đàm phán, phá hoại mọi điều đã ký kết.
- Ngày 20/11/1946 quân Pháp đánh Hải Phòng và Lạng Sơn.
- Ngày 17/12/1946 quân Pháp tàn sát đồng bào ta ở Hà Nội.
- Ngày 18 và sáng 19/12/1946 Pháp đưa ra ba tối hậu thư đòi ta phải đầu hàng… Thực dân Pháp kiên quyết chọn con đường chiến tranh với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hòng lập lại chế độ thuộc địa.
- Rõ ràng là Pháp đã đẩy ta vào tình huống phải đối phó với cuộc chiến tranh. Trước tình hình đó, nhân dân Việt Nam phải chủ động chấp nhận cuộc chiến.
- Như vậy, 16 tháng sau Cách mạng tháng Tám, chiến tranh vẫn không tránh khỏi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ thực chất của tình trạng ấy “chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”. Đó cũng chính là lý do để nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
- Như vậy, từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1946, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vượt qua muôn vàn thử thách để bảo vệ được chính quyền cách mạng, xây dựng thực lực của dân tộc về mọi mặt.

BÀI II: CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1946 - 1953)

1. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ
- Ngay khi vừa giành được độc lập ta đã nhận rõ âm mưu chiến tranh của thực dân Pháp, vì thế việc chuẩn bị cho cuộâc kháng chiến bảo vệ thành qủa cách mạng tháng Tám đã được tiến hành song song với việc củng cố xây dựng chính quyền mới.
- Ở Nam bộ: Ủy ban hành chính Nam bộ chuyển thành Ủy ban kháng chiến Nam bộ. Các căn cứ địa hình thành ở Đông Nam bộ, Đồng Tháp Mười, U Minh được xây dựng.
- Tại Bắc bộ ta tranh thủ xây dựng lực lượng cho Bắc bộ và cho cả nước. Ủy ban kháng chiến toàn quốc được thành lập. Đồng thời ở Bắc bộ ta lần lượt trừng trị bọn phản động. Ngày 12/7/1946 ta khám phá và đập tan âm mưu đảo chính của Quốc dân Đảng.
- Tháng 12/1946, Pháp đã đẩy ta vào tình huống phải đối phó với những hành động khiêu khích gây hấn của chúng và hạ tối hậu thư đòi ta đầu hàng.
- Lúc 20 giờ ngày 19/12/1946 lệnh toàn quốc kháng chiến đã phát đi.
- Ở Hà Nội loa phát thanh vang lên lời kêu gọi “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
- Cuộc chiến đấu 60 ngày đêm từ 19/12/1946 đến 17/2/1947 ở Thủ đô Hà Nội diễn ra thật hào hùng, quân dân Hà Nội dũng cảm ngoan cường chiến đấu đã tiêu diệt nhiều quân xâm lược.
- Cuộc chiến đấu còn diễn ra tại nhiều thành phố khác, nhằm tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch, làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của chúng.

2. Chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947
- Pháp cho rằng cơ quan đầu não kháng chiến là ở Việt Bắc, cần phải tiêu diệt cơ quan đầu não ấy để kết thúc chiến tranh.
- Ngày 7/10/1947, Pháp cho 12.000 quân chia làm 3 hướng tấn công lên Việt Bắc.
- Nhưng bộ đội Việt Minh đã chuẩn bị sẵn tình huống này và đón đánh quân đội Pháp ngay từ đầu cuộc tấn công.
- Sau 75 ngày đêm chống càn (từ 7/10 đến 21/12/1947), quân dân Việt Bắc đã đánh bại cuộc phản công đầu tiên của Pháp trên cả 3 mặt trận, bẻ gãy các gọng kìm của địch ở Việt Bắc, buộc chúng phải từ bỏ chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh.
- Căn cứ địa Việt Bắc được giữ vững, các cơ quan lãnh đạo kháng chiến của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được bảo toàn, quân dân cả nước vô cùng phấn khởi tin tưởng vào chính phủ Hồ Chí Minh.

