Total Pageviews

Popular Posts

Search This Blog

Followers

Pages

Sunday, April 1, 2007

ON TAP THI DAI HOC MON SU - PHAN 4 (1954-1975)



CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC (1954 - 1975)

BÀI I: MIỀN NAM CHỐNG CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC CỦA MỸ NHỮNG NĂM 1954 - 1960

1. Mỹ - Diệm phá họai Hiệp định Genève, Cách mạng miền Nam bước vào cuộc chiến đấu mới
- Sau năm 1954, chính quyền Diệm đẩy mạnh các hoạt động đánh phá cách mạng miền Nam.
- Năm 1956 chính quyền Diệm cự tuyệt mọi đề nghị của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về Hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước như Hiệp định Genève quy định.
- Được Mỹ khuyến khích và vạch kế hoạch, Diệm cho bầu cử Quốc hội riêng rẽ ở miền Nam. Đề ra chính sách “tố cộng, diệt cộng” nhằm tiêu diệt Cộng sản ở toàn miền Nam.
- Từ năm 1956-1959, hàng vạn cán bộ đảng viên cách mạng đã bị địch truy lùng, khủng bố, giam cầm, giết chóc, lực lượng cách mạng miền Nam bị tổn thất nặng nề.
- Ở miền Nam, trong những năm 1954-1956, liên tục diễn ra những cuộc mít tinh, biểu tình công khai hợp pháp, đòi thi hành Hiệp định hòa bình, đòi hiệp thương tổng tuyển cử.
- Nhưng chủ trương đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Genève không phù hợp với thực tế ở miền Nam. Bởi chính quyền và quân đội Diệm đang tấn công các lực lượng cách mạng và quần chúng nhân dân yêu nước.
- Do đó, đến cuối năm 1957 các lực lượng vũ trang quần chúng đã tiến lên diệt tề trừ gian, diệt ác phá kềm.
- Như vậy, sau mấy năm đối phó với những âm mưu thủ đoạn tàn bạo của Mỹ - Diệm, Cách mạng miền Nam đã tìm lại con đường cách mạng bạo lực.
- Với sự ra đời của Nghị quyết 15, đường lối và phương hướng đấu tranh của cách mạng miền Nam đã được đề ra một cách rõ ràng.
- Tháng 5/1959 tuyến đường vận tải chiến lược Bắc Nam (Đường mòn Hồ Chí Minh) được hình thành để đưa vũ khí, lương thực và người vào các chiến trường ở miền Nam.
- Được tiếp sức từ miền Bắc, các lực lượng cách mạng miền Nam nhanh chóng phát triển, phong trào đấu tranh được củng cố không ngừng.

2. Đồng khởi - Bước phát triển của cách mạng miền Nam
- Cách mạng miền Nam tuy gặp nhiều khó khăn tổn thất, nhưng khi có Nghị quyết 15 chỉ đạo thì cách mạng phát triển nhanh không gì cản nổi.
- Từ đầu năm 1959, những cuộc nổi dậy diệt ác phá kìm giành quyền làm chủ đã nổ ra trong các huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), Bắc Ái (Bình Thuận).
- Ngày 28/8/1959, tại Trà Bồng (Quảng Ngãi) quần chúng nhân dân có cả đơn vị vũ trang, du kích vừa ra đời, kiên quyết nổi dậy diệt ác phá kềm giành quyền làm chủ. Đến cuối năm 1959, đã có 40 xã của tỉnh Quảng Ngãi được giải phóng.
- Ngày 17/1/1960, sóng Đồng khởi nổi dậy ở các xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh của huyện Mỏ Cày tỉnh Bến Tre, rồi tràn qua toàn Nam bộ.
- Từ Nam bộ, phong trào Đồng khởi dội trở ra Nam Trung bộ, Trung Trung bộ và Tây Nguyên.
- Phong trào Đồng khởi đã giành quyền làm chủ cho hàng triệu người dân toàn miền Nam. Đến cuối năm 1960 vùng giải phóng được mở rộng trên khắp nông thôn, đồng bằng và rừng núi,
- Ngày 20/12/1960 tại vùng giải phóng huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, “Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam” được thành lập
- Mặt trận giải phóng trở thành người đại diện chân chính, duy nhất của nhân dân miền Nam trong cuộc chiến đấu đang tiếp tục.
- Cách mạng miền Nam từ đây bước vào thời kỳ mới, thời kỳ dùng chiến tranh cách mạng chống chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mỹ.

