Total Pageviews

Popular Posts

Search This Blog

Followers

Pages

Saturday, August 4, 2007

LICH SU VIET NAM (1945 - 1954)

VIỆT NAM TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945 - 1954)

I. TÌNH HÌNH VIỆT NAM SAU CHIẾN TRANH THẾ GIỚI LẦN II
1. Những thuận lợi và khó khăn của nền kinh tế - xã hội và quá trình củng cố xây dựng chính quyền mới sau Cách Mạng Tháng Tám
Sau Cách Mạng Tháng Tám, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cùng lúc phải đối phó với muôn vàn khó khăn phức tạp. Nền kinh tế đất nước sau gần một thế kỷ bị chủ nghĩa thực dân kìm hãm và phải phục vụ chiến tranh đế quốc, đã trở nên xơ xác tiêu điều. Đồng ruộng hoang hóa, thiên tai liên miên làm cho nông nghiệp mất mùa liên tục. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bị đình đốn, hàng hóa khan hiếm, giao thông ách tắc, tài chính trống rỗng… Nạn thất nghiệp gia tăng ở cả thành thị và nông thôn, đặc biệt là nạn đói ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tiếp tục đe dọa hàng triệu người. Đất nước có hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội lan tràn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vô cùng thấp kém. Cái đói và cái dốt tích tụ từ bao năm đang kìm hãm cả dân tộc vừa giành được chính quyền về tay nhân dân. Nền Dân Chủ Cộng Hòa Việt Nam đang rất cần điều kiện hòa bình để củng cố xây dựng.
Đã vậy thù trong giặc ngoài lại đang có mặt khắp nơi trên đất nước. Lực lượng Đồng minh gồm hàng chục vạn quân kéo vào Việt Nam ngay khi cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân ta vừa giành được thắng lợi. Ở phái Bắc, được Mỹ cho phép, 20 vạn quân Tưởng tràn sang với danh nghĩa quân Đồng minh vào giải giáp phát xít Nhật, nhưng chúng lại nuôi dã tâm tiêu diệt Đảng Cộng Sản Đông Dương, phá tan Việt Minh và lật đổ chính phủ Hồ Chí Minh. Ở phía Nam quân Anh cũng sớm bộc lộ ý đồ giúp Pháp lập lại chế độ thuộc địa trên bán đảo Đông Dương. Quân Nhật trước khi buộc phải rời khỏi Đông Dương cũng ra sức phục thù cách mạng Việt Nam. Quân Pháp tranh thủ tăng cường lực lượng và đánh chiếm mở rộng địa bàn xâm lược trước khi quân Đồng minh rút khỏi Đông Dương. Lợi dụng vòng vây đế quốc đang rình rập cách mạng, bọn phản động trong nước nổi lên hoặc từ bên ngoài kéo về hoạt động gây rối, phá hoại, nhất là bọn phản dân hại nước trong tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách Mạng Đảng (Việt Cách) thù trong giặc ngoài đã cùng xuất hiện với nhiều bộ mặt và nhiều mưu mô thủ đọan khác nhau, nhưng nếu có chung một mục tiêu là bóp chết Chính quyền cách mạng còn non trẻ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thủ tiêu cuộc Cách mạng giải phóng do Đảng Cộng Sản Đông Dương đang tổ chức lãnh đạo.
Những khó khăn phức tạp về kinh tế xã hội cùng với nạn thù trong giặc ngoài ập đến, gây áp lực lớn đối với nền dân chủ cộng hòa còn trứng nước. Vận mệnh của dân tộc đang đứng trước thử thách nghiêm trọng khác nào “ngàn cân treo sợi tóc”. Sự lựa chọn chỉ có thể là hoặc tiếp tục con đường cách mạng hoặc đầu hàng. Tuy lúc ấy không ai chọn con đường thứ hai, nhưng phải tiếp tục con đường cách mạng như thế nào để đưa con thuyền Cách mạng Việt Nam ra khỏi thác ghềnh?
Ngày 3/9/1945, ngay sau khi mừng độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị thực hiện 6 biện pháp cấp bách: phát động phong trào tăng gia sản xuất và mở lạc quyên cứu đói, mở phong trào chống nạn mù chữ, tổ chức ngay cuộc tổng tuyển cử tự do dân chủ, mở phong trào giáo dục cần kiệm liêm chính, bài trừ hủ bại, bỏ ngay 3 thứ thuế vô nhân đạo (thuế thân, thuế chợ, thuế đò) và cấm hút thuốc phiện, tuyên bố tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết. Đây vừa là đòn tấn công đầu tiên của chính quyền mới, vừa là chính sách kinh tế xã hội đầu tiên của chế độ Dân Chủ Cộng Hòa Việt Nam.
Lòng tin của chính quyền cách mạng đối với nhân dân đã khơi dậy tình nhân ái, lòng ái quốc của hàng triệu đồng bào. Từ đó hàng loạt sắc lệnh của chính phủ, chủ trương của Đảng và Mặt Trận Việt Minh được nhanh chóng thi hành, biến thành hành động cách mạng thiết thực. Việc chống giặc đói và giặc dốt phục hồi nền kinh tế đất nước đã thu được những kết quả ban đầu khả quan: các cuộc “Lạc quyên cứu đói”. “Tuần lễ vàng” được tổ chức khắp nơi; toàn dân tăng gia sản xuất và Chính quyền cách mạng cách địa phương đã chia lại ruộng công, tạm gai tạm cấp ruộng hoang hóa và ruộng vắng chủ cho người thiếu ruộng; chế độ ngày làm 8 giờ được áp dụng, quan hệ chủ thợ được quy định lại; đồng tiền Việt Nam (tiền cụ Hồ) được phát hành, quỹ đảm phụ Quốc phòng được thành lập; phong trào “Bình dân học vụ” được phát động đã lôi cuốn hàng triệu người hiếu học muốn thoát nạn mù chữ; mùa khai trường đầu tiên của tuổi trẻ nước Việt Nam mới được tổ chức ngay sau ngày mừng độc lập; tiếng Việt được quy định sử dụng làm ngôn ngữ chính thức trong giảng dạy, học tập và trong các hoạt động chính trị xã hội; cuộc vận động xây dựng nếp sống mới đời sống văn hóa mới đã dấy lên ở cả thành thị và nông thôn… Bao công việc thật bề bộn nhưng mọi người đã hăm hở thực hiện, với ý thức làm chủ vận mệnh của mình trên một đất nước đã có tự do độc lập.
Việc xây dựng một nhà nước pháp quyền cũng được tổ chức khá sớm. Ngày 6/1/1946 cuộc Tổng tuyển cử tự do đầu tiên trong lịch sử dân tộc được tiến hành trên phạm vi cả nước. Nhiều nơi có 100% cử tri đi bầu: Hồ Chủ tịch trúng cử ở Hà Nội với số phiếu bầu cao nhất (98,4%); ở cả Nam Bộ có 42 cán bộ hy sinh cho thắng lợi của cuộc bầu cử. Ngày 2/3/1946 Quốc hội khóa I họp phiên đầu tiên. Quốc hội đã giao cho Cụ Hồ Chí Minh lập chính phủ mới. Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã được thông qua tại kỳ họp thứ II Quốc hội khóa 1 (từ ngày 28 /10 đến 8/11/1946). Ở các địa phương, cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp cũng được tổ chức. Từ đây một hệ thống chính quyền hợp hiến, hợp pháp được kiện toàn từ trung ương đến địa phương. Giữa hai kỳ họp Quốc hội khóa 1, ở Việt Nam có tồn tại một chính phủ Liên hiệp; những sự liên hiệp ấy thiếu nhiều cơ sở chính trị và xã hội để tồn tại… Đến đầu tháng 11/1946, Chính phủ Liên hiệp hoàn toàn tan vỡ. Một nhà nước của dân, do dân và vì dân trở lại trong sạch với uy tín ngày một cao, toàn tâm, toàn ý cho dân tộc.
