Total Pageviews

Popular Posts

Search This Blog

Followers

Pages

Wednesday, April 20, 2011

60 NAM KINH TE VIET NAM (1945 - 2005)

Đặng Phong

BÀI HỌC VỀ CHỮ DÂN, RÚT TỈA TỪ CHẶNG ĐƯỜNG 60 NĂM KINH TẾ VIỆT NAM

(Tham luận tại hội thảo khoa học kỷ niệm 60 năm cách mang tháng Tám tại Hà nội, ngày 15 tháng 8 năm 2005)

Kể từ ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đến nay, nền kinh tế VN đã trải qua một chạng đường 60 năm. Trong 60 năm đó, đã hiện diện 3-4 thế hệ Việt nam. Thế hệ của tôi, ngót 70 tuổi, có lẽ là thế hệ được nếm trải nhieu thứ “ mùi vị” nhất của chặng đường đó.

Từ năm 1995 tôi may mắn được nhà nước giao biên soạn bộ “Lịch sử 60 năm Kinh tế VN 1945-2005”. Đến nay chúng tôi đã tiến hành công việc được đúng 10 năm. Hai 2 tập đầu đã được xuất bản. Còn tập cuối cùng thì cũng đã gần xong bản thảo.

Hôm nay tôi xin thử rút tỉa từ lịch sử đó một bài học mà tôi tâm đắc nhất từ chặng đường 60 năm qua của nền kinh tế VN. Đó là bài học về chữ DÂN.

Nội dung của bài học này thì không phải là một phát hiện gì mới . Hầu như ai cũng biết cả rồi. Vấn đề chỉ là: thử kiểm điểm lại xem trong 60 năm qua ta đã thuộc bài đến đâu và ta đã vận dụng thế nào.

Nhìn lại chặng đường đã qua, nghiệm thấy rằng lúc nào và ở đâu chúng ta trân trọng chữ Dân trong các chính sách và biện pháp kinh tế thì ta thành công lớn, thậm chí có thể làm nên những kỳ tích. Còn ở đâu và lúc nào mà chữ Dân bị sao nhãng, thậm chí bị trà đạp, thì kinh tế ách tắc, đời sống khó khăn, xã hội không yên...

Như sau cách mạng, trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, không có súng, không có tiền, không có gạo, không có chữ..., nhưng nhờ dân mà ta có phong trào nhường cơm xẻ áo, tấc đất tấc vàng, có Quỹ độc lập, có Tuần lễ vàng, có hũ gạo cứu đói, ta đã chống đói thành công, ta đã xoá được nạn mù chữ, ta chế tạo và mua sắm được vũ khí, ta giữ vững được nền độc lập.

Rồi trong suốt 8 năm kháng chiến gian khổ, cũng nhờ chữ Dân mà bộ đội, cơ quan có cơn ăn, áo mặc, có chỗ ở. Mà bản thân bộ đội, cán bộ, dân công...thì cũng là từ dân mà ra.

Để kiểm nghiêm chân lý này, cũng phải kể rằng đã có lúc do ta ấu trĩ nên đã vi phạm chữ Dân. Ví như năm 1949, ta học tập kinh nghiệm về chủ nghĩa cộng sản thời chiến của Liên Xô mà áp dụng chính sách “hoá giá” trong toàn vùng kháng chiến. Chuyện đó ứng nghiệm lắm. Chính vị bộ trưởng thảo ra chủ trương đó trên đường đi công tác suốt từ Việt Bắc đến khu III gần 2 ngày không có gì ăn, vì chợ không ai họp, hàng quán đóng cửa hết... Một tuần sau đó, chính Chủ tịch HCM đã ký lệnh bãi bỏ chủ trương này, thì chợ lại họp, hàng quán lại mở, đời sống lại bình thường trở lại...

Trong 20 năm kháng chiến chống Mỹ, ta đã dựa vào dân để gây những phong trào Thanh niên 3 sẵn sàng, Phụ nữ 3 đảm đang, Vừa sản xuất vừa chiến đấu, Củng cố hậu phương lớn,Chi viện cho tiền tuyến lớn... Về sự nghiệp lớn lao này, khó nói cho hết nội dung được, nhưng một nhân tố quyết định của mọi thành công của sự nghiệp đó cũng vẫn là chữ Dân.

