Total Pageviews

Popular Posts

Search This Blog

Followers

Pages

Wednesday, April 20, 2011

SUY NGHI VE CAI CACH CUA QUANG TRUNG

MẤY SUY NGHĨ VỀ NHỮNG CẢI CÁCH CỦA QUANG TRUNG – NGUYỄN HUỆ

Sau khi đuổi 29 vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi, Quang Trung tập trung vào việc củng cố nội trị, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng chính quyền mới, khôi phục, phát triển kinh tế cũng như đặt nền móng cho những cải cách văn hóa, giáo dục.

Trước hết xét ở góc độ chính trị: Nhà Tây Sơn xây dựng tổ chức chính quyền theo mô hình nhà nước phong kiến trước đó. Đó là một thể chế chính trị phong kiến Trung ương tập quyền hoàn toàn phù hợp với thời đại của Quang Trung. Nó không có gì mới mẽ so với trước kia. Vì vậy, ở mặt chính trị, Quang Trung nói riêng và nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ nói chung chưa thể hiện vai trò một cách xuất sắc mang tính chất như là những cải cách táo bạo. Bởi lẻ, tổ chức chính quyền này vẫn mang đầy đủ chức năng của chính quyền phong kiến quan liêu, bước đầu ổn định xã hội từ Trung ương tới địa phương. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách thấu đáo hơn thì việc nhà Tây Sơn được xây dựng lên đó là một niềm tự hào vượt bậc của dân tộc trong thời buổi đất nước đầy rẫy những sự biến động lớn như vậy. Bởi vì, lãnh tụ của phong trào đều xuất thân từ nông dân. Qua một quá trình vận động không ngừng, họ đã thay đổi một cách cơ bản nhận thức từ phong trào nông dân tiến lên lãnh đạo phong trào dân tộc, dần đi vào quỹ đạo phong kiến hoá. Nhưng điều quan trọng là chính quyền Quang Trung xây dựng nên không tách ra khỏi nhân dân, đứng trên hoặc đối lập với họ. Ngược lại, những gì Quang Trung xây dựng đều nhằm mục đích thúc đẩy xã hội phát triển đi lên. Cho nên, nếu chúng ta nhìn nhận đại thể thì dễ thấy rằng những gì mà chính quyền Quang Trung xây dựng nên không khác trước là mấy; đứng đầu Nhà nước là vua, dưới là 6 Bộ, đứng đầu mỗi bộ là quan thượng thư…Nhưng điều ghi nhận được là công cuộc chống ngoại xâm cũng như quá trình xây dựng đất nước đều xuất phát từ những động cơ hoàn toàn tốt đẹp, mong muốn gây dựng một sự nghiệp vẻ vang cho quốc gia-dân tộc. Vì thế, nó ẩn chứa những xu hướng của cải cách.

Về mặt quân sự: Quang trung đã có những cải tổ mới: 1790, Quang Trung sai lập sổ hộ khẩu quy định chế độ tập trung quân lính cũng như phát tín bài cho tất cả dân đinh không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Đây là một việc làm tiến bộ, có ích về mặt kinh tế lẫn an ninh, quân sự. Dưới thời Quang Trung ông đã xây dựng được một lực lượng quân đội hùng mạnh bao gồm: thủy binh, bộ binh, tượng binh, phục binh và kỵ binh với những trang bị vũ khí hiện đại so với bấy giờ; ngoài giáo, mác còn có súng trường, đại bác, hỏa hổ… Tất cả những điều này nói lên sự hùng hậu của nhà Tây Sơn trong chiến tranh trước đó cũng như trong xây dựng đất nước về sau này. Đây cũng là một trong những thế mạnh của nhà Tây Sơn. Nó đóng vai trò trấn áp các thế lực nổi dậy chống đối ở trong nước cũng như răn đe các thế lực muốn xâm lấn từ bên ngoài. Suy cho cùng Quang Trung đã có công xây dựng một tiềm lực quân sự hùng mạnh từ đội quân nông dân tiến lên thành lực lượng quân đội của dân tộc, đánh tan thù trong giặc ngoài trong thời đại của ông, cũng như trấn áp những thế lực phản động trong nước nổi lên chống lại chính quyền Tây sơn. Đó là trường hợp chống đối của Lê Duy Chi (em ruột của Lê Chiêu Thống), hoạt động lén lút ở biên giới Trung-Việt; một số cựu thần nhà Lê âm mưu bạo loạn ở Nghệ An, Hải Dương; hoạt động chống đối của anh em họ Phạm ở Lạng Giang… Nhưng tất cả những mầm móng phá hoại đó bị Tây Sơn Nguyễn Huệ đập tan một phần nhờ vào tổ chức chính quyền vững mạnh. Mặt khác, về mặt tổ chức quân sự, Nguyễn Huệ đã xây dựng được một tiềm lực quân sự hùng hậu đủ sức trấn áp những phần tử, thế lực chống đối trong và ngoài nước. Tóm lại, xét ở mặt quân sự, Tây Sơn đã thực sự có những cống hiến hết sức lớn lao, đặc biệt thông qua hai cuộc chiến tranh chống Xiêm, Thanh…Vì vậy, thời đại Tây Sơn đã thực sự có những cống hiến hết sức to lớn về mặt quân sự: tổ chức quân đội trang thiết bị, vũ khí…mang tính chất như là những cải cách trong đó Quang Trung –Nguyễn Huệ đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Kinh tế: Nhà Tây Sơn có một vai trò hết sức lớn lao trong việc phục hồi và phát triển kinh tế. Bởi lẻ, trải qua một qua trình nội chiến lâu dài ở trong nước, tình hình kinh tế nước ta cuối thế kỷ XVIII hết sức tiêu điều, xơ xác. Chính sách thuế khoá nặng nề cùng với nạn phu phen, lao dịch… đã đẩy nhanh quá trình phá sản hàng loạt của nông dân. Trong đó tình trạng ruộng đất bị hoang hóa rất nhiều. Vì thế, sau khi đại phá quân Thanh Quang Trung lo tập trung giải quyết vấn đề này, để phục hồi nền kinh tế tiểu nông đang bị phá hoại nghiêm trọng. Cho nên, năm 1789, Quang Trung ban hành Chiếu khuyến nông như là một giải pháp tích cực cho trình trạng ruộng đất hoang hóa và dân phiêu tán.

