Total Pageviews

Popular Posts

Search This Blog

Followers

Pages

Wednesday, April 20, 2011

QUOC HIEU VIET NAM QUA CAC THOI KY

Quốc hiệu Việt Nam

Quản Hùng

Quốc hiệu Việt Nam thay đổi khá nhiều theo dòng lịch sử của dân tộc Việt Nam . Nó còn biểu lộ sự tiến hóa của quốc gia và dân tộc Việt qua các thời kỳ lịch sử.

I. ĐỊNH NGHĨA QUỐC HIỆU

Quốc hiệu là tên chính thức của một quốc gia. Quốc hiệu có nhiều ý nghĩa.

1. Nó biểu lộ chủ quyền của quốc gia trên vùng lãnh thổ của mình. Nó có thể khác với tên địa lý được gắn cho vùng đất hay vùng dân cư đó. Thí dụ : Chiêm Thành là tên Việt Nam gọi người Chàm, tên Giao Chỉ thường dùng để chỉ giống dân Cổ Việt trong vùng Bắc Việt Nam ngày xưa, nó khác với quốc hiệu Văn Lang thường được gán cho thời kỳ tiền sử này. Đó là phương diện địa lý của quốc hiệu.

2. Quốc hiệu cũng thường biểu lộ các yếu tố chính trị cho vùng đất hay cư dân chủ thể của quốc hiệu. Nó là danh xưng chính thức được dùng trong ngoại giao và bang giao quốc tế. Thí dụ: cho đến trước năm 1804 Việt Nam luôn luôn có hai quốc hiệu : một quốc hiệu dùng trong nước như Đại Cồ Việt, Đại Việt nhưng mặt khác người Trung Hoa láng giềng phương Bắc lại gọi Việt Nam là AN NAM.

3. Trong thời cận và hiện đại, quốc hiệu thường biểu lộ thể chế chính trị hay ước muốn chính trị của quốc gia. Quốc hiệu có thể nhấn mạnh về chế độ chính trị như chế độ xã hội hay cộng sản như Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, hay chế độ cộng hòa như Việt Nam Cộng Hòa. Đối với Việt Nam, chúng ta có đầy đủ những quốc hiệu theo địa lý hay chính trị theo dòng lịch sử vẻ vang của dân Việt

II. QUỐC HIỆU Việt Nam THEO THỜI GIAN

* Năm 2879 trước Tây Lịch: Kinh Dương Vương làm vua nước XÍCH QỦY

* Năm 690-258? trước CN: Vua Hùng Vương đặt tên nước là VĂN LANG

* Năm 257? - 208? trước CN : An Dương Vương chiếm Văn Lang, lập nước ÂU LẠC đóng đô ở Cổ Loa.

* Năm 208- 111 trước CN: Triệu Đà (Zhao Tuo) tướng nhà Tần chiếm Âu Lạc, lập nước NAM VIỆT

* Năm 111 trước CN đến 542 sau CN: Việt Nam bị Trung Hoa đô hộ. Việt Nam lúc đó gọi là Giao Châu và được coi như một quận thuộc Trung Hoa, do các thai thú cai quản nên không có quốc hiệu. Năm 40-43, Hai bà Trưng lên làm vua nhưng không thấy ghi quốc hiệu.

* Năm 542-602: Lý Bôn tự xưng Lý Nam Đế lập nước VẠN XUÂN, đóng đô ở Long Biên.

* Năm 679-938: Nhà Đường lập AN NAM ĐÔ HỘ PHỦ. Tên AN NAM có từ đây.

* Năm 938 Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán mở đầu thời kỳ độc lập của nước ta nhưng phảỉ đợi đến năm 968 Đinh Tiên Hoàng dẹp được 12 sứ quân, thống nhất đất nước, mới đặt quốc hiệu là ĐẠI CỒ VIỆT. Năm 972, Trung Hoa chính thức công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập.nhưng vẫn phong cho Vua Đinh Tiên Hoàng làm GIAO CHỈ QUẬN VƯƠNG

* Tuy vậy Trung Hoa tiếp tục gọi Đai Cồ Việt là Annam và coi như là một phiên thuộc.Năm 1054, Lý thánh Tông đổi quốc hiệu là ĐẠI VIỆT. Năm 1164. Trung Hoa đổi tên GIAO CHỈ thành AN NAM QUỐC và phong cho vua Lý Anh Tông làm AN NAM QUỐC VƯƠNG

*Năm 1400-1407 Nhà Hồ đặt quốc hiệu là ĐẠI NGU

* Năm 1407-1804 : Quốc hiệu ĐẠI VIỆT được dùng trong nhiều thời kỳ.

* Năm 1804: Trung Hoa công nhận quốc hiệu Việt Nam * Năm 1831, Vua Minh Mạng đổi thành ĐẠI NAM

9/3/1945-24/8/1945: Việt Nam

2/9/1945- 2/7/1976: Việt Nam DÂN CHỦ CỘNG HÒA

8/3/1949- 26-10-1955: QUỐC GIA Việt Nam

26-10-1955 đến 30-4-1975: Việt Nam CỘNG HÒA

2/7/1976: CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Việt Nam

III. Ý NGHĨA CỦA QUÔC HIỆU Việt Nam

A - Quốc hiệu: Ý nghĩa văn hóa

Lịch sử của nhiều quốc gia dân tộc như Trung Hoa, Nhật, Việt, thường bắt đầu bằng những huyền thọai. Chính trong những truyện truyền kỳ thần thọai, tuy có thể do người đời sau sáng tác ra, nhưng đã lưu truyền trong nhiều ngàn năm nên có thể ẩn chứa những dấu vết văn hóa lịch sử.

Giống như vậy, quốc hiệu Việt Nam trong thời huyền sử cũng ẩn chứa những dấu vết của nền văn hóa Cổ Việt thời xa xưa.

Hai quốc hiệu thời huyền sử gây nhiều tranh cãi là XÍCH QUỶ và VĂN LANG.

Quốc hiệu Xích Quỷ, còn gọi là Thích Quỷ, theo Việt Nam Sử Lược, là có nguồn gốc từ thủy tổ của người Việt là Kinh Dương Vương. Sách chép:

Cứ theo tục truyền thì vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông đi tuần thú phương Nam đến núi Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau, đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua Phuơng Bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là XÍCH QỦY. Bờ cõi nước Xích Qủy bấy giờ phía Bắc gíáp Động Đình Hồ (hồ Nam) phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành) phía tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên) phía đông giáp biển Nam Hải. Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào quãng năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây Lịch) và lấy con gái Động Đình Quân là Long nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua xưng là Lạc Long Quân.