3. Tiếp tục giành nhiều thắng lợi trên mặt trận quân sự (1948 - 1953)
- Bước vào thu-đông năm 1950, ta quyết định mở chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, khai thông biên giới, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc.
- Kế họach của tướng Võ Nguyên Giáp với “Phương án đánh Đông Khê” đã được triển khai nhanh chóng.
- Ngày 16/9/1950 mặt trận Đông Khê nổ súng, mở màn cho chiến dịch Biên giới.
- Ngày 14/10/1950, sau 29 ngày đêm chiến dịch, bộ đội Việt Minh mừng chiến dịch đại thắng.
- Quân Pháp chịu một tổn thất lớn nhất từ trước tới nay, có 10 tiểu đoàn bị nướng trụi vào chiến trường biên giới, chiến lược phòng thủ Đông Dương bị đảo lộn.
- Bộ đội Việt Minh giải phóng hàng ngàn cây số vuông đất đai, khai thông 7.500 km biên giới.
- Chiến thắng biên giới cắm cột mốc mới trên con đường trưởng thành của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, nó cũng đánh dấu thời kỳ mới của kháng chiến trường kỳ, khi quyền chủ động chiến trường đã chuyển hẳn về phía lực lượng kháng chiến.
- Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam cho đến Đông Xuân 1953-1954 có thể bước sang thời kỳ giành thắng lợi quyết định, mở đầu bằng việc tiếp tục mở các chiến dịch tiến công quân sự, làm tiêu hao thêm nhiều sinh lực địch, tiến tới đánh bại chúng hoàn toàn về quân sự.

BÀI III: CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ 1954

- Diễn biến
- Để thu hút bộ đội Việt Minh lên Điện Biên Phủ hòng giáng một đòn chiến lược, cả Pháp và Mỹ đều chuyển trọng tâm kế họach Navarre sang xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đòan cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.
- Pháp tập trung ở Điện Biên Phủ với nhiều đơn vị mạnh, có đầy đủ vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại. Cả Pháp và Mỹ đều coi đây là pháo đài không thể công phá, là nơi sẵn sàng nghiền nát bộ đội Việt Minh và chúng đã thách thức bộ đội Việt Minh tấn công.
- Từ đầu tháng 12/1953 bộ đội Việt Minh vừa phá kế hoạch tập trung quân, vừa chuẩn bị cho việc chấp nhận giao chiến với quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ.
- Pháp và Mỹ yên trí rằng nếu chấp nhận giao chiến tại Điện Biên Phủ thì bội đội Cụ Hồ sẽ gặp phải rất nhiều bất lợi và khó khăn.
- Tướng Võ Nguyên Giáp càng bình tĩnh chọn lựa phương án đánh, kiên trì và quyết tâm chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc”.
- Đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, pháo binh của bộ đội Việt Minh nã vào căn cứ đồi A1 mở màn cho chiến dịch tấn công Điện Biên Phủ. Bộ đội Việt Minh tổ chức thực hiện 3 đợt tấn công:
- Đợt một từ 13/3 đến 17/3/1954, mở cửa tập đoàn cứ điểm.
- Đợt hai từ ngày 30/3/đến 26/4/1954, tấn công vây lấn, băm nát tập đoàn cứ điểm, giằng co quyết liệt, Pháp ở Điện Biên Phủ hoàn toàn tuyệt vọng.
- Đợt ba từ 1/5 đến 7/5/1954, tổng công kích tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm địch. Điện Biên Phủ thất thủ.
- Sau 56 ngày đêm, toàn bộ tập đoàn Điện Biên Phủ bị công phá. De Castries vừa được thăng chức tướng vài ngày, thì phải dẫn đầu đoàn quân sống sót ra đầu hàng các chiến sỹ Việt Minh ở Điện Biên.
- Ý nghĩa:
- Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đi vào lịch sử dân tộc thật oai hùng. Nó “đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.
- Cuộc “kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ” đã kết thúc với việc đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược kiểu cũ của thực dân Pháp có Mỹ can thiệp.
- Thắng lợi của kháng chiến chống Pháp đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta những kinh nghiệm thực tế sinh động của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, kinh nghiệm của chiến tranh nhân dân chống chiến tranh xâm lược.

