Total Pageviews

Popular Posts

Search This Blog

Followers

Pages

Monday, July 30, 2007

PHONG TRAO YEU NUOC VA DAU TRANH DAU XX

PHONG TRÀO YÊU NƯỚC VÀ ĐẤU TRANH NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XX
(1900 - 1914)

I. SỰ DU NHẬP TƯ TƯỞNG DÂN CHỦ TƯ SẢN VÀO VIỆT NAM

Trong lúc xã hội Việt Nam đang chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện như thế thì bên ngoài, một trào lưu tư tưởng mới cũng dội vào Việt Nam, vừa công khai hợp pháp vừa không công khai hợp pháp.
Trước hết là luồng sách báo tiếng Pháp do chính quyền thuộc địa phát hành. Luồng công khai này đã đưa vào Việt Nam những tác phẩm bất hủ của các nhà phát ngôn của giai cấp tư sản Pháp lúc đang chiến thắng xã hội phong kiến như Voltaire, Roussault, Montesqiuer…
Cùng trong lúc đó lại có các sách “Tân Thư Tân Báo” của Trung Quốc nói về tư tưởng dân chủ tư sản, về công cuộc duy tân ở thuộc địa này. Tân Thư Tân Báo đưa vào Việt Nam tiếng nói của tầng lớp sĩ phu cấp tiến và giai cấp mới ở Trung Quốc, nhanh chóng trở thành món ăn tinh thần rất hợp khẩu vị với các sĩ phu cấp tiến Việt Nam, giúp cho họ mở rộng nhãn quan chính trị để tìm tòi con đường cứu nước.
Đầu thế kỷ XX các nước phương Đông rất phấn khởi, tin tưởng và hy vọng vào sự hùng cường của nước Nhật Bản, nhất là qua cuộc chiến tranh Nga - Nhật, trong đó lần đầu tiên một đế quốc da vàng đã đánh thắng một đế quốc da trắng. Hoà nhập theo xu hướng thân Nhật tràn lan ở phương Đông lúc này, một số người Việt Nam, chủ yếu là những người sĩ phu cấp tiến, đã chứng kiến tận mắt nước Nhật sau cuộc Minh Trị duy tân.
Bằng những con đường ấy, trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản du nhập vào Việt Nam. Dù là nguyên bản hay đã được “phương Đông hóa”, tư tưởng dân chủ tư sản đã được truyền vào thuộc địa này qua lăng kính muôn hình muôn vẻ của những người yêu nước. Đó chính là nhân tố khách quan quan trọng, tác động trực tiếp vào sự phân hóa xã hội về mặt tư tưởng.
Một bộ phận các tầng lớp giai cấp ôm tư tưởng bảo thủ, không chịu nhìn nhận sự chuyển biến của xã hội, họ an phận thủ thường. Nếu không phải là tay sai cho thực dân Pháp, thì số này cũng không còn muốn đấu tranh gì nữa. Một bộ phận còn lại thì tiếp thu tư tưởng mới với nhiều cách thức khác nhau và vì thế suy nghĩ hành động không giống nhau, thậm chí đối nghịch nhau.
Mặt khác với tư cách là tác nhân quan trọng, trào lưu tư tưởng mới còn nhanh chóng kết hợp với các nhân tố chủ quan rất to lớn, thổi bùng lên ngọn lửa mới của phong trào dân tộc. Đáng chú ý trong các nhân tố chủ quan của phong trào là đội ngũ sĩ phu cấp tiến, họ vừa là sản phẩm của xã hội phong kiến còn lại, vừa là sản phẩm của xã hội mới đang hình thành.
Là kết tinh của đất nước buổi giao thời, các sĩ phu cấp tiến đầu thế kỷ XX đã trở thành những sứ giả của dân tộc đón tiếp tư trào mới, họ chính thức là lực lượng tiên phong vừa trực tiếp lãnh đạo phong trào ấy một cách tự giác và sáng tạo. Họ là linh hồn của phong trào dân tộc đầu thế kỷ XX và họ đã kết thúc vai trò lịch sử của mình một cách vẻ vang bằng những đóng góp lớn lao cho dân tộc vào lúc xã hội chưa có giai cấp mới nào đủ sức phất lên ngọn cờ cứu nước.
II. PHONG TRÀO YÊU NƯỚC ĐẦU THẾ KỶ XX
1. Duy Tân hội và Phong trào Đông Du
Duy Tân Hội và phong trào Đông Du gắn liền với tên tuổi của Phan Bội Châu.