Trong năm 1946 nhiều hoạt động chính trị xã hội được tiến hành để tăng cường thực lực cách mạng. Các Hội Cứu Quốc, thành viên của Mặt Trận Việt Minh được phát triển nhanh chóng, tháng 5/1946 Mặt Trận Liên Việt được thành lập. Tháng 7/1946 Đảng Xã Hội Việt Nam ra đời. Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam và sau đó Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam ra đời. Tháng 11/1946 Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được triệu tập… Chỉ trong vòng 1 năm sau Cách Mạng Tháng Tám thành công, các tổ chức đảng phái yêu nước, các đoàn thể quần chúng nhân dân đã được tập hợp thống nhất dưới ngọn cờ cách mạng của Đảng Cộng Sản và Chính phủ Hồ Chí Minh, tất cả đều hướng đến một mục tiêu chung: xây dựng nền hòa bình dân chủ Việt Nam, kiến thiết độc lập tự do cho dân tộc.
2. Vừa chống thù trong giặc ngoài, vừa chuẩn bị cho cuộc chiến tranh không tránh khỏi
Chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc, đất nước có nhiều loại kẻ thù như lúc này và cũng chưa bao giờ ta phải tung ra cùng lúc nhiều “ngón nghề trí tuệ” như thế để chống thù trong giặc ngoài.
Hàng loạt các đối sách vừa linh hoạt mềm dẻo vừa cương quyết cứng rắn đã được ứng dụng từ tháng 8/1945 đến cuối năm 1946. Đối với quân Nhật, trước khi chúng bị giải giáp ra khỏi Đông Dương, ta nhanh chóng giành lấy chính quyền từ tay chúng; sau đó tuỳ theo thái độ của chúng để hoặc là tạo thuận lợi cho chúng về nước hoặc dùng hành động cưỡng chế với chúng.
Đối với quân Đồng minh Anh lúc đầu ta đón tiếp thân thiện, nhưng khi họ giúp Pháp đánh chiếm Nam Bộ thì ta cật lực phản đối và có hành động kiên quyết.
Đối với quân Tưởng có rất nhiều tham vọng chính trị thâm độc, ta vừa thực hiện nhân nhượng có nguyên tắc đối với chúng, vừa có hành động kiên quyết với bọn tay sai của chúng. Khi Tưởng và Pháp giàn xếp với nhau để đưa quan Pháp ra Bắc, ta lại tập trung vào việc đuổi nhanh quân Tưởng về nước.
Đối với quân Pháp đang có dã tâm lập lại chế độ thuộc địa, ta đánh phủ đầu chúng ở Nam Bộ, sau đó hòa hoãn với chúng để tranh thủ thời gian chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi. Đối với bọn tay sai thân đế quốc, ta vừa tranh thủ phân hóa, cô lập chúng, vừa có hành động kiên quyết, vạch mặt chúng, trấn áp chúng.
Đến cuối tháng 12/1946 về cơ bản những âm mưu thâm độc của kẻ thù đối với Cách mạng Việt Nam đều không thực hiện được; các loại thù trong giặc ngoài bị loại dần chỉ còn lại một mình thực dân Pháp đối chọi với Việt Nam. Tuy quân xâm lược Pháp đã chiếm hầu hết Nam Bộ và nhiều nơi ở Lào, Campuchia, chúng lại đã có mặt ở Sơn La, Lai Châu. Với Hiệp ước Pháp - Tưởng ở Trùng Khánh ngày 28/2/1946, quân Pháp được hợp pháp hóa việc đem quân vào Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Cuộc chiến tranh Pháp - Việt đứhg trước nguy cơ bùng nổ trên phạm vi toàn quốc vào đầu tháng 3/1946.
Đánh hay hòa? Dựa hẳn vào sự ủng hộ của nhân dân đối với chính phủ, bằng nhạy bén chính trị và tài mưu lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã chọn việc tạm hòa hoãn với Pháp nhằm tranh thủ hòa bình để chuẩn bị thêm cho một cuộc chiến tranh khó tránh khỏi.
Ngày 6/3/1946 bản Hiệp định Sơ Bộ giữa Việt Nam và Pháp được ký kết, Việt Nam đồng ý cho 15.000 quân Pháp ra Bắc thay quân Tưởng và Pháp phải mở đàm phán với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa bằng cách hợp pháp hóa sự chiếm đóng của kẻ thủ ở miền Bắc, Chính phủ Hồ Chí Minh đã chấp nhận một bước lùi để có thể thực hiện được những bước tiến mới vô cùng quan trọng.
Ngày 24/3/1946 Cao ủy Pháp ở Đông Dương D’Argenlieur mời Chủ tịch Hồ Chí Minh đàm thoại ở Vịnh Hạ Long. Từ ngày 19/4 đến ngày 10/5/1946 đàm phán trù bị Việt - Pháp ở Đà Lạt, sau đó từ ngày 16/7 đến 14/9/1946 đàm phán chính thức Việt - Pháp ở Pontainebleau và ký bản Tạm Ước mới. Ngày 16/4/1946 phái đoàn Quốc hội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm Quốc hội Pháp ngày 31/5/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách thượng khách của nước Pháp sang thăm chính phủ và nhân dân Pháp.
Những hoạt động ngoại giao của đoàn quốc hội Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp cùng với việc ký bản Tạm Ước Pháp - Việt, đã có ý nghĩ to lớn về chính trị. Nó góp phần làm cho dư luận trong và ngoài nước, trước hết là ở Pháp thấy rõ thiện chí hòa bình của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, ý nguyện tự do độc lập và thực sự không muốn chiến tranh của nước Việt Nam mới.
Với những âm mưu kiên quyết đánh chiếm Việt Nam và lập lại chế độ thuộc địa, thực dân Pháp tìm mọi cách trì hoãn cuộc đàm phán, phá hoạt mọi điều họ ký kết. Từ cuối năm 1946 thực dân Pháp đã ráo riết chuẩn bị cho một cuộc vũ trang xâm lược trên toàn cõi Đông Dương, chúng âm mưu tiến hành đánh úp ta ở Hà Nội để buộc chính phủ Hồ Chí Minh phải đầu hàng.
Ngày 20/11/1946 quân Pháp đánh Hải Phòng và Lạng Sơn. Đầu tháng 12/1946 Pháp cho đổ thêm quân vào Đà Nẵng và liên tục khiêu khích ta ở Hà Nội. Ngày 16/12/1946 D’Argenlieur đòi khôi phục lại Hiệp ước năm 1883 và 1884 trong lúc Valuy triển khai kế hoạch đánh chiếm Bắc Bộ. Ngày 17/12/1946 quân Pháp tàn sát đồng bào ta ở Hà Nội. Ngày 18 và sáng 19/12/1946 Pháp đưa ra 3 tối hậu thư đòi ta phải đầu hàng… Thực dân Pháp đã chọn con đường chiến tranh với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Như vây, 16 tháng sau ngày Cách Mạng Cách Mạng Tháng Thành công, khó khăn phức tạp của tình hình đất nước tưởng như không thể vượt qua được, còn chiến tranh vẫn không tránh khỏi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ thực chất của tình trạng ấy “chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng càng nhân nhượng thực dân dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”. Đó cũng chính là lý do chính đáng nhất để nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
II. KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC BÙNG NỔ VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN KIẾN QUỐC (1946 - 1953)
1. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ
Chính phủ Hồ Chí Minh từ ngay sau ngày giành được độc lập đã ý thức được âm mưu chiến tranh của thực dân Pháp ở Đông Dương. Vì thế cuộc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến bảo vệ thành quả Cách Mạng Tháng Tám đã được tiến hành song với việc củng cố xây dựng chính quyền mới.