BÀI IV: HIỆP ĐỊNH GENÈVE 1954

- Từ đầu năm 1954 Hội nghị của các nước lớn bàn về lập lại hòa bình, chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên và Đông Dương đã triệu tập ở Genève (Thụy Sỹ). Sau khi giải quyết xong vấn đề Triều Tiên, cuối tháng 4/1954 Hội nghị bắt đầu bàn về vấn đề Đông Dương. Nhưng chỉ sau khi thất thủ ở Điện Biên Phủ, Pháp - Mỹ mới sốt sắng họp bàn ở Hội nghị.
- Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu, đến tham dự Hội nghị trong tư thế của người vừa chiến thắng quân Pháp ở Điện Biên Phủ.
- Xuất phát từ nguyện vọng hòa bình của dân tộc, nắm bắt theo xu thế hòa bình của thế giới và khu vực, phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Genève đã bày tỏ thiện chí chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương, giải quyết vấn đề Đông Dương một cách triệt để cả về quân sự lẫn chính trị, trên cơ sở các nước tôn trọng chủ quyền thống nhất, độc lập, tòn vẹn lãnh thổ cả ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
- Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp, ngày 20/7/1954 các Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia lần lượt được ký kết.
- “Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam” có nội dung chủ yếu là: lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời, việc chuyển quân tâp kết lực lượng của cả hai bên chiến tranh được tiến hành, việc thống nhất đất nước ở Việt Nam sẽ được thực hiện bằng một cuộc trưng cầu dân ý, sau hai năm thi hành hiệp định và bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do trong cả nước…
- Hiệp định Genève ngày 20/7/1954 cùng với thắng lợi của Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến địch Điện Biên Phủ. Đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân Việt Nam chống xâm lược.

Ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp:
- Trong 9 năm kháng chiến, quân dân Việt Nam đã lần lượt đánh bại 5 kế hoạch chiến lược chiến tranh của Pháp, đã mở 10 chiến dịch lớn có ý nghĩa như những đòn chiến lược giáng vào đạo quân viễn chinh của Pháp sau đại chiến thế giới lần thứ II, thời kỳ mà công cuộc thực dân của người Pháp có vai trò và ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nhiều quốc gia dân tộc.
- Với thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chẳng những thành qủa của Cách mạng tháng Tám được bảo vệ vững chắc, mà còn phát triển thêm thành qủa vĩ đại ấy. Đó là việc các nước phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, miền Bắc Việt Nam hoàn toàn giải phóng, nền kinh tế - xã hội của chế độ mới được thử thách trong chiến tranh đã có thêm nhiều sức mạnh và kinh nghiệm để củng cố phát triển, sự nghiệp cách mạng của cả nước có thêm nhiều yếu tố mới, cơ sở mới rất căn bản để tiến đến giành những thắng lợi to lớn và toàn vẹn.
- Thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp góp phần quyết định vào việc làm sụp đổ hoàn toàn chế độ thực dân kiểu cũ trên bán đảo Đông Dương, mở đường cho việc làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa đấ quốc trên phạm vi toàn thế giới. Thắng lợi của kháng chiến chống Pháp đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta những kinh nghiệm thực tế sinh động của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, kinh nghiệm của chiến tranh nhân dân chống chiến tranh xâm lược.

No comments:

About Me

Hochiminh-City, Mien Nam, Vietnam
Tiến sĩ Sử học, giảng viên Truong Dai hoc Khoa hoc xa hoi va nhan van - Đại học Quốc gia TP.HCM