Phan Bội Châu (1867 - 1940) hiệu là Sào Nam, sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho ở huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An, nơi có phong trào khởi nghĩa vũ trang Cần Vương phát triển mạnh mẽ cuối thế kỷ XIX. Cha ông là Phan Văn Phổ, một nhà Nho rất có uy tín trong làng văng chương và là người đức độ, hay thương người, ghét bọn giặc Tây. Từ nhỏ Phan Bội Châu đã giỏi văn chương và sớm có chí cứu nước.
Năm 1900, Phan Bội Châu đậu kỳ thi Hương ở Huế, Sau đó ông không tiếp tục học ở trường Hậu Bổ để làm quan trong triều Nguyễn. Phan chỉ chuyên tâm công việc cứu nước theo nhận thức chính trị mới tiếp thu được từ các Tân Thư Tân Báo và sách báo đương thời. Giao tiếp với các nhà yêu nước, Phan càng hiểu rõ rằng muốn đánh Pháp và giải phóng dân tộc phải có sự hưởng ứng của dân chúng đông đảo, theo con đường khởi nghĩa vũ trang bạo động.
Năm 1901, Phan tập hợp lực lượng thành lập đội nghĩa binh và định đánh úp thành Nghệ An. Năm 1902, Phan ra Bắc, lên Yên Thế tìm gặp Hoàng Hoa Thám phối hợp hành động. Năm 1903, Phan trở lại Huế, vào Quảng Nam gặp Nguyễn Hàm và tìm gặp Cường Để mời làm minh chủ; kết giao với Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… Năm 1904 Phan vào Nam Kỳ tranh thủ sự ủng hộ của các thân sĩ.
Tháng 5/1904 tại nhà của Nguyễn Hàm ở Quảng Nam, Phan và các đồng chí của ông lập ra Duy Tân Hội với mục đích “cốt sao khôi phục được nước Nam, lập ra một chính phủ độc lập”. Duy Tân Hội chủ trương dùng bạo lực để đánh đuổi thực dân Pháp, nhờ nước ngoài giúp đỡ đào tạo xây dựng lực lượng nòng cốt cho toàn dân nổi dậy. Việc ngoại viện lúc đó chỉ có thể là Nhật Bản, vì đó là nước tiên tiến máu đỏ da vàng. Phan Bội Châu phân tích (trong Niên Biểu của ông) rằng: “Bây giờ ta sang Nhật đem lợi hại thuyết phục họ, tất nhiên họ vui lòng viện trợ ta, nếu không viện trợ bằng binh lính thì việc mua khí giới, nhờ lương thực cũng có phần dễ.”
Ngày 20/1/1905, Phan Bội Châu sang Nhật thực hiện nhiệm vụ của Duy Tân Hội, tại đây Phan Bội Châu đã tiếp xúc với các lãnh tụ Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu. Tuy rất tâm đắc với các sĩ phu cấp tiến này, nhưng ông vẫn chủ trương con đường cách mạng bạo lực. Tiếp xúc với các đại diện của Đảng Tiến Bộ, Phan Bội Châu chấp thuận lời đề nghị của Bá tước Đại Ôi, tử tước Khuyển Dương Nghị về việc cử người sang Nhật đào tạo cán bộ nòng cốt.
Tháng 7/1905, Phan Bội Châu dẫn Cường Để và các thanh niên khác sang Nhật học, mở đầu cho phong trào Đông Du kéo dài từ tháng 7/1905 đến tháng 9/1908.
Tại trường quân sự Chấn Vũ của Nhật (sau đó là Đông Á Đồng Văn thư viện) đã có khoảng 200 người Việt Nam được gửi sang đào tạo thành những cán bộ có kiến thức về văn hóa và quân sự, có năng lực hoạt động phong trào và được bồi dưỡng lòng yêu nước, chí đánh đuổi thực dân Pháp. Nhưng được vài năm thì Pháp ở Đông Dương tìm ra manh mối và chúng phối hợp với Nhật đánh phá phong trào.
Cuối năm 1908, chính phủ Nhật đóng cửa trường Đông Á Đồng Văn thư viện, trục xuất các học viên Đông Du. Đến tháng 2/1909 đến lượt lãnh tụ Phan Bội Châu cũng bị trục xuất khỏi Nhật. Phong trào Đông Du thất bại như nó đã giới thiệu cho phong trào dân tộc một hình thức hoạt động mới. Nó cũng giúp các nhà yêu nước thấy rõ bản chất của chủ nghĩa đến quốc, như Phan Bội Châu đã thấm thía ghi lại trong Niên Biểu: “Đã là đế quốc thì da vàng hay da trắng đều là phường cướp nước như nhau mà thôi.”

