Total Pageviews

Popular Posts

Search This Blog

Followers

Pages

Monday, July 30, 2007

VIET NAM GIAI DOAN 1914 - 1918

VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM CHIẾN TRANH THẾ GIỚI LẦN THỨ NHẤT (1914 - 1918)

I. CHÍNH SÁCH CAI TRỊ THỜI CHIẾN CỦA THỰC DÂN PHÁP
Tháng 8/1914, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ đã nhanh chóng lôi kéo các nước thuộc địa vào vòng khói lửa. Việt Nam và cả Đông Dương lúc đó cũng phải thi hành những chính sách như ở chính quốc, nhất là các chính sách “Kinh tế thời chiến” và chính sách “Tổng động viên”. Theo đó nhiệm vụ chủ yếu của Đông Dương là phải cung cấp tối đa nhân tài vật lực cho chiến tranh của “nước mẹ” nhưng vẫn phải giữ yên trật tự ở thuộc địa.
Ở thuộc địa Đông Dương, cái gọi là “mộ lính tình nguyện” và “kinh tế thời chiến” chỉ là việc ngưng lại chương trình khai thác nhưng vẫn tiếp tục vơ vét sức người sức của của nhân dân Đông Dương ném vào lò lửa chiến tranh. Với chính sách mới này, trong mấy năm đại chiến đã có 92.903 lính thợ và lính chiến, 319.500.000 đồng, 335.000 tấn lương thực thực phẩm cùng hàng vạn tấn nguyên liệu khoáng sản từ Đông Dương đưa sang Pháp và các chiến trường của Pháp ở châu Âu, châu Phi.
Tuy nhiên, do bận vào chiến tranh và để giữ lấy thuộc địa, thực dân Pháp buộc phải thay đổi quy mô và cách thức khai thác thống trị. Chúng áp dụng đường lối nới rộng độc quyền trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Đó là sự điều chỉnh công cuộc thực dân của ngừơi Pháp ở thuộc địa trong điều kiện có chiến tranh với mục đích giữ chặt hơn các thuộc địa trong quỹ đạo chủ nghĩa thực dân. Dù sao tình hình này cũng tạo ra những điều kiện mới cho phong trào dân tộc ở thuộc địa.
Khi tư bản Pháp bị hút về châu Âu, các giai cấp mới ở thuộc địa, đã biết chớp thời cơ chiến tranh để vươn lên thoát khỏi sự chèn ép kìm hãm của ngoại ban. Tư bản bản xứ có mặt ở hầu hết các ngành kinh tế thuộc địa dưới dạng hùn vốn, góp cổ phần hoặc tiếp thu cơ sở bỏ lại của tư bản ngoại quốc, hoặc xây dựng cơ sở mới. Việc kinh doanh của tư sản dân tộc đã sớm phát đạt kể từ khi chiến tranh thế giới nổ ra, với những qui mô lớn của Nguyễn Hữu Thu, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà… Đặc biệt là trên lãnh vực thương mại các đại thương gia như Hà Kim Bảng, Sơn Xuân Hoan, Hồ Tá Bang, Trần Gia Thụy cùng hàng loạt các thương gia khác ở Bắc - Trung - Nam đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nội địa…
Nông nghiệp là một trận địa lớn của chính sách vơ vét của tư bản Pháp, khi đầu tư tư bản đã vào sâu hơn nữa trong nông nghiệp với giống mới, kỹ thuật mới và diện tích đồn điền trở nên đại trà, thì tư bản dân tộc cũng biết lao vào đó mà làm ăn, kiếm lời, phát triển thế lực. Đồn điền lúa ở Bắc Kỳ và đồn điền cao su ở Nam Kỳ có khá đông người bản xứ tung vốn vào cạnh tranh mà không sợ bị chèn ép phá sản.
Như thế, một phần là sức ép của cuộc chiến tranh buộc phải nới lỏng thuộc địa, một phần là sự trưởng thành dần dần của các nhân tố mới ở bản xứ, Việt Nam trong những năm đại chiến 1914 - 1918 đã có bước chuyển biến tích cực hơn, phù hợp với quy luật phát triển tự nhiên của nó.