Ta lại so với chính quyền miền Nam thời đó, với các ông Ngô đình Diệm, Nguyễn văn Thiệu... Xét về năng lực của những chính khách, thì có lẽ họ cũng không đến nỗi kém cỏi lắm. Đã thế, họ lại được chi viện tới mức mà tính ra con số thì chưa có một nước nào trên thế giới được chi viện nhiều đến thế (160 tỷ $). Nhưng ỷ thế Mỹ, họ đã trà đạp lên nhân dân, coi dân như rơm như rác, tự cho mình cái quyền làm những việc như tát nước bắt cá, dồn dân, ủi làng, đốt phá, bắt bớ, tù đầy vô tội vạ, thậm chí định giam cầm toàn thể nhân dân trong những ấp chiến lược để cô lập cách mạng. Nhưng càng làm thế thì càng mất dân. Rút cuộc tuy họ có gần như đủ các thứ, nhưng lại thiếu một thứ, đó là lòng dân, vì lòng dân quả vẫn cứ là “dân cụ Hồ”. Cá vẫn không bắt được, mà nước thì vẫn cứ “ chảy về chỗ trũng”. Bởi vậy họ không thể không thua, không thể không sụp đổ.

Sau khi hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, chúng ta đã có nhiều thành tựu lớn lao trong việc khắc phục những hậu quả của hai chục năm chiến tranh khốc liệt, mau chóng khôi phục kinh tế.

Tuy nhiên có một hậu quả nữa của chiến tranh mà chúng ta đã không khắc phục được kịp thời. Đó là: chiến thắng vĩ đại đã để lại ở nơi này nơi khác bệnh kiêu ngạo, chủ quan duy ý chí, tự coi ý mình đương nhiên phải là và đã là ý dân, nên đã tuỳ tiện đề ra và áp đặt nhiều biện pháp không hẳn là đã hợp lòng dân. Có thể là những biện pháp đó có động cơ cao đẹp. Nhưng nếu vì chủ quan, vì không chịu hiểu thực tế mà định đoạt sai, nếu dân chưa thuận, thì có khi những ý tưởng cao đẹp lại cho ta kết quả ngược lại. Ví như việc vội vàng áp đặt thể chế hợp tác xã trên phạm vi cả nước, ví như việc xây dựng vội vàng những pháo đài kinh tế, tưởng rằng cứ muốn là có thể tuỳ tiện sắp đặt lại giang sơn, ví như việc áp dụng giá mua và bán một cách chủ quan, xa rời thực tế, rồi bắt dân phải theo, đến nỗi bán không được, mua không được, sản xuất không được, tiêu dùng không được, ví như việc ngăn sông cấm chợ và khám xét tràn lan... đều đã gây nhiều phản ứng trong dân. Dân phản ứng thì chính sách không thực hiện được, kinh tế đình đốn, lưu thông ách tắc, đời sống khó khăn... Điều đáng lưu ý là sự phản ứng của dân được thể hiện trên rất nhiều hình thức khác nhau. Có khi là chấp hành thụ động. Có khi là phá rào và làm lén. Có khi là phê bình không chính thức bằng ca dao, bằng truyện tiếu lâm... Đây là thời kỳ có lẽ có nhiều ca dao và tiếu lâm nhất. Nó phản ánh khá đúng tư duy và những phản ứng của dân. Trước những phản ứng đó, thay vì mỗi người hoạch định chính sách phải suy ngẫm lại mình, thì lại chủ quan quy kết cho trình độ giác ngộ thấp của dân, có khi còn quy cho bàn tay địch… Khó có thể chỉ đơn giản coi đó là những chuyện do các thế lực phản cách mạng tung ra, vì nếu đó là của địch thì nó khó lòng được nhân dân truyền khẩu nhanh chóng và rộng rãi đến như vậy. Nếu chúng ta biết lắng nghe và tiếp thu thì có thể sớm điều chỉnh những biện pháp cho thích hợp hơn và có thể khắc phục sớm hơn những sai lầm.

Đó chính là một bài học.