BÀI II:
MIỀN NAM CHỐNG CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC CỦA MỸ NHỮNG NĂM 1961 - 1968

1. Chống chiến lược chiến tranh đặc biệt (1961 - 1965)
- Từ năm 1961, Tổng thống Mỹ Kenedy đã thực hiện ở miền Nam một kế họach chiến tranh mới, chiến lược chiến tranh đặc biệt.
- Chiến tranh đặc biệt lấy quân đội Sài Gòn làm lực lượng chủ yếu, tác chiến theo chiến thuật hiện đại của Mỹ, có hỏa lực mạnh, có lực lượng cố vấn Mỹ chỉ huy.
- Đồng thời Mỹ - Diệm tiến hành bình định bằng quốc sách ấp chiến lược để tách dân chúng ra khỏi lực lượng cách mạng, kiểm sóat dân.
- Ngày 15/2/1961 lực lượng vũ trang quân Giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức ra đời, sau đó Ban quân sự Miền và hệ thống chỉ huy quân sự các cấp ở miền Nam được hình thành.
- Ngày 2/1/1962 chiến thắng Ấp Bắc (Mỹ Tho) đã tác động lớn đến toàn chiến trường miền Nam giai đoạn này.
- Ngày 8/4/1963 Trung ương Cục miền Nam phát động phong trào “thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”.
- Ngày 1/11/1963 diễn ra cuộc đảo chính lật đổ gia đình Diệm - Nhu do nhóm Dương Văn Minh cầm đầu.
- Cuối năm 1964 đầu 1965 những chiến thắng vang dội của Quân Giải phóng ở Bình Giã, An Lão, Ba Gia, Phước Long, Đồng Xoài… liên tiếp giáng cho quân Sài Gòn những đòn chí tử.
- Để cứu vãn tình hình, ngày 8/3/1965 Mỹ đổ quân chiến đấu vào miền Nam.

2. Chống chiến lược chiến tranh cục bộ (1965 - 1968)
- Sau khi thất bại với chiến lược Chiến tranh đặc biệt, Mỹ chuyển sang chiến lược Chiến tranh Cục bộ. Chiến lược chiến tranh cục bộ là một hình thức chiến tranh cao hơn, có lính Mỹ trực tiếp tham gia chiến đấu.
- Ngay khi quân Mỹ đổ vào miền Nam, ta đã chủ trương nêu cao ý chí quyết tâm kháng chiến, không sợ Mỹ và phải đánh Mỹ để tìm ra cách thắng Mỹ.
- Ngày 26/5/1965 Quân Giải phóng đánh thắng trận đầu với Mỹ ở Núi Thành (Quảng Nam). - Ngày 18/8/1965, ta chống càn thắng lợi với Mỹ ở Vạn Tường (Quảng Ngãi). Chiến thắng này khẳng định ta hoàn toàn có thể đánh được Mỹ.
- Từ năm 1966 - 1967 Khắp các chiến trường ở miền Nam, bước chân quân xâm lược đi đến đâu là ở đó chúng bị đánh đòn phủ đầu và bị thiệt hại lớn.
- Bước vào năm 1968, ta tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh cách mạng, làm cho địch chịu những thất bại có ý nghĩa chiến lược trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.

3. Cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968
- Đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968 cuộc tổng công kích tổng khởi nghĩa đã nổ ra trên khắp Nam bộ, trọng điểm là đô thị Sài Gòn.
- Tại Sài Gòn, quân ta đã tiến công và đánh trúng vào hầu hết các cơ quan đầu não trung ương của Mỹ và chế độ Sài Gòn, đặc biệt là: Bộ Tổng tham mưu, Phủ Tổng thống (Dinh Độc lập), Đài phát thanh Sài Gòn, Toà đại sứ Mỹ, Tổng nha cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất…
- Địch bị bất ngờ trước cuộc tiến công gần như đồng loạt của ta, nhưng liền đó chúng đã tập trung lực lượng phản kích.
- Do tương quan lực lượng quá chênh lệch và do sự phối hợp tác chiến không chặt chẽ, nhiều nơi trong nội thành, lực lượng đặc công, biệt động bị tổn thất nặng.
- Cuộc tấn công trong những ngày Tết nguyên đán 1968 đã chứng tỏ những cố gắng lớn của ta khi lực lượng vũ trang cách mạng còn chênh lệch, nhất là ở thành phố và đô thị.
- Đối với địch, cuộc tấn công trong những ngày Tết nguyên đán 1968 đã đánh cho chúng những đòn bất ngờ và gây cho chúng những tổn thất lớn về sinh lực và phương tiện chiến tranh.
- Kết thúc đợt 1 (từ 31/1 đến 28/2/1968) ta đã loại khỏi vòng chiến đấu một bộ phận lớn sinh lực địch và làm thiệt hại lớn hậu cần và dự trữ chiến tranh của chúng.
- Các đợt tấn công tháng 5/1968 và tháng 9/1968 không đạt được mục tiêu đã đề ra, nhưng nó vẫn làm cho Mỹ - ngụy không chủ động đối phó với tình hình và chúng tiếp tục bị tổn thất sinh lực.

BÀI III:

MIỀN NAM CHỐNG CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC CỦA MỸ NHỮNG NĂM 1969 - 1972

1. Chống chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh (1969 -1972)
- Với chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, quân Mỹ vẫn còn vai trò quan trọng ở chiến trường, nhưng quân Sài Gòn sẽ phải thay thế và dần dần trở thành lực lượng chủ yếu.
- Đồng thời thực hiện được Việt Nam hóa chiến tranh, Mỹ xây dựng nhanh cho quân Sài Gòn đủ mạnh thay thế vào các vị trí của Mỹ trên chiến trường miền Nam.
- Sau Mậu Thân, quân dân miền Nam phải trải qua nhiều khó khăn gian khổ và tổn thất để khắc phục những sai lầm, tiếp tục đẩy mạnh kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
- Ngày 6/6/1969, tại vùng Giải phóng ở miền Đông Nam bộ, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập.
- Năm 1970, trên mặt trận Đường 9 - Nam Lào, ta đã tiêu diệt và làm bị thương hàng chục ngàn quân địch, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của chúng.
- Trong đợt phản công năm 1972, quân dân miền Nam đã tiêu diệt, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục ngàn tên địch, thu và phá hủy hàng vạn khẩu pháo.
- Mỹ chủ trương đánh đòn quân sự để ép ta phải nhượng bộ chúng. Ngay sau ngày thắng cử, Nixon cho đánh phá mạnh ở trong vĩ tuyến 20, ồ ạt tuôn đổ vũ khí và viện trợ cho chế độ Sài Gòn,
- Ngày 14/12/1972 chính quyền Nixon thông qua kế hoạch mở cuộc tập kích bằng B52 đánh vào Thủ đô Hà Nội.
- Đêm 18/12/1972 cuộc tập kích chiến lược của chúng bắt đầu.
- Trong 12 ngày đêm ấy bom Mỹ đã giết hại hàng ngàn người dân và làm hàng ngàn người khác ở Hà Nội bị thương
- Trong 12 ngày đêm ấy quân dân miền Bắc đã liên tục chống trả cuộc tập kích của không quân Mỹ, bắn rơi hàng chục máy bay không lực Mỹ, trong đó có 34 chiếc B.52.
- Sáng ngày 30/12/1972, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 và đề nghị nối lại đàm phán ở Paris.

