Total Pageviews

Popular Posts

Search This Blog

Followers

Pages

Monday, July 30, 2007

PHONG TRAO KHANG PHAP CUA NHAN DAN VIET NAM

PHONG TRÀO KHÁNG PHÁP CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM NỬA CUỐI THẾ KỶ XIX

I. PHONG TRÀO KHÁNG PHÁP Ở NAM KỲ
Ngay từ khi quân Pháp đang tấn công Đại đồn Chí Hòa, quân triều đình rút chạy bỏ ngỏ Gia Định cho địch chiếm đóng thì các đạo quân “ứng nghĩa” bám sát địch chiến đấu, nhiều sĩ phu yêu nước quay về thôn xã chiêu mộ nghĩa binh chống địch. Quân Pháp chiếm được thành Định Tường nhưng chỉ đóng được ba đồn Gia Thạnh, Chợ Gạo và Gò Công. Phong trào kháng chiến của nhân dân bùng lên khắp nơi trong tỉnh, làm chủ các làng xã. Đó là những đạo quân ứng nghĩa của Đỗ Trình Thoại tấn công vị trí Gò Công (22.6.1861), của Trương Định (với lực lượng 6.000 người, làm chủ vùng Tây-Nam Gò Công), của Phủ Cậu ở vùng Rạch Chanh (Mỹ Tho), của Thiên Hộ Dương ở vùng Tây-Bắc Định Tường. Đó là lực lượng của Quản Tu (người đã bắn chết trung tá Bourdais trên sông Bảo Định) tiếp tục chống địch ở hữu ngạn sông Vàm Cỏ Tây.
Quân Pháp vừa rút bớt một số căn cứ chiếm đóng (Gò Công, Chợ Gạo, Gia Thạnh) liền bị nhân dân võ trang chiếm lại. Các vị trí Tây Ninh, Trảng Bàng, Thủ Dầu Một liên tiếp bị nghĩa quân uy hiếp.
Ngày 10.12.1861, đạo quân ứng nghĩa do Nguyễn Trung Trực chỉ huy đốt cháy tàu “Espérance” trên sông Nhật Tảo, tiêu diệt phần lớn quân địch trên tàu, khích lệ mạnh mẽ tinh thần cứu nước của nhân dân lục tỉnh. Thực dân Pháp thú nhận đây là “một trận đau đớn làm cho tinh thần người Việt phấn khởi và gây xúc cảm sâu sắc trong số người Pháp”.
Kể từ đầu tháng 9.1858 đến cuối tháng 3.1862, quân Pháp tuy chiếm được 4 tỉnh thành (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long) nhưng chưa tổ chức được bộ máy cai trị vì luôn phải đối phó với phong trào kháng chiến của nhân dân đang dâng cao, nhất là khoảng cuối năm 1861 đầu năm 1862. Những trung tâm kháng chiến ở Cần Giuộc (do Quản Là chỉ huy), Thủ Dầu Một, Trảng Bàng và Tây Ninh ở phía bắc sông Vàm Cỏ, trung tâm Tháp Mười (do Võ Duy Dương chỉ huy) đã chặn đứng được ý đồ đánh thọc sâu vào vùng nông thôn của địch nhằm bao vây tiêu diệt lực lượng kháng chiến.
Các nguồn tư liệu khác nhau cho thấy những tháng đầu năm 1862 là thời gian khủng hoảng nặng nề nhất của quân viễn chinh Pháp ở chiến trường Việt Nam. Một mặt, phong trào kháng chiến của nhân dân đang phát triển mạnh đặt quân địch trước những khó khăn nan giải, mặt khác là những tác động do thất bại của Pháp ở Syrie, sa lầy ở Mexico và làn sóng phản đối của nhân dân Pháp.
Như vậy, trước họa xâm lăng, nhân dân Lục Tỉnh đã phối hợp với quân đội triều đình kiên quyết chống lại quân Pháp. Những ngọn lửa kháng chiến đã nhóm lên khắp nơi, chặn bước chân quân viễn chinh và vây đánh chúng. Trong điều kiện thuận lợi ấy, triều đình Huế đã không tranh thủ giương lên ngọn cờ cứu nước mà lại vội vàng ký với Pháp bản “Hòa ước Nhâm Tuất” ngày 5/6/1862 nhượng hẳn 3 tỉnh miền Đông, đảo Côn Lôn và chịu bồi thường chiến phí cho quân Pháp xâm lược, cam kết phối hợp với thức dân Pháp chống lại phong trào kháng chiến của nhân dân, Pháp trả lại Vĩnh Long cho nhà Nguyễn. Hành động đầu hàng và thỏa hiệp đó của triều đình nhà Nguyễn càng làm cho ngọn lửa kháng chiến của nhân dân bốc lên ngùn ngụt. Những cờ nghĩa “Bình Tây” phất lên khắp Lục Tỉnh, trong đó khởi nghĩa Trương Định là tiêu biểu nhất trong buổi giao thời: Chuyển ngọn cờ dân tộc từ tay giai cấp phong kiến thống trị sang tay quần chúng nhân dân.
- Khởi nghĩa Trương Định
Mở đầu bước ngoặt lịch sử nói trên là khởi nghĩa Trương Định với căn cứ kháng chiến Gò Công.
Tiểu sử và sự nghiệp chống Pháp của Trương Định được ghi lại súc tích trong bài văn bia tại lăng mộ ông xây năm 1875 với những đoạn như sau:
“Phó lãnh binh họ Trương, húy Định, tổ tiên ở tỉnh Quảng Ngãi, xã Tư Cung. Thân sinh ông là Trương Cầm, trải thờ ba triều vua, giữ chức Chưởng lý thủy sư. Trương công ứng mộ đồn điền, được nhận chức quản cơ Gia Thuận.
Năm Kỷ Mùi (1859) [Pháp] chiếm thành Gia Định, ông theo giúp việc nơi quân thứ. Năm Canh thân (1860) đại đồn thất thủ, ông về Gò Công mộ nghĩa binh, bằng muôn ngàn kế sách đơn độc giữ vững một huyện, quyết chí thu phục giang sơn cũ. Tiếp đó ông nhận chức phó lãnh binh Gia Định…
Năm Nhâm Tuất (1862), do việc hòa nghị ông được điều bổ về An Giang. Lúc đầu ông không có ý cưỡng lệnh triều đình, nhưng cũng lại không muốn phụ lòng mọi người. Do lòng trung phẫn, họ ngăn ông giữa đường, không muốn cho ông đi nhận chức, đồng lòng suy tôn ông làm đại tướng quân, mà triều đình cũng không hay biết.
Năm Quí Hợi (1863), đồn Gò Công thất thủ, ông lại quay trở về đây và lại khởi binh. Ngày 19 tháng 7 năm Tự Đức thứ 17 (1864) ông tử trận ở rừng Tân Phước, được đem về an táng ở làng Thuận Ngãi. Có bài ca ngợi ông rằng: “Dòng dõi trâm anh, hành động anh hùng, quyết sống chết nơi sa trường, ngàn năm ngưỡng mộ (…)”.
Như vậy, thời gian hiệp ước Nhâm Tuất (6.1862) địa bàn Gò Công đã là một trong những trung tâm đầu tiên quy tụ phong trào chống Pháp. Sức mạnh của nghĩa quân Gò Công ngày một tăng nhờ phối hợp liên kết với các thủ lĩnh của nhiều cuộc khởi nghĩa khác trong vùng (Đỗ Trình Thoại, Trần Xuân Hòa, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương…). Thực tế này được Nguyễn Thông ghi lại: “khi Trương Định đóng giữ Tân Hòa, hội mọi người để bàn định kế hoạch…, hào kiệt kéo đến như mây”.
Các thủ lĩnh Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân cũng “đã tham gia tích cực vào phong trào kháng Pháp do Trương Định lãnh đạo trong giai đoạn trước và sau hòa ước cắt ba tỉnh miền Đông Nam Bộ cho giặc Pháp. Võ Duy Dương được cử làm Chánh quản đạo và Nguyễn Hữu Huân làm Phó quản đạo”.
Ngoài lính đồn điền và nông dân “ứng nghĩa”, lực lượng của Trương Định còn bao gồm nhiều quan lại, sĩ phu, thân hào ở Gò Công và các vùng lân cận như Hồ Huân Nghiệp, Bùi Tấn, Lý Duy Phiên, Hà Mậu Đức, Hoàng Văn Đạt, Nguyễn Duy Thuận… Cụ Đồ Chiểu cũng là bạn tâm giao của Trương Định.
Từ sau hiệp ước Nhâm Tuất (6.1862), cụ thể là khi Trương Định được “thăng lãnh binh An Giang, phải giải binh đi nhận chức mới” thì cũng là thời điểm đánh dấu một chuyển biến lớn trong nhận thức của Trương Định và phong trào kháng chiến do ông lãnh đạo. Sử triều Nguyễn chép: “Nghĩa quân Nam Kỳ không chịu thôi việc binh, suy tôn ông Định đứng đầu, dâng sớ về triều đình xin tiếp tục chiến đấu. Đình thần sợ trái hiệp ước, không cho phép, lại giục ông Định phải đi nhận chức. Nhưng ông vẫn không nhận chức, vẫn ở lại Gia Định chỉ huy phong trào kháng chiến”.
Thực ra, trong “tuyên ngôn” của mình, Trương Định cũng đã nói rõ: “Chúng tôi sẽ chống lại lệnh triều đình” nếu vẫn “duy trì sự đã rồi bằng cách nhường một phần đất nước và giúp đỡ quân giặc”. Thêm nữa “nhân dân ba tỉnh tha thiết muốn khôi phục địa vị cũ bèn tôn chúng tôi lên làm lãnh tụ. Vậy nên chúng tôi không thể đừng làm điều mà chúng tôi đang làm, cho nên chúng tôi sẵn sàng chiến đấu”.
Có thể nói: trải qua một quá trình trăn trở trước lệnh bãi binh của triều đình, cuối cùng Trương Định đã dũng cảm đứng hẳn về phía nhân dân. Đây là bước ngoặt quyết định trong sự nghiệp cứu nước của Trương Định, nâng cao tầm vóc cuộc khởi nghĩa trở thành ngọn cờ tiêu biểu trong phong trào chống Pháp buổi đầu.
Xác định tính chất lâu dài gian khổ của cuộc kháng chiến, Trương Định ra sức bổ sung lực lượng, tăng cường hệ thống phòng thủ. Phạm vi hoạt động của nghĩa quân bao quát địa bàn tỉnh Gia Định bấy giờ, đồng thời có sự liên hệ chặt chẽ với Biên Hòa và Định Tường. Khi lực lượng đã phát triển, Trương Định “cho bố trí pháo đội trên tất cả các con rạch dẫn đến con sông giữa vùng đất ông chiếm giữ và thường tấn công tàu tuần phòng của Pháp”.