2. Đông Kinh Nghĩa Thục
Ở Bắc Kỳ phong trào Duy Tân đã dấy lên từ rất sớm, trong đó phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907 là tiêu biểu nhất.
Sau khi xin phép nhà cầm quyền ở Hà Nội, tháng 3/1907 trường tư thục ở phố Hàng Đào đã khai giảng mang tên là trường “Đông Kinh Nghĩa Thục”, do Lương Văn Can là Hiệu trưởng, Nguyễn Quyền làm Giám học. Là trường dân lập đầu tiên của Việt Nam ở thế kỷ này, Đông Kinh Nghĩa Thục được tổ chức hoàn toàn theo lối mới. Trường có 04 ban: giáo dục - tài chính - cổ động - trước tác. Nhiều loại lớp học cho nhiều loại đối tượng được mở ra, nhân dân đóng góp tài chính trong trường. Các sách học như Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Luân Lý Giáo Khoa Thư, Văn Minh Tân Học Sách, Quốc Dân Độc Bản, Nam Quốc Giai Sự, Nam Quốc Vĩ Nhân, Việt Nam Quốc Sử Lược, Nam Quốc Địa Dư… được soạn lại theo tinh thần đề cao văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam.
Học viên theo học rất đông, nhiều vùng nông thôn quanh Hà Nội quan tâm ủng hộ, nhiều nơi đến học tập mở chi nhánh… Đặc biệt, những buổi sinh hoạt ngoại khóa có rất nhiều người tham dự, mà văn thơ Đông Kinh nghĩa thục đã ghi lại: “Buổi diễn thuyết người đông như hội, kỳ bình văn khách tới như mưa”, đã biến nhà trường thành trung tâm truyền bá văn hóa mới, cổ vũ Duy Tân, đề cao truyền thồng yêu nước của dân tộc.
Nhưng Đông Kinh Nghĩa Thục không chỉ giới hạn ở hoạt động văn hóa mà còn cố gắng vươn tới những hoạt động kinh tế và chính trị. Các sĩ phu Đông Kinh Nghĩa Thục vừa hô hào thực nghiệp, chấn hưng kinh tế, vừa tham gia hoạt động công thương, mở xưởng, lập hãng buôn cổ động hàng hóa nội ở Hà Nội và các nơi khác. Đông Kinh Nghĩa Thục rất tích cực giúp đỡ, ủng hộ, tham gia phong trào Đông Du, thơ văn của Phan Bội Châu cũng được tuyên truyền trong Đông Kinh Nghĩa Thục. Thậm chí Đông Kinh Nghĩa Thục còn liên hệ với nhiều lực lượng có âm mưu bạo động ở Hà Nội… Chứng tỏ trên bước đường trưởng thành của mình, Đông Kinh Nghĩa Thục đang đi dần từ cải lương hợp pháp sang bạo động bất hợp pháp.
Thực dân Pháp lúc đầu ngộ nhận tính cải lương hợp pháp của Đông Kinh Nghĩa Thục; sau đó chúng nhận thấy đây chính là “cái lò phiến loạn” ở Bắc Kỳ. Tháng 12/1907 Pháp ra lệnh đóng cửa Đông Kinh Nghĩa Thục, chúng cho lùng sục, bắt bớ các lãnh tụ của Đông Kinh Nghĩa Thục. Đến giữa năm 1908, Đông Kinh Nghĩa Thục đã bị dập tắt hoàn toàn.