Bài học này ứng nghiệm ngay trong thời kỳ đổi mới. Chúng ta biết, công cuộc đổi mới ở nước ta bắt nguồn từ hàng loạt mũi đột phá. Cách đột phá thì vô cùng phong phú. Nhưng ở đâu cũng có một động cơ chung và mục tiêu chung là: chữ dân. Hơn 5 năm qua, để viết về giai đoạn này, tôi đã có may mắn được gặp và phỏng vấn gần như tất các các vị bí thư và chủ tịch các tỉnh có đột phá, gần như tất các giám đốc và bí thư đảng uỷ của các xí nghiệp có đột phá. Đến đâu tôi cũng đặt một câu hỏi: Các đồng chí làm như vậy là có tham khảo một lý thuyết kinh tế nào không, có một chuyên gia kinh tế nào giúp không? Tất cả đều trả lơi gần như hoàn toàn giống nhau: Không! Duy nhất chỉ vì: Do gần dân, thấy dân cực quá, thấy có nhiều cơ chế không hợp ý dân, thấy có nhiều nguyện vọng và sáng kiến mới trong dân nên quyết tâm tháo gỡ. Có một vị lãnh đạo tỉnh nói với tôi, mà tôi thiết ngĩ đó là tâm trạng chung, tình thế chung của mọi cuộc phjas rào: “Chúng tôi đứng trước một sự lựa chọn thật nghiệt ngã: Thà chúng tôi bị kỷ luật về tội làm trái quy định, nhưng dân no, còn hơn là được giữ nguyên chức tước mà để dân đói”. Đó chính là sức mạnh của chữ Dân. Đó cũng chính là động cơ dẫn đến phá rào. Có nơi thì làm lén rồi báo cáo sau. Có nơi thì vừa làm vừa báo cáo. Có nơi thì báo cáo 1, làm 2, 3... Nhưng tất cả các báo cáo đó đều có một luận cứ cơ bản gần như bất khả kháng là: vì thấy khổ cho dân quá, vì dân kêu, vì dân đòi, vì dân không chịu.Có thể nói chữ Dân là linh hồn của mọi cuộc phá rào. Vì thế nó mới thành công. Vì thế nó mới không dân tới “đại loạn”, mà lại dẫn tới đổi mới.

Nhưng xin chớ vì thế mà hiểu rằng như vậy có nghĩa là chỉ ở địa phương mới có chữ dân, còn ở trung ương thì không có. Cách hiểu này chính là một suy luận rất sai của một số nhà nghiên cứu kinh tế nước ngoài về con đường đổi mới của VN. Thực tế là ở trung ương chữ dân cũng không nhỏ. Không ít bộ óc ở cấp cao đã trăn trở tìm giải pháp tháo gỡ và đồng tình với các cơ sở. Ngay cả những vị lãnh đạo đã từng lên án gay gắt những cuộc phá rào, đến khi thấu hiểu thực tế, đã vỡ nhẽ ra rằng trong những mũi đột phá quả là có chữ dân. Từ đó họ đã sẵn sàng chuyển từ phê phán sang đồng thuận. Con đường ngoạn mục này là phổ biến đối với hầu hết các mũi đột phá. Chữ Dân chính là điểm gặp giữa trung ưong và địa phương trên con đường đó.

Có thể nói công cuộc đổi mới ở VN là con đường đi từ sự thấu hiểu ý dân đến chỗ lựa chọn giải pháp vì dân, do đó được lòng dân và tìm thấy sức mạnh ở dân. Và điều này cũng ứng nghiệm ngay: từ ngày đổi mới bỗng thấy thưa vắng hẳn những ca dao phê bình và truyện tiếu lâm đả kích. Đó há chẳng phải là một trong những thước đo về “hàm lượng” của chữ Dân trong đường lối và chính sách của chúng ta?

Trong những giai đoạn sắp tới, trong sự nghiếp đổi mới và phát triển của chúng ta, có thể tuỳ tình hình của từng giai đoạn mà ta có những thay đổi về các mục tiêu cụ thể, về bước đi và về nhịp độ phát triển, về cơ cấu kinh tế, về phương hướng đầu tư, về thể chế kinh tế, nhưng ở đâu và bao giờ thì chữ dân vẫn là cốt lõi.

Đó chính là một bài học có giá trị tuyệt đối và muôn thuở.

Trong bài học lớn về chữ dân, có một ‘’ bài học tham khảo bắt buộc’’, đó là bài học về đại đoàn kết dân tộc.

Đại đoàn kết chính là sự thể hiện chữ dân trong đời sống chính trị, xã hội và kinh tế. Dân tất không thế chỉ là một hay một vài giai cấp xã hội nào, mà là dân tộc VN. Đại đoàn kết trong kinh tế có nghĩa là tận dụng, là thừa nhận mọi thành phần kinh tế nào ích nước lợi nhà, bất cứ ai có thể góp phần tạo ra sự phát triển đều được trân trọng và khuyến khích.