Bảo vệ căn cứ Gò Công là ba đạo binh ở Gò Đen, Cần Đước và Tân Thạnh, tạo thành hệ thống tiền đồn hình tam giác. Mô tả căn cứ Gò Công, sĩ quan Palanca viết: “Ở Gò Công, hai chiến lũy quan trọng nhất là Rạch Gò Công và Rạch Lá, gồm các hầm hào tự nhiên…, có pháo đài và lũy, khắp nơi đều có cầu nổi bắc qua hai bờ sông bùn lầy, cây cối rậm rạp”.
Hoạt động vũ trang nổi bật của nghĩa quân Trương Định là một loạt trận đánh vang dội từ sau hiệp ước 1862. Ngày 6.12.1862, nghĩa quân bố trí đánh một chiến thuyền địch trên sông Vàm Cỏ (gần suối Trảng Bàng), mở màn cho cuộc tổng công kích của nghĩa quân 10 ngày sau đó. Cuộc tổng công kích bất ngờ và đồng loạt này bắt đầu ngày 16.12.1862 và kéo dài cho đến cuối năm.
Trận đánh lớn đầu tiên của nghĩa quân là trận tập kích đồn Rạch Tra (sáng 17.12) cách Sài Gòn 15km. Cùng ngày, nghĩa quân chia nhiều toán tập kích chiến thuyền địch tại Bến Lức và vây đồn Phước Hòa. Rạng ngày hôm sau (18.12), 1.200 nghĩa quân tấn công và chiếm được đồn Long Thành. Cũng trong đêm 17 rạng ngày 18.12, tại địa bàn Gò Công, nghĩa quân tập kích pháo thuyền “Alarme” và trận địa pháo của địch trên bờ rạch Gò Công v.v… Cuộc công kích đồng loạt của nghĩa quân được kết thúc với trận tấn công đồn Rạch Kiến (tối 18.12), với lực lượng 2000 người, trang bị 12 đại bác bắn đá.
Cuộc chiến đấu của nghĩa quân Trương Định trong tháng 1.1863 được đánh dấu bằng những trận cản phá có hiệu quả các đợt hành quân càn quét của địch. Sau những trận tấn công, phục kích, chống càn quét đối mặt với địch trên địa bàn rộng lớn khắp ba tỉnh miền Đông, nghĩa quân rút về căn cứ. Quân pháp bị tiêu diệt một phần sinh lực, buộc phải phân tán bám giữ những vùng đã chiếm.
Khoảng đầu tháng 2.1863, Pháp có thêm viện binh, Bonard quyết định đánh một đòn mạnh vào căn cứ Gò Công.
Chuẩn bị cho trận đánh lớn, đẩy nghĩa quân vào thế bất lợi, Bonard yêu cầu triều đình Huế gấp rút phê chuẩn hiệp ước Nhâm Tuất, ban hành ngay lệnh “cấm dân nổi loạn”. Ngày 2.2.1863, Bonard gửi vua Tự Đức một tối hậu thư: “… Nếu không thuận, xứ này sẽ điêu linh…., ba tỉnh miền Nam còn lại lập tức thất thủ, rồi đồng thời với Nam Kỳ và Bắc Kỳ, nước ông sẽ mất… Chúng tôi không muốn tranh cãi gì hết… Nếu chính phủ An Nam không chấp thuận những điều kiện (đã ký kết), chúng tôi buộc phải tôn trọng chữ ký của Hoàng đế chúng tôi”.
Không còn phải lo ngại về phía triều đình nhà Nguyễn, Bonrard tập trung toàn bộ binh lực tiêu diệt căn cứ Gò Công. Ngày 16.2.1863, Bonard đích thân xuống Gò Công khảo sát, phát truyền đơn hứa thưởng 10.000 francs cho kẻ nào lấy được đầu Trương Định. Quân địch chọn các mục tiêu Gò Đen, Đồng Sơn và Vĩnh Lợi (hệ thống tiền đồn của nghĩa quân) để mở đầu cuộc tấn công.
Ngày 22.2.1863, đạo quân chủ lực của địch do tướng Chaumont chỉ huy từ Sài Gòn kéo xuống. Sáng 26.2, đại binh Pháp theo hai đường thủy bộ tiến về Trại Cá (Bến Chùa). Trương Định nắm được ý đồ của địch quyết tiêu diệt đầu não kháng chiến, ông vừa bố trí những trận phục kích, vừa bí mật di chuyển toàn bộ lực lượng. Khi địch vào đến căn cứ mới biết nghĩa quân đã bỏ đi rồi.
Trương Định chọn đại bản doanh mới ở Lý Nhơn, một vùng phù sa có rừng dừa nước che kín, phân tán nghĩa quân thành từng toán nhỏ trong vùng giáp ranh Biên Hòa và vùng đầm lầy ở vàm sông Soi Rạp và Đầm Trang. Ngày 25.9.1863, được bọn tay sai mật báo, quân Pháp đột kích căn cứ Lý Nhơn. Nghĩa quân phá vòng vây, trở về vùng Gò Công, chọn một khu vực hiểm yếu để ẩn náu lực lượng bên hữu ngạn sông Soi Rạp, khoảng giữa hai làng Tân Phước và Kiểng Phước (Đám lá tối trời).
Ngày 19.8.1864, địch phát hiện nơi Trương Định trú ngụ, nhân đêm tối kéo đến bao vây. Sáng 20.8, Trương Định lọt được khỏi vòng vây, nhưng bị địch bắn theo, hy sinh tại trận.
- Khởi nghĩa Võ Duy Dương
Sau khi Trương Định hy sinh, Võ Duy Dương (Thiên hộ Dương) trở thành người chỉ đạo chủ yếu của phong trào chống Pháp ở vùng Tiền Giang, lấy Đồng Tháp Mười làm căn cứ.
Võ Duy Dương nguyên quán ở huyện An Nhơn (Bình Định) sinh năm 1827. Sử triều Nguyễn cho biết: khoảng tháng 5.1861, Võ Duy Dương (chánh bát phẩm thiên hộ) cùng một số người khác “được phái vào Nam mộ nghĩa quân ở các tỉnh Long - Tường, An - Hà”. Một số tác giả cho rằng thời điểm này có thể sớm hơn. ông tìm đến đất Ba Giồng (Định Tường) chiêu dân lập ấp.
Từ khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định rồi đánh chiếm thành Mỹ Tho (4.1861), Võ Duy Dương cùng Nguyễn Hữu Huân đem lực lượng tham gia khởi nghĩa Trương Định, hoạt động ở vùng Ba Giồng. Tại đây, ông xây dựng các căn cứ chiến đấu, mỗi căn cứ là một hệ thống đồn lũy yểm trợ lẫn nhau.
Trước khi triều đình ký hiệp ước Nhâm Tuất (1862), nghĩa quân Võ Duy Dương đã liên tục chiến đấu, ngăn địch lấn ra các huyện xã.
Ngày 4.9.1861, nghĩa quân tập kích đồn Bourdais. Ngày 29.8 và 15.9, nghĩa quân tập liên tiếp tấn công Cai Lậy, ngày 14.10 tấn công địch ở Cái Thia, Cái Bè.
Từ giữa tháng 10.1861 đến cuối năm đó, nghĩa quân tổ chức nhiều trận tấn công vào đồn Cai Lậy (15.10), đồn Kỳ Hôn (22.10), đồn Rạch Gầm (30.11). Trong nhiều trận đánh, nghĩa quân Võ Duy Dương đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng của thủ lĩnh Trần Xuân Hòa ở Thuộc Nhiêu.
Từ đầu năm 1862, nghĩa quân hoạt động mạnh trên địa bàn Mỹ Quý, sau đó rút về Bình Cách.
Từ sau hiệp ước 1862, Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân dưới sự lãnh đạo chung của Bình Tây tướng quân Trương Định, xúc tiến việc củng cố căn cứ Bình Cách và hệ thống đồn lũy trên địa bàn Ba Giồng (từ Bình Cách qua Mỹ Quý, Thuộc Nhiêu đến Cai Lậy, Cái Bè).
Tháng 11.1862, nghĩa quân đánh bật trận tập kích của địch vào Bình Cách. Tháng 12.1862, trong trận tấn công đồng loạt vào các đồn bốt địch trên địa bàn ba tỉnh, nghĩa quân Võ Duy Dương trực tiếp tham gia đánh đồn Thuộc Nhiêu (18.12), sau đó lại rút về Bình Cách.
Ngày 5.11.1863, quân địch lại tấn công Bình Cách nhưng thất bại. Suốt mấy tháng, nghĩa quân cầm cự với địch trong điều kiện bất lợi, vì địch đã được tăng viện và liên tiếp phản kích. Sau trận đánh ngày 20.4.1863, Võ Duy Dương quyết định rút hết lực lượng vào bưng biền, xây dựng trung tâm kháng chiến mới ở Đồng Tháp Mười, tính kế lâu dài.
Võ Duy Dương đóng bản doanh tại Gò Tháp, dựng ba đồn chính trên ba con “đường gạo”, gọi là Đồn Tiền (trên đường Cái Nứa), Đồn Tả (trên đường Mộc Hóa, hướng Gò Bắc Chiêng) và Đồn Hữu (trên đường Cần Lố); khoảng 200 - 300 nghĩa quân đóng tại mỗi đồn. Tại Gò Tháp, nghĩa quân xây Đồn Trung (đại bản doanh) với nhiều trạm canh ở bốn phía và đài quan sát trên đỉnh gò.
Tập hợp xung quanh Võ Duy Dương có Nguyễn Tấn Kiều (Đốc binh Kiều, phó tướng) và nhiều tướng lĩnh khác như Lãnh Binh Dương, Trần Kỳ Phong, Thống Bình, Dương Chấn, Thống Đa, Quản Văn, Bùi Quang Diệu (Quản Là). Từ đây, Đồng Tháp Mười thực sự trở thành trung tâm kháng chiến mới, thu hút hầu hết lực lượng chống Pháp ở Nam Kỳ trong những năm 1864 - 1866.
Sau một năm “giấu cờ im trống” lo xây dựng căn cứ, luyện tập nghĩa quân, tích trữ quân lương…, Võ Duy Dương quyết thực hiện ý chí nung nấu từ lâu: “tôi sẽ rút lui về Tháp Mười ẩn nấp, chờ đợi thời cơ để quật trả một trận mới (…) Tôi luôn sẵn sàng đáp ứng lời kêu gọi của nhân dân”.
Những tháng cuối năm 1864, nghĩa quân chủ yếu tiến hành những trận đánh du kích, đắp cản tại các cửa sông giữ vững thế phòng ngự và tiêu hao lực lượng địch. Sang đầu năm 1865, nghĩa quân vừa mở rộng địa bàn hoạt động, vừa tổ chức những trận đánh lớn, tấn công những đồn bốt quan trọng của địch ở Mỹ Trà, Cái Bè, Mỹ Quý, Thủ Thừa.
Mỹ Trà là cửa ngõ phía tây của Đồng Tháp Mười. Đầu năm 1865, quân Pháp tăng cường lực lượng đóng chốt ở đồn Mỹ Trà, bắt dân làm xâu, kiểm soát đường sông Cửu Long từ Cao Miên, Hồng Ngự xuống, từ An Giang qua, làm bàn đạp “bình định” các làng lân cận, từ đó tấn công Đồng Tháp Mười. Muốn khai thông con “đường gạo” Cần Lố (nối liền hai vùng Đông-Tây), nghĩa quân phải tiến đánh đồn Mỹ Trà.
