Total Pageviews

Popular Posts

Search This Blog

Followers

Pages

Wednesday, April 20, 2011

SAI GON NAM 1859

SÀI GÒN 1859-1860-1861
( TRÍCH DỊCH TỪ TÁC PHẨM “MONOGRAPHIE DE LA PROVINCE DE GIADINH “)

Sách Monographie de la province de Gia Đinh ( Chuyên khảo về tỉnh Gia Định) viết bằng tiếng Pháp, được xuất bản năm 1902 tại Sài Gòn, sách không ghi tên tác giả, đây là công trình biên soạn tập thể của Hội nghiên cứu Đông Dương ( Societe des Etudes Indochinoises ). Nội dung viết về địa lý của tỉnh Gia Định vào khoảng giữa thế kỷ XIX.Sách có 4 chương: Địa lý hình thể; địa lý kinh tế; lịch sử địa phương và thống kê. Riêng phần Lịch sử (tỉnh Gia Định), nhận thấy từ trước đến nay, ít có tài liệu đề cập cụ thể về giai đoạn đầu tiên thực dân Pháp ở Gia Định; vì thế chúng tôi xin được dịch lại chương Lịch sử ( có tựa là Conquete Francaise ) trong tập tài liệu đó, nội dung nói về các cuộc chống Pháp của quân dân ta trong những ngày đầu Pháp chiếm Gia Định:

“ Chiến thắng của Pháp - Trận Chí Hòa- Chiến trận: 1859-1860-1861)

“Sau khi Đô đốc Rigault de Genouilly chiếm Sài Gòn( 11/2/1859), quân Nam rút về các đồn “lũy ở bên trong: Thuận Kiều, An Lộc, Biên Hòa...Một ngàn quân do vị quan Tôn Thất Hiệp “chỉ huy đóng tại ngôi làng cũ Chí Hòa ở phía tây Sai Gon, cách 5km.Vị tướng này cho xây đắp ba “đồn:Đồn Tiền trên con đường đi Tây Ninh và hai đồn ở hai bên ; cách nhau 400m, “đó là Đồn Hữu và Đồn Tả, đồn sau ở trên rạch Bà Tiêm.

“Công việc xây đắp ba đồn lũy này kéo dài trong hai tháng, trong khi quân Pháp kéo về “đóng ở Sài Gòn đã không làm gì để ngăn cản. Hai bên quan sát nhau, giới hạn các hoạt “động vào các cuộc thám thính quanh trại quân.

Cuộc đụng độ đầu tiên xãy ra vào ngày 10/4 lúc 6 giờ sáng tại Phú Thọ giữa hai toán tuần tiễu ở phía Cây Mai. Quân Nam xuất phát từ rạng đông ở Đồn Tiền đi theo một con lộ dẫn đến Chợ Lớn.Họ nghe tiếng quân kỵ mã nhưng không nhìn thấy được, vì sương mai và ẩn nấp vào các bụi cây và cỏ cao. Khi thấy khoảng 10 lính Pháp và Phi hiện ra, quân Nam nổ súng. Một lính kỵ mã bị trúng đạn.Số lính còn lại bắn trả. Quân Nam rút chạy về Phú Thọ, có 10 người chết trong đó có vị quan Thoại, trưởng toán tuần tiễu. Một vị Cai ( Cai Cốc) bị hai lính kỵ mã đuổi theo, đã quay lại dùng cây thương đâm chết một lính kỵ mã, một lính( kỵ mã) khác đã dùng súng để bắn chết vị cai đó. Quân Pháp rút lui đem theo số người bị chết. Cuộc chiến kéo dài chưa được nửa tiếng đồng hồ.