Nhìn lại lịch sử 60 năm qua, chúng ta nghiệm ra rất rõ rằng khi nào ta thực hiện đúng và thực hiện tốt tư tưởng này thì ta khai thác được thêm rất nhiều sức mạnh, ta thêm bạn bớt thù, kinh tế phát triển,mọi người phấn khởi, xã hội đồng thuận và đi lên. Khi nào chúng ta lấy ý chí chủ quan mà thiên lệch về riêng một vài thành phần nào đó, lấy tình cảm riêng mà cảnh giác và kỳ thị những thành phần kinh tế khác, thì chính là ta làm tê liệt một phần của cơ thể, ta xa rời cuộc sống, kinh tế không theo ý ta, cuộc sống cũng không theo ý ta.

Nhớ lại những ngày đầu lập quốc, tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thực hiện trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế, bất cứ ai có thể tăng gia sản xuất, có thể góp công, góp của, góp nhân, tài, vật lực cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc đều được Chính Phủ khuyến khích và trân trọng. Chính nhờ tư tưởng đó mà có Tuần lễ vàng, có Quỹ độc lập, có phong trào nhường cơm sẻ áo, có phong trào Mùa đông binh sĩ…Cũng nhờ tư tưởng đó mà hầu như toàn dân Việt Nam, kể cả những quan lại cũ, những nhà tư sản, những thân hào thân sĩ đã cùng với cả nước dấn thân cho sự nghiệp cách mạng và kháng chiến. Đã nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng Chính phủ này không phải là của riêng một thành phần giai cấp nào, mà là của toàn thể nhân dân. Ngay từ năm 1945, để cứu đói, phải làm rất nhiều việc. Trong đó có việc trong yếu là đắp đê. Đắp đê thì không chỉ cần có tiền bac và nhân công, mà phải dùng các nhà thầu khoán, vì họ mới có chuyên môn về lĩnh vực náy. Cũng đã có ý kiến cho răng thầu khoán là bóc lột, cách mạng không thể dùng những kẻ bóc lột. Chủ tich HCM đến thăm nơi đắp đê và tuyên bố thẳng: “ Lúc này không phải là lúc xét nét chuyện đó. Lúc này đắp đê là yêu nước, là cứu dân”. Rồi đến năm 1947, một lần trả lời phỏng vấn của báo chí, Chủ tich HCM nói: “Chúng tôi không chủ trương đấu tranh giai cấp. Trái lại chúng tôi chủ trương làm cho tư bản VN phát triển. Đồng thời chúng tôi rất hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản của các nước khác thật thà cộng tác với chúng tôi…”( Toàn tập, T 5, tr 170). Nhờ tinh thần đoàn kết đó, nhờ khắc phục tư tưởng biệt phái, kỳ thị giai cấp, nên cách mạng và kháng chiến đã tập hợp được mọi thành phần xã hội, cô lập kẻ thù, biến sức mạnh vượt trội của kẻ thù về vũ khí thành sự thất thế về chính trị và xã hội …

Trong sự nghiệp kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, sự giúp đỡ quốc tế có ý nghĩa vô cùng to lớn. Thành quả này cũng chính là kết quả rực rỡ của tư tưởng đại đoàn kết.Năm 1947, khi trả lời báo chí về chính sách đối ngoại, Chủ tịch HCM đã trả lời: “ Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai” ( Tập 5, tr.220)

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ngay trong thế giới XHCN đã có nhiều mâu thuẫn, nhưng VN vẫn kiên trì thái độ doàn kết quốc tế nên hầu hết các nước bạn của chúng ta dù có nhiều bất đồng với nhau vẫn nhất trí với nhau trong việc giúp Việt Nam. Đặc biệt phong trào phản chiến ở các nước phương Tây, nhất là tại chính nước Mỹ, đã có tác dụng to lớn trong việc kiềm chế sự can thiệp của Mỹ vào miền Nam Việt Nam.