Trong các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội cũng có sự phát triển. Mặc dù chính quyền thuộc địa luôn đề cao thuyết “Pháp - Việt đề huề”, “Pháp - Việt nhất gia”, nhưng các tầng lớp giai cấp mới ở thuộc địa vẫn sinh trưởng nhanh chóng ngoài ý muốn của thực dân. Để thích hợp với tình hình đó, Pháp cũng phải “nới rộng độc quyền” trong một số hoạt động xã hội. Việc nâng đỡ giới thượng lưu, mở rộng dân chủ, cải lương hương chính, cải lương hương tục, chấn chỉnh quan trường, bãi bỏ dần chế độ khoa cử phong kiến và nền giáo dục Hán học… đó là những biện pháp mới để phát triển công cuộc thực dân.
Các thành phần kinh tế dân tộc được tăng lên nhanh chóng, sự phân hóa xã hội tiếp tục diễn ra, các giai cấp mới vừa đông thêm về số lượng, vừa mạnh thêm về kinh tế.
Đáng chú ý là sự phát triển nhanh chóng trong những năm chiến tranh của giai cấp tư sản và một bộ phận tiểu tư sản, bởi họ có cơ hội “ngàn năm có một” để làm ăn phát đạt. Khả năng của họ bước đầu thay thế tư bản ngoại quốc trong một số lĩnh vực đã chứng minh sự lanh lợi của họ trong chiến tranh; vì thế họ còn có thể vươn lên nhiều hơn cả về kinh tế lẫn chính trị nếu “thời cơ” thuận lợi này kéo dài.
Các giai cấp đông đảo như nông dân và công nhân là đối tượng chủ yếu của chính sách vơ vét cho chiến tranh của Pháp, xu hướng phân hóa của các giai cấp này vẫn tiếp tục diễn ra như trước. Điều đó cũng dẫn đến kết quả tất yếu là quần chúng cần lao vẫn sẵn sàng tham gia vào những cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù của họ cũng là của dân tộc.
Như vậy trong những năm chiến tranh, thực dân Pháp phải thay đổi chính sách cai trị thuộc địa, nhưng mâu thuẫn xã hội ở thuộc địa vẫn không thay đổi. Thực dân Pháp và phong kiến tay sai vẫn cấu kết chặt chẽ với nhau để khai thác, thống trị, bóc lột các tầng lớp nhân dân Đông Dương.
Một điều quan trọng mà thực dân Pháp dù biết trước vẫn không có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả là: tinh thần yêu nước của người Việt Nam cũng theo sự chuyển biến chung của dân tộc mà phát triển không ngừng. Đại đa số người yêu nước Việt Nam lúc này đều nhận thấy chiến tranh đế quốc là một thời cơ lớn cho các dân tộc thuộc địa nổi dậy đấu tranh lật đổ ách thống trị của ngoại bang và tay sai. Mỗi thành phần lực lượng, tuỳ khả năng hoàn cảnh và xu hướng chính trị, họ đã dấy lên phong trào của mình.
II. NHỮNG HOẠT ĐỘNG YÊU NƯỚC CHỐNG PHÁP
1. Sự hồi phục của tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội
Trước chiến tranh thế giới I, Việt Nam Quang Phục Hội đã bị tan vỡ nhưng khi chiến tranh nổ ra, những người còn lại của tổ chức này đã tập hợp lại ở Quế Lâm (Trung Quốc) dưới sự lãnh đạo của Hoàng Trọng Mậu, Đặng Tử Kính, Nguyễn Thượng Hiền… Tiếp tục hoạt động trong các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc, một số thành viên của Việt Nam Quang Phục Hội đã bắt liên lạc với người Đức cũng đang hoạt động ở đây. Mục tiêu trước mắt của Việt Nam Quang Phục Hội là tranh thủ viện trợ của người Đức và các nước để tiến tới chuẩn bị một số cuộc bạo động dọc vùng biên giới ở Việt Nam.