Trong suốt năm, không có cuộc giao tranh nào khác,tướng Tôn Thất Hiệp nhận quân tiếp viện để củng cố đồn lũy, đề phòng các cuộc tấn công sắp tới. Nhưng quân Pháp trong thời gian này không có khả năng tấn công. Đô đốc Rigault de Genouilly bị bệnh phải trở về Pháp vào ngày 1/11/1859, nhường quyền chỉ huy lại cho Đề đốc Page. Ông này cũng bị gọi sang Trung Hoa với một số quân, nên quyền chỉ huy giao lại cho thiếu tá Daries với 700 binh sĩ.
Vào những ngày đầu tháng 4/1860 quân Nam ở Chí Hòa được mật báo sẽ xãy ra một cuộc tấn công vào đồn lũy. Thật vậy, vào sáng 16/4 đại pháo của Pháp bắn về phía Cây Mai, pháo binh Pháp tiến đến trước Đồn Hữu và bắn vào đồn. Quân Nam bắn trả, nhưng một lúc sau đại pháo duy nhất bảo vệ đồn bị bắn hạ và quân Pháp tấn công vào thành. Quân Nam chống trả mãnh liệt và chỉ chịu thua khi chỉ huy của họ là Trần Tương Tư bị trúng một phát đạn vào đầu khi đang ở trên thành. Họ rút lui vào Đồn Tiền bỏ lại 50 người chết. Kích động bởi sự thành công, quân Pháp muốn chiếm ngay Đồn Tiền. Đồn này được phòng thủ vững chắc. Một hố rộng bao quanh thành, các vật dẫn hỏa,những cây gỗ lởm chởm mũi nhọn chất đầy mặt thành sẵn sàng rơi xuống đầu ai muốn tấn công thành. Quân phòng thủ, cộng thêm số ở Đồn Hữu chạy sang, khoảng 1500 người. Lúc 8 giờ, quân Pháp tấn công dưới làn đạn pháo của Đồn Tiên và Đồn Tả. Sự cố gắng của họ ( quân Pháp –TTT) thất bại trước các chướng ngại dồn dập. Sau hai giờ chiến đấu quyết liệt, làm thiệt hại mỗi bên 20 người, quân Pháp rút về Đồn Hữu. Đến 3 giờ chiều, họ trở lại Cây Mai. Dưới thành Đồn Tiền có 6 xác thủy quân Pháp bị giết ở những lỗ châu mai khi họ tìm cách đột nhập vào thành. Quân Nam cho mang bỏ vào một đảo nhỏ bên cạnh: Mật Cật.

Cùng ngày tướng Tôn Thất Hiệp cho quân thông báo về Huế tin chiến thắng. Triều đình gởi tiền bạc vào để khen thưởng quân sĩ. Nhưng chỉ ít lâu sau ( tháng 6/1860 ),ông Tôn Thất Hiệp bị thất bại ở Miếu Hội Đồng và ở chùa Kiểng Phước ( Cây Mai )khi ông chỉ huy quân để đánh chiếm lại.Do đó, ông ta bị giáng chức và truất quyền chỉ huy.

Người thay thế ông là một trong những tướng tài của vua Tự Đức: Nguyễn Tri Phương. Ông này trước hết tăng số quân ở Chí Hòa. Ông ta gọi về các toán quân không cần thiết từ Thuận Kiều, Bà Hom, Biên Hòa...và tập hợp được khoảng chín, mười nghìn người. Ông liền cho xây dựng những công trình phòng thủ mới đằng sau các đồn lũy cũ. Ở hai bên con đường đi Tây Ninh, cách nhau khoảng 800m ông cho đắp hai chiến lũy dài 2km,rộng 3m,cao 2,5m.Dấu tích các chiến lũy này hiện còn thấy trên các đồng ruộng của Phú Thọ và Tân Sơn Nhì. Hai bên chiến lũy lại xây các pháo đài trang bị nhiều cỗ đại pháo: Đồn Hậu, Đồn Hữu...Phần trung tâm lùi sâu vào trong cho dễ bảo vệ, chia trại quân làm hai phần. Chính giữa là Đồn Trung dùng làm bộ chỉ huy, chung quanh có các kho tiếp liệu và nơi ở cho các tướng tá và binh sĩ. Kho thuốc súng đặt giữa Đồn Trung và Đồn Tiền. Đằng sau,phía Bà Quẹo hai pháo đài bảo vệ trại quân: Đồn Tiền và Tả Hậu.

Ông Nguyễn Tri Phương sắp đặt về các công trình này cho đến đầu năm 1861. Trong khi đó quân Pháp ít hơn, bất lực trước quân Nam đông đảo, và rút được bài học ở Đồn Tiền nên cũng thụ động chờ viện binh đến.

Và ngày 7/2/1861 viện binh đến. Phó Đô Đốc Charner đổ bộ lên Sài Gòn với 3000 quân và chuẩn bị tấn công,

Trong đêm 23 rạng ngày 24/2 quân Pháp tập hợp ở Bào Dứa, một ao nhỏ trên ranh giới Tân Sơn Nhì và Tân Thới. Lính kỵ binh Tây Ban Nha đóng ở Bàu Cát trong Phú Thọ. Từ sáng sớm, cuộc pháo kích bắt đầu. Cuộc tấn công kéo dài suốt ngày với kết quả là (Pháp) chiếm được các công trình bên ngoài, pháo đài và trại quân, trừ Đồn Tả Hậu được bảo vệ bởi hai đồn: Đồn Hậu và Hữu Hậu. Buổi chiều lúc 5 giờ trong khi quân Nam tập trung lực lượng vào các điểm trên, chuẩn bị cho cuộc chiến ngày mai, quân Pháp tiến lên phía Bà Quẹo đóng quân qua đêm tại thôn Cù Lao Keo.