3. Phong trào Duy Tân và chống thuế ở Trung kỳ
Phong trào Duy Tân gắn liền với tên tuổi Phan Chu Trinh.
Phan Chu Trinh (1872 - 1926) hiệu là Tây Hồ, sinh trưởng trong môt gia đình võ quan ở huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Lúc còn nhỏ Phan Chu Trinh cũng ham võ nghệ bởi cha ông là Phan Văn Bình vốn là một quan Sơn Phòng của triều đình Hàm Nghi - Tôn Thất Thuyết, sau theo nghĩa quân Cần Vương, giữ chức Chuyển Vận Sứ cho nghĩa quân của Trần Ngọc Dư, Nguyễn Duy Hiệu. Phan rất khâm phục chí khí yêu nước của cha và những người theo vua Hàm Nghi chống Pháp, nhưng ông cũng luôn luôn chăm chú đèn sách. Năm 1901 ông đậu Phó bảng. Sau đó vào trường Hậu Bổ làm quan với chức Thừa Thiên Bộ Lễ.
Hơn một năm sau, Phan cáo quan về nhà chuyên tâm công việc cứu nước. Phan đọc nhiều sách báo Pháp và Tân báo Tân thư ; ông vào Nam ra Bắc, giao lưu với các giới… Quá trình đó ông thấy rõ rằng, phải khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, phải đập tan vỡ cái xã hội quân chủ thì mới đưa được xã hội Việt Nam tiến lên con đường dân chủ. Phan Chu Trinh cùng với các đồng chí của ông như Hùynh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… Đã nỗ lực tuyên truyền cho tư tưởng ấy và gây dựng phong trào Duy Tân dân chủ ở các địa phương. Lúc ấy Duy Tân Hội của Phan Bội Châu đã dấy lên phong trào Đông Du. Phan Chu Trinh rất tán đồng và hi vọng vào tinh thần trỗi dậy mở mang của nhân dân.
Năm 1906, sau khi từ Trung Quốc và Nhật Bản trở về, Phan Chu Trinh gửi cho toàn quyền Đông Dương Paul Beau bức thư tâm huyết nhan đề “Đầu Pháp Chính Phủ Thư” (ngày 15/8/1906). Trong đó Phan mạnh dạn tố cáo chế độ quan trường, vạch rõ thảm trạng của nước Nam và chỉ trích chính phủ bảo hộ Pháp đã “dung dưỡng bọn phong kiến sâu mọt”. Phan cũng đưa ra hàng loạt kiến nghị yêu cầu Pháp phải “thực tâm khai hoá” thuộc địa. Đó là những việc như mở mang trường học, phát triển công thương, đặt dựng thư cục, cải cách hương tục, chống lề thói phong kiến, “kén chọn hiền tài, hưng lợi trừ hại, mở đường sinh nhai cho dân nghèo, rộng đường ăn nói cho thân sĩ….”. Phan Chu Trinh hi vọng công cuộc thực dân ấy sẽ mở ra một triển vọng tốt đẹp cho đất nước.
Bức thư của Phan Chu Trinh một mặt là sự quan tâm lớn của ông đến vận mệnh dân tộc. Mặt khác, bức thư toát lên một ảo tưởng của dân tộc và sự ngộ nhận về con đường dân chủ tư sản ở thuộc địa Việt Nam. Phan đề xướng biện pháp cải lương Duy Tân và phủ nhận con đường bạo động vũ trang cứu nước, không chấp nhận ngoại viện. Ông cho rằng “Bất bạo động, bạo động tắc tử, bất vọng ngoại, vọng ngoại giả ngu”. Ông chủ trương dựa vào thực dân Pháp để đánh đổ phong kiến và phát triển dân chủ, khi “dân đã giác ngộ được quyền lợi của mình, bấy giờ mới có thể dần dần mưu tính đến việc khác”. Điều đó được Trần Dân Tiên sau này đã phê phán rằng “Chẳng khác nào xin giặc rủ lòng thương.”
Tuy thế, bức thư Phan Chu Trinh gửi Toàn quyền Đông Dương vẫn có tiếng vang lớn, uy tín của ông càng nâng cao. Phan cùng các đồng chí của ông lao vào hoạt động trong làn sóng phong trào Duy Tân đang trào dâng.
Trong khi ở Bắc Kỳ sôi nổi với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục thì ở Trung Kỳ phong trào cải lương Duy Tân cũng từng bước phát triển đến cao trào và vượt khỏi giới hạn ôn hòa để công khai tuyên chiến với đế quốc, phong kiến. Trước năm 1908 cuộc vận động cải lương dân chủ ở Trung Kỳ nhằm 02 đối tượng. Công kích vào những tập tục hủ bại của xã hội phong kiến và truyền bá về xã hội mới - xã hội dân chủ. Các sĩ phu cùng các tầng lớp nhân dân, nhất là ở nông thôn đã nhằm vào cái cũ lạc hậu của xã hội phong kiến để đả phá, công kích; đồng thời hồ hởi lao vào xây dựng cái mới tiến bộ.
Trên lĩnh vực kinh tế họ đã đạp lên quan niệm cũ của xã hội phong kiến “trọng nông ức thương”, “trọng vương khinh bá”. Họ kêu gọi lập hội kinh doanh buôn bán, mở cơ sở sản xuất, đẩy mạnh hoạt động công - nông - thương. Những cơ sở kinh tế của các sĩ phu xuất hiện như “Quảng Nam Hiệp Thương Công Ty” (của Nguyễn Quyền, Hoàng Tăng Bí), “Triều Dương Thương Quán” (của Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn)… Các hoạt động kinh tế này ở Trung Kỳ, cùng những hoạt động chấn hưng thực nghiệp trên cả nước những năm đầu thế kỷ XX đã góp phần hình thành phát triển bộ phận kinh tế mới của dân tộc.
