Total Pageviews

Popular Posts

Search This Blog

Followers

Pages

Wednesday, April 20, 2011

TIN NGUONG THO CUNG TO TIEN CUA GIA DINH VIET NAM

TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN Ở VIỆT NAM

I NGUỒN GỐC CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN

Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên chủ yếu thể hiện một cách rõ nét ở người Việt (Kinh) từ Bắc vào Nam thông qua những nghi lễ, thiết chế tương đối qui củ, chặt chẽ.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên tiếp nối tín ngưỡng Tô tem giáo. Tô tem giáo ra đời trong xã hội Thị tộc. Đó là một xã hội sơ khai. Mỗi tổ chức Thị tộc có những hình thức thờ cúng riêng trong khuôn khổ thờ cúng các vật thiêng Tổ tiên.

Trong xã hội Thị tộc với một trình độ phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và nhận thức về thế giới còn rất sơ khai, chưa đầy đủ, nên tín ngưỡng - tôn giáo đóng một vai trò thiết yếu. Nhưng trong buổi bình minh sơ khởi của lịch sử, con người chịu sự chi phối mạnh mẽ của tự nhiên. Họ tin tưởng vào các thế lực thần bí, siêu nhiên trong sự chi phối cuộc sống đang diễn ra nơi trần thế của mình. Do vậy, họ thần thánh các thế lực siêu nhiên, tự nhiên. Trong sự lựa chọn và trao gởi niềm tin chủ yếu họ dựa vào các thế lực tự nhiên (thần mưa, thần sấm, thần sông, thần núi, thần mây, thần biển…). Trong sự tôn thờ, tín ngưỡng các thế lực siêu nhiên mạnh mẽ đó thì con người trong thời kỳ này cũng thờ cúng các sự vật xung quanh, gần gũi với mình như : cá, chim, bò, các loại cây… Đây là hình thức tín ngưỡng Tô tem giáo. Tóm lại, sự thần thánh hoá các sự vật - hiện tượng trong tự nhiên là hình thức tín ngưỡng sơ khai đầu tiên của con người. Con người nhận thấy sự cần thiết phải tôn thờ các sự vật - hiện tượng tự nhiên, tạo ra mối liên hệ đầu tiên giữa con người với thế giới tự nhiên.

Mặt khác, khi trong các Thị tộc có người chết đi, con người còn nhận thấy một mối liên hệ khác giữa người sống với người chết. Theo quan niệm của họ thì con người sau khi chết thể xác mất đi nhưng linh hồn vẫn bất tử. Linh hồn vẫn tiếp tục một cuộc sống khác ở thế giới bên kia, ở nơi chín suối. Nó vẫn tồn tại những nhu cầu như người còn sống trên trần thế. Do đó, người ta chôn theo người chết những đồ tùy táng (chia theo thứ bậc, địa vị trong xã hội) để họ dùng ở thế giới khác. Càng về sau thì các hình thức, nghi lễ tống tiễn người chết về chốn suối vàng càng phong phú, đa dạng tùy vào phong tục, tập quán của từng vùng. Nhưng cốt lõi của những nghi thức này là thể hiện lòng thành kính, tình yêu thương, quý trọng của người sống đối với người đã khuất. "Từ ý niệm trên đây, mối liên hệ giữa người sống và người chết được tiếp tục duy trì, nhất là đối với cha mẹ ông bà qua đời, thì việc thờ cúng dần dần trở thành một tín ngưỡng - tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên"1. Tóm lại, tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ cúng vật thiêng, sùng bái các hiện tượng siêu nhiên, tạo ra mối liên hệ giữa con người với thế giới tự nhiên. Còn trong thế giới của loài người bên cạnh sự sống cũng xuất hiện mầm móng của bệnh tật, tai nạn, chết chóc… nhưng con người thì bao giờ cũng mong muốn được lưu giữ người thân bên cạnh mình. Do đó, tục thờ cúng Tổ tiên ra đời như là một cách thức nhắc nhở sự có mặt của người đã khuất bên cạnh người thân của mình. Ơ người Việt nó đã nâng lên thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và nó có sức sống lâu đời cho tới ngày nay.