2. Hiệp định Paris
- Hội nghị Paris kéo dài đến gần 5 năm đàm phán, bắt đầu từ ngày 19/5/1968
- Ngày 23/1/1973 Hiệp định được ký tắt,
- Ngày 27/1/1973 Hiệp định được ký chính thức,
- Ngày 28/1/1973 Hiệp định bắt đầu có hiệu lực.
- Hiệp định Paris có 9 chương với 23 điều khoản.
- Nội dung chủ yếu là: Mỹ phải thừa nhận quyền dân tộc cơ bản và quyền dân tộc tự quyết của nhân dân Việt Nam; Mỹ phải đơn phương rút quân, chấm dứt mọi dính líu quân sự ở miền Nam Việt Nam và cam kết đền bù chiến tranh cho nhân dân Việt Nam, phải thừa nhận ở miền Nam Việt Nam một thực tế có 2 chính quyền, 2 quân đội, 2 vùng kiểm sóat và 3 lực lượng chính trị, Mỹ không được can thiệp vào công việc nội bộ của 2 miền Nam - Bắc Việt Nam...
- Hiệp định Paris phản ánh thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam sau 18 năm chống Mỹ cứu nước,
- Hiệp định Paris được ký kết đã tạo ra bước ngoặt căn bản cho cuộc kháng chiến chống Mỹ để giải phóng hoàn toàn miền Nam.

BÀI IV:
TỪ QUYẾT TÂM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM ĐẾN ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

1. Tình hình miền Nam sau Hiệp định Paris
- Ngay khi Hiệp định Paris có hiệu lực, chính quyền và quân đội Sài Gòn chủ trương phá hoại Hiệp định. Quân Sài Gòn đã ồ ạt hành quân lấn chiếm thực hiện cái gọi là “Tràn ngập lãnh thổ”.
- Từ cuối năm 1973, ta kiên quyết trừng trị địch hành quân bình định lấn chiếm, thực hiện đánh trả những hành động chiến tranh của địch ở bất cứ đâu, với hình thức và lực lượng thích đáng.
- Từ giữa năm 1974 những hoạt động tấn công và nổi dậy của quân dân ta ở miền Nam ngày càng mạnh mẽ, làm thất bại các hoạt động bình định của địch và đẩy chúng vào thế phòng ngự.
- Các trận đánh của Quân Giải phóng ở Thượng Đức, Minh Long, Đồng Xoài… vào nửa cuối 1973 chứng tỏ rằng ta có khả năng đánh giải phóng các chi khu, quận lỵ.
- Từ tháng 10/1974 các đô thị miền Nam, nhất là Sài Gòn đã bùng lên cao trào đấu tranh chính trị chống chế độ Thiệu, đòi Thiệu từ chức.