Ở Nam Bộ sau ngày 23/9/1945 việc xây dựng lực lượng mọi mặt đã được thực hiện khẩn trương. Xứ ủy Nam Bộ hợp nhất ngày 15/10/1945 từ các nhóm Tiền Phong vàGiải Phóng được củng cố đến giữa năm 1946 thành lập Xứ ủy lâm thời mới. Ủy ban hành chính Nam Bộ chuyển thành Ủy ban kháng chiến Nam Bộ. Các căn cứ địa hình ở Đông Nam Bộ, Đồng Tháp Mười, U Minh, khu 7 xây sựng 16 chi đội vũ trang và nhiều Ban công tác, đội Cảm tử, Công an xung phong. Khu 8 và khu 9 ra sức xây dựng bộ đội du kích củng cố các đơn vị chiến đấu đã có. Chiến tranh du kích từ giữa năm 1946 trở đi đã lan rộng khắp Nam Bộ và Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Tây Nguyên.
Tại Bắc Bộ ta tranh thủ xây dựng lực lượng cho cả nước. Từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1946 có thêm 50.000 thanh niên đầu quân. Các chi đội Nam Tiến được hình thành và đi vào chiến trường, các địa phương đều xây dựng lực lượng dân quân du kích. Ủy ban kháng chiến toàn quốc được thành lập, sau đó được đổi thành Quân sự ủy viên hội. Các cơ quan Bộ quốc phòng và quân ủy trung ương được thành lập. Các trường quân sự, trường võ bị ở Bắc Sơn. Sơn Tây, Quảng Ngãi khẩn trương đào tạo cán bộ quân sự. Cả nước chia thành 12 chiến khu. Đến cuối năm 1946 ta có lực lượng 12.000 bộ đội chính qui, hàng chục vạn quân địa phương được triển khai ở khắp nơi và sẵn sàng chiến đấu. Các phương án tác chiến được xây dựng. Đồng thời ở Bắc Bộ ta lần lượt trừng trị bọn phản động. Ngày 12/7/1946 ta khám phá và đập tan âm mưu đảo chính của bọn Quốc Dân Đảng. Tháng 11/1946 ta giải phóng các tỉnh trung du, thượng du khỏi ách chiếm đóng của bọn Tưởng và tay sai…
Tháng 12/1946 khi cuộc chiến tranh nhất quyết sẽ xảy ra, cả Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và thực dân Pháp đều đã sẵn sàng hành động. Pháp dự tính bằng lực lượng đã có sẽ đánh chớp nhoáng vào các cơ quan đầu não của ta ở Hà Nội, tiêu diệt bộ đội Việt Minh, đánh chiếm các thành phố lớn, buộc chính phủ Hồ Chí Minh đầu hàng và kết thúc chiến tranh. Quân xâm lược Pháp đã đẩy ta vào tình huống phải đối phó với những hành động khiêu khách gây hấn của chúng và hạn tối hậu thư đòi ta đầu hàng. Nhưng cuối cùng chúng lại bị bất ngờ trước cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ của quân dân ta.
Lúc 20 giờ ngày 19/12/1946 lệnh toàn quốc kháng chiến đã phát đi ở Hà Nội pháo binh thủ đô đã nã đại bác vào các vị trí chiếm đóng của địch, chiến lũy dựng lên, loa phát thanh kêu lên lời kêu gọi Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu là nô lệ”. Cuộc chiến đấu 60 ngày đên từ 19/12/1946 đến 17/2/1947 ở thủ đô Hà Nội diễn ra thật hào hùng như thuở nào giữa thành Hà Nội năm 1873 và năm 1882. Lịch sử hiện đại của Thủ đô Hà Nội ghi giữ những hình ảnh thật cảm động: chính trị viên đại đội Lê Gia Đính đập bom diệt cả tiểu đội địch trước thềm Bắc Bộ Phủ, trung đội trưởng Trần Thành ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch ở Chợ Hôm. Đội tự vệ Bưu Điện thành phố chiến đấu đến người cuối cùng bên bở Hồ Gươm… Quân Pháp thuộc sư đoàn bộ binh thiết giáp số 2 đã phản kích quyết liệt nhưng quân dân Hà Nội dũng cảm ngoan cường đã tiêu diệt nhiều quân xâm lược.
Cuộc chiến đấu diễn ra tại nhiều thành phố khác tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch và làm thất bại âm mưu đánh mau thắng mau của chúng. Quân dân Huế chiến đấu ròng rã 50 ngày đêm trong thành phố, diệt 2.000 tên Pháp. Quân dân Đà Nẵng giam châm 10.000 quân Pháp tại đây trong 90 ngày đêm. Quân dân Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hòn Gai chiến đấu tiêu diệt gọn bọn chiếm đóng, giữ vững trận địa quê hương. Tại Sài Gòn ngày 20/12/1946 các đội Cảm tử đều đồng loạt nổ súng. Ngày 17/2/1947 Xứ ủy Nam Bộ quyết định mở một cuộc tiến công toàn Nam Bộ giam chân 40.000 quân Pháp ở đây không cho chúng đi ứng cứu.
2. Bước vào kháng chiến trường kỳ
Cùng với cuộc chiến đấu ngày càng ác liệt ở các thành phố và các khu vực xung yếu, hàng loạt công việc cấp bách của cuộc kháng chiến lâu dài cũng được khẩn trương tiến hành kế hoạch tổng di chuyển các cơ quan, kho tàng máy móc từ các đô thị đưa lên vùng căn cứ đã được chuẩn bị chu đáo từ trước, nên khi chiến sự bùng nổ đã thực hiện khá nhanh và kịp thời. Từ tháng 11/1946 đến tháng 2/1947 đã có gần 40.000 tấn máy móc, nguyên vật liệu, thiết bị được chuyển về Việt Bắc. Ở Bắc Bộ có gần 2/3 số các máy móc xí nghiệp được di chuyển, trên cơ sở đó ta nhanh chóng xây dựng được 57 cơ sở sản xuất công nghiệp ở vùng kháng chiến. Cơ quan đài tiếng nói Việt Nam, Kho bạc Hà Nội, trường Đại học Y khoa được di chuyển gần như toàn bộ lên chiến khu. Việt Bắc trở thành thủ đô kháng chiến.
Tiêu thổ kháng chiến cũng là một biện pháp mà dân ta biết từ lâu mỗi khi chống giặc ngoại xâm, nay lại được đem vào cuộc chống Pháp. Ngày 6/2/1947 Hồ Chủ tịch kêu gọi và phát động cuộc phá hoại để kháng chiến. Ta đã đào và đốt phá hàng ngàn cây số đường sắt, đường bộ, hàng vạn cầu cống, hàng vạn hécta cao su cùng nhiều nhà cửa, đầu máy toa xe… Tuy nhiên việc phá hoại tràn lan ở một số nơi đã gây thiệt hại lớn đến tài sản quốc gia. Nhìn chung công tác tiêu thổ kháng chiến có tác dụng tích cực lúc ban đầu, sau đó nó có ảnh hưởng không tốt đến công cuộc kiến quốc.