Khi bước vào xã hội phụ quyền, đặc biệt là thời kỳ phong kiến, người đàn ông đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong các hoạt động kinh tế và trong mọi sinh hoạt gia đình. Vì thế, quyền gia trưởng thuộc về người đàn ông. Ơ gia đình người đàn ông đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong các công việc thờ cúng, tế tự… cũng như là trụ cột của kinh tế của gia đình. Con cái mang dòng họ cha và đặc biệt những người con trai kế tục sự nghiệp của cha. Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên xác lập theo dòng họ cha bắt đầu từ đấy. Trong thời kỳ phong kiến, thờ cúng tổ tiên trong gia đình, dòng họ thuộc về người con trưởng, trưởng tộc (con trưởng của dòng trưởng). Họ có vai trò, quyền lực to lớn trong gia đình, dòng tộc. Chính họ là những người quan trọng kế tục việc thực hiện các nghi lễ thờ cúng Tổ tiên trong gia đình, dòng họ.

Với một nền kinh tế thuần nông như nước ta từ bao đời nay, quan niệm về gia đình, dòng họ và các thang bậc giá trị không có sự thay đổi. Người đàn ông trong các xã hội trước đó luôn có một gánh nặng kinh tế chủ yếu trong gia đình và việc nối dõi tông đường. Đặc biệt người con trưởng phải lo các công việc tang ma, thờ tự, hôn nhân, lễ lộc… trong gia đình. Đó vừa là trách nhiệm vừa thể hiện quyền lực của người đàn ông trong gia đình.

Gia đình, làng xóm người Việt là nơi cất giữ kỹ càng truyền thống. Con người trong gia đình, dòng tộc không ai vượt qua cái ngưỡng cửa của "sự chết vào phần kia của đền thờ, vào trong cung thánh. Nhưng người này cũng như kẻ kia đều luôn trú ngụ dưới cùng một mái nhà. Các mối dây đã liên kết họ trong cuộc sống không bị cái chết tháo cởi…các mối dây này trở thành vững mạnh hơnvà trường cửu như việc thờ cúng Tổ tiên. Phải công nhận rằng gia đình, hiểu như thế mang một phẩm giá đặc biệt, một vẻ cao cả khiến người ta cảm kích…"2. Xã hội Việt Nam phát triển một nền nông nghiệp lạc hậu, nhưng bù lại con người trong xã hội đó thường rất coi trọng tình nghĩa; không chỉ đối với người sống mà còn đối với cả người đã khuất. Vì thế tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên được kế tục bền vững. Bởi "Sự hiện diện của Tổ tiên giữa gia đình như thế chẳng phải là một tình trạng hoàn toàn thụ động đâu… các Tổ tiên sau khi đã được dâng cúng đầy đủ những gì thiết yếu vào các dịp lễ lạc, họ sẽ an lòng và bày tỏ sự hiện diện của mình bằng cách đổ tràn ân lộc cho con cháu. Ngược lại, nếu họ chọn chỗ chôn cất không được tốt, hoặc quên cúng lễ cần thiết hay tỏ ra dè sẻn, thì các ngài sẽ báo thù hay trừng phạt những kẻ có tội và khi ấy phải dời hài cốt, cúng lễ, đền tội đối với các vị tổ tiên không được mãn nguyện, thể theo các chỉ dẫn của các thầy địa lý hay thầy phù thủy"3. Tổ tiên chính là mối dây liên kết gia đình, dòng họ. Vì thế tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên đã hình thành và lưu giữ lâu bền như thế từ đời này sang đời khác.