Trận đánh úp đồn này diễn ra ngày 22.7.1863. Chiều hôm đó, một toán lính Pháp trên đường trở về đồn bị đội cảm tử bất thần nổ súng đánh phủ đầu. Cùng lúc, lực lượng nội ứng trong đồn đoạt súng bắn chết tên chỉ huy tại chỗ. Nghĩa quân từ nhiều hướng áp sát vòng ngoài trợ chiến và kéo vào đồn. Sau mấy tiếng đồng hồ, thủy quân Pháp từ phía bờ sông mới nã đạn giải vây. Nghĩa quân thu nhiều chiến lợi phẩm rồi rút ra ngoài đồn. Chiều hôm sau (23.7), viện binh địch từ Sài Gòn kéo xuống thì nghĩa quân đã rút xa, chúng quay qua càng quét và đốt phá điên cuồng làng Mỹ Trà và vùng phụ cận.
Cuối năm 1865 lại diễn ra trận tấn công của nghĩa quân vào đồn Mỹ Trà, nhưng kết quả hạn chế, phía địch tổn thất không đáng kể. Võ Duy Dương bèn mở mặt trận thứ hai, tấn công Cái Bè, Mỹ Quý chọc thủng phòng tuyến địch. 50 lính Pháp và gần 100 lính mã tà bị nghĩa quân tiêu diệt và bắt sống. Cuộc khởi nghĩa phát tiển đầy triển vọng, nhân dân các tỉnh miền tây càng tích cực đóng góp khí giới, lương thực cho nghĩa quân.
Đầu năm 1866, sau khi trở lại Việt Nam, đô đốc De Lagrandière quyết tiêu diệt căn cứ Đồng Tháp Mười, bắt đầu bằng những cuộc hành quân thăm dò tháng 3.1866.
Ngày 14.4.1866, toàn bộ lực lượng địch gồm ngót 1000 quân thủy bộ với nhiều tàu chiến, đại bác, chia làm ba mũi đồng loạt tấn công Đồng Tháp Mười từ ba hướng Cần Lố, Cái Nứa và Bắc Chiêng. Ngày 15.4.1866, đạo quân thứ nhất của địch từ Cần Lố tấn công đồn Sa Tiền. Tàu chiến địch lợi dụng sông rạch, vận động thuận lợi, nhưng 150 nghĩa quân trong đồn đã chống trả quyết liệt và đã lui vào phía trong. Đạo quân thứ hai từ Cái Nứa tiến vào, chiếm được đồn Ấp Lý nhưng bị nghĩa quân chặn lại ở Đồn Tiền. Một trận kịch chiến diễn ra ở đây. Địch có đại bác mở đường nhưng bị nghĩa quân nấp trong rừng tràm bắn tỉa, thiệt hại nặng. Đạo thứ ba tuy chiếm được đồn Gò Bắc Chiêng, nhưng không đủ sức tiến sâu hơn, phải xin viện binh để tấn công Đồn Tả.
Tại Đồn Tả có 350 nghĩa quân và 40 khẩu đại bác. Võ Duy Dương trực tiếp chỉ huy trận này. Nghĩa quân chiến đấu quyết liệt từ trưa đến chiều tối thì hết đạn, phải tản về phía sau. Thừa thắng quân địch ồ ạt tiến vào, nhiều tên bỏ mạng hoặc bị thương do sập hầm chông. Khi địch chiếm được Đồn Trung thì nghĩa quân đã rút hết, chúng không dám tiến sâu hơn cũng không dám ở lại đóng đồn, đành rút quân trở ra.
Sau trận tấn công này của quân Pháp vào trung tâm Đồng Tháp Mười, Võ Duy Dương và nghĩa quân của ông vẫn tiếp tục hoạt động một thời gian nữa. Theo sử triều Nguyễn, khoảng tháng 10.1866, trên đường ra Bình thuận để ra Huế, thuyền của Võ Duy Dương bị bão đánh đắm ở cửa Cần Giờ.
Tuy thất bại, khởi nghĩa võ Duy Dương với căn cứ Đồng Tháp Mười để lại cho đời sau những bài học quý báu về kinh nghiệm vận dụng địa hình, lấy ít đánh nhiều. Hơn một thế kỷ sau đó, Đồng Tháp Mười luôn là một trong những căn cứ địa trọng yếu trong công cuộc chống ngoại xâm của dân tộc, của Nam Bộ nói riêng.
Phong trào chống Pháp của nhân dân ba tỉnh miền Đông tạm thời lắng xuống. Từ năm 1867, nối tiếp sự nghiệp cứu nước, nhân dân ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên lại anh dũng giương cao ngọn cờ kháng chiến chống Pháp.
- Những cuộc khởi nghĩa dọc lưu vực sông Cửu Long
Lực lượng nghĩa quân nổi dậy từ Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng đến Châu Đốc có mấy vạn người. Mở đầu là cuộc khởi nghĩa khoảng tháng 8.1867 ở Cù Lao Minh (Bến Tre), tiếp đó, cũng trong tháng 8, là cuộc khởi nghĩa ở Nam Sóc Trăng. Cuộc khởi nghĩa ở Trà Vinh khoảng cuối tháng 8.1867 đã đánh bại trận càn quét của địch, vây đánh một đại đội địch ở Cầu Ngang.
Những tháng cuối năm 1867, nghĩa quân hầu như làm chủ vùng lưu vực sông Cửu Long. Nhiều trận chiến đấu quyết liệt diễn ra ở Hương Điểm, Ba Tri, Bảo Thạnh (Bến Tre). Trên địa bàn Hậu Giang, từ Cần Thơ, Thốt Nốt đến Châu Đốc, cũng diễn ra nhiều trận chiến đấu quan trọng, đặc biệt là trận công phá thành Châu Đốc cuối tháng 11.1867.
Bước sang năm 1868, thực dân Pháp tăng cường đồn bốt ở ba tỉnh miền Tây, tổ chức những đội quân lưu động liên tục đi càn quét hòng dập tắt phong trào. Tuy vậy, nhiều cuộc khởi nghĩa mới vẫn tiếp diễn tại Sóc Trăng, Trà Vinh, quan trọng hơn cả là khởi nghĩa của Quản Chơn tấn công thành Mỹ Tho hồi đầu tháng 5.1868, sau đó rút về Hậu Giang phối hợp với lực lượng của Nguyễn Trung Trực.
- Khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực
Trong phong trào chống Pháp buổi đầu ở ba tỉnh miền Đông, Nguyễn Trung Trực đã lập nhiều chiến công và là người chỉ huy trận đánh đốt cháy tàu “Espérance” nổi tiếng trên sông Nhật Tảo (12.1861). Sau đó, ông được cử về trấn nhậm vùng Hà Tiên. Khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây, Nguyễn Trung Trực được lệnh chuyển ra Phú Yên, nhưng ông quyết định ở lại cùng nhân dân Hà Tiên lập căn cứ Hòn Chông, hoạt động trên địa bàn ven biển Hà Tiên và đảo Phú Quốc.
Chiếm được Hà Tiên, quân Pháp lập đồn binh ở Rạch Giá để khống chế toàn vùng và chuẩn bị tiêu diệt căn cứ nghĩa quân ở Hòn Chông. Nguyễn Trung Trực đã chủ động tấn công đồn Rạch Giá vào sáng ngày 16.6.1868. Sau một trận quyết chiến giáp lá cà, hầu hết quân địch trong đồn đều bị giết, kể cả đồn trưởng và chủ tỉnh Rạch Giá.
Được tin, địch đóng ở thành Vĩnh Long huy động toàn bộ lực lượng kéo xuống cứu viện, chiếm lại Rạch Giá ngày 21.6 Nghĩa quân rút về Hòn Chông rồi rút ra đảo Phú Quốc. Tháng 9.1868, thực dân Pháp kéo ra Phú Quốc. Nghĩa quân chiến đấu quyết liệt, cuối cùng Nguyễn Trung Trực bị bọn tay sai bắt nộp cho Pháp, giải về Sài Gòn. Ngày 27.10.1868, Nguyễn Trung Trực bị địch giải về Rạch Giá xử tử. Anh hùng Nguyễn Trung Trực hy sinh, để lại cho đời câu nói bất hủ: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì nước Nam mới hết người đánh Tây”.
- Khởi nghĩa Nguyễn Hữu Huân
Nguyễn Hữu Huân quê ở huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An (Định Tường), nay là huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Năm 1852, ông đỗ đầu khoa thi Hương tại trường thi Gia Định, ra làm quan, về sau được bổ chức giáo thụ phủ Kiến An. Pháp chiếm thành Gia Định (1859), ông mộ nghĩa dũng tham gia chiến đấu bên cạnh quân triều đình. Sau hiệp ước Nhâm Tuất (1862) ông đem lực lượng gia nhập nghĩa quân Trương Định.
Khi căn cứ Gò Công bị vỡ (2.1863), Nguyễn Hữu Huân về xây dựng căn cứ Bình Cách, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Định Tường. Pháp tấn công Bình Cách, ông rút qua Thuộc Nhiêu và cuối năm 1863 sang An Giang cùng Võ Duy Dương tiếp tục chiêu mộ nghĩa quân chống Pháp.
Tháng 7.1864, quan tỉnh An Giang bắt Nguyễn Hữu Huân nộp cho Pháp. Ông bị kết án khổ sai chung thân, đày đi Cay-enne (Nam Mỹ), đến năm 1869 mới được thả về và bị địch giao cho Đỗ Hữu Phương quản thúc tại Chợ Lớn. Thời gian này ông vẫn tìm cách liên lạc với những người yêu nước, trong đó có nhiều người Minh Hương, mưu tính một cuộc khởi nghĩa lớn.
Năm 1872, Nguyễn Hữu Huân bỏ trốn trở về vùng Mỹ Tho, Tân An, cùng Âu Dương Lân và nhiều người khác, lại khởi binh. Từ đây, phong trào chống Pháp do Nguyễn Hữu Huân đứng đầu lan khắp vùng Mỹ Tho, Tân An, Chợ Lớn. Nhiều thủ lĩnh địa phương như Nguyễn Văn Chất (ở Vĩnh Long), Lê Công Thành, Phạm Văn Đồng, Lâm Lễ… (ở Cần Thơ, Long Xuyên) đều quy tụ về với nghĩa quân. Một hệ thống kháng chiến được xây dựng tận nhiều thôn xã, nhất là trên địa bàn Mỹ Tho, Tân An.
Nhưng từ giữa năm1874, lực lượng nghĩa quân suy yếu do thiếu khí giới, thuốc đạn. Cuối năm đó, thực dân Pháp huy động một lực lượng lớn, được các tên bán nước Trần Bá Lộc, Đỗ Hữu Phương hỗ trợ, từ nhiều hướng tấn công căn cứ Bình Cách. Nghĩa quân tan vỡ, Nguyễn Hữu Huân thoát được về Chợ Gạo.