2. Tiến tới đại thắng mùa xuân 1975
- Từ 30/9/1974 đến 8/10/1974, Hội nghị Bộ chính trị (đợt 1) đã được triệu tập để hoạch định kế hoạch 2 năm giải phóng miền Nam (1975-1976)
- Từ ngày 8/12/1974 đến 8/1/1975 Hội nghị Bộ chính trị mở rộng (đợt 2), đã phân tích cụ thể thời cơ lịch sử và khả năng thực tế của ta và địch. Hội nghị nhận định: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.
- Ngay sau đó, chiến thắng Phước Long diễn ra. Với chiến thắng này ra giải phóng hoàn toàn một tỉnh đầu tiên của miền Nam.
- Ngày 10/3/1975 trận tiến công đánh chiếm thị xã Buôn Mê Thuột bắt đầu. Sau 33 giờ chiến đấu, trưa ngày 11/3/1975 ta giải phóng Buôn Mê Thuột.
- Việc kết thúc thắng lợi chiến dịch đầu tiên cho phép ta khẳng định khả năng thực tế giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.
- Ngày 21/3/1975 ta bước vào chiến dịch tấn công Huế. Trước tình thế đó, địch vội rút bỏ Huế; ta tấn công truy đuổi và giải phóng Huế ngày 26/3/1975.
- Ngày 29/3/1975 ta tiêu diệt hoàn toàn căn cứ liên hợp Đà Nẵng, gần 10 vạn binh lính Sài Gòn ở đây cùng với lực lượng địch từ các nơi khác dồn về đã bị đánh tan tành.
- Thắng lợi to lớn và nhanh chóng ở Tây Nguyên và miền Trung cho phép ta chuyển nhanh cuộc tiến công chiến lược sang Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam.
- Ngày 1/4/1975 quân ta bước vào chuẩn bị chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Tư tưởng chỉ đạo là: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, tốc độ phát triển “Một ngày bằng 20 năm”.
- Ngày 14/4/1975 Bộ chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ chỉ huy chiến dịch, đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
- 17 giờ ngày 26/4/1975 cuộc tổng công kích đánh chiếm Sài Gòn bắt đầu, các mục tiêu tấn công ngập chìm trong bão lửa.
- Lúc 11 giờ 30’ ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng biển số 843 của Quân đoàn II đã húc đổ cánh cổng sắt dinh Độc lập. Quân Giải phóng tiến vào, cắm lá cờ giải phóng lên dinh tổng thống chế độ Sài Gòn, Dương Văn Minh thay mặt cho chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

3. Kết quả và ý nghĩa
- Kết thúc một cuộc chiến tranh lâu dài nhất, tốn kém nhất, quy mô nhất, ác liệt dã man nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2.
- Bằng ba đòn chiến lược, ba chiến dịch tiến công kế tiếp nhau, ta đập tan hoàn toàn bộ máy chiến tranh với trên một triệu quân nguỵ.
- Ta đã phá huỷ và thu toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh, cơ sở thiết bị công nghiệp quốc phòng, hệ thống kho tàng, các căn cứ, sân bay, hải cảng.
- Ta đã lật nhào bộ máy nguỵ quyền từ trung ương đến cơ sở thôn xã. Giải phóng hoàn toàn miền Nam với mức tàn phá ít nhất, nhân dân và của cải được bảo vệ ít tổn thất nhất.
- Thắng lợi này của chúng ta còn là thắng lợi triệt để của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, bảo vệ vững chắc những thành quả của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xoá bỏ được mọi trở ngại để đi đến thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, đưa nước ta vào một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên của độc lập, thống nhất xã hội chủ nghĩa.
- Cuộc chiến tranh chống Đế quốc Mỹ xâm lược thắng lợi là kế tục cuộc chiến tranh xâm lược của dân tộc ta để giải phóng Tổ quốc; kết thúc một giai đoạn đấu tranh lâu dài gian khổ đầy khí phách hào hùng của các dân tộc trong nước Việt Nam ta.
- Nhân tố thắng lợi trong chiến tranh là sức mạnh chính trị tinh thần của sự đoàn kết toàn dân; Chiến tranh của ta là chiến tranh nhân dân chính nghĩa chống xâm lược, chúng ta đã tiến hành chiến tranh chính nghĩa nên được nhân dân thế giới ủng hộ.
- Nguyên nhân thắng lợi của cuộc chiến tranh chống xâm lược là 1 bài học quý giá cho các thế hệ.

About Me

Hochiminh-City, Mien Nam, Vietnam
Tiến sĩ Sử học, giảng viên Truong Dai hoc Khoa hoc xa hoi va nhan van - Đại học Quốc gia TP.HCM