Mặt khác từ khi nước ta tiếp thu Nho giáo của Trung Hoa với việc đề cao chữ hiếu thì việc phụng thờ cha mẹ, thờ cúng tổ tiên trong gia đình, dòng họ thông qua những qui định về lễ thức ngày càng chặt chẽ. Dưới sự ảnh hưởng của Nho giáo trong xã hội phong kiến, vai trò người đàn ông trong gia đình vô cùng quan trọng. Người đàn ông không những có tiếng nói, trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội mà đối với gia đình họ cũng phải gánh lấy trách nhiệm nặng nề với tư cách là trụ cột của gia đình; đặc biệt trong việc phụng dưỡng, hiếu để với ông bà, cha mẹ khi còn sống mà còn có nghĩa vụ thờ phụng khi họ mất đi. Chế độ phong kiến đã ban cho người đàn ông rất nhiều quyền hành ngoài xã hội và trong gia đình. Tuy nhiên trách nhiệm của họ cũng hết sức lớn lao. Dưới chế độ phong kiến ảnh hưởng của Nho giáo Trung Hoa, đặc biệt là việc đề cao hiếu nghĩa, người đàn ông có một phận sự vô cùng lớn lao đối với việc chăm lo cho cuộc sống vật chất của gia đình, hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ và thờ tự Tổ tiên. Tư tưởng hiếu đạo của Nho gia rất phù hợp với đạo lý truyền thống từ bao đời nay của người Việt Nam. Cho nên, qua hàng bao thế kỷ, tư tưởng này vẫn tồn tại và thấm nhuần trong mỗi người con đất nước. Nó không chỉ là một bổn phận đơn thuần mà còn là một thứ tình cảm thiêng liêng không gì thay thế được. Thờ cúng Tổ tiên trong gia đình, dòng họ trở thành một sứ mạng thiêng liêng của thế hệ sau đối với thế hệ trước đã khuất và truyền lại cho con cháu đời sau.

Con người Việt Nam rất trọng tình nghĩa. Vì thế từ khi Nho giáo du nhập vào nước ta với việc chữ hiếu được đề cao như vậy càng khiến cho việc thờ cúng Tổ tiên ngày càng thể chế hóa. Đặc biệt "Suốt thời Lê cho đến thời Nguyễn, đều có lệ khen thưởng những người con hiếu nghĩa "cha mẹ sống lấy lễ mà thờ, cha mẹ chết lấy lễ mà táng". Ơ nhà Nguyễn việc tang lễ và thờ cúng Tổ tiên qui định như là một luật tục khá chi tiết đầy đủ, được tác giả Hồ Sĩ Tân chép thành sách "Thọ Mai Gia Lễ" lưu truyền đến ngày nay"4.

II BẢN CHẤT VÀ MỘT SỐ NGHI LỄ CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN

II BẢN CHẤT CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN

Ở Việt Nam tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên có nguồn gốc từ xa xưa. Nhưng xét về bản chất nó có những biểu hiện cụ thể như sau:

Theo tác giả Toan Anh thì tín ngưỡng "Thờ phụng Tổ tiên không phải là một thứ tôn giáo, mà là lòng thành kính và biết ơn của con người đối với người đã khuất"5. Còn các công trình nghiên cứu của tác giả Đặng Nghiêm Vạn thì cho rằng: "Thờ cúng Tổ tiên là tôn giáo chính thống của người Việt Nam…"6. Ơ một công trình "Về tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay" ông lại viết "Đạo thờ cúng Tổ tiên được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ thờ những người có công sinh dưỡng đã khuất, những người cùng huyết thống, mà còn thờ những người có công với cộng đồng làng xã, đất nước". Ngoài ra tác giả Đặng Nghiêm Vạn trong công trình này cũng đề cập sâu hơn về qui mô, biểu hiện của đạo thờ cúng Tổ tiên: "Đạo thờ thần thành hoàng, dòng họ gia đình thờ tổ tiên. Đạo thờ tổ tiên cũng có thể coi là thờ thần bản mệnh, thần bảo vệ đất nước, quê hương gia tộc".7 Còn tác giả Nguyễn Đổng Chi trong công trình: Nông thôn Việt Nam trong lịch sử - Tín ngưỡng thì nhận xét, tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên "gần giống như một thứ tôn giáo"8. Riêng tác giả Lê Minh thì khẳng định thêm "thờ cúng Tổ tiên ở người Việt không chỉ được biểu hiện ở hai cấp nước và nhà, mà còn thấy sự thờ cúng tổ tiên của cộng đồng làng xã…những tổ tiên trung gian này cũng hết sức quan trọng"9. Tóm lại tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên cho đến hiện tại vẫn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên những khia cạnh mà các nhà nghiên cứu đã đề cập đến đó là sự gợi mở đặc biệt quan trong cho chúng tôi khi nghiên cứu đề tài này.