Đây là câu chuyện truyền kỳ, có thể do người đời sau viết ra nhưng phản ảnh nhiều điểm lý thú để tranh luận. Trước hết, nó có thể xác nhận sự khác nhau giữa hai nền văn hóa: văn hóa Trung Hoa ở phương bắc hồ Động Đình với nền văn hóa Bách Việt ở phía Nam sông Dương Tử. Danh xưng Xích Quỷ có liên hệ đến mầu đỏ (Xích = mầu đỏ). Xích Đế là Vị Thần Lửa phương Nam (1), Quỷ là Ma quỷ (2) Người Á Châu thường có thói gọi người lạ là quỷ như Bạch Quỷ, Hắc Quỷ. Chữ Quỷ còn có nghĩa là tên một vị sao trong nhị thập bát tú ( 3)

Chúng ta hẳn còn nhớ rằng trên mặt những trống đồng Đông Sơn của dân Lạc Việt, tức dân Cổ Việt, đều có điêu khắc những vòng tròn vớí những ngôi sao. Các nhà nghiên cứu thường cho rằng những biểu tượng này liên hệ đến tục thờ Thần Lửa và tục thờ Thần Mặt Trời. Quốc hiệu đầu tiên của dân Việt là XÍCH QỦY phải chăng chính là tục thờ mặt trời này chăng? Trong địa phận người Cổ Việt cũng có từ Nhật Nam, mặt trời phương Nam, cũng có liên hệ đến truyền thuyết này chăng? Một trong những vua cổ Trung Quốc là Viêm đế ( viêm = nóng, tượng trưng cho lửa), ý nói đến hỏa đức tức lòng nhân ấm áp. Viêm Đế là vị Hoàng đế nhân từ thương dân (4)

Quốc hiệu thứ hai là VĂN LANG, chắc cũng do đời sau thêm vào vì theo những thư tịch cổ sử thì vào đời các vua Hùng, chưa có văn tự rõ ràng. Văn Lang có nghĩa là quốc gia của những người có văn học, chứng tỏ không thua kém dân phương bắc. Theo Trần Gia Phụng thì Văn là vẻ đẹp, Lang theo chữ nho gồm chữ lương và bộ ấp”. Nói chung Văn Lang là vùng đất của những người lương thiện, thể hiện giá trị tư văn cao quý mà trời giao phó cho con người (5). Chữ LANG gợi cho chúng ta danh từ các quan Lang của những đồng bào Mường mà ngày nay thường được coi như cùng bọc trăm trứng với chúng ta không? Theo bác sỹ Hồ văn Châm dẫn theo GS Lê Hữu Mục thì VĂN tức là MÔN, LANG tức là LÀNG. Văn Lang là Làng Môn hay Làng của người Môn ( phát biểu trong Mạn đàm ngày 28-10-2007)

Văn Lang được coi là quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam . Quốc gia này có kinh đô đặt ở Phong Châu, với lãnh thổ gồm khu vực đồng bằng Bắc Bộ và ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ. Quốc gia này tồn tại cho đến năm 258 trước CN. Về sau, Thục An Dương Vương chiếm được Văn Lang của các vua Hùng, sát nhập các bộ lạc Lạc Việt với Âu Việt thành nước Âu Lạc.

Theo Đào Duy Anh thì Âu Lạc gồm hai bộ tộc quan trọng là Tây Âu và Lạc Việt. Cuộc liên kết giữa các bộ lạc Bách Viêt này biểu lộ qua Quốc hiệu thứ nhì là ÂU LẠC của dân Cổ Việt. Gần đây, theo tác gỉa Trương Thái Du, Âu Lạc là ký âm Hán tự của cụm từ “Đất nước xứ sở “.Ông cho rằng không có quốc gia Âu Lạc của Vua An Dương Vương. Suốt vùng Lĩnh Nam gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Bắc Việt Nam, người ta gọi nơi sinh sống của mình là “Đất nước”, tức “Âu Lạc “(6)

B- Quốc Hiệu và thái độ nước lớn của Trung Hoa

Khoảng năm 208 trước CN, Triệu Đà, một tướng của Tần Thủy Hoàng mang quân sang chiếm Âu Lạc. An Dương Vương thất bại, nhà nước Âu Lạc bị xóa sổ. Triệu Đà đặt quốc hiệu là NAM VIỆT

Nam Việt là quốc hiệu thời nhà Triệu (207 TCN-111 TCN). Vấn đề là quốc hiệu này có phải là một quốc hiệu của nước Việt Nam hay không? Triệu Đà là người Hán, quê huyện Chân Định, nhân lúc nhà Tần suy loạn đả nổi lên, lập ra nhà Triệu, lấy quốc hiệu là Nam Việt. Sử gia Lê văn Hưu và Ngô Sỹ Liên công nhận sự chính thống của nhà Triệu (7) và do đó công nhận quốc hiệu Nam Việt. Vua Quang trung, sau khi đánh bại quân Thanh năm 1789 đã có ý định đòi đất hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây với lý do đây là đất cũ của Nam Việt thời Triệu Đà

Nếu coi như Triệu Đà và Nam Việt không nằm trong dòng chính thống của dân Việt thi cũng có thể coi Triệu Đà mở đầu cho hơn 1000 năm Bắc thuộc về sau. Trong thời gian này, Trung Quốc coi Việt Nam như môt quận huyện của Trung Hoa, nên vấn đề quốc hiệu không được đặt ra. Tuy vậy, mỗi khi nổi lên dành độc lập, thủ lãnh dân Việt thường tự xưng vương. Thí dụ: Năm 544 đến 602, Lý Nam Đế khởi nghĩa, đặt quốc hiệu là VẠN XUÂN mặc dù Trung Hoa coi như không có quốc hiệu này.

Trong suốt thời kỳ Bắc Thuộc, từ 110 TCN đất đai Giao Chỉ được chia thành 2 quận là Giao Chỉ và Cửu Chân mà đứng đầu mỗi quận là thái thú, Năm 679 nhà Đường lập AN NAM ĐÔ HỘ PHỦ.