Trên lĩnh vực văn hóa, các sĩ phu Duy Tân đã nô nức mở trường học theo lối mới và biến các trường sở ấy thành trung tâm cải cách xã hội. Phan Chu Trinh đã tham gia vận động thành lập được 48 trường; Đặng Nguyên Cẩn chủ trì công ty nước mắm Liên Thành và mở trường Dục Thanh ở Phan Thiết… Thực dân Pháp thừa nhận ở các địa phương thuộc Trung Kỳ có tới 333 trường hợp có giáo viên tham gia phong trào. Giáo viên phần lớn là các sĩ phu, họ vừa dạy (cái đã biết) vừa học (cái mới) vừa sinh hoạt xã hội với học sinh, vì thế nhà trường được gắn liền với xãhội.
Học tập Đông Kinh Nghĩa Thục và đi xa hơn thế, các trường học theo lối mới ở Trung Kỳ đã đi nhanh về nông thôn và trở thành phong trào quần chúng với sức sáng tạo mãnh liệt của nó. Có nơi tổ chức trường riêng cho nam và cả trường riêng cho nữ; nhiều trường tổ chức học tập chính khóa và sinh hoạt ngoại khoá với nội dung rất phong phú lại có nơi trường học đảm nhiệm công tác đảm bảo trật tự trị an trong thôn xã… Nhiều phong trào từ trong nhà trường mở rộng ra ngoài trường và trở thành phong trào chung của xã hội, như phong trào cắt tóc ngăn, mặc áo ngắn, chống mê tín dị đoan, cổ động hàng nội hóa… Những vấn đề nóng bỏng của nông thôn lúc đó cũng được đề cập đến như tô thuế, sưu dịch, phu phen, chúng cần được bãi bỏ cùng với tất cả những hủ bại của xã hội phong kiến.
Đầu năm 1908, từ những buổi diễn thuyết trong trường học, quần chúng nông dân đã nhận thấy vấn đề thuế má sưu dịch đang ngày càng trở nên bức bách trong đời sống. Cuối tháng 2/1908, ở Quảng Nam xuất hiện cuộc biểu tình của nhân dân huyện Đại Lộc đòi bổ lại sưu dịch. Quần chúng đấu tranh ôn hòa nhưng địch đã đàn áp và làm tăng thêm mâu thuẫn, đưa phong trào quần chúng lên cao.
Từ Đại Lộc lan ra cả Quảng Nam, từ Quảng Nam lan vào Quảng Ngãi, Bình Định, lan ra Trị Thiên và miền Thanh - Nghệ - Tĩnh, các địa phương Trung Kỳ rầm rộ biểu tình chống thuế, chống phu phen, sưu dịch. Lực lượng quần chúng đông đảo đã đàn áp bọn hào lý ở các xã thôn, những tên ác ôn bị trừng trị đích đáng, kẻ sách nhiễu nhân dân bị lôi ra bẻ bài ngà, xé áo lam và bị cảnh cáo. Ở Bình Sơn (Quảng Ngãi) nhân dân bắt trói 25 lý trưởng, phó lý của Tổng Bình Hòa dẫn lên Toà Công sứ làm con tin để đòi giảm thuế. Ở Duy Xuyên, tên Chánh Quát gây nhiều nợ máu với nhân dân đã bị lùng bắt và bị buộc đá dìm xuống sông… Nhiều nơi hệ thống chính quyền tay sai bỏ cả huyện đường, công sở, nhà hội đồng để chạy thoát thân, những cuộc xung đột của quần chúng nhân dân với binh lính địch cũng nổ ra.
Thực dân Pháp và tay sai ngay từ đầu đã dùng lực lượng quân sự đàn áp quần chúng và chúng quyết tâm dìm phong trào trong biển máu. Hàng loạt sĩ phu bị bắt và tù đày: Phan Chu Trinh và nhiều lãnh tụ khác bị đày Côn Đảo; Trần Quý Cáp cùng nhiều người cảm tử khác bị xử tử hình; hàng ngàn người khác bị khủng bố và giam cầm. Phong trào cải lương Duy Tân ở Trung Kỳ chuyển thành cuộc chống thuế, đến tháng 5/1908 bị đàn áp dã man.
Cuộc khởi nghĩa rộng lớn của nhân dân Trung Kỳ thất bại, nhưng nó đã đóng góp hình thức mới hết sức độc đáo thể hiện sự chuyển biến căn bản của phương thức hoạt động trong phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Sự chuyển biến của phong trào cải lương Duy Tân từ ôn hòa sang bạo động cũng chứng tỏ xu hướng bạo động là xu hướng chủ đạo. Dù đi theo phương thức nào, nếu đã làm khơi dậy chủ nghĩa yêu nước, nếu đã đưa những tư tưởng mới đi vào quần chúng, các phong trào cuối cùng cũng sẽ quay về một mối với xu hướng bạo động. Đó là sự phát triển tất yếu, phù hợp với truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc.