Trước hết chúng tôi thống nhất với tác giả Nguyễn Đăng duy ở một số vấn đề về thờ cúng Tổ tiên. Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên không phải là một tôn giáo.. Bởi mặc dù nó có những nghi lễ cụ thể nhưng không có những tín điều, giáo lý chặt chẽ cũng như những biểu hiện của việc thờ cúng mỗi nơi có những biến tấu khác nhau từ Bắc vào Nam. Mục đích cuối cùng của việc thờ cúng Tổ tiên không phải là tìm một cứu cánh cho sự chết mà nó thể hiện một sự tin kính, thương yêu của người đang sống đối với người đã chết và hy vọng người chết đi sẽ phù hộ, ban phước lành cho người trong gia đình, dòng họ. Nó "bao hàm một khía cạnh khác là tìm về cội nguồn"10. Do vậy, thờ cúng tổ tiên xét về bản chất nó là một tín ngưỡng, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. Nó không phải là một tôn giáo như nhiều tác giả trong và ngoài nước nhận xét. Bởi ngoài tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên ra thì ở nước ta còn có tín ngưỡng thờ Thần , thờ Mẫu có qui mô rộng lớn hơn nhiều, biểu hiện ở trong làng, ngoài ngõ,và trên bình diện đất nước. Còn thờ cúng Tổ tiên là chủ yếu thờ những người đã khuất trong gia đình, dòng tộc cùng một huyết thống. Người ta làm tang ma, cúng tế, kỵ, giỗ… người thân từ ngày qua đời và nghi lễ đó chỉ giới hạn trong những người cùng họ hàng, huyết quản chứ không mở rộng ra khỏi gia đình, không vượt qua lũy tre làng, vượt qua không gian của ngôi từ đường của dòng họ, nhà thờ tự hay nhà riêng của người quá cố. Tổ tiên theo nghĩa cụ thể của nó là những người đã sinh ra thế hệ con cháu có cùng dòng họ, cùng dòng máu. Chứ không có tổ tiên sinh ra cả một làng, một ấp, một xã… Nói tóm lại bản chất của tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên trong cả nước (ở người Việt) đều mang chung ba khía cạnh sau đây:

"Thờ cúng những người trong cùng dòng họ, máu mủ đã khuất, theo từng đơn vị gia đình, gia tộc…

Nó mang tính chất là một hình thái tín ngưỡng, thờ tự, cúng lễ, cầu mong linh hồn ông bà Tổ tiên "phù hộ" cho hiện thực cuộc sống của con cháu.

Nó cộng thêm khía cạnh uống nước nhớ nguồn. "Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"11.

Còn ở làng kông hề có tổ tiên sinh ra cả làng. Có chăng đó là những người khai làng, lập ấp, những ông tổ các ngành nghề thủ công… thì sự thờ cúng ghi nhớ công ơn của họ không mang tính chất như việc thờ cúng Tổ tiên của dòng họ. Việc thờ cúng đó diễn ra ở đền, miếu và những vị có công trạng lớn như vậy với dân làng thường được phong thần (Thần làng). Họ có thể là những con người thật từng sinh sống ở một đơn vị làng xã theo một dòng họ nhất định. Nhưng trong làng còn tồn tại nhiều họ khác. Sự không cùng huyết thống như vậy của cư dân trong làng xã với những người có công với làng thì rất được tôn kính, thờ phụng nhưng họ không thể là tổ tiên của cả làng. Cho nên, xét tận cùng cái lý đó thì tục thờ Thần làng không thuộc tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên. Nó ở mức độ rộng lớn hơn một gia tộc, một dòng họ với những nghi lễ đặc trưng riêng biệt mang tính chất hội hè, đình đám của cộng đồng ở một làng xã nhất định.

Tuy nhiên, cư dân sống trên đất nước Việt Nam là "Con rồng cháu tiên", được sinh ra từ một bọc trứng. Với truyền thuyết người con trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ lên ngôi vua Hùng, dựng ra nhà nước Văn Lang thì có lẻ vấn đề tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên phải chăng nên xét lại một lần nữa về bản chất của nó?! Bởi lẽ chúng ta có ngày giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 03 âm lịch hàng năm. Trong ngày đó cả dân tộc đều hướng về miền đất của các vua Hùng để dâng lễ, cúng tế như một cách tri ân, nhớ về nguồn cội của mình. Bởi chính họ là Tổ tiên của dân tộc ta.