Ngày 25 là cuộc chiến quyết định. Sáng sớm, pháo binh đóng tại Chòm-Mây Mà- Đá gần ngã ba đường đi Tây Ninh và Chợ Lớn tấn công vào ba pháo đài phía tây với sự hỗ trợ của bộ binh. Quân Nam bắn trả kịch liệt. Nhưng đại pháo của họ chẳng bao lâu đều bị triệt hạ. Phó Đô đốc Charner ra lệnh tấn công vào thành. Nguyễn Tri Phương đứng một góc Đồn Hậu trên một chiến lũy, quan sát chiến trận, nhìn thấy quân Pháp tiến lên. Ông ta đem toàn lực lượng để đẩy lui quân Pháp và cho di tản khỏi đồn Tả Hậu, Quân Pháp lội xuống hào và tiến vào chân thành dưới làn mưa đạn của quân Nam, các cạm bẩy, hố chông và chướng ngại vật. Họ phá cửa,leo lên thành và đột nhập vào thành. Nguyến Tri Phương ngồi dướ 4 tán lọng là một mục tiêu tốt cho quân địch. Ông ta bị trúng đạn ở cánh tay trong khi người em thì bị tử thương. Quân hộ vệ đặt ông lên võng và khiêng đi. Trong khi đó, quân sĩ tưởng rằng tướng lãnh của họ đã chết nên tự rút lui, bỏ cả thành trì chạy về phía Tân Sơn Nhì và Gò Vấp. Đến 8 giờ tối, quân Pháp hoàn toàn làm chủ Chí Hòa

Hai ngày chiến đấu đã làm một số lớn quân Pháp bị thương, số tử trận là 30 người; trong đó có một sĩ quan: thiếu tá hải quân Lareyniere. Người ta chôn xác quân lính trong một cái hố giữa Tả Hậu và chiến lũy của Đồn Hữu, thiếu úy Lareyniere được chôn ở nơi ông ta nằm xuống. Tối hôm đó, phó Đô đốc Charner khen thưởng chiến sĩ và tuyên dương những người đã tỏ ra xuất sắc.

Bốn ngày sau, ngày 29, vài người được phái đi thám thính tận Thuận Kiều. Đồn lũy được dùng làm kho tiếp liệu cho quân Chí Hòa còn lại chừng 50 người. Số này tự bỏ đi khi thấy quân Pháp....”


( Dịch từ trang 110 – 113; Phần thứ II: Conquete Francaise, sdd )


Cuộc đối đầu thứ ba: Vào Nam Bộ chiếm được Thành Gia Định, Genouilly trở ra Đà Nẵng ngày 15-4-1859. Năm ngày sau, ngày 20-4-1859, viên tướng này tấn công dữ dội Thành Điện Hải. Quân ta đánh trả quyết liệt dưới sự chỉ huy của Thống chế Nguyễn Tri Phương, nhưng hỏa lực địch mạnh làm cho quân ta phải rút lui, Thành Điện Hải bị quân địch chiếm.

Đến ngày 8-5-1859, quân Pháp tấn công làm 3 mũi đánh vào phòng tuyến của ta: Cánh hữu của Raynaud tấn công các đồn Du Xuyên, Hải Châu, Thạc Gián, Phước Ninh; cánh tả của Faucon cũng đánh đồn Thạc Gián, Phước Ninh; cánh giữa của Lanzarote chi viện cho hai cánh tả, hữu.

Quân ta dựa vào lũy bắn trả kịch liệt quân địch. Hiệp quản Phan Hữu Điển tử trận. Liệu thế không chống nổi, Thống chế Nguyễn Tri Phương cho bỏ phòng tuyến thứ nhất để bảo toàn sinh mệnh cho binh sĩ, rút về cố thủ ở phòng tuyến thứ hai với các đồn Liên Trì, Nại Hiên và Nghi Xuân. Quân địch không dám tấn công nữa.