Tên An Nam trở thành quốc hiệu người Trung Quốc chỉ quốc hiệu Việt Nam đã có từ đây. Còn danh từ An Nam đã có trong thư tịch cổ Trung Hoa từ lâu ( mạn đàm 28-10-2007)

Ngay trong những thời gian đầu của thời kỳ Bắc Thuộc, Trung Hoa luôn luôn coi Xứ Giao Chỉ là nơi xa xôi man di mọi rợ. Theo học thuyết Khổng Mạnh, với tư tưởng Thiên Mệnh, người cầm đầu nhà Nước tự coi là Thiên Tử và coi Triều đại của họ là Thiên Triều. Họ tự coi mình ở giữa vũ trụ (Trung Quốc ) xem dân tộc mình là tinh hoa . Hoa làm chủ Trung Quốc còn các nước xung quanh là Nhung, Di, Man, Dịch. Họ gọi những người rợ phương bắc là Bắc Dịch, phương Tây là Tây Nhung, phương đông là Đông Di. Còn phương Nam la Nam Man, trong đó có người Việt Nam chúng ta. Chính vì thế nên danh từ An Nam có tính cách miệt thi và Trung Hoa tiếp tục sử dụng danh từ này như quốc hiệu chính thức cho Việt Nam đến tận năm 1804, đời Nguyễn Gia Long dù sau này Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lâp với những quốc hiệu khác nhau.

Ngay cả năm 939, Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán, tự xưng vương, lập Hoàng Hậu, định triều nghi, Trung Hoa tiếp tục coi Việt Nam như là một quận huyện của họ.Vì thế họ chỉ phong cho Ngô Xương Ngập là con Ngô Quyền, làm TĨNH HẢI QUÂN TIẾT ĐỘ SỨ.

Năm 972 vua Đinh Tiên Hoàng cũng chỉ được Tống Thái Tổ phong cho làm GIAO CHỈ QUẬN VƯƠNG. Ba năm sau mới chiụ phong là NAM VIỆT VƯƠNG. Theo sử lệ Trung Hoa thì từ đời nhà Chu (1122-240 TCN ) chỉ có “cộng chủ” thiên hạ mới được phong tước Vương. Các vua chư hầu chỉ được phong là Công, Hầu, Bá,Tử, Nam. Về sau nhiều chư hầu cũng tự xưng là VƯƠNG. Đến nhà Tần, vua Trung Hoa mới xưng là Hoàng Đế. Đến nhà Hán, Trung Hoa chia các chư hầu thành quận huyện do Triều Đình trực tiếp cai tri. Đó là chính sách “Quận Quốc”. Tùy theo lớn nhỏ, người cầm đầu được phong tước VƯƠNG (Quốc Vương) hay HẦU (Vương Hầu) Tất cả đều là phiên thuộc(8).

Đến năm 1175 đời Lý Anh Tông, Trung Hoa mới chịu cống nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập và phong cho Lý Anh Tông làm AN NAM QUỐC VƯƠNG. Phan Huy Chú nhận xét: “

Nhà Đinh, nhà Lê khi mới dựng nước,cầu phong chỉ phong làm KIỂM HIỆU THA1 SƯ, GIAO CHỈ QUẬN VƯƠNG, lâu rồi mới được tiến lên NAM BÌNH VƯƠNG. Các vua nhà Lý đều nối theo như thế cả. Đến Lý Anh Tông cầm chính quyền việc bang giao đầy đủ ân cần, được vua Tống khen ngợi mới cho tên nước, phong làm Chân vương. Về sau các triều nối nhà Tống nổi lên tuy muốn làm cho nhỏ đi mà không thể đổi khác được. Nghi điển long trọng ít có, mấy trăm năm chưa từng thấy, cái công khởi xướng kể cũng là to”(9)

Tuy vậy, Trung Hoa ngoan cố vẫn coi Việt Nam như một quận huyện của mình dù phải công nhận Việt Nam là một quốc gia riêng. Nó biểu lộ trong cách gọi quốc hiệu AN NAM và phong cho vua Việt Nam là AN NAM QUỐC VƯƠNG, dù biết rằng các vua Việt Nam thường có quốc hiệu riêng để dùng trong nước. Các vị vua Việt Nam thường phải chiều theo Thiên Triều Trung Hoa để Trung Hoa không tìm được lý do xâm lăng nước Việt. Việc xin phong vương, cũng như việc triều cống theo quy định là những việc đặc biệt trong quan hệ ngoại giao giữa nước ta và Trung Hoa. Việc xin phong vương của các triều đại phong kiến Việt Nam cũng trải qua nhiều khó khăn, không không phải là ngay từ đầu đã được phong vương ngay.Việc phong vương cho các vua Việt Nam có ý nghĩa khẳng định tính chính thống của một người đã được Thiên Triều đồng ý công nhận, chính danh định vị, khẳng định tính hợp pháp của một Triều đại hay một ông vua, nhất là khi có sự thay đổi từ triều đại này sang triều đại khác. Từ đó Thiên Triều Trung Hoa có nghĩa vụ bảo vệ an ninh, sự toàn vẹn lãnh thổ cho quốc gia hay xứ đuợc công nhận, không thể vô cớ sang xâm lăng, trừ trường hợp nước đó trái đạo trời.

Ngoại trừ những vua Việt Nam tiếm chiếm ngôi vua như Mạc hay Hồ, thái độ nước lớn của Trung Quốc, coi Việt Nam như phiên thuộc, khiến cho Triều Đình Việt Nam phải thi hành những chính sách đặc biệt. Trước hết, đấu tranh chống kỳ thị bằng cách:

* Một mặt, trong các bài biểu, trần tình, thư, công văn phúc đáp, Triều đình Việt Nam và các sứ thần thường dùng những lời lẽ hết sức nhún nhường, khiêm tốn, hạ mình, tâng bốc sự sáng suốt của các Thiên Triều. Tuy hết sức nhún nhường nhưng bao giờ các văn biểu cũng giữ vững nguyên tắc là bảo vệ nền độc lập và chủ quyền dân tộc, khước từ mọi yêu sách vô lý làm hại đến quốc thể. Qua những văn kiện ngoại giao dưới đời Trần và Tây Sơn, ta thấy biểu lộ chính sách ngoại giao khôn khéo mà cương quyết này.