Ơ đây vấn đề đặt ra không có gì mâu thuẫn với những gì chúng ta đã đề cập ở trên. Bởi chúng ta thống nhất một điều tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên thuộc về một gia tộc, một dòng họ nhất định. Như vậy việc thờ cúng, giỗ chạp, nghi lễ chỉ diễn ra trong khuôn khổ những người cùng một huyết thống. Điều đó hoàn toàn có ý nghĩa thiêng liêng. Nhưng trong cuộc sống của mỗi con người, điều thiêng liêng không chỉ diễn ra trong mỗi gia đình, dòng họ của mình, trong nhà…Nó còn là sự biểu hiện của một thứ tình cảm thiêng liêng đối với quốc gia - dân tộc. Mỗi dân tộc đều có một nguồn gốc, cội rễ của mình. Và do vậy, thờ cúng Tổ tiên ở góc độ này được nâng lên tính chất quốc gia, dân tộc.

Như vậy, vấn đề nảy sinh là tại sao việc thờ cúng Thần làng, những vị có công khai sinh lập ấp, những ông tổ của các ngành nghề thủ công…không phải tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên; trong khi đó việc thờ cúng các vua Hùng ngày mùng 10 tháng 03 hàng năm lại được xem là dịp giỗ Tổ của cả nước. Điều đó có thể hiểu ở góc độ văn hóa truyền thống như là một cách tìm về cội nguồn (uống nước nhớ nguồn). Theo lời Bác Hồ dạy "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải giữ lấy nước". Việc cả dân tộc cùng hướng về nguồn cội với tinh thần đoàn kết đồng bào bảo vệ và xây dựng đất nước là nghĩa vụ tình cảm thiêng liêng của bất cứ một quốc gia - dân tộc nào trên thế giới. Cho nên, ngày giỗ các vua Hùng mang ý nghĩa thiêng liêng của cả một dân tộc. Mỗi một dân tộc tự nhận mình thuộc về một nguồn gốc nhất định, cũng như chúng ta tự hào mình là con rồng cháu tiên vậy. Cho nên ngày mùng 10 tháng 03 như là ngày đặc biệt của dân tộc - con cháu của các vua Hùng, cùng hội tụ về đây để dâng hương tưởng niệm đến công đức của các vị đã khai sinh ra quốc gia - dân tộc. Chúng ta phải luôn ghi nhớ đến điều này và tự hào vì nó. Còn việc thờ Thành hoàng… thường thuộc về một làng xã nhất định. Những ngày lễ bái Thành hoàng thường gắn với hội hè, đình đám. Thành hoàng không phải người sinh ra cả làng hay cả dân tộc. Người ta tôn thờ các vị ấy cũng với một ý nghĩa thiêng liêng thuộc về một đơn vị làng xóm nhất định. Nhưng các vị này không phải là Tổ tiên của một làng nào đó. Cho nên chúng ta mặc dù tự hào từ cái bọc trăm trứng của mẹ Au cơ sinh ra nhưng không thể suy luận theo một logic rằng: từ cùng một tổ tiên đó mà con người sống trên lãnh thổ Việt Nam đều cùng một họ. Bởi lẽ, chúng ta đành rằng có cùng một nguồn cội, nhưng cũng chính từ đó những dòng họ khác nhau được sinh ra. Con người nào sống trên lãnh thổ đó đều thuộc về một gia đình, dòng họ nhất định. Cho nên người Việt Nam bên cạnh niềm tự hào về nguồn gốc rồng tiên của mình thì còn phải có tránh nhiệm, bổ phận thiêng liêng với dòng họ sinh ra mình. Như vậy, bên cạnh ý thực về một nòi giống cao quý thì con người Việt Nam có một ý thức cao độ về tính chất dòng họ, gia đình riêng tư của mình. Điều này đối với chúng ta đặc biệt quan trọng. Bởi chính nơi đó chúng ta được trực tiếp sinh ra và lớn lên. Vì thế, chúng ta phải có bổn phận đối với thế hệ sinh thành ra mình. Một trong những cách biểu hiện của bổn phận con cái đó là thương yêu, chăm sóc, hiếu thảo đối với cha mẹ, ông bà khi còn sống và thực hiện phận sự thờ cúng Tổ tiên khi đã khuất. Cho nên, trong gia đình, dòng họ việc thờ cúng Tổ tiên có ý nghĩa quan trọng nhất. Còn tưởng nhớ cội nguồn trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương đó là một điều hết sức thiêng liêng của mỗi người con trên đất nước này.