Sau trận thắng 8-5-1859, quân Pháp-Tây Ban Nha lại rơi vào đại bại; trong các tháng 2, 6 và 7-1859, các trận dịch tả đã phát ra dữ dội làm quân địch bị bệnh và chết tăng lên rất nhiều. Trước tình trạng đó, ngày 20-6-1859, Tướng Genouilly đề nghị Triều đình Huế đàm phán với 3 yêu sách: tự do truyền đạo, tự do thương mại và được chiếm hữu một lãnh thổ để bảo đảm việc thi hành hòa ước.

Những điều kiện đó làm vua Tự Đức khó chấp nhận. Triều đình có nhiều ý kiến trái ngược nhau, vua Tự Đức bèn giao cho Thống chế Nguyễn Tri Phương cầm đầu phái đoàn hiệp thương. Cuộc hiệp thương kéo dài trong hai tháng 7 và 8-1859 mà không đi đến kết quả. Genouilly cho rằng ta không thiện chí, ngày 7-9-1859 cắt đứt cuộc hiệp thương, âm mưu đánh chiếm phòng tuyến thứ hai và giao cho thiếu tá Déroulède vạch kế hoạch hành quân quy mô và chu đáo.

Ngày 15-9-1859, quân Pháp-Tây Ban Nha mở cuộc tấn công với ba cánh quân: cánh hữu do Reybaud đánh chiếm đồn Liên Trì và hệ thống phòng thủ phụ thuộc; cánh tả cũng do Reybaud chỉ huy đánh chiếm đồn Nại Hiên và hệ thống phòng thủ phụ thuộc; cánh giữa là quân Tây Ban Nha do Lanzarote chỉ huy đánh chiếm các cơ sở phòng thủ nối liền đồn Liên Trì và đồn Nại Hiên.

Về phía quân ta, phòng tuyến thứ hai là một hệ thống đồn lũy, công sự nối liền đồn Liên Trì cho đến đồn Nại Hiên, dài trên 1.500m với hai lớp hào đầy chông tre, lũy đất vững chắc, nhiều ụ đại bác… kiên cố hơn phòng tuyến thứ nhất bị thất thủ ngày 8-5-1859.

Quân Pháp mở đầu cuộc hành quân lúc 4 giờ sáng ngày 15-9-1859. Cánh hữu của Pháp chạm trán 2.000 binh sĩ của ta dũng cảm xông ra khỏi chiến lũy giáp chiến với quân địch làm chúng có nguy cơ bị đẩy lùi, nhưng nhờ cánh quân của Breschin ứng cứu nhờ vậy quân địch trở nên thắng thế. Tham tán Phạm Thế Hiển cho quân ta rút khỏi đồn Liên Trì và đồn Phước Ninh, tập kết ở đồn Chân Sơn để ngăn chặn quân địch tiến ra Huế.

Cánh quân bên tả tiến đánh đồn Nại Hiên, đồn Hóa Quê và đồn Mỹ Thị, quân ta mất người chỉ huy nên bị rối loạn làm đồn Nại Hiên lọt vào tay quân địch, tuy nhiên quân ta vẫn làm chủ đồn Mỹ Thị và Hóa Quê.

Thống chế Nguyễn Tri Phương tập họp quân còn lại của phòng tuyến Liên Trì-Nại Hiên rút về Hải Vân. Quân Pháp dùng pháo để khống chế việc rút quân của ta nhưng không thành công.

Sau trận đánh này, ngoài số chết và bị thương, chết bệnh, quân Pháp kiệt quệ về sức khỏe và chán nản tinh thần. Trung tướng Genouilly cũng mệt mỏi tinh thần và ốm đau, nhận thấy chiến tranh ở Việt Nam gay go không dễ chiến thắng, không còn hăng say và niềm tin như ban đầu, trở nên vô cùng chán nản và đệ đơn về Paris xin từ chức tháng 6-1859. Thiếu tướng Page thay thế và đến Đà Nẵng ngày 19-10-1859.

Quân Pháp dù thắng nhưng không dám giữ các đồn mà chỉ phá hủy rồi rút về bán đảo Sơn Trà hay căn cứ Điện Hải.

Cuộc đối đầu thứ tư: Thiếu tướng Page muốn ra oai với Triều đình Huế, không lấy phòng tuyến thứ hai của ta làm mục tiêu mà nhằm vào các đồn và pháo đài ở chân đèo Hải Vân.