Các phong trào yêu nước dù cải lương hay bạo động đều xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, đều có chung sự tác động của tư tưởng dân chủ tư sản, đều nhằm chung mục đích cứu nước. Vì thế những hình thức khác nhau chỉ chứng minh cho tính chất phong phú nhiều vẻ của một nội dung, một bản chất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Hai xu hướng ấy song song tồn tại với nhau, kết hợp với nhau, tạo nên đỉnh cao cho phong trào dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX, với những lãnh tựu xuất sắc như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh.
4. Việt Nam Quang Phục hội
Giữa lúc Phan Bội Châu và các nhà yêu nước Việt Nam đang trông chờ một cơ hội khác để tiếp tục hoạt động thì Cách Mạng Tân Hợi của Trung Quốc bùng nổ. Mở đầu là khởi nghĩa Vũ Xương ngày 10/10/1911, Cách mạng tư sản đầu tiên ở Trung Quốc đưa đến việc lật đổ chiều Mãn Thanh, lập ra chính phủ Trung Hoa Dân quốc. Điều đó đã trở thành một hình mẫu mới cho các nhà cách mạng Việt Nam hướng tới.
Ngày 19/6/1912, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Phan Bội Châu, hơn một trăm người đại diện cho nhiều lực lượng yêu nước Việt Nam cả trong và ngoài nước đã cùng hội họp ở Quảng Châu (Trung Quốc), lập ra một tổ chức mới thay cho Duy Tân Hội, lấy tên là Việt Nam Quang Phục Hội. Tôn chỉ của Việt Nam Quang Phục Hội nhấn mạnh việc phải đánh đuổi thực dân Pháp giành lại nước Việt Nam, thành lập Cộng hoà Dân quốc Việt Nam. Tổ chức của Việt Nam Quang Phục Hội giống như một chính phủ lâm thời. Là người sáng lập ra Việt Nam Quang Phục Hội, Phan Bội Châu tiếp tục giữ những trọng trách của tổ chức này (Ông phụ trách bộ cao nhất là Bộ Tổng vụ). Các bộ khác như Bộ Bình nghị, Bộ Chấp hành cũng phân công cho nhiều người có uy tín và đức độ phụ trách.
Với sự mô phỏng theo Cách mạng Tân Hợi, Việt Nam Quang Phục Hội đã tiến một bước xa hơn trên con đường dân chủ tư sản. Tuy vậy Phan vẫn chủ trương dựa vào sự giúp đỡ của nước ngoài để tiếp tục con đường bạo động đánh Pháp. Theo chủ trương đó, ngay khi ra đời Việt Nam Quang Phục Hội đã tích cực vận động sự giúp đỡ của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc để tranh thủ xây dựng lực lượng chuẩn bị một cuộc vũ trang khởi nghĩa. Khi Tôn Trung Sơn nhường chức Tổng thống cho Viên Thế Khải, chính phủ Trung Hoa Dân quốc ngả sang con đường quân phiệt. Việt Nam Quang Phục Hội của Phan Bội Châu gặp nhiều khó khăn về ngoại viện, làm chậm việc xây dựng lực lượng trong, ngoài nước.
Để gây tiếng vang thúc đẩy quá trình này, đầu năm 1913 Phan Bội Châu quyết định sử dụng một số hoạt động có tính chất “Kinh thiên động địa”, bằng cách cho hội viên Việt Nam Quang Phục Hội thi hành các bản án viết sẵn đối với toàn quyền Đông Dương và những tên ác ôn tay sai khét tiếng như Hoàng Trọng Phu, Nguyễn Duy Hàn… kết quả là một số hội viên trong nước ném tạc đạn giết tên ác ôn Nguyễn Duy Hàn ở Thái Bình (ngày 19/4/1913), đánh bom vào khách sạn Tràng Tiền giết chết 02 sĩ quan Pháp ở Hà Nội (ngày 26/4/1913).
Những cuộc ám sát cá nhân ấy gây cho địch nhiều hoang mang, nhưng liền đó chúng đã tập trung đánh phá Việt Nam Quang Phục Hội. Hàng trăm người yêu nước bị bắt bớ giam cầm, 07 hội viên tích cực của Việt Nam Quang Phục Hội ở Bắc Kỳ bị xử tử hình, các cơ sở trong, ngoài nước bị vỡ lỡ. Đầu tháng 1/1914, đến lượt Phan Bội Châu và Cường Để bị bắt. Việt Nam Quang Phục Hội đến đây tan rã. Như vậy từ Duy Tân Hội đến Việt Nam Quang Phục Hội, con đường đấu tranh theo xu hướng bạo động mà Phan Bội Châu chủ trương đã trải qua 02 bước phát triển quan trọng, đạt tới mức độ cao nhất có thể đạt được của tư tưởng dân chủ tư sản lúc bấy giờ. Trong thời gian khoảng 10 năm kể từ khi Duy Tân Hội được thành lập, phong trào yêu nước Việt Nam đã bùng lên với bao nội dung và hình thức mới thật sôi nổi. Mặc dù những tổ chức và những hoạt động yêu nước theo tư tưởng đó sớm muộn đều thất bại, nhưng tính phong phú sáng tạo của nó và chủ nghĩa yêu nước Việt Nam phát triển trên nền tảng đó là bất diệt. Phan Bội Châu mãi mãi là một trong những lãnh tụ xuất sắc của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX.
III. XU HƯỚNG ĐẤU TRANH TỰ PHÁT