Đầu năm 1915 thông qua một số hội viên Việt Nam Quang Phục Hội là các cơ sở nội tuyến trong binh lính, họ đã xây dựng kế hoạch tấn công các đồn binh Pháp dọc biên giới Việt - Trung.
Vì phải khẩn trương hành động để lấy khí thế để tranh thủ người Đức viện trợ, ngày 13/3/1915 các trận đánh của Việt Nam Quang Phục Hội đã đồng loạt nổ súng ở Tà Lùng, Móng Cái, Hà Khẩu và các cứ điểm nhỏ khác dọc đường Cao Bằng - Lạng Sơn. Nhưng do tổ chức vội vàng nên sự phối hợp không chặt chẽ, chỉ có trận ở Tà Lùng diễn ra đúng hẹn thì lại bị Pháp khống chế, làm cho binh sĩ yêu nước trong đồn không nổi dậy được. Hơn 100 quân ăn mặc đồng phục có phù hiệu “Việt Nam Quang Phục Quân”, do Nguyễn Hải Thần chỉ huy tập kích đồn Tà Lùng đã ném tạc đạn và mìn làm sập các nhà trại cùng một số binh lính Pháp bị thương. Ngay đó Quang Phục Quân rút chạy trước sự phản kích mạnh mẽ của địch trong đồn.
Các nơi khác thì hoặc không nổ súng được phải rút lui sớm hoặc vừa nổ súng đã gặp địch phản kích phải bỏ chạy. Nhìn chung các cuộc tấn công của Việt Nam Quang Phục Hội bị thất bại ngay khi vừa hành động.
Ngoài ra ở một số địa phương, một số cơ sở của Việt Nam Quang Phục Hội được khôi phục như Lào Cai, Hà Giàng, Phú Thọ, Nam Định, Ninh Bình… Trước thời cơ chiến tranh họ cũng tích cực hoạt động chuẩn bị bạo động, nhưng suốt từ tháng 10/1914 đến tháng 3/1917 không có cuộc nổi dậy khởi nghĩa nào nổ ra được.
Thất bại của Việt Nam Quang Phục Hội đánh dấu sự bất lực hoàn toàn của phương thức hoạt động cách mạng của tổ chức này. Quá trình đó tiếp tục bị thực dân Pháp cấu kết với quân phiệt Trung Quốc ra sức đàn áp khủng bố. Đến cuối năm 1916, Việt Nam Quang Phục Hội hoàn toàn bị tan rã không còn khả năng hồi phục, mặc dù ảnh hưởng của nó vẫn còn theo vào các phong trào khác lúc đó đang tiếp tục bùng nổ.
2. Khởi nghĩa Duy Tân (1916)
Ngay khi chiến tranh nổ ra các sĩ phu là hội viên trong nước của Việt Nam Quang Phục Hội đã chuẩn bị phát động một cuộc khởi nghĩa ở Trung Kỳ. Thái Phiên và Trần Cao Vân đã liên lạc với nhiều bộ phận yêu nước, lấy bộ phận đồng nhất là binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp làm lực lượng chính cho cuộc khởi nghĩa. Qua vận động quần chúng, các thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa được biết vua Duy Tân ở Huế cũng có tâm huyết với việc chống Pháp. Liền đó Thái Phiên và Trần Cao Vân đã mời nhà vua trẻ tham gia lực lượng khởi nghĩa với nhiệm vụ theo dõi kế hoạch của Pháp về việc đưa binh lính Việt Nam đi chiến trường châu Âu và châu Phi.
Công việc chuẩn bị được ráo riết tiến hành từ cuối năm 1915 đến đầu năm 1916. Việc lạc quyên tiền và lương thực, rèn gươm đao, theo dõi hành động giặc Pháp, phối hợp hành động và các ám hiệu khởi sự… tất cả được phân công chặt chẽ và chỉ đợi nhật kỳ khởi nghĩa. Trong lúc đó khắp nơi ở Huế và các tỉnh đồn đại ngày càng nhiều về một cuộc dấy binh; còn thực dân Pháp cũng ngày càng nắm rõ được kế hoạch và lực lượng khởi nghĩa. Chúng muốn bóp chết cuộc khởi nghĩa ngay từ đầu, nhưng không muốn gây nên xáo động trong chính phủ Nam triều. Chúng bí mật theo dõi vua Duy Tân và chuẩn bị hành động đối phó để ngăn chặn cuộc khởi nghĩa nổ ra.