Thời Quang Trung, tình hình công thương nghiệp bị đình trệ hàng thế kỷ cũng được phục hồi.1 Chủ trương của Quang Trung mở rộng thông thương buôn bán với nước ngoài trên cơ sở ổn định và phát triển kinh tế trong nước. Đó là một bước đi hết sức tiến bộ so với sự phát triển của thời đại Nguyễn Huệ. Điều này cho thấy khả năng, sức mạnh và nội lực của triều đại Quang Trung. Bởi lẻ, chủ trương mở cửa này chỉ thực hiện được một khi triều đại được xây dựng trên một nền tảng vững chắc. Uy thế của Quang Trung cùng với những chiến công lừng lẫy trước đó cũng như thành quả bước đầu của công cuộc xây dựng đất nước tạo cho triều đại này một tư thế nhất định trong việc thực hiện đường lối kinh tế mới. Các triều đại phong kiến trong lịch sử với những nguyên do khác nhau luôn luôn e dè vấn đề mở cửa, mua bán, thông thương với bên ngoài. Nhưng chủ trương của Quang Trung cho thấy một sự khởi sắc mới của thời đại. Suy cho cùng, việc phục hồi kinh tế nông nghiệp trong tình trạng tiêu điều, hoang hóa của đất nứơc trước kia cũng là một đóng góp hết sức to lớn trên con đường phục hưng quốc gia-dân tộc. Còn việc đặt quan hệ buôn bán, thông thương với nước ngoài như nhà Thanh, các thuyền buôn phương Tây là một tiến bộ mới đưa nước ta từng bước khẳng định mình trước thời đại.

Như vậy, xét ở góc độ kinh tế, Quang Trung đã đặt một nền móng vững chắc cho sự cải cách được khởi sắc. Những chính sách khuyến nông, chính sách thuế khóa giản dị, bước đầu mở cửa thông thương mua bán với bên ngoài trong khi mới dẹp nạn xâm lấn trong Nam, ngoài Bắc thể hiện một bản lĩnh vững vàn của Quang Trung nói riêng và triều đại của ông nói chung. Vì thế, những đóng góp của Quang Trung là hết sức vĩ đại có thể hiểu như một bước ngoặt của cải cách. Bởi lẻ, xét theo quan niệm hiện thời thì một đóng góp có thể xem như là một cải cách nó phải có sự thay đổi nhảy vọt về chất, thay đổi về cả nội dung lẫn hình thức. Còn xét trong thời đại Quang Trung chỉ tính riêng về mặt kinh tế, nó chỉ là bước phục hồi trở lại những hình thức sản xuất cũ, phương thức sản xuất cũ. Tuy nhiên, về mặt nội dung và cách thức, bước đi nó đã thể hiện những cái mới so với trước. Chính những cái đó, nó làm nô nức lòng dân tộc trong công cuộc xây dựng đất nước cũng như củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào triều đại Tây Sơn. Vì thế những đóng góp trên lĩnh vực kinh tế của Quang Trung là hết sức to lớn và thiết thực. Tính cải cách như chúng ta hiểu theo nghĩa ngày nay – có một sự nhảy vọt về chất không thể hiện một cách thỏa đáng nhưng nó đã đặt nền móng hướng tới cải cách. Nếu lịch sử dành cho Quang Trung chỉ khác đi một chi tiết là ông có thể sống lâu hơn chút nữa thì những đóng góp của ông trên lĩnh vực kinh tế không chỉ có bấy nhiêu đó. Nhưng bánh xe lịch sử không thể quay theo hướng khác được. Do vậy, những gì Quang Trung đặt nền móng trước đó đã không có sự kế thừa. Nhưng không vì thế mà lịch sử có thể phủ nhận những cống hiến của ông.