Thực dân Pháp bất ngờ trước cuộc toàn kháng chiến của ta, song ngay sau đó chúng lập tức phản kích chiếm lại các thành phố. Chúng hình dung đối phương mà chúng đang ứng phó là một khối hình chóp nón có đỉnh chính là cơ quan đầu não kháng chiến ở Việt Bắc, cần phải tiêu diệt cơ quan đầu não ấy trước khi phá tan cái khối hình chóp kia để kết thúc chiến tranh. Tháng 9/1947 tại Sơn Tây, Cao ủy Pháp là Bolaer tuyên bố không có lý do gì để kéo dài chiến tranh. Sau đó ngày 7/10/1947 12.000 quân Pháp chia làm 3 hướng tấn công lên Việt Bắc. Địch ồ ạt tiến công và dự tính chỉ cần 3 tuần lễ sẽ đập tan đầu não Việt Minh, buộc Chính phủ Hồ Chí Minh phải đầu hàng…
Sau chỉ thị “Bolaer nói gì ta phải làm gì”, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chủ trương “Chủ trương phải phá tan cuộc tấn công Mùa Đông của giặc Pháp”. Đúng là địch mạo hiểm khi tấn công lên Việt Bắc, nhưng bộ đội Việt Minh đã chuẩn bị sẵn tình huống này và đón đánh quân đội Pháp ngay từ đầu cuộc tấn công. Sau 75 ngày đêm chống càn, quân dân Việt Bắc đã đánh bại cuộc phản công đầu tiên của Pháp, buộc Pháp phải từ bỏ chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh căn cứ địa Việt Bắc được giữ vững, các cơ quan lãnh đạo kháng chiến của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được bảo toàn, quân dân cả nước vô cùng phấn khởi tin tưởng vào Chính phủ Hồ Chí Minh.
Toàn quốc kháng chiến đến bước ngoặc đầu tiên ở Việt Bắc mới chỉ gần 1 năm chiến tranh, Việt Nam không hề bị động đối phó với cuộc chiến xâm lược của Pháp, ngược lại Pháp đã 2 lần bị bất ngờ và phải thay đổi chiến lược chiến tranh. Cuộc chiến đấu không cân sức của nhân dân Việt Nam chống xâm lược đến đây chưa có nhiều thay đổi về lực lượng nhưng bước đầu đã có thay đổi về thế. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện trường kỳ, tự lực cánh sinh, quân ta quyết tâm làm thay đổi nhanh chóng cả thế và lực bằng quá trình kháng chiến với kiến quốc.
3. Đẩy nhanh công cuộc kháng chiến - kiến quốc (1948 - 1950)
Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 3/1948 phong trào “Thi đua ái quốc” được phát động rộng rãi trong cả nước, nhằm thúc đẩy cuộc kháng chiến kiến quốc phát triển. Toàn quân, toàn dân Việt Nam thi đua tăng gia sản xuất, xây dựng kinh tế kháng chiến, hăng say luyện quân lập công. Khẩu hiệu “Người người thi đua, ngành ngành thi đua” đã nảy nở những hành động ái quốc ở hầu khắp các tầng lớp nhân dân các địa phương, đem lại hiệu quả thực tế trong hoạt động kháng chiến kiến quốc.
Chính phủ kháng chiến đã ban hành nhiều chính sách kinh tế giúp đỡ tầng lớp nông dân, công nhân lao động về mọi mặt để họ yên tâm và hăng hái sản xuất. Các sắc lệnh về giảm tô, giảm tức, tạm giao cấp đất cho nông dân được ban hành. Đến cuối năm 1949 từ Liên khu IV trở ra đã có 113.000 hécta đất được giao cho nông dân, còn ở Nam Bộ số ruộng đất của địa chủ bỏ chạy khá nhiều và được chính quyền kháng chiến giao cho nông dân canh tác việc giảm tô được hưởng ứng triệt để nhất. Đến năm 1953 có hàng trăm ngàn mẫu ruộng được giảm tô, 25% ở miền Tây Nam Bộ có nơi giảm 50 - 60%.
Từ tháng 4/1953 một số vùng tự do ở Việt Bắc và Bắc khu IV đã tiến hành thí điểm cải cách ruộng đất, tạo ra ảnh hưởng tích cực thúc đẩy cuộc kháng chiến. Chính sách ruộng đất của Chính phủ Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Pháp mới chỉ là bước đầu của cuộc Cách mạng ruộng đất mà Đảng Cộng Sản Đông Dương đã đề ra cho mình trong Luận cương đầu tiên. Tuy chưa có điều kiện thực hiện chính sách này nhiều hơn nữa, triệt để hơn nữa nhưng những việc đã làm được có ý nghĩa rất sâu sắc, bởi nó khắc sâu trong tâm tưởng người dân niềm tin vững chắc vào Đảng Cộng Sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là sức mạnh tinh thần đến sức mạnh vật chất vô cùng to lớn, đưa kháng chiến đến thắng lợi.
Năm 1951, chính sách thuế nông nghiệp của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được áp dụng đã làm tăng thêm cho nguồn lực kinh tế cho cuộc kháng chiến, lối làm ăn tập thể theo tổ vần công, đổi công được phổ biến và nhiều nơi còn lập ra tổ chức hợp tác xã nông nghiệp. Đến năm 1950 cả nước đã có 25.000 tổ đổi công và gần 1.500 hợp tác xã nông nghiệp. Sản lượng hoa màu ở các vùng tự do ngày một tăng lên, riêng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, năm 1950 đã đạt sản lượng hơn 2.400 tấn lương thực.
Việc khôi phục giao thông từ năm 1948 trở đi được đặt ra như một yêu cầu mới của cuộc kháng chiến - kiến quốc tuy đây đó có lúc vẫn phải phá lộ đào đường đắp đê ngăn cản các cuộc hành quân càn quét của địch, những hệ thống cầu đường đến năm 1950 đã bước đầu được khôi phục hoặc làm mới để phục vụ cho việc chuyển hàng hóa, giao lưu kinh tế văn hóa các địa phương, phục vụ các chiến dịch quân sự. Ở Liên khu Việt Bắc đã sửa chữa 1.046 km đường xe, 40km đường sắt, hàng trăm cầu cống được sữa chữa hoặc làm mới. Ở Nam Bộ nhiều con kênh mới (kênh kháng chiến) làm tăng cường hệ thống giao thông đường thủy vốn đã rất thuận lợi cho chiến trường của chiến tranh du kích ở đây.
Văn hóa kháng chiến phát triển nhanh ở các vùng tự do để mở đầu cho việc xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam, đẩy lùi nền văn hóa ngu dân của chế độ thực dân phong kiến. Tháng 7/1948 Đại hội văn hóa toàn quốc lần thứ 2 được triệu tập ở Việt Bắc. Tại Đại hội này, báo cáo của Tổng Bí thư Trường Chinh được giới văn nghệ sĩ hoan nghênh bởi lập trường văn hóa của Đảng với phương châm dân tộc, khoa học và đại chúng rất phù hợp với tâm tư nguyện vọng của giới văn nghệ sĩ. Từ đó một đội ngũ mới những người công tác văn hóa văn nghệ hình thành, nhiều văn nghệ sĩ lớp trước đi theo con đường Cách mạng vô sản đã trở thành chim đầu đàn trên bầu trời ban mai của nền văn hóa dân tộc trong thờii kỳ hiện đại.