Những tháng đầu năm 1875, Nguyễn Hữu Huân có trở lại vùng Tân An, quyên góp tiền bạc, hy vọng nhóm lại lực lượng. Nhưng lúc này thực dân Pháp và tay sai đã bao vây lùng bắt hầu hết các tướng lĩnh cuộc khởi nghĩa. Cuối cùng Nguyễn Hữu Huân cũng không thoát khỏi tay giặc. Sau khi đưa ông lên Sài Gòn, địch giải ông trở về Mỹ Tho, xử tử ở chợ Bến Tranh ngày 19.5.1875.
II. PHONG TRÀO KHÁNG PHÁP Ở BẮC KỲ VÀ TRUNG KỲ
Trong khi triều đình Huế - dù muốn dù không - tạo thuận lợi cho thực dân Pháp tràn vào Bắc Kỳ, chiếm Hà Nội và mấy tỉnh thành đồng bằng chỉ trong 3 tuần lễ, nhân dân Hà Nội và các tỉnh đã tức thời đứng lên chống lại quân xâm lược.
Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Tri Phương, quân dân Hà Nội đã tổ chức cuộc chiến đấu anh dũng, ngoan cường trên cả năm cửa ô Hà Nội. Tại Ô Thanh Hà (Ô Quan Chưởng) nhân dân đã phối hợp với đội quân hơn 100 người của triều đình kiên quyết giữ thành. Cánh quân của Nguyễn Lâm, con trai Nguyễn Tri Phương đã chiến đấu đến người cuối cùng để cản giặc… Nhưng 7.000 quân triều đình trước đó không được tập luyện, lại thiếu chủ động chiến đấu nên khi nghe tin Nguyễn Tri Phương bị thương, họ đã thiếu quyết tâm giữ thành. Chiều ngày 20/11/1873, thành Hà Nội thất thủ. Quân Pháp thừa thắng, từ Hà Nội chúng nhanh chóng đánh chiếm xuống các tỉnh vùng châu thổ sông Hồng. Ngày 25/11/1873, Pháp chiếm Hưng Yên, Phủ Lý. Ngày 3/12/1873, chúng đem quân xuống Hải Dương. Ngày 5/12/1873, chúng tấn công Ninh Bình. Ngày 12/12/1873, chúng đánh thành Nam Định…
Lại giống như ở Lục Tỉnh trước đó, Pháp chiếm tỉnh thành nhưng đồng thời phải chống đỡ cuộc chiến đấu của nhân dân vô cùng quyết liệt. Chính F. Garnier thú nhận: “Đánh thành thì dễ mà giữ thành thì thực là khó… Những đám cháy và các trận đột kích thật đáng sợ. Suốt đêm chúng tôi không hề chợp mắt”.
Ngay khi quân Pháp bị sa lầy ở các tỉnh châu thổ sông Hồng thì một vòng vây của quân dân Bắc Hà đã hình thành quanh Hà Nội. Quân Hoàng Tá Viêm - Lưu Vĩnh Phúc từ Sơn Tây kéo về, được nhân dân hỗ trợ, tất cả đang rừng rực căm thù quân cướp nước và sẵn sàng đánh đuổi tiêu diệt chúng.
Ngày 20/12/1873, Nguyễn Tri Phương qua đời. Cái chết của ông không chịu khuất phục trong tay quân Pháp, để lại niềm tiếc thương to lớn cho quân dân đang chiến đấu.
Tại các tỉnh Hải Dương, Nam Định, nghĩa quân do các văn thân yêu nước cầm đầu chuẩn bị chiếm lại ba tỉnh thành, đóng giữ những nới hiểm yếu, không cho địch tràn về nông thôn. Quân địch chiếm thành Hải Dương, các quan tỉnh (Hộ đốc Lê Hữu Thường, Tuần phủ Đặng Xuân Bảng…) chống giữ quyết liệt rồi rút ra đóng ở các huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng. Tại Nam Định, khắp nơi trong tỉnh nhân dân rào làng chiến đấu. Các văn thân chia nhau về các huyện vận động tổ chức chống địch. Nguyễn Mậu Kiến tập hợp hàng ngàn nghĩa quân ở huyện Trực Ninh, Phạm Văn Nghị, Nguyễn Hiên tổ chức chống địch ở Phong Doanh, Ý Yên (Nam Định).
Khi Pháp tấn công Hà Nội, lực lượng quân triều đình tập trung chủ yếu ở quân thứ Sơn Tây (do Hoàng Tá Viêm chỉ huy) và quân thứ Bắc Ninh (do Trương Quang Đản chỉ huy). Hai quân thứ này phối hợp với đội quân Cờ Đen (của Lưu Vĩnh Phúc), tạo thế bao vây uy hiếp địch ở Hà Nội.
- Trận Cầu Giấy (lần 1)
Ngày 21.12.1873, giữa lúc phái bộ triều đình (Trần Đình Túc, Nguyễn Trọng Hợp) đang thương thuyết với F. Garnier, thì quân ta và quân Cờ Đen từ Sơn Tây kéo về tấn công ngoại vi Hà Nội. Garnier vội đem quân đối phó, bị quân ta chém chết tại Cầu Giấy.
Có thể tóm lược trận thắng Cầu Giấy như sau: được tin quân ta từ Sơn Tây kéo xuống, F. Ganier bỏ dở cuộc thương thuyết với phái bộ Huế, cử một cánh quân đóng giữ ở Cửa Bắc còn bản thân đem một cánh quân giữ Cửa Tây. Bị địch bắn chặn trên đường Hoài Đức, quân ta chia lực lượng mai phục ở làng Thủ Lệ và phía sau đê La Thành. Khi cánh quân của F. Garnier vừa kéo đến Thủ Lệ, liền bị quân ta xông ra chém chết. Cánh quân địch còn lại cũng bị tiêu diệt trước đền Voi Phục. Tiếp đó, quân ta sửa soạn đóng hàng trăm thang dài, chuẩn bị chiếm lại thành Hà Nội. Quân Pháp trong thành nghe tin F. Ganier đã chết, hoang mang và định rút khỏi Hà Nội.
Giữa lúc đó, triều đình Huế ra lệnh cho Hoàng Tá Viêm lui quân về Sơn Tây “án binh bất động” để tiện việc thương thuyết với Pháp. Ngày 6.12.1873, được vua Tự Đức đồng ý, Philastre cùng Nguyễn Văn Tường đáp tàu ra Bắc với tư cách đại diện triều đình và “soái phủ “ Sài Gòn. Trận thua ở Cầu Giấy đặt quân Pháp ở Bắc Kỳ vào thế khó khăn. Philastre thấy rõ nước cờ trước mắt là tạm rút quân khỏi Bắc kỳ, nhanh chóng nghị hòa để gỡ thế hiểm.
Sau khi triều đình ký Hiệp ước 1874, nhân dân khắp nơi phản ứng mạnh mẽ hiệp ước mới, và đó cũng là điều thực dân Pháp lo ngại hơn cả. Lãnh sự Pháp ở Hà Nội thú nhận: “Những toán quân của các sĩ phu hầu như đã sẵn sàng chống lại điều ước… Hẳn là triều đình Huế sẽ chấp thuận điều ước không khó khăn gì. Nhưng khắp mọi nơi, chính quyền nhà vua bất lực không còn được tôn trọng. Đa số sĩ phu không thừa nhận điều ước và sẽ nhất tề nổi lên…”.
Ở Nghệ An, cuộc nổi dậy của nhân dân do Trần Tấn và Đặng Như Mai cầm đầu đã nổ ra trong bối cảnh đó.
Ngày 25/4/1882, khi quân Pháp nổ súng đánh thành Hà Nội lần 2, rất kịp thời, quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Hoàng Diệu lại bước vào trận đánh quyết liệt ở Năm Cửa Ô. Trên bờ sông Hồng, nhân dân tự đốt nhà, cửa tạo thành bức tường lửa ngăn cản bước tấn công của Pháp. Hoàng Diệu dẫn đầu các quân sĩ xông lên mặt thành chống địch. Cử nhân Võ Nguyên Đồng tập hợp hàng ngàn người trước cửa đình Quảng Văn (cửa Nam) để tiến vào thành hỗ trợ cho quân đội chiến đấu. Bỗng kho đạn trong thành bốc cháy làm quân sĩ giao động. Thừa cơ đó bọn xâm lược Pháp thúc quân phá vỡ cửa thành và ồ ạt đánh vào, trước sự bỏ chạy của quân triều đình. Tổng đốc Hoàng Diệu thấy tuyệt vọng đã rút gươm trích máu viết di biểu cho nhà vua rồi tự vẫn.
Sau khi Hoàng Diệu tuẫn tiết, tầng lớp nhân dân Bắc Hà rất cảm kích trước cái chết của Hoàng Diệu. Nhiều tỉnh thần, đốc học, tri phủ… cũng như không ít triều thần ở Huế đã mật tâu với nhà vua về ý nguyện quyết chiến của dân chúng. Tại các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương, các đội dân dũng kế tiếp xuất hiện, tự động đắp cản, rào làng.
Hoàng Tá Viêm tâu báo về âm mưu của địch “không chiếm hết toàn hạt Bắc Kỳ thì họ không thôi” và xin nhà vua không nên “cứ sa mãi vào thuật của họ”, nhưng ông đã bị vua khiển trách.
- Trận Cầu Giấy lần thứ 2 đã gắn liền với chiến tích của đội quân Hoàng Tá Viêm, Trương Quang Đản, Lưu Vĩnh Phúc khi họ đi cùng với nhân dân đánh giặc cứu nước. Chiến thắng này đã cổ vũ cho cuộc kháng chiến toàn dân ở Bắc Hà, tạo điều kiện cho nhà Nguyễn có chỗ dựa vững chắc để đề ra những đối sách chống xâm lược và bảo vệ chủ quyền dân tộc. Song lại một lần nữa thời cơ cứu nước bị bỏ qua. Ngày 19/7/1883, vua Tự Đức băng hà, triều đình Huế bối rối, tranh chấp quyền lực giữa các phe phái xảy ra. Thực dân Pháp lợi dụng tình hình đó để thực hiện quyết tâm của chúng.
Từ cuối tháng 5/1883, Pháp ở Nam Kỳ đã cử Boúet ra Bắc Kỳ thay H. Rivìere, đồng thời chúng tăng nhanh viện binh đánh chiếm Bắc Hà. Thánh 6/1883, Boúet cho quân đánh thốc lên Sơn Tây diệt các ổ đề kháng của triều đình Huế ở đây, nhưng chúng lại bị thất bại. Thánh 7/1883, Boúet cho đánh thẳng vào Huế. Ngày 20/8/1883, Pháp chiếm cửa Thuận An để đổ bộ vào kinh đô Huế.
Trước tình thế nguy cấp ấy, vua Hiệp Hòa đã vội vàng xin hòa và chấp nhận ký kết theo yêu cần của Pháp đưa ra. Ngày 25/8/1883, cao ủy Pháp là Harmand ký với triều đình Huế bản “Hiệp ước Hòa Bình” (Hiệp ước Harmand). Hiệp ước một lần nữa xác nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp, Bắc Kỳ và Trung Kỳ là xứ bảo hộ của Pháp, Việt Nam bị chia làm 3 xứ với 3 chế độ chính trị khác nhau: Nam Kỳ (Cochinchine) có chế độ thuộc địa, Trung Kỳ (An Nam) có chế độ trực trị, Bắc Kỳ (tonkin) có chế độ bảo hộ, triều đình Huế cai quản xứ An Nam từ Khánh Hòa đến Đèo Ngang, bên cạnh có khâm sứ Pháp và các đồn binh Pháp.