II NHỮNG NGHI LỄ CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN

Thờ cúng tiên bắt đầu từ khi ông bà, cha mẹ qua đời cho đến hết năm đời con cháu kỵ giỗ mang tính chất kỷ niệm.

Trước tiên nó bắt đầu từ nghi thức tang lễ khi ông bà, cha mẹ qua đời. Mỗi cộng đồng tộc người sống trên lãnh thổ Việt Nam đều có những quan niệm và những nghi thức riêng về tang lễ. Đối với người Việt (Kinh) tang lễ bắt nguồn từ quan niệm của Phật giáo, Nho giáo và cả Đạo giáo. Cúng lễ bắt đầu khi quan tài còn quàn trong nhà(tính từ lúc thi hài được khâm liệm trong áo quan đã lập bàn thờ thờ hồn bạch người chết, sau đó là lễ phục hồn, lễ chúc thực, lễ đưa tang - đưa linh hồn người chết an toàn về thế giới bên kia). Sau khi mai táng xong thì người ta đưa hồn bạch về lập bàn thờ người mới chết bên cạnh bàn thờ Tổ tiên; phía trên treo bức đại tự viết trên vải với những dòng chữ khác nhau tùy vào vị trí người chết trong gia đình (cha, mẹ, chồng, vợ). Sau đó người việt bắt đầu lịch lễ cúng người chết: lễ cúng cơm hàng ngày, cúng cơm 3 ngày (cúng mở cửa mả), cúng tuần 7 ngày, phải cúng đủ 7 tuần (49 ngày). Cúng 49 ngày để giải toả phần tiểu vũ trụ đã hình thành nên thể xác con người bao gồm có hồn có vía (theo quan niệm của phương Đông người đàn ông có 3hồn 7vía còn người phụ nữ có 3hồn 9vía), để linh hồn đầu thai kiếp khác. Sau khi người chết đi cúng đủ 100 ngày thì thôi không phải cúng cơm hàng ngày nữa. Bởi người ta quan niệm lúc này linh hồn đã có thể tự lập ở thế giới bên kia. Người thân mất đúng một năm thì thực hiện cúng giỗ lần đầu tiên và khi giỗ 3 năm thì con cháu được đoạn tang. Người chết chuyển sang làm người ở kiếp khác trong vòng luân hồi. Sau khi hêt thời gian cúng người chết thì bạch hồn người chết hóa đi, tên cúng cơm được viết vào bài vị, nhập vào hàng bài vị thờ cúng Tổ tiên, nhằm nhắc nhở con cháu nhớ ngày kỵ của ông bà, cha mẹ. Quá trình chịu tang trong 3 năm là để con cháu suy ngẫm, tưởng nhớ một cách chân thành nhất công ơn cao cả của ông bà, cha mẹ đã sinh dưỡng cho mỗi thành viên trong gia đình khôn lớn nên người. Do đó, họ càng ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm thờ cúng Tổ tiên để họ được an ủi linh hồn, thỏa lòng nơi chín suối. Vì thế nghi lễ thờ cúng Tổ tiên vì thế càng có ý nghĩa quan trọng, thiêng liêng hơn. Cúng giỗ Tổ tiên thuộc về trách nhiệm của người con trai cả dòng đích. Nếu trong gia đình người cha đã mất thì con trưởng sẽ kế tục thờ cúng Tổ tiên. Còn nếu người con trưởng cũng mất sớm mà người con trai kế tự còn nhỏ thì "việc thờ cúng Tổ tiên sẽ thuộc về người mẹ trong gia đình. Nhưng nếu người con trai cả chết không có con trai kế tự, mà chỉ có con gái thì người vợ mất quyền thừa kế thờ tự cúng giỗ Tổ tiên nhà chồng. Trong trường hợp này, quyền thứa kế thuộc về các con trai của người em thứ nhất hoặc người em thứ hai"12. Tuy trách nhiệm thờ cúng Tổ tiên chủ yếu thuộc về con cả dòng đích nhưng tất cả con cháu trong gia đình, dòng họ đều phải có bổn phận cùng tham gia vào ngày kỵ, giỗ Tổ tiên.