Công tác giáo dục làm việc chăm lo sức khỏe đời sống tinh thần cho dân chúng được các cấp chính quyền kháng chiến nỗ lực tạo ra cơ sở phát triển. Theo tổng kết của Đảng ta về cuộc kháng chiến chống Pháp, tính đến năm 1950 có 75.000 thôn của 1.500 xã ở 84 huyện thuộc 10 tỉnh duy trì phong trào xóa nạn mù chữ. Giáo dục phổ thông và giáo dục bổ túc được chú ý xây dựng ở vùng tự do và thu hút nhiều bộ phận nhân dân tham gia. Tại đây một đời sống văn hóa mới được dần dần hình thành các cán bộ chiến sĩ cách mạng cùng với các tầng lớp nhân dân lao động được học tập mở mang kiến thức trong điều kiện kháng chiến còn nhiều thiếu thốn về vật chất, hạn chế về kinh nghiệm, nhưng bộ mặt văn hóa tinh thần của xã hội vùng tự do vẫn có những cải thiện.
Về xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân trong điều kiện kháng chiến được chú trọng để không ngừng củng cố hậu phương, phát triển thực lực các mạng. Những nơi còn duy trì Ủy ban kháng chiến hành chính thì các ủy ban phải luôn luôn kiện toàn tổ chức nhằm tăng cường thành phần cơ bản. Những nơi chỉ có Mặt Trận Việt Minh, thì việc củng cố các đoàn thể cứu quốc, tăng cường hội viên được coi là nhiệm vụ thường xuyên… Ở hầu hết các địa phương trong cả nước, sự kết hợp lãnh đạo giữa các cấp Đảng bộ với các cấp cơ quan đoàn thể trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự đã dần dần trở nên nhịp nhàng và có hiệu quả tốt. Để tăng cường lực lượng quân sự, tháng 1/1949 nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ban hành sắc lệnh nghĩa vụ quân sự, sau đó đến tháng 2/1950 chính phủ ban hành lệnh tổng động viên. Với các sắc lệnh này, đến cuối năm 1950, chỉ tính từ khu IV trở ra đã có 500.000 thanh niên ghi tên tòng quân và hàng chục vạn người khác tham gia vào các đoàn dân công phục vụ chiến đấu. Ở Nam Bộ và nhiều vùng địch hậu khác có khá đông các nhân sĩ yêu nước thanh niên học sinh, công nhân lao động, nhà tư sản, nhà buôn nghe theo tiếng gọi của cuộc chiến đấu chính nghĩa, đã ủng hộ cách mạng thậm chí đã ra vùng tự do tham gia kháng chiến.
Quan hệ đối ngoại của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong những năm chiến tranh Việt - Pháp là một trong những hoạt động mới mẻ và không nhiều thuận lợi. Song do dự chuyển biến tích cực của tình thế giới, sự phát triển vững chắc của cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta Việt Nam đã ngày càng được dư luận quốc tế quan tâm đến quan hệ của Việt Nam với các nước vì thế được tạo dựng, mở ra những trang đầu cho lịch sử ngoại giao của nước Việt Nam mới. Hoạt động giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước láng giềng Việt Nam - Lào - Campuchia - Trung Quốc đã bước đầu phát triển nhằm phát triển cách mạng mỗi nước và trong khu vực ngoài ra quan hệ Việt - Pháp lúc chưa toàn quốc kháng chiến cũng tranh thủ được dư luận tiến bộ của nước Pháp.
Tháng 12/1949 Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thăm chính thức Liên Xô, hội đàm với Xtalin. Ngày 14/1/1950, thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là chính phủ hợp pháp duy nhất của nước Việt Nam và sẵn sàng kiến lập ngoại giao với các nước trên cơ sở tôn trọng chủ quyền lãnh thổ quốc gia bình đẳng.
Đáp lại thiện chí đó, ngày 18/1/1950, Liên Xô và Trung Quốc ra tuyên bố công nhận nuớc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đến cuối tháng 1/1950 đã có thêm 9 nước khác công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh vị trí chính trị của nước Việt Nam trên trường quốc tế từ đó được nâng cao lên, có ý nghĩa rất tích cực đối với cuộc kháng chiến đang tiếp tục của nhân dân Việt Nam, góp phần làm thay đổi thế và lực cho cuộc kháng chiến.
4. Tiếp tục giành nhiều thắng lợi trên Mặt trận quân sự (1948 - 1953)
Trên Mặt trận quân sự, vào lúc hệ thống đồn bót nhỏ dày đặc theo kế hoạch De Latuur mọc lên ở Nam Bộ giữa những năm 1948 thì từng bộ phận nhỏ các đơn vị bộ đội Việt Minh cũng được đưa vào các vùng địch hậu theo kế hoạch phân tán lực lượng chủ lực để gây men cho phong trào nhân dân du kích chiến tranh phát triển. Thực dân Pháp quay về với nhiệm vụ bình định mà trọng điểm là Nam Bộ nhưng vẫn muốn cô lập Việt Bắc, chia cắt Bắc Bộ và Trung Bộ. Tuy nhiên chúng đã không thể tự do hành động như trước và ngày càng mất dần quyền chủ động chiến trường. Trong khi đó các lực lượng kháng chiến từng bước phát triển. Ở những nơi chiến tranh du kích phát triển mạnh các hoạt động phá đồn bót, diệt tề, trừ gian đã chống lại có hiệu quả các biện pháp bình định của quân đội Pháp, làng xã chiến đấu và địa đạo từ năm 1948 bắt đầu hình thành và ở ngay trọng điểm bình định. Cuối năm 1948 phong trào tổng phá tề gây tổn hại lớn cho quân ngụy và bộ máy tề ngụy. Đặc biệt là những trận vận động chiến ở La Ngà, Tầm Vu, Láng Le… Từ năm 1948 gây nhức nhối cho quân xâm lược Pháp.
Trong tình thế ấy đáng lẽ Pháp phải đặt nhiệm vụ cấp thiết là củng cố lại lực lượng, đặt lại việc bình định đồng bằng, nhưng với kế hoạch mới của Rever họ lại đem quân đi tăng cường phòng thủ biên giới, lập hành lang Đông Tây chia cắt Bắc Bộ. Nhất là từ cuối năm 1949 khi nước Cộng Hòa Nhân Trung Hoa ra đời và sau đó Chính phủ mặt trận It-xa-rac ở Campuchia thành lập (tháng 4/1950), Chính phủ mặt trận It-xa-rac ở Lào thành lập (tháng 8/1950), Diễn biến dồn dập ấy làm cho Pháp lo sợ về sự phối hợp liên minh của 3 nước Đông Dương, chúng càng ra sức bao vây cô lập cách mạng Việt Nam, chia rẽ cuộc kháng chiến của 3 nước Đông Dương trên toàn Đông Dương lúc này. Chúng có 21 vạn quân nhưng đang dồn phân lớn ra chiến trường Bắc Bộ, nhất là lực lượng Âu Phi.