Ngay sau khi hiệp ước Harmand được ký kết, phong trào chống Pháp của nhân dân ở Bắc Kỳ dâng lên cuồn cuộn. Dưới áp lực của Pháp, triều đình Huế mấy lần cử các đoàn khâm sai ra Bắc Kỳ thi hành việc triệt binh, giải giáp phong trào chống Pháp theo các điều khoản đã qui định. Các tướng Hoàng Tá Viêm, Trương Quang Đản và nhiều quan văn võ không thi hành lệnh khâm sai, rút quân về cố thủ ở Sơn Tây, Bắc Ninh, quy tụ những đạo nghĩa quân ở các tỉnh. Hầu hết đồn trại của Pháp trên chiến trường Bắc Kỳ luôn bị công kích.
Tại các tỉnh đồng bằng (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên) các tổ chức nghĩa quân từ 200 đến 500 người, có khi mấy ngàn người liên tục tiến đánh các đồn binh, chặn địch trên sông, đột nhập thành phố, phá kho hàng…
Phong trào mạnh mẽ ở Bắc Kỳ tạo cơ sở củng cố ý chí chống Pháp của phe “chủ chiến” tại Huế, đứng đầu là thượng thư bộ Binh Tôn Thất Thuyết; do vậy,vua Hiệp Hòa phải tính đến việc trừ khử ông, loại bỏ trở ngại thực hiện hiệp ước với Pháp. Trước tình hình khẩn cấp, Tôn Thất Thuyết phế vua Hiệp Hòa (buộc phải tự tử), đưa Kiến Phúc lên ngôi, tuyên bố hiệp ước Harmand không còn giá trị nữa.
Không thể chấm dứt chiến sự ở Bắc Kỳ bằng hiệp ước mới, Harmand quyết định đẩy nhanh việc xâm chiếm các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Kỳ, trước hết là trung tâm đề kháng Sơn Tây.
Ngày 11.12.1883, tướng Courbet được lệnh đem 5.500 quân theo hai đường thủy bộ tiến lên Sơn Tây. Phía ta chống trả quyết liệt, cuối cùng núng thế phải rút lên Hưng Hóa. Trận này địch thiệt hại nặng: hơn 400 tên chết và bị thương, trong đó có 27 sĩ quan.
Cuối tháng 12.1883, chính phủ Pháp lại quyết định tăng quân, thay tướng. Quân Pháp ở Bắc Kỳ từ 600 người năm 1882 đã tăng lên gần 2000 rồi 15.000 vào đầu năm 1884. Số quân này được biên chế chủ yếu vào 2 lữ đoàn đóng chốt tại Hà Nội (do tướng Brière de l’Isle chỉ huy) và Hải Dương (do tướng Négrier chỉ huy), chuẩn bị đáng chiếm các tỉnh thành còn lại theo kế hoạch của tướng Millot (vừa sang thay Courbet).
Trong vòng 3 tháng (đầu tháng 3 đến cuối tháng 5.1884), quân Pháp lần lượt đánh chiếm Bắc Ninh, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Tuyên Quang, đóng quân thường trực tại 12 vị trí xung yếu từ đồng bằng, ven biển đến trung du, tiếp giáp thượng du Bắc Kỳ. Theo lệnh triều đình, nhiều quan tướng nhà Nguyễn (kể cả Hoàng Tá Viêm, Trương Quang Đản) trước sau đã tách khỏi phong trào kháng chiến của nhân dân, trở về Huế. Nhiều quan lại sĩ phu khác như Nguyễn Quang Bích, Tạ Hiện, Nguyễn Thiện Thuật, Phan Đình Phùng… vẫn kiên trì ý chí chiến đấu, tập hợp lại lực lượng, chuẩn bị một thế trận mới.
III. PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG
1. Cuộc binh biến kinh thành Huế và sự ra đời của chiếu Cần Vương
Tại triều đình Huế, sau khi vua Tự Đức mất (7-1883) thì sự phân hóa trong nội bộ đình thần, quan lại nhà Nguyễn càng sâu sắc, triều đình phân hóa thành 2 phe rõ rệt - phe chủ chiến và phe chủ hòa. Phe chủ chiến kiên quyết không khuất phục thực dân Pháp, muốn cứu lấy sự tồn tại của đất nước, của triều đình. Còn phe chủ hòa sẵn sàng quy thuận và hợp tác với Pháp để bảo vệ quyền lợi giai cấp. Đứng đầu phe chủ chiến là Tôn Thất Thuyết. Tôn Thất Thuyết là Thượng thư Bộ binh, nắm giữ quân đội trong tay và là nhân vật quan trọng nhất trong Hội đồng phụ chính. Ngoài ra, Tôn Thất Thuyết còn có liên hệ mật thiết với nhiều thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp.
Tôn Thất Thuyết quyết tâm xây dựng, củng cố lực lượng để quyết chiến với thực dân Pháp. Ông cho thành lập một hệ thống sơn phòng từ Quảng Trị đến Ninh Bình và từ Quảng Nam đến Bình Thuận; chiêu mộ thêm nghĩa binh, tăng cường xây dựng đồn lũy. Tại Huế, ông cho củng cố quân đội va lập thêm 2 đạo quân đặc biệt - Phấn Nghĩa quân và Đoàn Kiệt quân. Đây là đội quân cơ động, tinh nhuệ trong các cuộc đối đầu với Pháp và bảo vệ vua cùng Hội đồng phụ chính.
Ngày 31.7.1884, Tôn Thất Thuyết cho phế truất vua Kiến Phúc - một ông vua có tư tưởng thân Pháp - và đưa Ưng Lịch mới 14 tuổi lên ngôi - vua Hàm Nghi.
Cuối năm 1884, giữa lúc quân Pháp đang khốn đốn ở Bắc Kỳ, phe chủ chiến ở Huế, cầm đầu là Tôn Thất Thuyết, lấy danh nghĩa vua Hàm Nghi phản đối việc 300 quân Pháp kéo vào Huế lập căn cứ Mang Cá ngay trong Hoàng thành. Đáp lại Pháp cho tăng thêm số quân đóng ở Mang Cá lên hàng ngàn tên.
Tôn Thất Thuyết huy động số quân còn lại ở các địa phương tập trung về Huế, bí mật tổ chức một cuộc phản công. Dò biết tình hình, ngày 27.6.1885 De Courcy (tổng chỉ huy vừa được cử sang) đem 4 đại đội và 2 tàu chiến từ Hải Phòng vào thẳng Huế nhằm loại trừ phe chủ chiến, dự định bắt cóc Tôn Thất Thuyết.
Ngày 2.7.1885, De Courcy đến Thuận An, lên Huế, yêu cầu Hội đồng phụ chính đến hội thương. Tôn Thất Thuyết cáo bệnh không đến, gấp rút chấn chỉnh quân sĩ, đào hào đắp lũy trong thành, bố trí hai đạo quân đặc biệt phòng thủ hoàng thành, nhằm giành thế chủ động trước khi De Courcy bày đặt việc triều yết vua Hàm Nghi để đột nhập hoàng thành.
Đêm 4.7.1885, giữa lúc De Courcy đang dự tiệc ở sứ quán bên kia sông Hương và bàn kế đột nhập thành Huế thì Tôn Thất Thuyết bí mật chia quân làm hai cánh. Cánh thứ nhất (do Tôn Thất Lệ chỉ huy) có nhiệm vụ tấn công sứ quán Pháp. Cánh thứ hai (do Tôn Thất Thuyết đích thân chỉ huy) sẽ đánh úp tiêu diệt toàn bộ lính Pháp ở đồn Mang Cá.
Đúng 1 giờ sáng ngày 5.7.1885, lệnh phát hỏa vừa dứt, đồn Mang Cá bốc cháy, quân ta đột nhập đồn, lính Pháp rối loạn, vài sĩ quan bị thương, bị chết. Đồng thời sứ quán Pháp bên kia sông Hương cũng bị tấn công, các trại lính địch bốc cháy dữ dội. De Courcy đối phó cầm chừng, chờ sáng. Trại Mang Cá, lợi dụng quân ta chuyển hướng tấn công sang sứ quán, địch kéo 3 đội quân vào chiếm thành Huế, đốt phá dinh thự, tàn sát dân chúng, vượt qua các ổ phục kích lọt được vào hoàng thành.
Nhưng Tôn Thất Thuyết đã bí mật rước vua Hàm Nghi khẩn trương ra khỏi kinh thành để ra Quảng Trị, lên sơn phòng Tân Sở đã được chuẩn bị từ trước. Nhưng trên đường hộ tống xa giá thì một cuộc phân hóa lại diễn ra trong đoàn hộ tống vua Hàm Nghi. Chỉ còn Tôn Thất Thuyết và rất ít quan lại ở lại Tân Sở, phần lớn hộ tống tam cung quay lại triều đình.
Ngày 13.7.1885, Tôn Thất Thuyết lấy danh nghĩa vua Hàm Nghi hạ chiếu “Cần Vương” lần thứ nhất. Ở Quảng Trị một thời gian, để tránh sự truy lùng gắt gao của Pháp, Tôn Thất Thuyết lại đưa vua Hàm Nghi vượt qua đất Lào đến sơn phòng Ấu Sơn (Hương Khê - Hà Tĩnh). Tại đây, ngày 20.9.1885 vua Hàm Nghi lại xuống chiếu Cần Vương lần hai.
Nội dung 2 tờ chiếu Cần Vương tập trung tố cáo âm mưu xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp, xác định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến, nhằm mục đích “diệt trừ giặc Pháp và bọn phản quốc”, đồng thời còn kêu gọi sĩ phu, văn thân và nhân dân cả nước đứng lên kháng chiến phò vua, cứu nước.
Chiếu Cần Vương ban ra đã đánh dấu một mốc mới trong lịch sử chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam hồi cuối thế kỷ XIX.
Mặc dù diễn ra dưới danh nghĩa Cần Vương, nhưng thực tế đây là một phong trào đấu tranh yêu nước chống Pháp xâm lược của nhân dân và hoàn toàn không có sự tham gia của quân đội triều đình.