Trong khi đó, chính quyền VN Cộng hoà ở miền Nam đã vi phạm nghiêm trong tinh thần đoàn kết đân tộc. Ngô đình Diệm một mực khước từ tổng tuyển cử. Đã vậy lại luôn luôn hô hào Bắc tiến. Còn trong phần lãnh thổ miền Nam, họ tự gọi mình là chính phủ Quốc gia. Nhưng trong thực tế thì quốc gia chỉ là vật tế thần cho một nhóm chính trị hạn hẹp của họ. Trong chính phủ Ngô đình Diệm, thì đó là gia đình họ Ngô và những thành phần công giáo chống cộng. Phật giáo bị trà đạp tàn bạo. Các giáo phái khác được đối thoại bằng xe tăng và đại bác. Trong chính phủ Nguyễn Văn Thiệu thì cái quốc gia đó chỉ là một nhóm những tướng tá và chính khách tham nhũng và tư lợi, họ liên tục chống đối nhau và đảo chính nhau. Mỹ bao năm ao ước có một ai đó đoàn kết và tập hợp được các lực lượng ở miền Nam, nhưng cho đến khi miền Nam sụp đổ cũng vẫn chưa có ai đảm đương được việc đó. Mất đoàn kết là món ăn hàng ngày của chính quyền Nam VN. Trong những chuyến đi làm việc ở hải ngoại, tôi hay được nghe các chính khách của miền Nam cũ phàn nàn về chuyện miền Nam mất vào tay Cộng sản. Đồng thời họ cũng rất thẳng thắn kể tội nhau về những chuyện tham nhũng, đấu đá cùng những thối nát của chính trường. Rất lạ là họ vẫn chưa liên kết được hai chuyện nhân quả này với nhau.

Còn ở miền Bắc thì đương nhiên khối đại đoàn kết dân tộc đã tạo nên sức mạnh vô địch của sự nghiệp kháng chiến cứu nước.

Tuy nhiên cũng có một số giai đoạn lịch sử không ngắn, tư tưởng Đại đoàn kết này đã bị xao nhãng. Việc tiến hành cải tạo bàng cách xoá sổ một cách đơn giản và tuỳ tiện những nhà kinh doanh tư nhân ở miền Bắc cuối thập kỷ 50 và những việc làm tương tự ở miền Nam cuối thập kỷ 70 quả là đã không mang laị kết quả như mong muốn. Một mặt thì như vậy là đã sao nhãng tình nghĩa đối với những người đã thực sự đóng góp cho kháng chiến. Mặt khác nó đã triệt tiêu đi một nguồn lực kinh tế quan trọng rất cần cho sự phục hồi và chấn hưng kinh tế sau chiến tranh. Đồng thời nó cũng không đem lại lợi ích cho chính những thành phần cơ bản, vì nó không làm cho kinh tế thêm ổn định và phát triển,gược lại, lâm vào tình trạng của nền kinh tế thiếu hụt. Mà đã ở trong nền kinh tế thiếu hụt, thì chính những thành phần cơ bản lại là nạn nhân trước tiên của sự thiếu hụt đó.

Rất đáng mừng là từ Hội nghị TƯ lần thứ 6 vào tháng 9 năm 1979 chúng ta đã sớm thấy thấm đòn và đã có những bước chuyển biến mạnh về tư tưởng kinh tế. Đó là chủ trương bung ra và cởi trói cho sản xuất. Chủ trương này chính là kích thích tố quyết định cho những mũi đột phá tiếp theo để đi tới công cuộc đổi mới toàn diện nền kinh tế, mà một trong những nội dung cơ bản là thừa nhận mô hình kinh tế nhiều thành phần, cũng tức là chính thức phủ nhận sự kỳ thị đối với các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa. Hiện chưa thể đo và cũng khó đo được vai trò của chủ trương này trong sự tăng trưởng ngoạn mục những năm qua. Nhưng chắc chắn là việc khôi phục lại tinh thần đại đoàn kết trong kinh tế đã góp một phần không nhỏ trong nhưng thành tựu vừa qua.

Trên bình diện quốc tế, nếu trước đây chúng ta đã nhờ khối đoàn kết quốc tế mà giành được thắng lợi trong chiến tranh, thì trong thời kỳ đổi mới và phát triển, nhờ khôi phục tư tưởng Hồ chí Minh “ Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”, với lời tuyên bố muốn làm bạn với mọi nước trên thế giới, chúng ta đã khắc phục được tình thế một mình một chợ, chúng ta đã tận dụng được ngoại lực để phát huy thêm nội lực. Cũng từ đó chúng ta lại được sống trong tình thân ái và trọng nể của bạn bè khắp năm châu.

Tưởng đó cũng là một bài học lớn nữa.

About Me

Hochiminh-City, Mien Nam, Vietnam
Tiến sĩ Sử học, giảng viên Truong Dai hoc Khoa hoc xa hoi va nhan van - Đại học Quốc gia TP.HCM