Về phía Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cuộc kháng chiến trường kỳ làm cho bộ đội Việt Minh càng đánh càng mạnh. Sau một thời gian phân tán chủ lực, gây dựng phát triển chiến tranh du kích, đến giữa năm 1949 bộ đội chủ lực Việt Minh lại được tập trung để xây dựng các trung đoàn đại đoàn hoàn chỉnh lực lược 3 thứ quân. Đến cuối năm 1950 quân đội nhân dân Việt Nam đã có lực lượng 130.000 bộ đội chủ lực các loại với 24 tiểu đoàn cơ động và khoảng 3 triệu dân quân du kích địa phương. Chiến tranh du kích vẫn là phổ biến như từ Xuân - Hè năm 1949 bộ đội Việt Minh đã mở hàng loạt chiến dịch tiến công vừa và nhỏ ở Bắc Bộ. Trên đà đó giữa năm 1950, một chiến dịch tiến công lớn đã được bàn tính nhằm đánh thằng vào kế hoạch Revet của Pháp, mục tiêu là hệ thống phòng thủ biên giới Đông Bắc Bắc Bộ.
Tướng Võ Nguyên Giáp đề ra “phương án đánh Đông Khê” theo đó gần 30.000 bộ đội cùng hàng chục vạn dân công đã tích cực chuẩn bị cho các đợt tấn công đánh điểm, diệt viện dọc tuyến quốc lộ số 4, trong đó Đông Khê là trận mở màn, Hồ Chủ tịch trực tiếp ra mặt trận đôn đốc quân sĩ, trong lúc đó các chiến trường khác ở khu III, khu IV, khu V, Nam Bộ cũng được chỉ đạo phối hợp hoạt động để giam chân địch không cho chúng ứng cứu nhau và tập trung đối phó ở mặt trận chính. Trận chiến ở biên giới diễn ra đúng như dự đoán. Từ ngày 16/9/1950 Mặt trận Đông Khê nổ súng, Pháp vội rút quân khỏi Cao Bằng để tập trung đánh lên Việt Bắc nhưng mưu kế của chúng không thành. Ở Thái Nguyên chúng bị đòn đau, tuyến biên giới dọc quốc lộ số 4 chúng bị mất trắng. Ngày 14/10/1950 bộ đội Việt Minh mừng chiến dịch đại thắng sau gần một tháng chiến đấu. Quân Pháp chịu một tổn thất lớn nhất từ trước tới nay, chỉ 28 ngày mà 10 tiểu đoàn bị nướng trụi vào chiến trường biên giới, 8.300 quân tinh nhuệ bị xóa xổ, hơn 3.000 tấn vũ khí trang bị đã mất, chiến lược phòng thủ Đông Dương bị đảo lộn, thật là chưa từng có trong lịch sử chiến tranh ở đây. Bộ đội Việt Minh giải phóng hàng ngàn cây số vuông đất đai, khai thông biên giới 7.500km, giải phóng 350.000 dân. Chiến thắng biên giới cắm cột mốc mới trên con đường trưởng thành của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, nó cũng đánh dấu thời kỳ mới của kháng chiến trường kỳ, khi quyền chủ động chiến trường đã chuyển hẳn về phía lực lượng kháng chiến.
Kế hoạch Rever tan vỡ, tháng 12/1950 viên tướng tài ba của Pháp là De Lattre de Tassigny thôi giữ chức tư lệnh lục quân khối NATO sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh kiêm chức Cao ủy Pháp ở Đông Dương. Trước đó hiệp định viện trợ quân sự Pháp - Mỹ đã được ký kết để Pháp có thêm điều kiện theo đuổi chiến tranh ở Đông Dương. Với tổng số quân là 338.000 người, Tassigny cố thực hiện bình định gấp rút, phản công mạnh mẽ và muốn tập trung giải quyết trước hết vấn đề Bắc Bộ. Tại đây Pháp cho dựng tuyến phòng thủ boong ke gồm 1.300 lô cốt do 20 tiểu đoàn Âu Phi chốt giữ.
Những cuộc kháng Pháp ở Đông Dương từ sau trận Biên giới Thu Đông năm 1950, đã tiếp tục tiến những bước dài đến thắng lợi hoàn toàn, mặc dù còn trải qua nhiều khó khăn. Trong cuộc tiếp kiến Hồ Chủ tịch tại Việt Bắc, trước khi Pháp triển khai kế hoạch De Tassigny, một nhà báo nước ngoài hỏi về sự bắt đầu thời kỳ Tổng phản công của lực lượng kháng chiến, vị Tổng tư lệnh Hồ Chí Minh nhắc họ “Phải nhớ rằng kháng chiến của chúng tôi là trường kỳ kháng chiến”, phương châm chiến lược ấy đối với những kẻ đang tham vọng giành một thắng lợi nhanh chóng về quân sự thì không phải là điều dễ hiểu.
Tháng 2/1951, Đảng Cộng Sản Đông Dương tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 2. So với hội nghị hợp nhất cách đó 21 năm chỉ có 4 đại biểu dự bàn thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam lần này 221 đại biểu thay mặt cho 766.349 đảng viên cộng sản toàn quốc, đã họp bàn về xây dựng Đảng Lao Động Việt Nam. Đây không chỉ là việc đưa Đảng ra hoạt động công khai sau 50 tháng rút và bí mật mà còn là sự tiếp tục đặt lại cho đúng vấn đề Cách mạng Đông Dương cho phù hợp với khuôn khổ mỗi dân tộc quốc gia. Những người cộng sản Đông Dương sau khi giải tán đảng chung, xây dựng lực lượng cách mạng riêng cho từng dân tộc, đã thành lập một liên minh đoàn kết chiến đấu có tính chất chiến lực để tiếp tục những quan hệ hợp tác tương trợ giúp đỡ lẫn nhau đã có.
Trong lúc giữa núi rừng Việt Bắc đang diễn ra những chuyển biến chính trị to lớn ấy, thì bộ đội cụ Hồ báo công dồn dập. Những chiến dịch tấn công địch được mở ra khắp nơi: trung du, đường số 18, Hà Nam Ninh, Hoà Bình, Tây Bắc, Thượng Lào… còn ở đồng bằng Bắc Bộ, Trị Thiên, khu V, Tây Nguyên, Nam Bộ thì chiến tranh du kích lan rộng. Cả Pháp và Mỹ đều coi Bắc Đông Dương là chiến trường chính, trong đó Việt Bắc là trọng điểm số một, chúng tập trung binh hùng tường giỏi ra các chiến trường Bắc Đông Dương, nuôi ý định kết thúc chiến tranh ở đó.
Các chiến trường phía Nam, nhất là Nam Bộ vì vậy có điều kiện thuận lợi để đưa chiến tranh du kích ở đây lên đỉnh cao và phát triển dần lên chiến tranh chính quy. Tuy nhiên việc xây dự thực lực cách mạng ở Nam Bộ chưa tương xứng với việc phát triển của tình hình. Từ năm 1950 trở đi, Cách mạng Nam Bộ lại gặp nhiều khó khăn phức tạp. Trong lúc đó các chiến trường phía Bắc đã tích cực xây dựng thực lực mạnh, nhất là xây dựng các đơn vị bộ đội chủ lực cơ động. Đến năm 1952 tại đây đã có 6 đại đoàn bộ binh (312, 316, 320, 325, 308, 304) 2 trung đoàn bộ binh (246, 148) và một đại đoàn công pháo (351).
Sự mất cân đối trong xây dựng lực lượng ở phía Bắc và ở phía Nam đã không được khắc phục. Vì thế khi bước vào thời kỳ Phản công và Tổng phản công thì chiến trường Nam Bộ không thể mở được các chiến dịch lớn.