2. Phong trào khởi nghĩa hưởng ứng chiếu Cần Vương
Ngay sau khi chiếu Cần Vương được ban ra thì đông đảo văn thân và sĩ phu yêu nước đã tích cực hưởng ứng, tạo nên một phong trào kháng chiến sôi nổi và rộng khắp. Trước khi quy tụ lại thành những khởi nghĩa lớn, phong trào đã diễn ra trên tất cả các tỉnh mà trung tâm chính là nơi đặt đại bản doanh của vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết tại vùng rừng núi giữa tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Tại đây có mặt một số tướng tài như Trần Xuân Soạn (chỉ huy Phấn Nghĩa quân), Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực… được nghĩa quân và nhân dân ủng hộ tận tình. Công việc xây dựng căn cứ và tổ chức phòng thủ đạt hiệu quả cao, từ cuối năma 1885 đến cuối 1886, thực dân Pháp 3 lần tập trung binh lực để tấn công, nhưng đều bị thất bại, căn cứ vẫn được giữ vững. Tuy nhiên, từ giữa năm 1867 trở đi, đại bản doanh của phong trào Cần Vương từng bước đã bị phá vỡ do Pháp thay đổi chiến thuật: sử dụng những toán quân cơ động nhỏ đột kích vào từng khu vực, đồng thời tăng cường các hoạt động tình báo, do thám và ra sức mua chuộc các phần tử dao động.
Trong một lần bị bất ngờ tấn công, Nguyễn Phạm Tuân hy sinh. Tiếp đó, lực lượng nghĩa quân dưới quyền chỉ huy của Lê Trực cũng bị tổn thất nghiêm trọng.
Ngày 1.11.1888, do sự phản bội của Trương Quang Ngọc (một trong những vệ sĩ của vua), Hàm Nghi bị bắt. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ vua Hàm Nghi, hai người con trai của Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đạm cũng đã hy sinh.
§ Trước đó, vào năm 1886 Tôn Thất Thuyết đã lên đường sang Trung Quốc cầu viện, nhưng nhà Thanh đã bắt tay với Pháp nên chuyến đi thất bại. Không về nước được, Tôn Thất Thuyết mất tại Trung Quốc vào năm 1913.
§ Còn Lê Trực thì sau đó ra hàng Pháp rồi lui về sống ẩn dật đến chết.
Trung tâm của phong trào Cần Vương tại Quảng Bình tan rã từ khi vua Hàm Nghi bị bắt, nhưng ở các nơi khác thì những cuộc khởi nghĩa vẫn được duy trì.
- Vùng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận có các cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng, Bùi Điền, Nguyễn Đức Nhuận, Nguyễn Duy Cung…
- Vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi có Trần Văn Dự, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Thanh Phiến, Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Lân, Nguyễn Hàm (Tiểu La)…
- Vùng Quảng Trị, Thừa Thiên có Trương Đình Hội, Nguyễn Tự Như, Hoàng Văn Phúc…
- Vùng Thanh Nghệ tĩnh có Đinh Công Tráng, Tống Duy Tân, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng.
- Vùng Bắc Ninh, Hưng Yên có Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Cao…
- Vùng Thái Bình, Nam Định có Tạ Hiện, Lã Xuân Oai…
- Vùng Tây Bắc và hạ lưu sông Đà có Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Giáp…
Càng về sau, các cuộc khởi nghĩa lẻ tẻ ngày càng có xu hướng quy tụ và tập trung lại thành các cuộc khởi nghĩa lớn. Tiêu biểu là khởi nghĩa Ba Đình, Hùng Lĩnh, Tây Bắc, Bãi Sậy và Hương Khê.
· Khởi nghĩa Tây Bắc và hạ lưu sông Đà (1883 - 1893)
Khởi nghĩa nổi lên trước phong trào Cần Vương. Ngay khi Pháp đánh Bắc kỳ lần thứ nhất, ở phủ Hưng Hóa có quan Tuần phủ Nguyễn Quang Bích cùng Nguyễn Văn Giáp đã lãnh đạo nhân dân địa phương chống cự lại Pháp. Không thành công nhưng 2 ông vẫn bền gan củng cố xây dựng lực lượng. Khi vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương, Nguyễn Quang Bích được phong “Hiệp thống Bắc kỳ quân vụ đại thần” thay mặt cho nhà vua tổ chức và lãnh đạo kháng chiến trong địa bàn Bắc kỳ. Với danh nghĩa đó, Nguyễn Quang Bích càng có thêm uy tín để đẩy mạnh hơn cuộc kháng chiến ở khu vực Tây Bắc. Trong hàng ngũ nghĩa quân không chỉ có người Việt mà còn có lực lượng các dân tộc Mường, Mán, Mèo, Thái… Nghĩa quân kiểm soát một địa bàn rộng lớn, chạy từ biên giới Việt - Trung đến Thái Nguyên.
Liên tục trong những năm từ 1885 - 1887, nghĩa quân tổ chức những trận đánh tấn công đồn bót, phục kích các đoàn xe tiếp tế gây cho Pháp nhiều thiệt hại.
Cuối năm 1887, Pháp bắt đầu tập trung lực lượng đối phó cuộc khởi nghĩa Tây Bắc. Trong năm 1888, Pháp tổ chức nhiều trận càn quét căn cứ nghĩa quân nhưng không đạt được kết quả.
Đầu năm 1889, Pháp thay đổi chính sách, bên cạnh việc duy trì áp lực quân sự, Pháp tăng cường các thủ đoạn chính trị thâm độc mà nổi bật nhất là gây chia rẽ giữa đồng bào người Việt và đồng bào thiểu số, tập trung mua chuộc các thủ lĩnh người dân tộc. Từ đó, điều kiện hoạt động của nghĩa quân trở nên khó khăn hơn.
Tháng 12.1889, Nguyễn Quang Bích lâm bệnh nặng và từ trần. Trước đó, Nguyễn Văn Giáp cũng đã mất (cuối năm 1887). Lợi dụng tình hình đó, Pháp tấn công mạnh vào căn cứ, nghĩa quân phải chuyển vùng sang Nghĩa Lộ. Tháng 3.1890, một thủ lĩnh quan trọng của nghĩa quân là Đèo Văn Trí (người Mèo) ra hàng. Cuộc khởi nghĩa Tây Bắc đến đây xem như tan rã. Thế nhưng ở vùng hạ lưu sông Đà (tiếp giáp với Tây Bắc) một bộ tướng của Nguyễn Quang Bích là Đốc Ngữ vẫn tiếp tục hoạt động. Nghĩa quân đặt căn cứ tại chân núi Ba Vì, đây là một vị trí có địa thế rất hiểm trở. Nghĩa quân ở đây sử dụng chiến thuật đánh du kích, trong đó nổi bật là trận đánh vào thị xã Sơn Tây cuối năm 1890, phá nhà tù giải phóng 174 người tù.
Trong hai tháng (2 và 3-1892) Pháp hai lần tấn công vào bản doanh của nghĩa quân nhưng không đạt kết quả gì. Đến tháng 3.1893, Pháp bao vây một khu vực rộng lớn toàn vùng hạ lưu sông Đà, nghĩa quân phải vượt sông để chuyển vào Thanh Hóa, nhưng Pháp truy kích quá ráo riết và cho quân đánh chặn đường, cuối cùng kế hoạch hội quân với Tống Duy Tân không thực hiện được. Đốc Ngữ và binh lính dưới quyền lại phải quay trở lại sông Đà trong tình hình lực lượng bị giảm sút đáng kể do thương vong, bệnh tật và cả nản chí.
Tháng 8.1893, bên cạnh Đốc Ngữ chỉ còn có 10 tướng và 30 quân. Pháp tung bọn nội gián vào trong hàng ngũ. Cuối tháng 8.1893, Đốc Ngữ cùng 10 bộ tướng bị giết, một số còn lại buộc phải ra hàng giặc. Cuộc khởi nghĩa vùng hạ lưu sông Đà (nối tiếp khởi nghĩa Tây Bắc) phải chấm dứt.
· Khởi nghĩa Bãi Sậy (1883 - 1892)
Từ 1883 - 1885, ở vùng Bãi Sậy thuộc các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ thuộc tỉnh Hưng Yên đã tồn tại một phong trào kháng Pháp do Đinh Gia Quế lãnh đạo. Tháng 3.1885, Đinh Gia Quế mất. Vài tháng sau đó chiếu Cần Vương được ban hành và Nguyễn Thiện Thuật (vốn trước kia giữ chức Tán lý Quân vụ tỉnh Sơn Tây, sau khi Pháp chiếm Bắc kỳ thì bỏ sang Trung Quốc) đã trở về tập hợp nghĩa quân Bãi Sậy trước đây, mở rộng hơn nữa quy mô của cuộc khởi nghĩa. Trong hàng ngũ chỉ huy còn có một số tướng tài như Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Thiện Giang (2 em trai của Nguyễn Thiện Thuật), Nguyễn Đức Hiệu (Đốc Tít), Nguyễn Cao…
Nghĩa quân ở Bãi Sậy được phân thành những toán cơ động, mỗi toán có từ 20 - 25 người ở cùng với nhân dân để vừa sản xuất lương thực, vừa chế tạo vũ khí theo chủ trương “tịnh vi dân, động vi binh”. Và ngay trong thời gian đầu tập hợp lực lượng, nghĩa quân đã đánh những trận đối đầu quy mô với giặc, mà chủ yếu là tổ chức những trận tập kích, đột kích bất ngờ nhắm vào các toán quân đi tuần tiễu, các đồn bốt lẻ (Tháng 11.1886, 150 nghĩa quân giả làm phu khuân vác tấn công đồn Huỳnh Côi; Tháng 11.1888, hàng trăm nghĩa quân cải trang làm thợ gặt và lính ngụy đánh úp đồn địch tại Liêu Trang, diệt 31 tên địch;…).
Pháp một mặt đưa những binh đoàn lớn tấn công vào căn cứ, lùng sục khắp các huyện, mặt khác triệt phá những làng mạc xung quanh căn cứ để phong tỏa vùng lương thực và tiếp tế của nghĩa quân.
Năm 1888, Pháp điều lực lượng ngụy binh do Hoàng Cao Khải chỉ huy bao vây căn cứ. Sau một thời gian cầm cự, những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa quyết định cho một bộ phận vượt vòng vây (trong đó có Nguyễn Thiện Thuật). Các lực lượng còn lại chuyển địa bàn để tiếp tục chiến đấu.
Nguyễn Thiện Thuật lánh sang Trung Quốc rồi mất ở Nam Ninh (Trung Quốc) vào năm 1926, thọ 82 tuổi.
Sau khi Nguyễn Thiện Thuật lánh sang Trung Quốc, một số thủ lĩnh nghĩa quân phải ra hàng (Đốc Tít, Nguyễn Thiện Kế…)
Tháng 5 -1889, một số bộ tướng của Nguyễn Thiện Thuật phải ra hàng trước kia lại quay trở về khôi phục lực lượng. Trong 2 năm (1889 - 1890) họ kiên trì xây dựng lại đội ngũ và liên tục tấn công các đoàn xe quân sự, hậu cần tiếp tế và các đồn binh của Pháp. Sau đó, một số thủ lĩnh hy sinh trong lúc chiến đấu (Đội Văn, Tạ Hiện) nên từ năm 1891 nghĩa quân phân thành 2 bộ phận - một hoạt động ở vùng đồng bằng và một hoạt động ở vùng núi.
Đến năm 1892, thủ lĩnh bộ phận vùng núi là Lưu Kỳ hy sinh và thủ lĩnh vùng đồng bằng (Đốc Vinh) cũng bị giặc giết. Như vậy, thời điểm những thủ lĩnh cuối cùng của Bãi Sậy hy sinh cũng đã lúc kết thúc khởi nghĩa Bãi Sậy.