Khi được cấp báo Pháp sẽ đưa binh lính xuống tàu sang chiến trường Tây Âu vào ngày 10/5/1916, Thái Phiên và Trần Cao Vân quyết định khởi sự. Đêm mồng 3 rạng sáng mồng 4/5/1916 việc đưa rước vua Duy Tân trốn khỏi Hoàng Thành vẫn được tổ chức như kế hoạch, nhưng cùng lúc tín hiệu khởi nghĩa bằng súng thần công không được phát ra, còn anh em binh sĩ đã bị cấm trại từ trước đó.
Thế là tiếng súng khởi nghĩa không nổ ra được, quân Pháp đã chủ động điều quân Âu - Phi đàn áp cuộc khởi nghĩa. Vua Duy Tân, Thái Phiên, Trần Cao Vân và nhiều người lãnh đạo khởi nghĩa bị bắt cùng hàng loạt binh sĩ yêu nước.
Khởi nghĩa Duy Tân mới chỉ là một âm mưu khởi nghĩa và đã bị đè bẹp ngay từ trong trứng nước. Nó mang danh nghĩa vua Duy Tân nhưng toàn bộ cuộc khởi nghĩa do nhiều lực lượng tham gia, đó thực sự là một cuộc nổi dậy của quần chúng do các sĩ phu hội viên Việt Nam Quang Phục Hội lãnh đạo.
3. Khởi nghĩa Thái Nguyên (1917)
Cuộc khởi nghĩa lớn nhất của nhân dân ta trong suốt mấy năm chiến tranh thế giới lần thứ nhất là khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917. Đó là một cuộc khởi nghĩa tiêu biểu với sự phối hợp lần đầu tiên và cá hiệu quả của lực lượng tù chính trị phạm với binh sĩ yêu nước Việt Nam trong quân đội Pháp.
Bị cảm hóa và được giác ngộ bởi các chính trị phạm mà đứng đầu là Lương Ngọc Quyến - Ủy viên quân sự của Việt Nam Quang Phục Hội bị bắt năm 1914, các binh sĩ Việt Nam trong quân đội Pháp được giao canh giữ tù nhân do Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn) chỉ huy, đã tích cực chuẩn bị tiến tới một cuộc bạo động. Lương Ngọc Quyến và Đội Cấn đã bí mật liên lạc và phối hợp nhau tổ chức lực lượng, dần dần hình thành hai bộ phận chuẩn bị trực tiếp cho một âm mưu hành động chung là nổi dậy chống Pháp.
Theo kế hoạch, lực lượng chính của cuộc khởi nghĩa là binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp, lực lượng hỗ trợ tích cực là các tù nhân, mục tiêu là đánh chiếm tỉnh lỵ Thái Nguyên, giải phóng hết tù nhân, biến cuộc nổi dậy binh biến thành cuộc khởi nghĩa rộng lớn. Để có uy thế, những người tổ chức khởi nghĩa đã phân công: Đội Cấn là Đại đô đốc Thái Nguyên Quang Phục Quân, Lương Ngọc Quyến là Quân sư. Công việc chuẩn bị được tiến hành tương đối bí mật, nhật kỳ khởi nghĩa cuối cùng được ấn định là dịp lĩnh lương của binh lính, ngày 31/8/1917.
Đêm 30 rạng 31/8/1917, dưới sự lãnh đạo của Đội Cấn, binh sỹ khởi nghĩa đã phá đề lao giải phóng tù nhân. Lực lượng khởi nghĩa được tăng lên nhanh chóng và khẩn trương đánh chiến các vị trí. Sáng 31/8/1917 quân khởi nghĩa làm chủ tỉnh lỵ. Bản “Tuyên ngôn thứ nhất Đại hùng đế quốc năm thứ nhất, tháng 7 ngày 14” do Lương Ngọc Quyến soạn thảo đã nói “Thời cơ đã đến… và hôm nay ta bắt đầu khôi phục lấy tỉnh Thái Nguyên. Lá cờ 5 ngôi sao đã kéo lên phấp phới trên kỳ đài, ta tuyên bố Thái Nguyên độc lập”.
Nhiệm vụ tiếp theo là phải kết hợp vừa mở rộng thắng lợi vừa củng cố kết quả ban đầu, nhưng quân khởi nghĩa chỉ tập trung vào củng cố thắng lợi, bỏ lỡ cơ hội tấn công mở rộng khởi nghĩa. Mặc dù nghĩa quân được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia hỗ trợ, chỉ hai ngày có lực lượng 600 quân với 200 cây súng sẵn sàng bảo vệ kịp thời tập trung lực lượng các nơi về Thái Nguyên đàn áp cuộc khởi nghĩa.