Dù sao cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam cho đến Đông Xuân 1952 - 1953 vẫn có thể bước sang thời kỳ giành thắng lợi quyết định, mở đầu bằng việc tiếp tục mở các chiến dịch tiến công quân sự, làm tiêu hao tiêu diệt nhiều sinh lực địch, tiến tới đánh bại chúng về quân sự. Khi Pháp - Mỹ đưa ra kế hoạch Navarre thì khả năng trên đây của bộ đội Việt Minh vẫn không mất đi tính hiện thực.
III. TỪ CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ LỊCH SỬ ĐẾN HIỆP ĐỊNH GENÈVE, KẾT THÚC CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1953 - 1954)
1. Pháp - Mỹ triển khai kế hoạch Navarre tiếp tục kéo dài chiến tranh, nhưng chúng đã thất bại trước chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 của ta
Sau 8 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Đông Dương, quân đội Pháp càng cố tìm kiếm thắng lợi thì thắng lợi càng xa vời, buộc họ phải cậy nhờ vào tài chính và mưu lược của Mỹ. Cũng đã đến lúc nước Pháp không cho phép quân đội của họ tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh, nhất là theo đuổi một cuộc chiến tranh không còn khả năng thắng lợi. Trong tình thế ấy, một lần nữa Pháp lại cử Navarre, một viên tướng tài giỏi của khối NATO sang Đông Dương làm tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp.
Ngày 7/5/1953 Navarre có mặt ở chiến trường Đông Dương, tháng 7 năm đó kế hoạch quân sự của ông được Hội đồng chính phủ và Hội đồng quốc phòng Pháp thông qua, trở thành niềm hy vọng của nước Pháp trong lần cuối cùng thay đổi chiến lược chiến tranh. Với nhiệm vụ giành một thắng lợi quân sự, tạo cơ sở cho một giải pháp chính trị, Navarre tập trung chủ yếu vào việc xây dựng khối chủ lực cơ động lớn gấp 3 lần hiện tại ở Đông Dương, để trong vòng 18 tháng có thể “Chuyển bại thành thắng”.
Cả Pháp - Mỹ đều dồn nỗ lực, trí tuệ cho kế hoạch tập trung quân của Navarre, coi đó là bí quyết thắng lợi của chiến tranh. Đến đầu năm 1954, Navarre đã có trong tay 480.000 quân (trong đó có 146.000 quân Aâu - Phi), gồm 100 tiểu đoàn bộ binh và 10 tiểu đoàn dù, tất cả đều là lực lượng chủ lực cơ động. Viện trợ của Mỹ tăng lên nhanh chóng và chiếm 73% chiến phí chiến tranh Đông Dương lúc này.
Suốt mùa hè và mùa thu năm 1953 tướng Navarre điều khiển quân tướng để tập trung lớn ở đồng bằng Bắc Bộ, còn các chiến trường khác thì rất sơ hở. Đối phó với tình hình ấy, tháng 9/1953 Bộ chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam đã quyết định và triển khai kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, khởi đầu là việc điều một bộ phận lực lượng chủ lực lên Tây Bắc. Quả nhiên khi bộ đội Việt Nam mở hướng Tây Bắc thì Pháp không thể làm ngơ, Navarre vội điều quân từ đồng bằng Bắc Bộ lên Tây Bắc, chiếm giữ Lai Châu, lập vị trí chiếm đóng mới ở Điện Biên Phủ. Theo đà đó từ tháng 11/1953 đến tháng 2/1954, ta đã mở liên tục các chiến dịch tấn công quân sự ở khắp các chiến trường Đông Dương, nhất là các vị trí chiến lược như Tây Bắc, Thượng Lào, Trung Lào, Tây Nguyên…
Navarre vừa tập trung xong quân đã phải điều đi ứng phó và chia ra làm nhiều mảng rời rạc với nhau. Không những thế chúng còn bị tiêu hao khá nhiều sinh lực, tinh thần quân đội có sút giảm, kế hoạch tập trung gần hoàn thành bước một thì đã có nguy cơ tan vỡ. Nhưng trong quá trình ấy Navarre còn thấy khả năng thu hút bộ đội Việt Minh lên Điện Biên Phủ để giáng cho họ một đòn chiến lược. Navarre cho xây dựng Điện Biên Phủ thành một pháo đài không thể công phá, sẵn sàng nghiền nát bộ đội Việt Minh, một việc làm ngoài dự kiến ban đầu của Pháp - Mỹ.
2. Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử
Tiếp tục làm phá sản kế hoạch Navarre, từ đầu tháng 12/1953 bộ đội Việt Minh vừa phá kế hoạch tập trung quân vừa chuẩn bị cho việc chấp nhận giao chiến với quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ. Lúc ấy Pháp và Mỹ yên trí rằng nếu chấp nhận giao chiến tại thung lũng Tây Bắc này thì bộ đội cụ Hồ sẽ phải gặp rất nhiều bất lợi và khó khăn rằng chỉ có sức mạnh thần kỳ nào đó mới giúp Việt Minh tránh khỏi một tổn thất lớn khi họ dám tuyên chiến với quân đội Pháp - Mỹ.
Nhưng không phải là huyền thoại mà là có thật một sức mạnh thần kỳ của Việt Minh ở Điện Biên Phủ. Đó là sự hợp lại sức lực, ý chí, máu và mồ hôi của 261.464 dân công với 10.301.570 ngày công mở hàng ngàn cây số đường bộ, vận chuyển 27.400 tấn gạo, hàng chục ngàn tấn vũ khí đạn dược, thuốc men bằng 628 chiếc xe tải, 11.800 ghe thuyền, 20.000 xe đạp thồ, 500 ngựa thồ, hàng ngàn xe trâu bò kéo. Đó còn là sự đồng tâm hiệp lực, tư tưởng quyết tâm và mưu lược của 4 đại đoàn quân, với 11 trung đoàn bộ binh, một đại đoàn công pháo cùng hàng vạn thanh niên xung phong. Đó chính là hình ảnh ra quân của một dân tộc mang theo khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” mà quân xâm lược Pháp đã không sao có được.
Những tờ truyền đơn thách thức của viên chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cuối tháng 2/1954 không kích động được sự nôn nóng của quân đội tướng Giáp, ngược lại tướng Võ Nguyên Giáp càng bình tĩnh chọn lại phương án đánh, kiên trì và quyết tâm chuyển từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc thắng chắc”.
Ngày 12/3/1954 trong lúc ở bờ biển Quy Nhơn, quân Pháp được lệnh của tướng Navarre tiếp tục chiến dịch Át-lăng thì ở Điện Biên Phủ các chiến sĩ bộ đội Việt Minh đón thư Bác Hồ động viên trước giờ nổ súng; cũng tại đây các sỹ quan Pháp được De Castries thông báo tin tình báo về cuộc tấn công của tướng Giáp sẽ bắt đầu vào 5 giờ chiều ngày mai; sau khi nghe tất cả tin ấy tất cả họ cười ồ lên.
Nhưng tin tức đó quả là chính xác. Đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, pháo binh của bộ đội Việt Minh nã vào căn cứ đồi A1 mở màn cho chiến dịch tấn công Điện Biên Phủ. Bộ đội Việt Minh tổ chức thực hiện 3 đợt tấn công.
* Đợt 1 từ 13/3 đến 17/3/1954, mở cửa tập đoàn cứ điểm, quan quân De Castries hoảng hồn chống đỡ.