Ngày 18-11-1859, Page điều động soái hạm Néméris và hai tàu chiến nữa, khai hỏa vào pháo đài Điện Hải và đồn Chân Sản rất dữ dội. Hỏa lực của ta tập trung bắn soái hạm. Nhiều quả đại bác của ta bắn trúng tàu Néméris ở quanh phòng chỉ huy, một quả đã cắt đôi người đại tá Déroulède (người vạch kế hoạch đánh Đà Nẵng) làm một số binh sĩ bị thương, may mà Page thoát chết. Page ra lệnh các tàu chiến pháo kích dữ dội rồi cho sĩ quan Desaulx dẫn 300 quân chiếm đồn Chân Sản, quân ta phải rút lui vào núi.

Vua Tự Đức rất lo ngại, lệnh cho Thống chế Nguyễn Trọng Thao đem quân từ đèo Hải Vân đánh xuống đồn Chân Sản. Các quan Nguyễn Hiên và Trần Đình Túc đóng ở các đồn Câu Đê và Hóa Ổ đem quân đánh phối hợp, quân Pháp không chống nổi bỏ đồn Chân Sản xuống tàu chiến thoát ra khơi vào tháng 1-1860.

Trước đó vào tháng 12-1859, Page đề nghị Triều đình Huế ký hòa ước 11 điểm, trong đó có việc giao hảo, giao thương, tự do truyền đạo, đặt sứ giả tại Huế. Ngày 29-1-1860, Page nhận thấy không đạt được hòa ước nên cắt dứt đàm phán.

Triều Napoléon III cho rằng Page đã tỏ ra vô kỷ luật vì trận đánh ngày 18-11-1859 là một cuộc tấn công không cần thiết, gây tử vong một số sĩ quan giàu kinh nghiệm, Page bị khiển trách và giáng cấp. Page rời Đà Nẵng vào Sài Gòn với nhiệm vụ mới. Quân Pháp chỉ còn đóng giữ Sơn Trà, An Hải, Điện Hải và chẳng làm được gì hơn.

Hơn một tháng sau, ngày 23-3-1860, đoàn quân viễn chinh Pháp đóng tại Đà Nẵng dưới quyền của đại tá Toyon được lệnh rời khỏi Đà Nẵng để tham chiến ở Trung Hoa, sau khi triệt hạ mọi cơ sở xây dựng trên bán đảo Tiên Sa và để lại một nghĩa trang với 1.500 ngôi mộ của lính Pháp và Tây Ban Nha.

Giữa nghĩa trang, trong một ngôi nhà nguyện nhỏ đặt một tấm bia bằng đá trên đó ghi những dòng chữ: “Để tưởng niệm những chiến binh Pháp và Tây Ban Nha trong cuộc viễn chinh Rigaud de Genouilly bị chết trong những năm 1858-59-60 và được an táng ở đây”.

Vua Tự Đức hoan hỉ xuống chiếu cho thần dân như sau: “Lòng can đảm và sự hy sinh của các tướng sĩ ta đã chiến thắng vẻ vang quân Tây dương. Lợi dụng những chiến thắng đó để làm cho quân địch vô phương, ngõ hầu đem lại thái bình và an ninh cho xứ sở, vì phúc lợi tối thượng của thần dân trung thành của Trẫm. Đó là niềm mong mỏi thiết tha nhất của Trẫm”.


Trước kia đây là lãnh thổ của nước Phù NamChân Lạp.

Thời chúa Nguyễnnhà Tây Sơn, vùng đất này là xứ Gia Định (Gia Định thành), mới được khai khẩn từ thế kỷ 17. Năm 1698, xứ Gia Định được chia thành 3 dinh: Phiên Trấn, Trấn Biên và Long Hồ.

Vua Gia Long nhà Nguyễn gọi vùng này là Gia Định Thành, bao gồm 5 trấn: Phiên An (địa hạt Gia Định), Biên Hòa, Vĩnh Thanh (tức là Vĩnh Long và An Giang), Vĩnh Tường và Hà Tiên.

Năm 1834, vua Minh Mạng gọi là Nam Kỳ (xem lịch sử Nam Kỳ)


Năm 1859, Pháp đánh chiếm thành Gia Định, mở đầu cuộc xâm lược đất Việt Nam.

Năm 1862, ngày 13 tháng 4, triều đình Huế cắt 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định và Định Tường) nhượng cho Pháp.

Năm 1867, Pháp đơn phương tuyên bố toàn bộ 6 tỉnh Nam Kỳ là lãnh địa của Pháp. Từ đó, Nam Kỳ được hưởng quy chế thuộc địa, với chính quyền thực dân, đứng đầu là một Thống đốc người Pháp.

