Total Pageviews

Popular Posts

Search This Blog

Followers

Pages

Monday, July 30, 2007

CHE DO CAI TRI THUC DAN O VIET NAM

II. PHÁP THIẾT LẬP CHẾ ĐỘ CAI TRỊ THỰC DÂN (1885 - 1896)
Sau khi hoàn thành việc bình định: Sau hiệp ước Nhâm Tuất (1862) 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ thuộc Pháp; đến năm 1867 cả 6 tỉnh Nam kỳ được đặt tên là Cochinchine Francaise. Sau Điều ước Giáp Tuất (1874) Bắc kỳ được đặt dưới chế độ bảo hộ và từ hiệp ước 1884 thì Trung kỳ trên danh nghĩa trở thành xứ nửa bảo hộ nhưng thực tế là một xứ được bảo hộ hoàn toàn như Bắc kỳ.
1. Ở Nam kỳ
a. Về chính trị - quân sự
Từ năm 1859 đến 1879, Nam kỳ được cai trị bằng chế độ võ quan (thời kỳ các đô đốc) và áp dụng chế độ cai trị bằng luật lệ quân sự.
Năm 1875, Pháp xóa bỏ tên gọi 6 tỉnh Nam kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) để chia toàn bộ vùng này thành 4 khu vực hành chính với 20 hạt trực thuộc. Đứng đầu mỗi hạt là quan Tham biện người Pháp, còn các cấp chính quyền dưới tỉnh thì được giữ nguyên thiết chế và vẫn nằm trong sự kiểm soát của những phần tử cường hào cũ để tạo nên cái chiêu bài “Tôn trọng phong tục, luật lệ, tập quán của người An Nam”.
Đến năm 1879, chế độ võ quan cai trị được bãi bỏ và các chính khách dân sự (thường xuất thân trong ngành tài chính) được cử sang làm Thống đốc Nam kỳ. Ở bên dưới, hệ thống chính quyền vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, để giúp thêm sự cai trị, Pháp cho thành lập “Hội đồng Thuộc địa Nam kỳ” với 20 thành viên, trong đó có 6 người Việt (xuất thân từ thành phần Đại địa chủ). “Hội đồng Thuộc địa Nam kỳ” có nhiệm vụ bỏ phiếu quyết toán hàng năm cho toàn Nam kỳ.
Hỗ trợ cho bộ máy cai trị này là một lực lượng quân sự hùng hậu, gồm lính viễn chinh Pháp và ngụy binh. Để có lực lượng ngụy quân n ày, Pháp đã cưỡng bức thanh niên Nam kỳ đi quân dịch.
Tháng 3.1861, 4 trung đội lính người Việt đầu tiên được thành lập; đến năm 1879 số quân tăng lên đến 1 trung đoàn. Ngoài lực lượng ngụy binh chủ lực còn có lĩnh mã tà đồn trú ở các địa phương và lính kín chuyên để đàn áp các cuộc khởi nghĩa. Bên cạnh đó là một hệ thống tòa án quân sự được xây dựng ở mỗi tỉnh nhằm mục đích khủng bố và đàn áp những người khởi nghĩa với những hình phạt hết sức dã man và tàn bạo.
b. Về kinh tế - tài chính
Nhằm mục đích vơ vét tối đa tiền bạc, lương thực để phục vụ công cuộc chinh phục Bắc kỳ và Trung kỳ, các biện pháp xuyên suốt kinh tế ở Nam kỳ là tăng thuế cũ lên nhiều lần và đặt ra nhiều loại thuế mới.
Trong vòng 20 năm đầu chế độ thực dân (1859 - 1879) số thuế đã tăng lên đến 5 lần.
Trước năm 1862 : 4,5 triệu frăng/năm
1867 : 5,4 triệu frăng
1871 : > 10 triệu frăng
1879 : > 19 triệu frăng
Lúa gạo bị thu gom để xuất khẩu kiếm lời cũng tăng rất nhanh. Trong vòng hơn 10 năm đã tăng gấp 4 lần:
1860 : < 60 ngàn tấn
1867 : < 200 ngàn tấn
1870 : > 230 ngàn tấn
1877 : > 300 ngàn tấn
Ruộng đất nông dân bị chiếm đoạt, tập trung vào ta thực dân và địa chủ thân Pháp. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu mở mang thành phố, thị xã cũng như để khai thác tài nguyên, một số công xưởng, nhà máy và một số đường sắt được xây dựng: Xưởng đóng tàu Ba Son (1863), hệ thống đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho (1861)…
Một đặc điểm đáng lưu ý là Pháp câu kết chặt chẽ với thương nhân Hoa kiều để làm chỗ dựa. Cho lực lượng này lãnh thầu, xây cất, thu mua lúa gạo, mở sòng bạc, tiệm hút, nhà chứa…
c. Về xã hội
Dưới tác động của những chính sách chính trị, kinh tế trên đây, xã hội Nam kỳ bắt đầu thay đổi. Giai cấp địa chủ từng bước biến mình thành chỗ dựa, thành bạn đồng minh với thực dân Pháp. Thậm chí có một bộ phận địa chủ đã trở thành công cụ của chính quyền thuộc địa trong việc khai thác tài nguyên và bóc lột nhân dân. Tầng lớp viên chức và trí thức người Việt ngày càng tăng lên do nhu cầu đào tạo người giúp việc cho Pháp. Tầng lớp này phần đông đều xuất thân từ gia đình lớp trên (địa chủ, quan lại).
* Tóm lại:
Trong suốt thời gian từ 1858 - 1896, hoạt động trung tâm của Pháp ở Nam kỳ chính là nhằm ổn định về chính trị, củng cố hệ thống cai trị và bóc lột kinh tế. Nhằm mục đích biến Nam kỳ thành bàn đạp để tấn công ra Bắc và Trung kỳ. Và vì chính là mảnh đất đầu tiên của Việt Nam chịu ách cai trị thực dân nên chính sách thuộc địa nửa phong kiến ở Nam kỳ thể hiện đậm nét nhất so với các địa phương khác trong cả nước.
2. Ở Bắc và Trung kỳ
Sau khi chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất và ký hiệp ước 1874, Pháp đặt chức Đại biện (đặc phái viên) ở Huế để giám sát việc thi hành Hiệp ước. Chức Đại biện này trực thuộc sự chỉ đạo của Thống đốc Nam kỳ và tồn tại đến tháng 4-1883. Tháng 5-1883, Pháp lại đặt ra một chức vụ khác là Tổng ủy viên của Cộng hòa Pháp tại Bắc kỳ do Harmand đảm nhiệm. Thực chất viên Tổng ủy viên này là người quyết định mọi hoạt động đối ngoại của triều đình Huế. Dưới quyền Tổng ủy viên này là hệ thống quan đầu tỉnh Bắc kỳ (Công sứ). Tại Huế, Pháp lập một chức Trú sứ - thay mặt cho chính phủ bảo hộ Pháp ở Trung kỳ.
Sau Hiệp ước Patenôtre (1884), hệ thống chính quyền ở Bắc và Trung kỳ được chia thành 3 cấp:
- Cấp cao nhất là Trung ương: đứng đầu là viên Tổng sứ, phụ trách chung cả Bắc kỳ và Trung kỳ (Chức vụ này vào tháng 5-1889 bị bãi bỏ để tập trung quyền hành vào tay Toàn quyền Đông Dương).