* Đợt 2 từ ngày 30/3 đến 26/4/1954, tấn công vây lấn băm nát tập đoàn cứ điểm, giằng co quyết liệt, Pháp ở Điện Biên Phủ hoàn toàn tuyệt vọng.
* Đợt 3 từ 1/5 đến 7/5/1954, tổ công kích tiêu diệt toàn tập đoàn căn cứ địch. Điện Biên Phủ thất thủ và Pháp Mỹ ở Đông Dương bàng hoàng.
Tròn 56 ngày kể từ 17 giờ ngày 13/3/154 đến 17 giờ 30 ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm 49 cứ điểm chia làm 3 phân khu, do 16.200 quân chiếm giữ đã bị công phá. De Castries vừa được thăng chức tướng được vài ngày thì phải dẫn đầu đoàn quân sống sót ra đầu hàng các dũng sỹ Việt Minh ở Điện Biên Phủ.
Hòa cùng tiếng súng mặt trận Điện Biên Phủ từ đầu tháng 3/1954 và nhất là từ tháng 5/1954, tiếng súng tấn công nổi dậy đã nổ khắp miền đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Phong trào rộng lớn ấy ở các chiến trường trong cả nước, sau thắng trận Điện Biên Phủ đã và đang chuyển thành cao trào mới để nối dài chiến công lớn.
3. Hội nghị Genève về Đông Dương và việc kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp
Thắng lợi ở Điện Biên Phủ và thực tế cao trào tiến công nổi dây ấy, khẳng định khả năng mới của cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, ta có thể đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp bằng những thắng lợi quân sự.
Từ đầu năm 1954 Hội nghị của các nước lớn bàn về lập lại hòa bình, chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên và Đông Dương đã triệu tập ở Genève (Thuỵ Sỹ). Sau khi giải quyết xong vấn đề Triều Tiên, cuối tháng 4/1954 Hội nghị bắt đầu bàn về vấn đề Đông Dương, nhưng chỉ sau khi thất thủ ở Điện Biên Phủ, Pháp - Mỹ mới sốt sắng họp bàn hội nghị.
Phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu đến tham dự Hội nghị trong tư thế của người vừa chiến thắng quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Xuất phát từ nguyện vọng hòa bình của dân tộc, nắm bắt theo xu thế hòa bình của thế giới và khu vực, phái đoàn Việt Nam tại hội nghị Genève đã bày tỏ thiện chí chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương, giải quyết vấn đề Đông Dương một cách triệt để cả về quân sự lẫn chính trị, trên cơ sở các nước tôn trọng chủ quyền thống nhất, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của cả ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Tuy vậy cuộc mặc cả của các nước lớn đã chi phối kết quả cuối cùng của hội nghị quan trọng này.
Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp, ngày 20/7/1954 “Hiệp định đình chỉ chiến sự lập lại hòa bình ở Đông Dương” được ký kết. Theo đó vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến quân sự tạm thời, việc chuyển quân tập kết lực lượng của cả hai bên chiến tranh được tiến hành, việc thống nhất đất nước ở Việt Nam sẽ được thực hiện bằng một cuộc trưng cầu dân ý, sau hai năm thi hành Hiệp định và bằng một cuộc Tổng tuyển cử tự do trong cả nước…
Việc ký kết Hiệp định Genève phản ảnh xu thế chung của tình hình thế giới lúc đó và cũng chứng minh cho lập trường đàm phán và nguyện vọng hòa bình, chấm dứt chiến tranh của nhân dân Việt Nam. Mặc dù chỉ dừng lại ở những giải pháp quân sự, nhưng Hiệp định Genève ngày 20/7/1954 cùng với thắng lợi của Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân Việt Nam chống xâm lược.
“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”
(Tố Hữu)
Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử dân tộc thật oai hùng, Đảng ta đã đánh giá về sự kiện này trong những ngày đánh Mỹ (1970), rằng chiến thắng Điện Biên Phủ “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đàng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.
Việt Nam - Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh, những tiếng thân quen ấy từ mùa hè năm 1954 bắt đầu vang lên trên khắp các châu lục. Đó là niều tự hào của dân tộc ta và cũng là niềm tự hào chung của tất cả các nước đang đấu tranh thoát khỏi ách thực dân, đòi tự do độc lập.
*
* *
Cuộc “kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ” đã kết thúc với việc đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược kiểu cũ của thực dân Pháp có Mỹ can thiệp. Tài liệu tổng kết của Đảng ta về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thắng lợi và bài học đã cho biết những con số thống kê như sau: đã có 579.500 quân Pháp và tay sai bị chết, bị thương, bị bắt ở đây; 435 máy bay bị đánh rơi và phá hủy; 603 tàu chiến và canô bị đánh chìm và bắn cháy; 344 khẩu pháo cùng hàng ngàn xe quân sự bị phá hủy; 130.415 súng các loại bỏ lại chiến trường… Pháp và Mỹ đã tiêu tốn vào cuộc chiến tranh ấy 3.000 tỷ france và 2,6 tỷ USD. Trong thời gian chiến tranh ấy nuớc Pháp có 20 lần thay đổi Chính phủ, 7 lần thay thế Cao uỷ và 8 lần thay đổi Tổng chỉ huy quân sự ở Đông Dương. Vậy mà Pháp vẫn không thể lấy lại được thuộc địa này, ngay sau khi nhân dân ở đây vừa giành lại được nền độc lập dân tộc.
Trong 9 năm kháng chiến, quân dân Việt Nam đã lần lượt đánh bại 5 kế hoạch chiến lược chiến tranh của Pháp; đã mở 10 chiến dịch lớn có ý nghĩa như những đòn chiến lược giáng vào đạo quân viễn chinh của Pháp sau đại chiến thế giới lần thứ II. Như vậy chọn con đường chiến tranh là nước Pháp đã tự chọn con đường kết thúc thê thảm thời kỳ đế quốc hùng mạnh của mình, thời kỳ mà công cuộc thực dân của người Pháp có vai trò và ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nhiều quốc gia dân tộc.
Với thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chẳng những thành quả của Cách Mạng Tháng Tám được bảo vệ vững chắc mà còn phát triển thêm thành quả vĩ đại ấy. Đó là việc các nước phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, miền Bắc Việt Nam hoàn toàn giải phóng, nền kinh tế - xã hội của chế độ mới được thử thách trong chiến tranh đã có thêm nhiều sức mạnh và kinh nghiệm để củng cố, phát triển sự nghiệp cách mạng của cả nước có thêm nhiều yếu tố mới, cơ sở mới rất căn bản để tiến đến giành những thắng lợi to lớn và toàn vẹn.
Thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp góp phần quyết định vào việc làm sụp đổ hoàn toàn chế độ thực dân kiểu cũ trên bán đảo Đông Dương, mở đường cho việc làm sụp đổ toàn bộ hệ thống thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa đế quốc trên phạm vi toàn thế giới. Thắng lợi của kháng chiến chống Pháp đẽ để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta những kinh nghiệm thực tế sinh động của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, kinh nghiệm của chiến tranh nhân dân chống chiến tranh xâm lược. Đó không chỉ là “vốn liếng” mà nhân dân ta đem vào cuộc.

No comments:

About Me

Hochiminh-City, Mien Nam, Vietnam
Tiến sĩ Sử học, giảng viên Truong Dai hoc Khoa hoc xa hoi va nhan van - Đại học Quốc gia TP.HCM