Hiệp ước Quý Mùi (25 tháng 8 năm 1883) nhập thêm tỉnh Bình Thuận vào Nam Kỳ (thuộc địa Pháp) coi như trừ số tiền bồi thường chiến phí còn lại mà triều đình Huế chưa trả hết, nhưng năm sau, Hiệp ước Giáp Thân (6 tháng 6 năm 1884) lại trả tỉnh Bình Thuận về cho Trung Kỳ.

Năm 1887, Nam Kỳ trở thành một vùng lãnh thổ nằm trong Liên bang Đông Dương. Năm 1933, quần đảo Trường Sa sát nhập vào Nam Kỳ thuộc Pháp.

Tháng 3 năm 1945 Thống sứ Nhật Nashimura đổi Nam Kỳ thành Nam Bộ.

Mãi đến năm 1945, thời Đế quốc Việt Nam với chính phủ Trần Trọng Kim tuyên bố sáp nhập Nam Kỳ lại thành một bộ phận của nước Việt Nam độc lập. Sau khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam Bộ đã ra mắt ngày 25 tháng 8 năm 1945 do Trần Văn Giàu làm Chủ tịch.

Thực dân Pháp nổ súng ở Sài Gòn ngày 23 tháng 9 năm 1945 rồi dần dần đánh rộng ra chiếm lại Nam Bộ. Chính phủ Nam Kỳ quốc được thành lập theo sự chỉ đạo của Pháp hòng tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam.

Năm 1946, trước khi sang Pháp tìm kiếm một giải pháp hòa bình, Hồ Chí Minh đã viết thư gửi đồng bào Nam Bộ, trong đó ông khẳng định: "Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!"

Không đánh bại được Việt Minh, Pháp phải dùng "giải pháp Bảo Đại", công nhận nền độc lập và sự thống nhất của Việt Nam. Cuối cùng ngày 22 tháng 5 năm 1949, Quốc hội Pháp chính thức bỏ phiếu thông qua việc trả Nam Bộ cho Việt Nam. Nam Bộ trở thành lãnh thổ nằm trong Quốc gia Việt Nam.


17-2-1859:Quân Pháp đánh chiếm tỉnh thành Gia Định (Sài Gòn).

Image

Sau khi chiếm bán đảo Sơn Trà, thực dân Pháp mở cuộc tấn công quy mô vào đánh chiếm thành Sài Gòn để thiết lập căn cứ quân sự. Trên đường tiến quân vào Sài Gòn theo đường biển, liên quân Pháp – Tây Ban Nha liên tục nã đạn đại bác từ ngoài khơi vào các pháo đài của quân triều đình ở các vùng ven biển, nhất là ở Vũng Tàu.

Sau khi chiếm bán đảo Sơn Trà, thực dân Pháp mở cuộc tấn công quy mô vào đánh chiếm thành Sài Gòn để thiết lập căn cứ quân sự. Trên đường tiến quân vào Sài Gòn theo đường biển, liên quân Pháp – Tây Ban Nha liên tục nã đạn đại bác từ ngoài khơi vào các pháo đài của quân triều đình ở các vùng ven biển, nhất là ở Vũng Tàu. Các đồn, bảo, các pháo đài bảo vệ thành Sài Gòn từ xa, liên tiếp thất thủ: pháo đài Phúc Thắng, bảo Lương Thiện (Biên Hòa), đồn Phúc Vĩnh, đồn Danh Nghĩa (Gia Định). Cửa biển Cần Giờ do Đề đốc Gia Định là Trần Trí chia quân đóng giữ, cũng lọt vào tây giặc. Quân giặc theo đường sông tiến áp sát tỉnh thành và đổ bộ công phá thành. Thành vỡ. Án sát Lê Tứ tự vẫn theo thành; Hộ đốc Vũ Duy Ninh rút khỏi thành, đến thôn Phúc Lý, huyện Phúc Lộc, cũng thắc cổ tự vẫn; Đề đốc Trần Trí, bố chánh Vũ Thực và lãnh binh Tôn Thất Năng đem tàn quân rút về bảo Tây Thái huyện Bình Long.

Chỉ sau một thời gian ngắn, quân Pháp đã kéo vào chiếm đóng Sài Gòn, tỉnh thành của Gia Định lúc bấy giờ.

About Me

Hochiminh-City, Mien Nam, Vietnam
Tiến sĩ Sử học, giảng viên Truong Dai hoc Khoa hoc xa hoi va nhan van - Đại học Quốc gia TP.HCM