· Khởi nghĩa Ba Đình (1886 - 1887)
Xây dựng ở 3 làng Mỹ Khê, Thượng Thọ và Mậu Thịnh thuộc huyện Nga Sơn, Thanh Hóa (ở vùng chiêm trũng). Vị trí Ba Đình có ý nghĩa chiến lược quan trọng: khống chế đường giao thông huyết mạch nối Bắc kỳ và Trung kỳ, khống chế con sông đào Ninh Bình. Từ tháng 6 đến tháng 12 hằng năm cả Ba Đình ngập trong mùa nước nổi, chỉ còn lại một con đường độc đạo và khu căn cứ. Lợi dụng địa hình đó, nghĩa quân đã biến Ba Đình thành một căn cứ chống Pháp khá độc đáo.
Thành Ba Đình được xây dựng lên bằng những sọt tre đựng bùn nhồi rơm rạ, dày từ 8 - 10 mét. Toàn khu căn cứ được rào kín bằng những lũy tre xanh, bên trong là hào sâu có cắm chông… Nhìn từ xa đến, cứ điểm Ba Đình trông giống như một con nhím khổng lồi nổi lên mặt nước. Căn cứ Ba Đình là một căn cứ kháng chiến lớn nhất ở Bắc kỳ lúc bấy giờ.
Đứng đầu căn cứ Ba Đình là Phạm Bành, một quan lại theo phái chủ chiến đã từ quan về mưu tính việc cứu nước. Ông là người được nghĩa quân cử ra đứng đầu căn cứ, nhưng người chỉ huy chiến đấu trực tiếp là Đinh Công Tráng.
Đinh Công Tráng là một dũng tướng mưu lược, đã từng ở trong quân đội của Hoàng Tá Viêm, từng chiến đấu bên cạnh Lưu Vĩnh Phúc chống Pháp ở Bắc kỳ.
Ngoài căn cứ Ba Đình, dựa vào sự ủng hộ của đồng bào Mường do thủ lĩnh Hà Văn Mao đứng đầu, nghĩa quân còn có một căn cứ phụ ở Mã Cao (thuộc huyện Yên Định) để dành làm trỗ trú quân khi căn cứ chính bị vây hãm.
Tháng 12-1886, thực dân Pháp mở cuộc tấn công đầu tiên vào căn cứ Ba Đình với 500 quân, có đại bác yểm trợ, do 2 viên trung tá chỉ huy. Nhưng kết quả là địch đã bị đánh bật ra khỏi căn cứ, bỏ lại nhiều xác lính và vũ khí.
Đầu tháng 1-1887, thực dân Pháp mở tiếp cuộc tấn công với quy rất mô lớn. Huy động 3.500 quân, tâm phá tan căn cứ Ba Đình. Cuộc tấn công mạnh mẽ này của thực dân Pháp 5.000 dân binh phục vụ chiến đấu, 25 đại bác, 4 pháo hạm hỗ trợ, do đại tá Bờrixtô chỉ huy, với quyết cũng không đem lại kết quả, Hàng trăm binh lính và sĩ quan Pháp phơi xác trước thành Ba Đình. Trận thua nặng nề này của quân Pháp đã làm chấn động dư luận ở Paris.
Không thắng được, Pháp phải thay đổi kế hoạch, chuyển sang chiến thuật vây lấn hòng làm cạn lương thực của nghĩa quân. Cuối tháng 7-1887, quân Pháp liên tiếp mở những cuộc tấn công quyết định. Chúng dội xuống khu căn cứ tới 16 ngàn trái đạn pháo, dùng súng phun lửa đốt cháy lũy tre bao bọc căn cứ. Cả căn cứ Ba Đình ở vào tình thế nguy khốn. Đinh Công Tráng phối hợp với lực lượng của Trần Xuân Soạn ở ngoài mở đường máu cho nghĩa quân rút khỏi Ba Đình đi về căn cứ phụ Mã Cao. Khi quân Pháp tràn được vào thì toàn căn cứ trống không, chúng cho san phẳng và xóa tên cả 3 làng.
Đầu tháng 2-1887, quân Pháp truy kích đến Mã Cao. Sau 10 ngày chiến đấu thì căn cứ này cũng bị vỡ. Các thủ lĩnh của nghĩa quân người hy sinh trong lúc chiến đấu (Đinh Công Tráng), người bị bắt và bị giết hại (Hoàng Bật Đạt), người phải chạy sang Trung Quốc (Trần Xuân Soạn), người tự sát để khỏi rơi vào tay giặc (Phạm Bành, Hà Văn Mao)…
Nhưng ngọn lửa Ba Đình vẫn không tắt. Phong trào kháng Pháp của nhân dân Thanh Hóa lại bùng lên với cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh.
· Khởi nghĩa Hùng Lĩnh (1886 - 1892)
Hùng Lĩnh là tên một địa phương thuộc huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.
Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh là Tống Duy Tân và kéo dài đến 6 năm (1886 - 1892).
§ Tống Duy Tân là một nhà khoa bảng lớn, đã từng bỏ ấn từ quan trước thái độ hèn nhát đầu hàng Pháp của triều đình nhà Nguyễn. Về Thanh Hóa ông dạy học và mưu tính việc cứu nước. Khi Tôn Thất Thuyết nắm binh quyền liền đưa ông trở lại triều đình tham gia chính sự. Khi chiếu Cần Vương ban ra, ông được vua Hàm Nghi phong làm Chánh sứ sơn phòng Thanh Hóa.
§ Khi khởi nghĩa Ba Đình thất bại, để thoát khỏi sự truy lùng của Pháp, Tống Duy Tân lánh đi một thời gian. Sau đó về lại Thanh Hóa tập hợp những người yêu nước cũ còn lại như Cao Điển, Tôn Thất Hàm, Cầm Bá Thước… xây dựng lại lực lượng.
Nghĩa quân Hùng Lĩnh được tổ chức rất cơ động, mỗi huyện đều có một cơ lính từ 200 người trở lên và lấy tên huyện để gọi, ví dụ như Tống Thanh cơ (Tống Sơn - Thanh Hóa), Nông Thanh cơ (Nông Cống - Thanh Hóa)… Lãnh đạo nghĩa quân còn chủ động đặt mối liên hệ với nghĩa quân ở một số nơi khác như: nghĩa quân hạ lưu sông Hồng, nghĩa quân Hương Khê.
Trong những năm 1889 - 1891, nghĩa quân Hùng Lĩnh đã chiến thắng nhiều trận, chủ yếu là phục kích đánh địch trên đường hành quân hoặc chống càn; thỉnh thoảng nghĩa quân cũng đánh một vài trận tập kích như trận đánh vào huyện lỵ Nông Cống, Vĩnh Lộc (1890).
Tháng 5-1892, nghĩa quân Hùng Lĩnh phối hợp với nghĩa quân sông Đà (do Đốc Ngữ chỉ huy) chiến đấu với quân Pháp do Pennơcanh chỉ huy ở Niên Kỷ và giành thắng lợi lớn.
Sau đó, Pháp tăng cường tấn công càn quét vào căn cứ, Tống Duy Tân lãnh đạo nghĩa quân chiến đấu cầm cự được một thời gian nữa. Đến tháng 9-1892, nhận thấy hết phương duy trì cuộc chiến đấu, Tống Duy Tân cho hội quân lại nói rõ tình hình và tuyên bố giải tán quân sĩ, khuyên mọi người trở về quê quán làm ăn, chờ thời cơ và không được cộng tác với giặc. Tống Duy Tân cùng Cao Điển và một số nghĩa quân còn lại trú quân trong một hang núi ở Niên Kỷ (nay thuộc huyện Bá Thước).
Ngày 3-10-1892, tên việt gian Cao Ngọc Lễ (vốn là học trò cũ của Tống Duy Tân) chỉ điểm cho quân Pháp đánh lên Niên Kỷ hòng bắt Cao Điển và Tống Duy Tân. Trong trận đánh trả dữ dội đó, Cao Điển thoát được ra ngoài (đến hơn 3 năm sau, ngày 6-1-1896 thì bị quân Pháp bắt ở Bắc Giang). Ngày 4-10-1892, Tống Duy Tân bị địch bắt. Pháp cho đóng cũi nhốt ông chở về thị xã Thanh Hóa để mua chuộc. Trong cũi tù ông vẫn ung dung làm thơ. Thất bại trong âm mưu mua chuộc, thực dân Pháp đưa Tống Duy Tân ra chém tại thị xã Thanh Hóa ngày 15-10-1892.
Đến đây, cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh coi như kết thúc.
· Khởi nghĩa Hương Khê (1885 - 1896)
Đây là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất của phong trào Cần Vương, kéo dài 12 năm. Linh hồn của khởi nghĩa Hương Khê là Phan Đình Phùng.
Phan Đình Phùng (1847 - 1895), người làng Đông Thái (nay là xã Đức Phong), huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi đỗ Tiến sĩ (1877) ông được cử làm Tri huyện Yên Khánh (Ninh Bình), sau đó về Huế làm chức Ngự sử. Năm 1883, vì tính khảng khái và cương trực, ông phản đối việc Tôn Thất Thuyết phế bỏ vua Dục Đức lập Hiệp Hòa nên bị cách chức. Năm 1885, khi chiếu Cần Vương ban ra, ông là một trong những người đầu tiên hăng hái hưởng ứng. Ông được giao giữ chức Hiệp thống Quân vụ, lãnh đạo phong trào Cần Vương ở địa bàn 4 tỉnh Bắc Trung kỳ.
Bên cạnh Phan Đình Phùng là Cao Thắng (cũng là trụ cột của cuộc khởi nghĩa) và hàng loạt các tướng lĩnh khác như hai anh em Nguyễn Trạch - Nguyễn Chanh, Phan Đình Phong, Phan Đình Can, Cao Đạt, Lê Văn Tạc, Hiệp Tuấn, Nguyễn Mục, Đề Niêu, Đề Vinh, Đề Đạt… phần lớn đều xuất thân từ những tầng lớp lao động nghèo khổ.
Ngay từ buổi đầu kháng chiến, Phan Đình Phùng đã hiểu rõ: muốn thắng giặc Pháp cần phải có vũ khí hiện đại và sức mạnh toàn dân. Ông giao cho Cao Thắng ở lại xây dựng phong trào ở Nghệ An - Hà Tĩnh, còn bản thân ông ra Bắc vận động thống nhất lực lượng yêu nước chống Pháp. Năm 1886, ông trở về và bắt đầu phát triển nghĩa quân hoạt động mạnh.
Cao Thắng (1864 - 1893), người xã Tuần Lễ, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông nổi tiếng đặc biệt với tài tổ chức chế tạo vũ khí, sản xuất đạn dược. Ông đứng ra chỉ huy cho nghĩa quân chế tạo ra cả súng trường theo mẫu năm 1874 của quân Pháp. Súng trường của Cao Thắng đã gây nên nỗi kinh hoàng cho giặc Pháp. Cao Thắng được coi là ông tổ của ngành quân giới nước ta.