* Một mặt, khi đón tiếp sứ thần phương Bắc thì các vua Việt Nam thường tìm cách khoa trương sức mạnh quân sự và văn hóa của mình. Sử chép: Năm 990, Vua Tống Thái Tông sai hai sứ thần là Tống Cảo và Vương Thế Tắc đem chế sang phong cho Vua Lê Hoàn chức Đặc Tiến ( một chức quan to dưới hàng Tam công, chỉ những vua Chư Hầu có công đức được Triều Đình kính trọng mới được phong chức này) Vua Lê sai tướng là Đinh thừa Chính đem thủy quân gồm 9 chiến thuyền đến Thái Bình quân (Quảng Châu) đón sứ. Sự đón tiếp sứ thần cố làm vẻ sơ sài, kiêu ngạo. Khi sứ Trung Hoa sắp đến kinh đô mới có gian nhà lợp tranh đề chữ Àmao kinh dichÀ( Trạm qua đường lợp cỏ tranh) Đến khi quân ra đón ở ngoài thành thì quân dụng lộng lẫy, cờ xí dàn bầy khắp nơi. Vua Lê Đại Hành cùng sứ thần Tống Cảo dong ngựa đi song song. Theo sách Đại Việt Sử Ký Tòan Thư thì vua Lê đã cho bày thủy quân và chiến cụ để tỏ ra quân đội nghiêm minh, đã đánh thắng Chiêm Thành và cũng sẵn sàng bảo vệ đất nước nếu nhà Tống xâm lăng. Điểm đặc biệt là khi vào đến cung vua, đến cửa Minh Đức, vua giơ tay đón lấy bài chế của vua Tống từ tay sứ thần Tống Cảo để lên trên điện nhưng không lạy, lấy cớ bị đau chân vì ngã ngựa. Sử Trung Hoa cũng xác nhận vua Lê không chịu lạy. Nên nhớ là khi tiếp chiếu của Vua Trung Hoa, vua Việt Nam phải lạy 3 lạy 5 vái, vái Khâm sứ Tàu 2 vái (nhà Nguyễn)(10)

*Mặt khác, để tỏ nước Việt Nam là một nước có văn hiến, nên ngay từ nhà Đinh, các vua nước ta cũng rất thận trọng trong việc cử sứ thần đi sứ. Ngay từ đời Lý, vua cử sứ thần là những người có học vấn như Đào Tôn Nguyên, Lê văn Thịnh. Đời Trần cử những người gỉỏi như Phạm Sư Mạnh, Mạc ĐĩnhChi... Từ đời Lê, phần lớn những sứ thần đều là người đã đỗ Tiến sĩ, bởi vậy nhiều sứ thần như Mạc Đĩnh Chi được người Tầu kính phục văn tài đối đáp nên phong cho là Lưỡng Quốc Trạng Nguyên. Họ lại còn là những người có dũng khí can đảm, không sợ chết để bảo vệ chính nghiã quốc gia. Nhiều sứ thần đã hy sinh như Lê Quang Bí bi giam 18 năm thời nhà Nguyên, Nguyễn Biểu bi thử thách ăn thịt đầu người rồi bị dìm chết...

* Các sứ thần còn phải tranh đấu đòi Trung Hoa phải bỏ lệ cống người vàng thay thế tướng Liễu Thăng chết trận. Đó là công của sứ thần Nguyễn Công Hãn đời Hậu Lê (Lê Dụ Tông, 1718) Nhưng gay cấn và dai dẳng là cuộc đấu tranh chống thái độ của Trung Hoa coi Việt Nam là một nước Man Di mọi rợ. Rất nhiều phái đoàn bang giao Việt Nam đều tìm cách chống lại cách gọi khinh bỉ đó. Năm 1762 khi sứ bộ Trần Huy Mật sang cống, các quan lại nhà Thanh vẫn dùng chữ di quan, di mục để gọi sứ thần ta.

Lê Qúy Đôn đã phản bác lại cách dùng khinh miệt đó để buộc Trung Hoa phải gọi sứ thần Việt Nam là “An Nam Cống Sứ “.

Năm 1790 thời Tây Sơn, chúng vẫn gọi sứ thần ta là “di quan”, Võ Huy Tấn đã phản bác và làm thơ biện luận tỏ rõ sức mạnh của ta. Cho đến tận thế kỷ 19, năm 1831, khi Lý Văn Phúc đi sứ bọn quan lại nhà Thanh lại dùng chữ “di quan”,Lý Văn Phúc đã phản đối, buộc chúng phải sửa đổi.

Mặc dù thế, quốc hiệu AN NAM do người Trung Hoa đặt cho Việt Nam không thay đổi đến tận năm 1804, là năm họ công nhận quốc hiệu mới là Việt Nam. Quốc hiệu An Nam cũng bị người Tây phương dùng trong thời hiện đại để chỉ Việt Nam .

Vua quan Việt Nam dùng hình thức khác để chống lại cái danh từ đầy tính cách miệt thị này. Trước hết, tuy bề ngoài nhận phong vương, được thiên triều gọi là AN NAM QUỐC VƯƠNG, ban cho sắc phong và ấn vàng tượng trưng cho quyền lực của thiên triều, nhưng những thứ đó luôn được cất kỹ. Ấn thiên triều chỉ dùng trong văn thư ngoại giao với Trung Hoa, còn trong nước thì các vua Việt Nam vẫn xưng là Hoàng Đế ngang hàng với Hoàng Đế Trung Hoa. Nước Việt Nam từ thời nhà Đinh đã có những quốc hiệu chính thức dùng trong nước và trong sử sách Việt Nam . Cũng để tỏ ra ngang hàng với Trung Hoa, các quốc hiêu này thường có ý nghiã nêu rõ một nước Việt to lớn, vĩ đại, đó là các quốc hiệu ĐẠI CỒ VIỆT, ĐẠI VIỆT, ĐẠI NGU. ĐẠI NAM.