Từ ngày 2 - 5/9/1917 nghĩa quân phải tổ chức những trận chiến đấu quyết liệt, nhưng cuối cùng vẫn không giữ được tỉnh lỵ. Lương Ngọc Quyến đã hi sinh trong những trận chiến đấu cố thủ này. Đội Cấn và nghĩa quân còn lại vừa đánh vừa rút lui. Pháp tiếp tục truy đuổi quân khởi nghĩa. Lực lượng Đội Cấn tiếp tục chiến đấu trên chặng đường dài từ Thái Nguyên sang Vĩnh Yên, Phúc Yên và lên Yên Thế suốt mấy tháng trời. Đội Cấn bị thương nặng trong quá trình ấy, ông tự sát để khỏi lọt vào tay giặc, nhiều người khác đã thay ông lãnh đạo nghĩa quân và hi sinh dũng cảm. Lực lượng mai một dần, đến tháng 1/1918 khởi nghĩa Thái Nguyên nổ những tiếng súng cuối cùng.
Khởi nghĩa Thái Nguyên lúc đầu là một cuộc binh biến, sau là cuộc nổ dậy của quần chúng theo đường lối của Việt Nam Quang Phục Hội. Đó là một đòn mạnh giáng vào thủ đoạn của Pháp dùng người Việt trị người Việt; nó khẳng định ý chí chiến đấu quật cường của các tầng lớp nhân dân yêu nước, bất cứ hoàn cảnh nào cũng không thể bị đè bẹp, ngược lại, nó luôn luôn biết vận dụng mọi cơ hội để bật dậy.
*
* *
Như vậy cho đến khi Đại chiến thế giới lần thứ nhất kết thúc, xã hội Việt Nam đã trải qua hai thập kỷ chuyển biến toàn diện và sâu sắc dưới tác động của thực dân Pháp đã được tiến hành ngay khi chúng vừa kết thúc cuộc vũ trang xâm lược và bình định nước ta.
Chính sách cai trị và khai thác ấy của Pháp, một mặt nó đã gây nên bao tội ác chất chồng đối với nhân dân ta, mặt khác để vơ vét bóc lột, nó cũng phải tạo ra những điều kiện khách quan cho xã hội thuộc địa phát triển. Từ đó, những nhân tố mới trong nền kinh tế - xã hội của dân tộc đã xuất hiện làm cơ sở cho sự tiếp nhận những nhân tố bên trong và bên ngoài như vậy là nguyên nhân của tất cả mọi diễn biến mới vô cùng sôi động trên đất nước ta khi bước vào thế kỷ XX.
Phong trào dân tộc với nhiệm vụ duy tân đất nước, đấu tranh yêu nước giành lại tự do độc lập đã đi theo xu hướng khác nhau của con đường dân chủ tư sản. Sự xuất hiện những phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, với nhiều nội dung hình thức phong phú khác nhau đó cũng là biểu hiện mới của chủ nghĩa yêu nước ấy là đội ngũ các sĩ phu cấp tiến. Họ là sản phẩm của xã hội buổi giao thời, nhưng có ý chí và tinh thần của một tầng lớp mới đang ra đời; họ đã đảm đương nhiệm vụ của một giai cấp mới tiên tiến, mặc dù còn rất nhiều những hạn chế của một giai cấp cũ lỗi thời không thể vượt qua được.
Hòa trong phong trào bừng tỉnh của phương Đông đầu thế kỷ XX, cao trào đấu tranh yêu nước và cách mạng của nhân dân Việt Nam đã ghi thêm vào lịch sử dân tộc những trang bi hùng. Chưa thể giành được thắng lợi cuối cùng trong những thập kỷ đầu tiên ấy, nhưng đã có hàng loạt vấn đề của bài toán khó ấy được đặt ra và bước đầu giải quyết với nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý báu được tích lũy. Đó chính là hành trang của dân tộc bước vào thập kỷ bản lề mười năm sau chiến tranh.

No comments:

About Me

Hochiminh-City, Mien Nam, Vietnam
Tiến sĩ Sử học, giảng viên Truong Dai hoc Khoa hoc xa hoi va nhan van - Đại học Quốc gia TP.HCM