1. Phong trào nông dân Yên Thế
Đầu thế kỷ XX cùng với sự chuyển biến toàn diện nền kinh tế - xã hội, những đô thị mới của đất nước đã hình thành. Đó là những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, là bộ mặt của xã hội thuộc địa, là sào huyệt của nền đô hộ thực dân.
Trong khi đó dân tộc đã dấy lên những phong trào yêu nước với nhiều nội dung, hình thức mới rất phong phú, tất cả đều lôi cuốn, tác động đến các tầng lớp nhân dân ở thị thành cũng như ở chốn thôn quê. Những phong trào đấu tranh theo xu hướng tự phát vì vậy cũng có nhiều nét mới để tiếp tục duy trì phát triển, trong đó phong trào nông dân Yên Thế là một điển hình.
Phong trào nông dân Yên Thế bùng nổ từ những năm 1884 - 1885 và vẫn còn tồn tại đến hết thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX. Tiếp tục xây dựng thế thủ hiểm nơi rừng núi Yên Thế, Hoàng Hoa Thám đã cho xây dựng căn cứ Phồn Xương ngày càng vững chắc và nghĩa quân vừa lao động sản xuất vừa luyện tập quân sự theo kế sách “ngụ binh ư nông” của cha ông xưa. Tại Phồn Xương và các căn cứ khác, nghĩa quân Yên Thế đã tích trữ lương thực, rèn vũ khí, đắp công sự sẵn sàng chống đỡ mọi cuộc tấn công của giặc Pháp.
Mặt khác trong điều kiện mới đầu thế kỷ XX, nghĩa quân Yên Thế cũng đã có nhiều cố gắng vươn dài cánh tay về Hà Nội, nơi có một bộ phân nông dân mặc áo lính đang nhen nhóm phong trào của binh sĩ yêu nước.
Giữa năm 1907, Hoàng Hoa Thám cho một số thủ hạ nghĩa quân như Chánh Tỉnh, Đội Hổ, Lý Nho về Hà Nội lập hội “ Nghĩa Hưng” để móc nối với binh sĩ Việt Nam trong quân đội Pháp. Nghĩa quân Hoàng Hoa Thám còn dự định sẽ đưa quân về phối hợp với anh em binh sĩ trong kế hoạch tổng bạo động đánh thành Hà Nội.
Giữa năm 1908, âm mưu bạo động của binh lính ở Hà Nội bị thất bại. Thực dân Pháp ra tay đàn áp khủng bố tất cả các phong trào yêu nước và từ đầu năm 1909 chúng đã tấn công lên Yên Thế, đẩy nghĩa quân Hoàng Hoa Thám vào giai đoạn quật khởi cuối cùng.
Đầu năm 1913, khi Hoàng Hoa Thám bị sát hại bởi bọn bội phản, nghĩa quân của ông cũng nổ những tiếng súng kết thúc cuộc chiến đấu bền bỉ kiên cường gần 30 năm kể từ cuối thế kỷ XIX.
2. Đấu tranh của binh sĩ Việt Nam trong quân đội Pháp
Cuộc nổi dậy đầu tiên của binh sĩ yêu nước Việt Nam trong quân đội pháp là vụ Hà Thành đầu độc.
Được sự phối hợp của nghĩa quân Yên Thế trong hội Nghĩa Hưng, lực lượng binh sĩ yêu nước ở Hà Nội mà cầm đầu là Đội Bình, Đội Cốc, Đội Nhân, Cai Ngà, Cai Hiên đã tích cực chuẩn bị cho một cuộc binh biến. Sau cuộc họp bí mật ở nhà thầy Lang Seo, các thủ lĩnh nghĩa binh và các hội viên hội Nghĩa Hưng đã thống nhất kế hoạch tổng bạo động đánh thành Hà Nội, mở đầu bằng việc đầu độc làm tê liệt lực lượng sĩ quan binh lính Pháp trong đơn vị pháo binh và trung đoàn Thuộc địa số 9. Do tổ chức không chặt chẽ và còn nhiều ấu trĩ, lạc hậu nên thực dân Pháp đã nhanh chóng năm được âm mưu của binh sĩ, chúng quản lý chặt chẽ các binh lính đơn vị người bản xứ, nhất là việc canh phòng và giao nộp vũ khí hàng ngày.
Vào lúc Pháp đã nắm được toàn bộ kế hoạch khởi sự do binh sĩ khai báo lúc cầu nguyện, chiều tối ngày 27/6/1908 vụ đầu độc do Cai Hiên phụ trách đã diễn ra. Thuốc độc làm bằng cà độc dược đã đầu độc 250 binh lính sĩ quan Pháp, làm cho chúng vô cùng hoảng sợ và khẩn trương cấp cứu. Ngay đó Pháp đã đàn áp ác liệt lực lượng binh sĩ yêu nước. Đội Bình, Độc Cốc, Đội Nhân, Cai Ngà, Cai Hiên bị bắt và xử chém bêu đầu, hàng trăm binh sĩ khác bị chém giết, tù đày… Nhân đó Pháp ra sức tấn công tất cả các lực lượng và phong trào dân tộc bất kể đó là phong trào bạo động hay cải lương.
Trong hoàn cảnh phong trào cách mạng cả nước đang phát triển mạnh mẽ và chuyển mình theo các trào lưu mới, cuộc quật khởi của những người binh sĩ yêu nước mặc dù còn phiêu lưu nhưng đã đánh dấu bước chuyển hướng mới của phong trào tự phát, trong đó lực lượng tham gia phong trào này đã mở rộng, hình thức đấu tranh cũng không còn đơn điệu như trước nữa.
3. Phong trào Hội kín ở Nam Kỳ