C-Quốc Hiệu Việt Nam thời độc lập

1. Đại Cồ Việt (968-1053)

Nếu Vạn Xuân có thể là quốc hiệu đầu tiên của dân Việt thì Đạị Cồ Việt là quốc hiệu chính thức đầu tiên trong thời kỳ nước ta đã dành được độc lập. Sau khi dẹp xong 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên làm vua năm 968, đặt quốc hiệu là ĐẠI CỒ VIỆT. Quốc hiệu này có hai cách gíải thích: Cách thứ nhất là xem Cồ là một chữ thuần Nôm.Theo Đại Nam Quấc Âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, xuất bản tại Saigòn năm 1896, quyển I trang 177 thì Cồ là lớn, ví dụ vịt cồ, gà cồ. ( 11) Nếu theo cách giải thích này thì Đại Cồ Việt là nước Việt lớn, lớn tức là hai lần lớn. Vào thời Phùng Hưng, đã có danh hiệu thuần Nôm Cái trong Bố Cái Đại Vương và người Việt miền Bắc thường dùng từ “cáí “ để chỉ chữ lớn như sông Cái, chữ Cái...

Cách gỉải thích thứ nhì là xem chữ Cồ là một chữ Nho. Trần Gia Phụng cho biết như sau : Căn cứ trên cách viết quốc hiệu Đại Cồ Việt theo lối chữ Nho của Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược và dựa vào sách Từ Hải, do Thương vụ Ấn thư quán xuất bản tại Thượng Hải năm 1935, trang 954, chữ “Cồ” gồm ở trên hai chữ ÀmụcÀtượng trưng cho cặp mắt (mắt sáng), ở dưới là chữ “ chuy” là tên chung của những loài chim đuôi ngắn. Ghép chung hai chữ mục và chuy thành chữ cù đọc trệch là cồ có nghiã là loại chim ưng, mắt sáng đuôi cụt. Loại chim nầy cũng có thể là những chim cắt, chim đại bàng thỉnh thoảng ngày nay còn bắt gặp trong các vùng rừng núi Việt Nam (12).

Tự Điển Hán Việt của Đào Duy Anh cũng cho rằng cồ là sức trông xa của chim ưng (13). Nếu hiểu chữ cồ là loại chim ưng mắt sáng thì quốc hiệu Đại Cồ Việt có ý nghiã là Nước Việt có chim ưng lớn mắt sáng” hoặc Nước Việt lớn có loại chim ưng mắt sáng”

Nếu Đào Duy Anh cho rằng vật tổ của dân Lạc Việt là những chim lạc có khắc trên trống đồng,thì có thể chim ưng là biểu tượng Việt Nam thời Nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý cho đến năm 1054 chăng?

2. ĐẠI VIET(1054-1399)

Nhà Đinh (968-980) trị vì được 12 năm thì Lê Hoàn thay thế, lâp ra nhà Tiền Lê (980-1009). Năm 1010, Lý Công Uẩn thay thế nhà Tiền Lê, lập ra nhà LÝ, mở đầu thời kỳ hưng thịnh của nước ta. Trong suốt thời kỳ này, Trung Hoa tiếp tục coi Việt Nam là một quận huyện của họ và chỉ phong cho vua ta chức GIAO CHỈ QUẬN VƯƠNG. Năm 1164, khi bi rợ Kim uy hiếp phía bắc và năm 1075, Lý Thường Kiệt đem quân sang đánh các châu Khâm, Liêm, Ung, Nhà Tống với vua Tống Hiếu Tông mới chịu đổi tên nước ta với quốc hiệu mới là AN NAM QUỐC và phong vua ta làm AN NAM QUỐC VƯƠNG năm 1175

Phan Huy Chú cho biết: Về sau ở Trung Hoa, các triều đại nối nhà Tống, tuy muốn làm cho nhỏ đi mà không thể đổi khác được. (14).

3. ĐẠI NGU (1400-1407)

Đại Ngu là quốc hiệu Việt Nam đời nhà Hồ. Sau khi đảo chánh nhà Trần, Lê Quý Ly lên làm vua. Lê Quý Ly vốn dòng dõi người Chiết Giang bên Trung Hoa. Ông tổ là Hồ Hung Dật di cư sang Cổ Việt thời Ngũ Đại (907-959). sinh sống tại làng Bào Đột, huyện Quỳnh Lưu Diễn Châu ( Nghệ An ), sau con cháu Hồ Hưng Dật là Hồ Liêm di sang Thanh Hóa, vào làm con nuôi Lê Huấn nên chuyển sang họ Lê tức Lê Liêm. Quý Ly là cháu 4 đời của Lê Liêm nên khi làm vua, Quý Ly trở lại họ Hồ. Theo truyền thuyết Trung Hoa, con của Ngu Yên là Vĩ Mãn, thuộc dòng dõi vua Thuấn, người nước Ngu, được Vua Vũ Vương nhà Chu phong cho ở đất Trần gọi là Hồ Công. Nên nhớ rằng chữ Đại Ngu thì chữ “ngu” ở đây có nghĩa là sự yên vui, chứ không phải là ngu si. Ngu còn là danh hiệu của nứơc Ngu thời Ngu Thuấn (2255-2208 tcn) Có lẽ Quý Ly mơ xây dựng một Đại Việt hoàng kim như thời Nghiêu Thuấn chăng?

Năm 1407, nhà Minh, dù đã sắc phong cho Hồ Hán Thương làm An Nam Quốc Vương năm 1403, vẫn đem quân xâm lăng Đại Ngu, bắt gia đình Hồ Quý Ly, xóa quốc hiệu Đại Việt, thi hành chính sách đồng hóa triệt để.

4. ĐẠI VIỆT (1428-1804)

Năm 1418, Lê Lợi khởi nghiã ở Lam Sơn. Mười năm sau, Lê Lợi toàn thắng quân Minh, lên làm vua tức vua Lê Thái Tổ, đặt trở lại quốc hiệu Đại Việt. Mãi đến năm 1431 sau nhiều thương thảo của nhiều sứ đoàn, Trung Hoa mới chịu công nhận và phong cho vua Việt làm “Quyền thự An Nam Quốc sự” (tạm quyền coi việc nước An nam). Mãi về sau mới phong làm An Nam Quốc Vương. Nhưng cũng như các đời trước, quốc hiệu Đại Việt vẫn được sử dụng cho đến tận đời Nguyễn Gia Long.(1804)

5. VIỆT NAM (1804-1837)

Ngay từ khi mới lên ngội, vua Gia Long đã cử sứ thần sang Trung Hoa xin nhà Thanh phong vương và xin đổi quốc hiệu là Nam Việt với lý lẽ rằng Nam là Annam, Việt là Việt Thường. Nhà Thanh từ chối vì cho rằng Nam Việt là tên nước của Triệu Đà ngày trước, bao gồm cả vùng Lưỡng Quảng Trung Quốc. Thanh triều cho đổi chữ Việt ra trước thành tên Việt Nam .