Nếu ở các lĩnh vực khác luôn luôn có sự xem xét, đắn đo, suy nghĩ và cả những sự tranh cải gay gắt thì các nhà nghiên cứu dường như dễ thống nhất với nhau ở một điểm là những đóng góp của Nguyễn Huệ trên lĩnh vực văn hoá, giáo dục thực sự là những cải cách. Đó là chính sách coi trọng và đề cao chữ Nôm trong giáo dục cũng như trong sáng tác văn chương, các chiếu thư, thi cử…Chữ Nôm mặc dù được xây dựng trên cơ sở chữ Hán nhưng nó đã mang tính cách tân lơn lao, thổi được cái hồn dân tộc vào trong đó. Bởi nó ghi nhận một cách trung thành tiếng nói của người Việt. Cho nên, mặc dù chữ Nôm gặp nhiều sự phản đối nhưng nó vẫn sống trong lòng nhân dân. Lần đầu tiên trong lịch sử Quang Trung đã đưa chữ Nôm vào trong giáo dục, thi cử. Cuối năm 1791, quang Trung cho lập “Sùng chính thư viện” do La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp làm viện trưởng, phụ trách gió dục và dịch chữ Hán ra chữ Nôm.2 Chính sách coi trọng chữ Nôm của Quang Trung nuôi dưỡng một hoài bảo lớn lao là thay thế chữ Hán bằng tiếng mẹ đẻ trong học tập, thi cử, sáng tác văn chương…mà những đại diện tiêu biểu là Phan Huy Ích, Nguyễn Huy Lượng, Lê Ngọc Hân và đặc biệt là Hồ Xuân Hương. Việc phổ cập giáo dục chữ Nôm đã tới tận thôn xã theo Chiếu lập học. Còn nội dung giáo dục mang tính thiết thực, sáng tạo thay cho lối học từ chương xáo rỗng trước đó. Năm 1789, Quang Trung mở kỳ thi đầu tiên ở Nghệ An, đặc biệt thanh toán chế độ khoa cử thối nát thời Lê – Trịnh, cũng như thải hồi về địa phương tất cả những sinh đồ ba quan. Những chính sách trên đây chứng tỏ Quang Trung muốn xây dựng một nền học thuật mới mang tính dân tộc, thoát ly từng bước khỏi nền giáo dục khuôn xáo trước đó.

Đặc biệt đối với tôn giáo, Quang Trung thể hiện một tư tưởng hết sức tiến bộ. Đó là chỉnh đốn lại đội ngũ tăng lữ trong chùa chiền, bắt những kẻ biếng nhác, côn đồ, lưu manh nấp bóng nhà Phật trở về cuộc sống đời thường lao động sản xuất. Riêng đối với đạo Kitô Quang Trung không thể hiện thái độ cấm đạo như các chúa Trịnh-Nguyễn. Ngược lại, ông cho phép các giáo sĩ được truyền đạo, xây dựng nhà thờ và không cho phép ai được xúc phạm đến tính mạng cũng như tài sản của họ. Tất cả, những điều đó cho thấy rằng Quang Trung đã từng bước xây dựng một quốc gia dân tộc với một hình ảnh mới đặc trưng so với sự cai trị bất lực, mục rỗng của các vua chúa Đàng Trong, Đàng Ngoài trước đó. Vì vậy, lịch sử có thể tự hào với những cống hiến của Quang Trung về mặt văn hóa. Bởi chính sự cải cách này đã từng bước khẳng định bản lĩnh quốc gia dân tộc trong thế đối trọng với các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc.

Tóm lại, với những đóng góp như vậy, thời đại Tây Sơn nói chung và Quang Trung nói riêng đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc phục hưng quốc gia-dân tộc. Những đóng góp đó như đã phân tích có cái thực sự là những cải cách, có lĩnh vực Nguyễn Huệ chỉ phục hồi, đặt tiền đề cho sự phát triển. Nhưng suy cho cùng, ông đã thực sự là một người vĩ đại của dân tộc trên bước đường chinh phục các thế lực thù địch trong nước cũng như ngoài nước; đặc biệt thể hiện trong công cuộc xây dựng Tổ quốc về sau này. Tất nhiên có những vấn đề do sự hạn chế của thời đại mà Quang Trung không thể vượt qua được để đi đến cùng của cải cách. Nhưng sự nghiệp của ông để lại đã thực sự to lớn và vĩ đại. Vì thế, chúng ta luôn luôn phải hết sức trân trọng những thành quả đó và hết sức kính phục, học tập người xưa trên con đường khám phá, tìm kiếm những chân giá trị của lịch sử.



1 PGS. TS Nguyễn Phan Quang, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến năm 1884, Tp. HCM, 2000.

2 PGS. TS. Nguyễn Phan Qnang, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến năm 1884, Tp. HCM, 2000

About Me

Hochiminh-City, Mien Nam, Vietnam
Tiến sĩ Sử học, giảng viên Truong Dai hoc Khoa hoc xa hoi va nhan van - Đại học Quốc gia TP.HCM