- Cấp thứ hai là cấp Kỳ: ở Bắc kỳ đứng đầu là Thống sứ và ở Trung kỳ đứng đầu Khâm sứ Trung kỳ (cả hai trực thuộc Tổng sứ Bắc Trung kỳ). Thống sứ Bắc kỳ có nhiệm vụ quản lý, khống chế mọi hoạt động của quan lại người Việt trong xứ. Khâm sứ Trung kỳ thì quản lý và khống chế mọi hoạt động của triều đình Huế. Đồng thời, để tách Bắc kỳ ra khỏi sự quản lý triều đình Huế, từ năm 1886 Pháp đặt ra chức quan Kinh lược sứ Bắc kỳ. Viên Kinh lược sứ này có quyền thay mặt triều đình Huế để giải quyết mọ việc ở Bắc kỳ (Trong thực tế lịch sử, các viên quan đại thần giữ chức vụ này đều là những phần tử phản động thân Pháp: Hoàng Cao Khải, Nguyễn Hữu Độ…)
- Cấp thứ 3 là cấp Tỉnh: đứng đầu mỗi tỉnh Bắc kỳ là Công sứ Pháp có toàn quyền hành chính, tài chính và tư pháp, điều hành mọi việc thông qua hệ thống quan lại người Việt. Còn Công sứ ở Trung kỳ có quyền hạn thấp hơn, chỉ trong lĩnh vực thương chính và công chính.
Đông Dương trở thành một Liên bang được thành lập theo sắc lệnh ngày 17/10/1887 gồm 4 xứ: Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Camboge. Năm 1899 thêm Lào, năm 1900 thêm lãnh địa Quảng Châu Loan. Lúc đầu trực thuộc Bộ Hải quân và Thuộc địa Pháp, sau năm 1894 Liên bang Đông Dương trực thuộc Bộ Thuộc địa (được tách ra từ Bộ Hải quân và Thuộc địa trước đây). Đứng đầu Liên bang là toàn quyền Đông Dương, có quyền lực như một tổng thống Liên Bang. Toàn quyền Đông Dương đầu tiên là Constant (1887), Richaud (1888) sau đó cứ 2 - 3 năm thay đổi một nhiệm kỳ, nhưng có khi chỉ 1 năm và đôi khi có người đã 2 lần làm Toàn quyền Đông Dương. Bộ máy công chức cao cấp của Pháp ở Đông Dương mỗi ngày một đông thêm (năm 1897 có 2.860 người, năm 1911 có 5.683 người). Dưới Phủ toàn quyền là Hội đồng Quản hạt (ở Nam Kỳ), Phòng tư vấn (ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ) và các Hội đồng hàng tỉnh, các cơ quan Viện, Phòng chuyên trách…
Tất cả hệ thống cai trị trực tiếp này đều do người Pháp điều hành. Người bản xứ chỉ được đưa dần vào bộ máy ấy và để đảm bảo hình thức “dân chủ” mà thôi. Nhưng lực lượng tay sai bản xứ lại giữ vị trí quan trọng ở hệ thống cai trị từ Phủ, Quận, Tổng đến làng xã. Nhà nước thực dân như thế không phải là nhà nước Pháp quyền, mà chỉ là sự phối hợp lẫn nhau giữa nửa trên là giới tư bản tài chính ở nước ngoài, với nửa dưới là lực lượng tay sai người bản xứ.
Chế độ cai trị này tồn tại mãi đến năm 1945.
Còn về kinh tế - tài chính ở Bắc kỳ và Trung kỳ, từ 1874 - 1884 Pháp chưa thể rảnh tay để thực hiện chính sách bóc lột thực dân, các hoạt động thương nghiệp, công nghiệp hầu như không đáng kể, nguồn khai thác chủ yếu vẫn dựa vào các loại thuế đã có từ thời trước đó. Một điểm đặc biệt là Pháp tăng cường hoạt động cướp đoạt ruộng đất ở Bắc và Trung kỳ. Đến năm 1896 ở Trung kỳ có 3.967ha ruộng đất bị cướp, Bắc kỳ là 33.497ha đất bị cướp.

No comments:

About Me

Hochiminh-City, Mien Nam, Vietnam
Tiến sĩ Sử học, giảng viên Truong Dai hoc Khoa hoc xa hoi va nhan van - Đại học Quốc gia TP.HCM