Tháng giêng năm 1804, nhà Thanh sai sứ thần là Tế Bồ Sâm, Án sát sứ Quảng Tây sang Thăng Long tuyên phong Gia Long làm Việt Nam QUỐC VƯƠNG. Vua Gia Long chính thức đặt quốc hiệu là Việt Nam.

Về ý nghĩa từ Việt Nam, nhiều giả thuyết cho rằng từ Việt Nam kiến tạo bởi hai yếu tố: chủng tộc và địa lý (người Việt ở phương Nam ). Có nhiều tác gỉả cho rằng Nguyễn Trãi trong Dư Địa Chí và sách Vân Đài Loại Ngữ có nói đến quốc hiệu Việt Nam từ trước đời Gia Long. Tác phẩm Dư Địa Chí có nói đến chữ “ Việt Nam ở mục số 2 và số 13. Vân Đài Loại ngữ, quyển thứ 3 là khu vũ loại có nhắc đến chữ Việt Nam. Nhưng theo Trần Gia Phụng thì đây không phải là quốc hiệu nước ta vì cả hai tác phẩm của Lê Quý Đôn và Nguyễn Trãi đều căn cứ vào bộ sử cũ như Toàn thư, Annam chí lược, Việt sử tiêu án, Cương Mục hoàn toàn không có nói đến quốc hiệu Việt Nam . Nguyễn Trãi và Lê Quý Đôn dùng chữ Việt Nam theo nghĩa nước Việt hoặc người Việt ở phương Nam, chứ không phải một nước có tên là Việt Nam (15). Tuy nhiên, tên gọi Việt Nam có thể đã xuất hiện sớm hơn. Ngay từ thế kỷ 14 đã có một bộ sách nhan đề Việt Nam thế chí ( nay không còn ) do Hàn Lâm viện học sĩ Hồ Tông Tốc biên soạn. Trong tác phẩm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) ngay trang mở đầu tập Trình Tiên sinh quốc ngữ đã có câu “ Việt Nam khởi tổ xây nền “ Người ta cũng tìm thấy hai chữ Việt Nam trên những tấm bia khắc từ thế kỷ 16-17 như bia chùa Bảo Lâm(1558) ở Hải Dương, bia chùa Cam Lộ(1590) ở Hà Tây, bia chùa Phúc Thánh (1664) ở Bắc Ninh... Đặc biệt bia Thủy Môn Đình (1670) ở biên giới Lạng Sơn có câu đầu: “ Việt Nam hầu thiệt, trấn bắc ải quan” ( đây là cửa ngõ yết hầu Việt Nam và là tiền đồn trấn giữ phương Bắc)... Hiểu theo nghĩa Việt Nam quốc hay Người Việt phương Nam.? ai có lý ?(16))

Sau đây là Chiếu tuyên cáo đặt quốc hiệu mới của Vua Gia Long do Phan Huy Ích soạn:

Xuống chiếu cho thần dân thiên hạ đều biết. Trẫm nghĩ: Xưa nay các bậc Đế Vương dựng nước,ắt có đặt quốc hiệu để tỏ rõ sự đổi mới. Hoặc nhân tên đất lúc mới khởi lên, hoặc dùng chữ nghĩa tốt đẹp. Xét trong sách cũ đã có chứng cớ rõ ràng.Nước ta sao Dự, sao Chẩn, cõi Việt hùng cường. từ trước đã có Văn Lang, Vạn Xuân nhưng còn quê kệch. Đến đời Đinh Tiên Hoàng, gọi là Đại Cồ Việt, nhưng người Trung Quốc vẫn gọi là Giao Chỉ. Từ đời nhà Lý về sau quen dùng tên An Nam do nhà Tống phong cho ngày trước đặt làm hiệu nước. Do vậy vận hội dù có đổi thay nhưng trải bao dời vẫn giữ theo tên cũ, thực là trái với nghiã chân 1inh dựng nước . Trẫm nối theo nghiệp cũ, gầy dựng cơ đồ, bờ cõi đất đai rộng nhiều hơn trước. Xem qua sổ sách, tuần xét núi sông, nên đặt tên tốt để truyền lâu dài.

Ban đổi tên nước là Việt Nam

Đã tư sang Trung Quốc biết rõ

Từ nay trở đi, cõi Viêm bang bền vững, tên hiệu tốt đẹp gọi truyền.

Hễ ở trong bờ cõi đều hưởng phúc thanh minh.

Vui thay.

Nghĩa xuân thu nhất thống đã truyền khắp bốn phương, ân huệ lâu dài và muôn phúc cao dày mọi người cùng hưởng. Vậy bá cáo rộng khắp để mọi người cùng biết.

Nay chiếu

Giáp tý xuân phụng nghĩ tân kiến quốc hiệu tuyên cáo

Mùa xuân năm Gíáp Tý, vâng lệnh vua sọan bản tuyên cáo đặt quốc hiệu mới)

Theo Dụ Am văn tập,q. 5, tờ 14b-15b. Trần Lê Hữu dịch (17)

6. ĐẠI NAM (1838-1945)

Vua Gia Long thăng hà vào năm 1820. Vua Minh Mạng nối ngối (1820-1840) Với chính sách trung ương tập quyền, Vua Minh Mạng đã đưa Việt Nam thành một quốc gia lớn rộng và tương đối hùng mạnh trong vùng Đông Nam Á. Do vậy, ngày 3 tháng 2 năm Mậu tuất (1938) Vua Minh Mạng quyết định đổi quốc hiệu từ Việt Nam sang ĐẠI NAM.