Việc thờ cúng Tổ tiên quan trọng nhất vào ngày kỵ giỗ, đúng vào ngày ông bà, cha mẹ qua đời. Theo tục lệ, vào ngày giỗ, các con cháu góp giỗ, tụ hội về nhà người con trưởng dòng đích, phụ nữ thì lo công đoạn chuẩn bị thức ăn; đàn ông, con trai thì dọn bàn, sắp xếp cổ bàn cúng gia tiên. Sau đó, con cháu cùng hưởng lễ ăn uống cùng nhau và cùng với khách mời trong buổi kỵ giỗ ông bà, cha mẹ. Trong ngày hôm đó con cháu tụ họp lại bàn lễ vật lên bàn thờ cúng gia tiên và cùng nhau ăn uống cổ lễ, nhắc nhở lại những kỷ niệm với người đã khuất. Tất cả những việc làm đó của con cháu thể hiện sự tưởng nhớ, lòng thành kính thương yêu của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Điều đó làm dấy lên lòng hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ, tổ tiên. Tổ tiên vì thế luôn hiển hiện trong cuộc sống của con cháu trong gia đình không chỉ trong ngày kỵ giỗ mà còn trong các ngày lễ tết trong năm, đặc biệt là ngày tết cổ truyền của dân tộc. Nói tóm lại, trong tâm thức của người Việt thì tổ tiên luôn luôn hiển hiện trong mọi sinh hoạt của cuộc sống con người trong hiện taị.

Bàn thờ gia tiên được thiết chế theo những qui định chặt chẽ. Trong ngôi nhà thì gian giữa là quan trọng nhất, đặt bàn thờ gia tiên. Bàn thờ gia tiên là nơi hết sức thiêng liêng và nó được bố trí theo một trật tự nhất định. Nơi cao nhất của bàn thờ gọi là giường hành, trên đó đặt cổ ngai, trong ngai đặt bài vị Thủy tổ hoặc Tiên tổ chi chủ. Tiếp xuống đặt bài vị kỵ ông - kỵ bà, cụ ông - cụ bà, ông - bà, cha - mẹ. Ngoài ra chỗ đặt bài vị có thể có những bài vị nhỏ thờ nhựng người chết trẻ chưa lập gia đình. Tiếp xuống đặt Còn các gian khác thì cũng phải theo trật tự bố trí chặt chẽ. Tất cả mọi hoạt động của con cháu trong nhà đều diễn ra trước mắt Tổ tiên. Tổ tiên vì thế hàng ngày, hàng đời sống bên cạnh con cháu, theo dõi, dẫn dắt con cháu mọi công việc làm ăn hoạt động của con cháu trong nhà. Ơ những dòng họ lớn quan lại giàu có ngày xưa thì việc thờ cúng tổ tiên không kém việc thờ Thần hoàng. Ngôi nhà gỗ đại khoa được dựng lên để làm nhà từ đường thờ cúng tổ tiên.



1 Nguyn Đăng Duy, Các hình thái tín ngưỡng tôn giáo Vit Nam, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Ni, Năm 2001,Tr 28.

2 Léopold Cadìere, V văn hóa và tín ngưỡng truyn thng người Vit, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Ni, Năm 1997, tr 40.

3 Léopold Cadìere, Sđd,…, Tr 44.

4 Nguyn Đăng Duy, Sđd,.., Tr 31.

5 Toan Anh, Nếp cũ tín ngưỡng Vit Nam, NXB Tp. H Chí Minh, Năm 1992.

6 Đặng Nghiêm Vn, Đim qua tình hình tôn giáo hin nay, NXB KHXH, Hà Ni, Năm 1994.

7 Đặng Nghiêm Vn ch biên, V tôn giáo tín ngưỡng Vit Nam hin nay, NXB KHXH, Hà Ni, 1994, Ttr 315, tr 317.

8 Nguyn Đổng Chi, Nông thôn Vit Nam trong lch s - Tín ngưỡng, NXB KHXH, Hà Ni, 1978.

9 Lê Minh (ch biên), Thc trng văn hóa gia đình Vit Nam, NXB Lao đng, Hà Ni, Năm 1994, Tr 300.

10 Nguyn Đăng Duy, Sđd…, Tr 32.

11 Nguyn Đăng Duy, Sđd…, Tr 38-39.

12 Nguyn Đăng Duy, Sđd…, Tr 56.

About Me

Hochiminh-City, Mien Nam, Vietnam
Tiến sĩ Sử học, giảng viên Truong Dai hoc Khoa hoc xa hoi va nhan van - Đại học Quốc gia TP.HCM