Trong điều kiện mới của đất nước đầu thế kỷ XX, để tiếp tục đấu tranh, nhân dân Nam Kỳ không thể tiến hành các cuộc khởi nghĩa vũ trang như trước như khi quần chúng yêu nước đã tập hợp lại thì tinh thần quật khởi và ý chí chống Pháp đã được nuôi dưỡng làm bùng lên thành phong trào.
Những năm 1910 - 1911, khắp các thành thị nông thôn Nam Kỳ đâu đâu cũng xuất hiện các Hội kín với nhiều tên gọi khác nhau như: Thi Bình Hội, Phục Hưng Hội, Ái Quốc Hội…, phổ biến nhất là Thiên Địa Hội. Đó là các tổ chức tương tế tương đồng của các tầng lớp quần chúng, có nhuốm một ít màu sắc tôn giáo lúc cần thiết. Các Hội kín hoạt động theo xu hướng và nguyện vọng riêng của mình nhưng cùng chung một mục tiêu đề cao tinh thần yêu nước. Quần chúng tôn Phan Phát Sanh làn thủ lĩnh để cùng phối hợp hành động. Phan Phát Sanh đã nhận là dòng dõi “nhà trời” và xưng là “Phan Xích Long hoàng đế”, lập căn cứ ở Thất Sơn (Châu Đốc) nhằm chuẩn bị cho những hoạt động chống Pháp.
Những năm 1912 - 1913 phong trào Hội kín Nam Kỳ đã hoạt động khá mạnh ở cả thành thị và nông thôn với những cuộc rải truyền đơn, ném tạc đạn, trừng trị cảnh cáo bọn ác ôn cường hào, những cuộc biểu tình từ nông thôn kéo vào các thành thị biểu dương lực lượng.
Ngày 28/3/1913 lực lượng các Hội kín đã tổ chức tấn công vào Sài Gòn - Chợ Lớn. Thực dân Pháp theo dõi và lùng bắt những người cầm đầu các Hội kín, khi có cuộc tấn công của các Hội kín thì chúng đã đàn áp thẳng tay phong trào này. Nhiều người đã bị bắt tù đày, thủ lĩnh Phan Xích Long trốn ra vùng Phan Thiết cũng bị bắt. Tuy vậy các Hội kín Nam Kỳ vẫn tồn tại, phát triển mạnh mẽ những năm sau đó.
4. Phong trào đấu tranh của đồng bào miền núi
Ngay từ khi thực dân Pháp đặt chân tới các vùng rừng núi, cao nguyên ở cả Nam - Trung - Bắc, chúng đã vấp phải cuộc chiến đấu ngoan cường của nhân dân các dân tộc để bảo vệ quê hương, bản làng của mình. Đầu thế kỷ XX phong trào của các dân tộc ít người càng sôi nổi đấu tranh trống xâm lược.
- Người Mường ở Hòa Bình có đội vũ trang do Nguyễn Văn Kiêm lãnh đạo. Tháng 8/1909 nghĩa quân của Nguyễn Văn Kiệm đã tấn công vào tỉnh lị Hòa Bình.
- Người Mèo và người Thái ở Hòa Bình cũng tổ chức những đội vũ trang riêng. Thủ lĩnh của người Mèo là Giang Tả Chay, thủ lĩnh người Thái là Lương Bảo Định. Hai lực lượng này đã phối hợp nhau trong nhiều hoạt động chống Pháp.
- Người Mèo ở Hà Giang có đội nghĩa quân do Sùng Mi Chảng cầm đầu, hoạt động theo lối đánh du kích. Nghĩa quân đã nhiều lần đánh địch ở Mèo Vạc gây tổn thất cho Pháp và tay sai.
- Người Hoa ở Quảng Ninh có đội nghĩa binh do Lã Thập Nhất (Đội Sáng) lãnh đạo. Lực lượng của Đội Sáng hoạt động mạnh ở vùng biên giới Việt - Trung suốt những năm trước và trong chiến tranh.
- Người Thượng ở Đông Nam bộ xây dựng lực lượng du kích ngưới S’Tiêng, M’Nông… Do Nơ Trang Lơn lãnh đạo. Hoạt động của lực lượng Nơ Trang Lơn từ trước chiến tranh thế giới kéo dài đến hàng chục năm sau đó.
Như thế, đồng bào các dân tộc Việt Nam miền xuôi cũng như miền ngược luôn luôn có tinh thần yêu nước được thể hiện bằng thực tế hành động của mình. Cuôc đấu tranh của đồng bào các dân tộc đã diễn ra trên quy mô rộng lớn và rất bền bỉ quyết liệt, tuy cuối cùng đều bị Pháp và tay sai đàn áp đến thất bại nhưng tinh thần yêu nước và sức quật khởi ấy luôn âm ỉ trong lòng mọi người dân để hễ có dịp lại bùng lên.

2 comments:

Nguyễn Thị nhung said...

Minhla Nhung sinh nam 1975. Minh rat thich mon lich su , chinh tri , triet hoc mac- lenin Lich su dang . Minh khong co dieu kien hoc nhieu nhu ban , vi vay minh thich vao blog cua ban de doc va nam bat mot so kien thuc ve mon hoc ma ban quan tam. Minh vua hoan thanh khoa hoc TC chinh tri do truong Can bo Thanh pho to chuc . minh muon hoc them nua ....hi vong ban co nhieu bai hay hon.

HỌC TIẾNG ANH - TIẾNG HÀN QUỐC said...

em biết thầy Thiện. Thầy dạy trường em mà.
em cảm ơn thầy vì đã chia sẽ cho chúng những bài viết này.

About Me

Hochiminh-City, Mien Nam, Vietnam
Tiến sĩ Sử học, giảng viên Truong Dai hoc Khoa hoc xa hoi va nhan van - Đại học Quốc gia TP.HCM