Đại ý lời chiếu của nhà vua nói rằng... Đức Triệu Tổ (Nguyễn Kim) dựng nên cơ nghiệp ở cõi Nam, Đức Thế Tổ (Gia Long) lấy được cả đất Việt Thường, nhân dân thêm đông, lãnh thổ thêm rộng, nay đổi tên là Đaị Nam, kể từ năm thứ 20 (Minh Mạng), hoặc gọi là Đại Việt Nam cũng được(18)

Việc thay đổi quốc hiệu lần này, nằm trong chiều hướng một quốc hiệu cho nước Việt vĩ đại ở Trời Nam, dành cho người nước Nam, đã bắt đầu từ quốc hiệu Đại Cồ Việt ngày xưa. Đó cũng là sự tiép nối chính sách coi quốc hiệu Việt Nam như là biểu tượng cho một cộng đông người Việt ở Phương Nam, có dân, có đât và có văn hóa ngang hàng với các nước khác. ó cũng là biểu tượng của nền độc lập của Đại Việt, nơi mà ngay từ thời Lý Nam Quốc Sơn Hà Nam đế cư, Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư (non sông nước Nam do người Nam ở, đã ghi rõ trên sách Trời từ lâu)!

Quốc hiệu Đại Nam được Triều đình Việt Nam dùng đến năm 1945 nhưng thật ra, sau khi ký hòa ước 1884, Việt Nam đã bị Pháp xâm lược và thiết lập chế độ thuộc địa. Nước Việt Nam bị chia làm ba phần có chế độ chính trị khác nhau: Bắc Kỳ hay Tonkin theo chế độ bảo hộ. Nam kỳ hay Cochinchine là thuộc điạ Pháp do viên Thống Đốc cai tri. Riêng Trung kỳ vẫn thuộc Đại Nam nhưng bị bảo hộ gián tiếp trên thực tế. Cả ba phần đều nằm trong Liên Bang Đông Dương do viên toàn quyền Pháp đứng đầu. Mặc dù phải chiụ sự đô hộ của Pháp, Triều Đình Huế vẫn coi nước ta là nước thống nhất Nam Trung Bắc với quốc hiệu ĐẠI NAM cho đến tận 1545, dù rằng người Pháp gọi nước ta là ANNAM và vua nước ta là Vua Annam

D - Quốc hiệu Việt Nam vơi các tiêu đề chính trị

Từ 1945. đất nước Việt Nam bị cuốn theo cơn lốc chính trị với những cuộc đấu tranh giành độc lập, tự chủ hay mưu cầu áp dụng những chủ nghĩa mới, những hinh thức chính trị mới. Cho nên từ đấy mỗi khi nắm được chính quyền và đất nước, các nhà cầm quyền tìm cách thay đổi quốc hiệu bằng cách thêm vào quốc hiệu Việt Nam những từ để nêu rõ đường hướng chinh trị của mình. Ta lần lượt điểm qua vài thí dụ:

1. VIỆT NAM (3-5-1945)

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương và lên tiếng trao trả độc lập cho Việt Nam . Ngày 11-3-1945, Vua Bảo Đại công bố Bản Tuyên Ngôn Độc Lập, hủy bỏ những hòa ước đã ký với Pháp, giải tán nội các của Triều Đình Huế, mời Trần Trọng Kim lập chính phủ độc lập ra mắt ngày 17-4­1945. Ngày 3-5-1945 vua Bảo Đại tuyên chiếu xác nhận quốc hiệu mới như sau:

Chư Khanh, Nội các này là chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập sau tám mươi năm thuộc quyền ngoại quốc thống trị..

Hiến Pháp tương lai của Việt Nam sẽ căn cứ vào sự hợp nhất quốc gia, quân dân hợp tác và quy định những quyền tự do,chính trị tôn giáo cùng nghiệp đoàn của nhân dân...À (19)

Như thế bản Tuyên chiếu này mặc nhiên gọi nước ta là Việt Nam như thời Gia Long. Các quốc hiệu về sau thường giữ tên Việt Nam, nhưng kèm những cụm từ để bổ túc nêu rõ những thể chế chính trị như Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chẳng hạn.

2. VIỆT NAM DÂN CHU CỘNG HOA

Ngày 14-8-1945, Nhật Bản đầu hàng. Năm ngày sau, Hồ chí Minh và Mặt Trận Việt Minh Cộng Sản cướp chính quyền tại Hà Nội. Bảo Đại tuyên bố thoái vị ngày 30-8. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh thành lập nước Việt Nam DCCH. Quốc hiệu này chỉ rõ rằng Cộng sản tuy nắm chính quyền nhưng vẫn núp sau chiêu bài đoàn kết dân tộc để lôi kéo các thành phần khác trong xã hội .

3. NAM KY QUỐC hay NAM KY CỘNG HOA QUỐC

Với ý đồ trở lại Việt Nam, Pháp ủng hộ việc thành lập một nước mới bù nhìn nằm trong Liên Hiệp Pháp nên ngày 26-3-1946 chính quyền Nam Kỳ Quốc hay Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc (République de Cochinchine) ra đời. Danh xưng này tồn tại được hai năm, sau đó giải thể, đổi tên lại thành Chính Phủ Nam Phần Việt Nam . Chính phủ này sát nhập vào chính quyền Lâm thời Quốc Gia Việt Nam ngày 2-6-1948. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng, chính phủ hữu danh vô thực này chỉ là trò múa rối của thực dân Pháp nên không thể coi danh xưng Nam Kỳ Quốc như là một quốc hiệu được.

4. QUỐC GIA VIET NAM

Quốc gia Việt Nam là danh xưng của chính quyền quốc gia trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, ra đời chính thức từ hiệp ước Élysée ký ngày 8-3-1949 giữa Tổng Thống Pháp Vincent

Auriol và Bảo Đại. Về danh nghiã, Quốc Gia Việt Nam là một quốc gia độc lập, nằm trong khối Liên Hiệp Pháp. Danh xưng Quốc Gia Việt Nam tồn tại trong 6 năm (1949-1955). Năm 1955, Ngô Đình Diệm truất phế Quốc Trưởng Bảo Đại, thành lập chính quyền mới với quốc hiệu là Việt Nam Cộng Hoà.

Chúng ta nên nhớ rằng ngày 14-1-1950, phe Cộng Sản Quốc Tế với Liên Sô và Trung Cộng đã lập tức công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngày 7-2-1950 Hoa kỳ và Anh quốc thừa nhận Quốc Gia Việt Nam .

5. VIỆT NAM CỘNG HOA

Ngày 20-7-1954, Hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh Đông Dương, chia Việt Nam thành hai khu vực với hai thể chế khác nhau, lấy sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Phía Bắc theo chế độ CS với quốc hiệu Việt Nam DCCH, thủ đô là Hà Nội. Phía Nam, là Quốc Gia Việt Nam . Với sự ủng hộ của Hoa Kỳ, Ngô Đình Diệm thành công đưa khoảng 1 triệu người di cư trốn chạy CS vào Nam, tiêu diệt các gíáo phái ly khai và ổn định tình hình chính trị.