Cách bố trí lực lượng của Phan Đình Phùng rất độc đáo. Ông chia nghĩa quân trên địa bàn 4 tỉnh thành những quân thứ, mỗi quân thứ có từ 100 - 500 nghĩa binh. Tổng cộng toàn bộ có 15 quân thứ, được giao cho những bộ tướng có năng lực và uy tín chỉ huy. Ngoài đại bản doanh ở vùng núi Vụ Quang, còn có các căn cứ ở Cồn Chùa, Thượng Bồng, Hạ Bồng, Trùng Khê, Trì Khê, tạo thành một hệ thống vừa khép kín, vừa mở để nghĩa quân dễ hoạt động.
Từ năm 1886, nghĩa quân Hương Khê bắt đầu những trận đánh lớn. Khởi đầu, Phan Đình Phùng cho mở nhiều cuộc tiến công có hiệu quả vào các đồn địch ở Đô Lương, Anh Sơn, La Sơn, Linh Cảm…
Ngày 21-11-1893, trong trận tiến công đồn Nu (huyện Thanh Chương - Nghệ An) Cao Thắng bị trúng đạn bị trúng đạn hy sinh. Năm ấy Cao Thắng chỉ mới vừa tròn 29 tuổi.
Sau khi Cao Thắng mất, nghĩa quân Hương Khê cũng đã tổ chức nhiều trận đánh lớn, trong đó nổi tiếng nhất là trận Vụ Quang (tháng 10-1894).
Tháng 10-1894, biết được Phan Đình Phùng cùng đại bộ phận lực lượng đóng ở Vụ Quang, Pháp cho mở cuộc tập kích nhằm tiêu diệt toàn bộ lực lượng. Được báo trước, Phan Đình Phùng cùng các tướng lĩnh sắp sẵn trận địa để đối phó. Lợi dụng thế nước con sông Vụ Quang chảy xiết qua trước mặt khu trại, Phan Đình Phùng cho quân chặt cây to làm bè chặn nước và chặt gỗ thành từng khúc thả sẵn trên nguồn. Địch đến, thấy nước sông cạn, chúng đổ bộ tràn qua. Chờ lúc đại bộ phận quân địch đến giữa lòng sông, Phan Đình Phùng ra lệnh phá kè trên nguồn, nước bị chặn lâu ngày ầm ầm đổ xuống kéo theo những thân gỗ to. Quân địch, phần bị nước cuốn bất ngờ, phần bị gỗ lao vào người, phần bị nghĩa quân mai phục hai bên bờ bắn xối xả, nên bị chết rất nhiều. Địch thất bại nặng nề, số sống sót còn lại buộc phải tháo chạy ra khỏi Vụ Quang.
Thực dân Pháp sai Hoàng Cao Khải đưa thư dụ hàng Phan Đình Phùng, nhưng ông cương quyết cự tuyệt. Biết không lay chuyển được ý chiến sắt đá của ông, Pháp huy động một lực lượng lớn gồm 3.000 lính khố xanh, bao vây khống chế khu căn cứ. Sau thời gian bị bao vây, nghĩa quân bị lâm vào tình thế khó khăn: vũ khí thiếu thốn, lương thực cạn, quân số hao hụt, các tướng lĩnh chỉ huy người hy sinh, người sa vào tay giặc… Đang lúc nghĩa quân gặp nguy khốn thì Phan Đình Phùng bị trọng thương trong khi chỉ huy chiến đấu. Ông qua đời vào ngày 28-12-1895 tại núi Quạt, thọ 49 tuổi.
10 ngày sau khi Phan Đình Phùng tạ thế, địch tràn được vào căn cứ của nghĩa quân. Vì muốn trả thù người anh hùng, giặc cho đào mộ lấy thi hài Phan Đình Phùng đốt ra tro rồi trộn với thuốc súng bắn xuống sông La Giang. Chúng muốn xóa hết di tích của vị anh hùng dân tộc.
Khởi nghĩa Hương Khê, cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất của phong trào Cần Vương, sau 10 năm đến đây chấm dứt.
Cuộc Khởi nghĩa Hương Khê kết thúc đồng thời cũng chấm dứt luôn phong trào của văn thân, sĩ phu hưởng ứng chiếu Cần Vương.
* Nhận xét:
- Phong trào Cần Vương bùng lên trước hết do sự phân hóa về chính trị trong nội bộ triều đình nhà Nguyễn, nhưng sau đó đã nhanh chóng trở thành một phong trào kháng chiến rộng rãi của nhân dân Trung kỳ và Bắc kỳ nhằm mục tiêu giải phóng dân tộc.
- Phong trào Cần Vương cho thấy ý thức hệ phong kiến vẫn còn giữ vai trò chủ đạo trong đường lối kháng chiến chống Pháp cuối thế kỷ XIX.
· Ngọn cờ chính nghĩa Cần Vương vẫn còn phải cần để thổi bùng lên phong trào khởi nghĩa.
· Đường lối quân sự cũng dựa trên chiến lược, chiến thuật tiến hành chiến tranh theo hệ phong kiến (xây dựng căn cứ thủ hiểm, vũ khí thô sơ).
- Thực chất của phong trào Cần Vương không phải chỉ ở mục tiêu giúp vua mà chính là một phong trào yêu nước dưới sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, nhiều dân tộc trên một địa bàn rộng lớn của nhiều tỉnh Trung kỳ và Bắc kỳ.
- Vì sao phong trào Cần Vương phải thất bại?
· Khách quan:
Phong trào diễn ra vào lúc Pháp đã củng cố bước đầu bộ máy thống trị của chúng, đã sử dụng được lực lượng ngụy binh và hệ thống tay sai chỉ điểm lợi hại.
· Chủ quan:
Phong trào chưa có được một bộ chỉ huy thống nhất, tuy rằng các thủ lĩnh có ý thức liên kết với nhau, nhưng trong thực tế mối liên kết chưa được thực hiện đúng mức và bản thân mỗi cuộc khởi nghĩa đều chọn đường lối kháng chiến là xây dựng căn cứ thủ hiểm.
TÓM LẠI
Sau khi thực dân Pháp chiếm được toàn bộ lãnh thổ Việt Nam thì cũng từ năm 1885 đến 1897 những cuộc khởi nghĩa vũ trang chống Pháp vẫn dấy lên để giành lại chủ quyền dân tộc vừa bị mất. Có cả một triều đình kháng chiến được hình thành. Vua Hàm Nghi và Thượng thư Bộ binh Tôn Thất Thuyết đã cố gắng phất lên lá cờ “Cần Vương” chống xâm lược. Các “chiếu Cần Vương” của Hàm Nghi - Tôn Thất Thuyết đã tạo ra danh chính ngôn thuận cho sĩ dân trong nước đứng lên kháng chiến. Có cả một lớp sĩ phu văn thân yêu nước đứng về phía nhân dân tụ nghĩa đánh giặc cứu nước như: Phan Đình Phùng, Tống Duy Tân, Phạm Bành, Đinh Công tráng, Nguyễn Thiện Thuật… Những thế trận thủ hiểm nổi tiếng đã được xây dựng ở Bãi Sậy, Ba Đình, Hùng Lĩnh, Hương Khê… lại có lớp lớp nghĩa quân chiến đấu ngoan cường dưới tài trí của thủ lĩnh nông dân Hoàng Hoa Thám danh tiếng một thời khắp 4 tổng vùng Nhã Nam, Yên Thế.
Song cuối cùng phong trào Cần Vương và tất cả cuộc khởi nghĩa vũ trang cuối thế kỷ XIX, vẫn bị thất bại. Sự thất bại ấy trước hết nó đã bị giai cấp thống trị mà tiêu biểu là triều đình Huế bỏ rơi, sau đó và cùng với quá trình đó, nó bị thực dân Pháp cấu kết với phong kiến tay sai kiên quyết bình định tiêu diệt dần từng cuộc khởi nghĩa một. Mặt khác phong trào chỉ có thể phát triển trong khuôn khổ đường lối chính trị và đường lối quân sự kiểu phong kiến lạc hậu, do đó mặc dù không thiếu sự dũng cảm ngoan cường và mưu trí sáng tạo, Quần chúng đông đảo rất căm thù bọn cướp nước và bán nước, nhưng họ không thể giành được thắng lợi.
Như vậy, cuối thế kỷ XIX, phong trào đấu tranh yêu nước chống xâm lăng của dân tộc cuối cùng đã thất bại trước cuộc vũ trang xâm lược của thực dân Pháp. Sự thất bại ấy không phải do thiếu tinh thần và lực lượng, mà là không có người tổ chức lãnh đạo. Triều đình nhà Nguyễn và giai cấp phong kiến thống trị có trách nhiệm lớn trong việc để mất nước ta nửa cuối thế kỷ XIX, nhưng họ đã tự tước bỏ vai trò và nhiệm vụ lịch sử của mình. Trong lúc đó xã hội vẫn chưa xuất hiện một tầng lớp, giai cấp mới nào có thể giương lên ngọn cờ dân tộc. Điều ấy phản ánh sự trì trệ của xã hội phong kiến thời Nguyễn. Mặc dù nền kinh tế - văn hóa - xã hội vẫn ì ạch lăn chuyển và được điểm xuyết một vài tiến bộ, nhưng tất cả chưa đủ sức sản sinh từ trong lòng xã hội cũ, những nhân tố mới của một xã hội tương lai, trong lúc thế giới bên ngoài cứ ầm ầm chuyển động.
§ Với việc mất nước ta nửa thế kỷ XIX, nhiệm vụ lịch sử của dân tộc đã chuyển dần từ vấn đề phá vỡ sự trì trệ phong kiến, tự cường dân tộc, tiến lên con đường tư bản, sang vấn đề thích ứng với tình hình nền độc lập chủ quyền của quốc gia đang bị mất bởi chủ nghĩa thực dân Pháp. Nhiệm vụ nóng bỏng của dân tộc khi bước vào thế kỷ XX là: phải cứu giang sơn đang chìm đắm trong nô lệ của ngoại bang, phải giành lại Độc lập - Tự do - Hòa bình - Thống nhất cho tổ quốc, đưa đất nước tiến lên con đường phát triển và hội nhập vào thế giới hiện đại.
§ Muốn vậy cần có những thế hệ mới - thế hệ biết suy nghĩ và hành động theo yêu cầu nhiệm vụ lịch sử. Phải có giai cấp mới tiên tiến có đường lối tập họp lực lượng của toàn thể dân tộc, giương lên ngọn cờ đấu tranh cho tự do độc lập thực sự của dân tộc, kiên quyết đấu tranh để lật đổ tất cả ách thống trị áp bức của thực dân, đế quốc và phong kiến tay sai của chúng, giành chính quyền về tay nhân dân. Trong thực tế những năm đầu thế kỷ XX, từ sự chuyển biến chung của nền kinh tế - xã hội, đã và đang xuất hiện dần nhiều nhân tố mới, khả dĩ đáp ứng được những yêu cầu ấy của phong trào dân tộc.

No comments:

About Me

Hochiminh-City, Mien Nam, Vietnam
Tiến sĩ Sử học, giảng viên Truong Dai hoc Khoa hoc xa hoi va nhan van - Đại học Quốc gia TP.HCM