Ngày 23-10-1955 Thủ tướng Ngô Đình Diệm tổ chức trưng cầu dân ý, lật đổ quốc trưởng Bảo Đại. Ba ngày sau, Ngô Đình Diệm tuyên bố thành lập nền Cộng Hòa với quốc hiệu là Việt Nam CỘNG HÒA, thủ đô là Saigòn. Việt Nam Cộng Hòa tồn tại trong 20 năm và sụp đổ vào ngày 30-4-1975.

6. CỘNG HOA MIỀN NAM VIỆT NAM

Năm 1955, Ngô Đình Diệm tuyên bố không bị ràng buộc vào điều 4 hiệp định Geneve 1954 nên sẽ không có tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam . Chính phủ Việt Nam DCCH ở Hà nội quyết định dùng võ lực xâm lăng Việt Nam CH. Ngày 20-12­1960 Hà Nội thành lập Mặt Trận Dân Tộc Gỉải Phóng Miền Nam Việt Nam về phương diện quân sự. Đến ngày 10-6-1969 họ mới thành lập Chính Phủ Cách Mạng Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Nhưng chính phủ nay không đất không dân nên caí gọi là CHMN Việt Nam, tương tự như danh xưng Nam Kỳ Quốc, danh xưng Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, một trong những chiêu bài chính trị để lừa bịp nhân dân quốc nội và quốc tế, cũng không phải là một quốc hiệu được công nhận.

7. CỘNG HOA XHCN VIỆT NAM .

Đó là lý do mà sau 30-4-1975. Việt Nam DCH nắm thực quyền trong cả nước Việt Nam nhưng vẩn duy trì chính phủ bù nhìn Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam và cả hai chính phủ Việt Nam DCCH và CHMN Việt Nam cùng xin gia nhập Liên Hiệp Quốc nhưng bị khước từ. Quốc tế không ngu tí nào.

Cho nên, năm 1976, Hà Nội tiến hành gỉải tán chính phủ lâm thời CHMN Việt Nam, thực hiện cuộc “hiệp thương thống nhất nước nhà về mặt nhà nước” Ngày 2-7-1976, Quốc hội khóa 6 nước Việt Nam DCCH quyết định đổi tên nước là CHXHCN Việt Nam, thủ đô là Hà nội. Trò chơi lấy quốc hiệu đi bịp thế giới tạm chấm dứt!

Nhưng chưa đâu!. Vào tháng 4 năm 2007, Đảng Cộng Sản Việt Nam tìm cách tung tin đề thăm dò việc dùng quốc hiệu Việt Nam như là một lá bài chính tri để lừa bịp nhân dân quốc nội và quốc tế một lần nữa.

Tờ Straits Time của Singapore đưa tin: Một số các nhà lãnh đạo trong Đảng CS Việt Nam đang cân nhắc việc trở lại tên Đảng Lao Động Việt Nam. tức là tên do Hồ Chí Minh đổi từ Đảng CS Việt Nam sang từ năm 1951. Phóng viên Roger Mitton ở Hànội và Gíáo sư Tương Lai, nguyên Viện Trưởng Viện Xã Hội Học Hànội, cùng đưa tin rằng ĐCS Việt Nam sẽ bỏ danh xưng CS, trở lại với tên Đảng Lao Động Việt Nam cùng với tên nước là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Âm mưu này nhằm đánh lừa, môt lần nữa, mọi người về chủ nghĩa CS đã bị đào thải trên thế giới.(20)

Như thế có thề trong tương lai, lại một lần nữa, quốc hiệu Việt Nam của chúng ta lại bị dùng như một công cụ lừa bịp chính trị vậy.

Thay lời kết

Quốc hiệu do người đặt ra thay đổi với thời gian và nhu cầu của con người. Quốc gia dân tộc là một thực thể bền vững hơn nhiều. Do vậy, dù quốc hiệu nước ta có mang tiêu đề chính tri phe phái nào, hai tiếng Việt Nam vẫn vĩ đại và trường tồn trong tâm tư của mỗi người con dân Việt. Việt Nam vẫn' nghe từ vào đời', bây giờ và maĩ maĩ về sau....

Montréal 10/2007

Quản Hùng

Chú Thích:

1. Đào Duy Anh: Tự điển Hán Việt. Nxb KHXH 1996 tr. 576

2. Đào duy Anh, sđd, tr. 168

3 .Đào duy Anh tr. 168

4. Trần Gia Phụng, Việt Sử Đại Cương Nxb Non nước, Toronto, 2001 tr. 64

5. như trên . tr. 65.

6. Trương Thái Du; Cổ sử Việt Nam, một cách tiếp cận vấn đề. Nxb Lao Động 2007

7. Xem quan điểm của Lê văn Hưu và Ngô sỹ Liên trích trong Wikipedia tiếng Việt tr. 5

8. Trần Gia Phụng, Những câu chuyện Việt sử, Toronto 1999 tr. 65

9. Nguyễn Thế Long, Chuyện đi sứ -tiếp sứ Thời xưa. Nxb Văn Hóa Thông tin 2001 tr. 24

10. Nguyễn Thế Long, sđd, tr. 63-64

11. Trần Gia Phụng, Những câu chuyện Việt Sử tr. 37

12. id trang 38

13. Đào Duy Anh, Tự điển Hán Việt, sđd, tr. 110

14. Nguyễn Thế Long, sđd, tr. 24

15. Trần Gia Phụng, Những câu chuyện Việt Sử, sđd, tr. 51, 52.

16. Wikipedia, tr. 5

17. Trần Gia Phụng : Những câu chuyện..sđd,. tr. 13-14

18. Trần Gia Long, những câu chuyện.. sđd,tr. 45

19. Trần Gia Phụng, Những câu chuyện Việt sử, tr.46

20. Saigon Nhỏ, số 12 ngày 26-10-2007.tr.11

About Me

Hochiminh-City, Mien Nam, Vietnam
Tiến sĩ Sử học, giảng viên Truong Dai hoc Khoa hoc xa hoi va nhan van - Đại học Quốc gia TP.HCM